CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Bài số 25: Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su (Mt 16, 24-28)

I. DẪN NHẬP

Tiếp tục học hỏi Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề: Giờ này đối với tôi Đức Giê-su là ai? Cùng với lời tuyên xưng của Phê-rô, mỗi người chúng ta giờ này đều có thể xác tín rằng: Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Người được sai đến để dẫn chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu là chính Thiên Chúa. Để giúp ta đạt tới cùng đích tối hậu này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy bước theo Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và bước theo Thầy” (Mt 16,24).  Hôm nay với chủ đề: Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su (Mt 16,24-28), chúng ta cùng tìm hiểu: Từ bỏ chính mình nghĩa là gì? Vác thập giá mình nghĩa là gì? Bước theo Đức Giê-su nghĩa là gì? Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.

II. NỘI DUNG

Sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su ngay lập tức tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Lời công bố về số phận của riêng mình được tiếp nối bằng lời giáo huấn về con đường phải đi của người môn đệ muốn bước theo Người. Người giải thích việc bước theo Người theo chiều kích nhân bản như là con đường cần thiết cho con người để từ bỏ mình, nếu không có con đường này, con người khó tìm được chính mình. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và theo Thầy” (Mt 16,24). Ở đây chúng ta để ý một chút về ba mệnh lệnh của Đức Giê-su. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, hai mệnh lệnh “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình” được dùng ở quá khứ đơn nhằm diễn tả một hành động đơn lẻ, dứt khoát. Mệnh lệnh cuối cùng “theo Thầy” được dùng ở hiện tại nhằm chỉ ra rằng “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình” là những hành động đơn lẻ, dứt khoát, được theo sau bởi một cuộc sống tiếp tục hằng ngày “đi theo” Đức Giê-su.

1. Từ bỏ chính mình nghĩa là gì?

Trước hết, động từ “từ bỏ” thường được dùng để nói về việc từ bỏ cái gì đó hay một ai đó. Tuy nhiên, ở đây động từ “từ bỏ” được thánh sử Mát-thêu sử dụng một cách rất đặc biệt dưới hình thức phản thân, nghĩa là “từ bỏ chính mình”. Để có thể hiểu được việc từ bỏ chính mình thì trước tiên chúng ta xem việc từ bỏ một ai đó nghĩa là gì. Từ bỏ một ai đó có nghĩa là tôi không còn liên quan, không còn quan tâm, không còn trách nhiệm đến người đó nữa. Như thế, từ bỏ chính mình có nghĩa là hãy để mình không liên quan gì đến bản thân mình, nhưng phó mặc bản thân cho mọi nguy hiểm và dám chịu đựng tất cả. Nói một cách khác, từ bỏ chính mình có nghĩa là sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống của mình. “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Giống như hạt lúa mì, “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

2. Vác thập giá mình nghĩa là gì?

Trước tiên chúng ta cần biết rằng, vào thời của Đức Giê-su, thập giá là một hình phạt dành cho tử tội. Người Rô-ma đã sử dụng thập giá để làm nhục kẻ phạm pháp và những kẻ nổi loạn. Cây thập giá tượng trưng cho cái chết đau đớn nhất, bị treo trên ba chiếc đinh từ 6 đến 30 giờ chảy máu cho đến chết, trần truồng trước công chúng cho mọi người xem. Chấp nhận bản ản thập giá, nghĩa là chấp nhận đau khổ, bách hại và ngay cả cái chết. Thế nên, khi Đức Giê-su truyền cho các môn đệ vác thập giá, Người đưa ra thách đố tột cùng với chúng ta là phải từ bỏ mọi sự để theo Người. Không do dự, không rút lui và không hối tiếc. Như trong Mt 10,38, Đức Giê-su thẳng thừng tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.”

Mặc dù thập giá là một đau khổ, một nỗi nhục nhã, nhưng thập giá còn tìm thấy một ý nghĩa nhờ ý định của Thiên Chúa được kiện toàn nơi Đức Giê-su. Qua lời tiên báo cuộc khổ nạn và biến cố biến hình, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ biết rằng thập giá còn là vinh quang của Thiên Chúa. Quả thực, trên thập giá Đức Giê-su được công bố một cách công khai là vua. Đức Giê-su được treo lên cao. Thập giá là ngai của Người, từ đó Người kéo thế giới lại với Người. Từ thập giá, chỗ người triệt để hy sinh chính mình và là chỗ Thiên Chúa toả ra tình yêu đích thực của Người, Đức Giê-su trị vì như một quốc vương thật sự.[1]  Đây chính là vinh quang của tình yêu tự hiến.

3. Bước theo Đức Giê-su nghĩa là gì?

Mệnh lệnh “bước theo” được dùng ở hiện tại. Điều này nhằm diễn tả việc “đi theo” Đức Giê-su không phải là việc nhất thời nhưng là hằng ngày. Nó là một lối sống, một cách sống. Nói cách khác, theo Đức Giê-su không có nghĩa là từ chối chỉ một hay hai điều. Nó có nghĩa là một lối sống nói không với chính mình. Nó có nghĩa là vác thập giá hàng ngày. Theo Đức Giê-su là đưa ra quyết định hằng ngày dâng mình cho Người.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của việc từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Đức Giê-su, chúng ta dừng lại ở một vài điểm giúp ta suy niệm và thực hành.

1. Trước hết, bước theo Đức Giê-su, chúng ta biết đích điểm của con đường thập giá là vinh quang, là hạnh phúc, là sự sống vĩnh cửu. Quả thật, cuộc khổ nạn của Đức Giê-su không chỉ mang vào mình đau khổ của cá nhân, mà cả tất cả mọi người. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là một cuộc khổ nạn mang tính Thiên Sai – một cuộc khổ nạn cùng với chúng ta và cho chúng ta, một khổ nạn nối kết chúng ta bằng tình yêu, và ví thế, trong khổ nạn đó đã nẩy mầm Ơn Cứu Độ, đã hiện nên cuộc chiến thắng của tình yêu.[2]

2. Thứ đến, trên cuộc hành trình vác thập giá mình theo Chúa, chúng ta cần chiêm ngắm khuôn mẫu là Đức Ki-tô, Đấng đã gánh tội chúng ta trên cây gỗ, nơi thân xác Người, để một khi chết cho tội lỗi, chúng ta được sống cho sự công chính (x. 1 Pr 2,21-24). Và như thế, chúng ta có thể cùng với Phao-lô nói rằng: “Phần tôi, chẳng bao giờ tôi vênh vang ngoại trừ trong thập giá Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đóng đinh thế gian cho tôi, và tôi cho thế gian.” (Gal 6,14).

3. Sau cùng, đau khổ là điều mà con người khó tránh khỏi trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, có nhiều người chịu đau khổ, có nhiều người vác thập giá cuộc đời nhưng chưa chắc vì Đức Giê-su. Những người môn đệ được mời gọi chịu đau khổ vì Đức Giê-su; vác thập giá mình và theo Đức Giê-su. Quả thật, chỉ có bước theo Đức Giê-su chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của việc vác thập giá, của việc chịu đựng những đau khổ; chúng ta có thể gánh những thánh giá nặng mà không cảm thấy nặng vì tình yêu của Thiên Chúa đổ đầy tâm hồn chúng ta.

IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP

Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “ Điều kiện phải có để theo Đức Giêsu”.  Ở bài tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Bước đi trong đức tin và hy vọng” (x. Mt 17, 1-8).


[1] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II, tr. 258.

[2] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II. tr. 263.

Scroll to Top