CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 30: Của Cải và Nước Trời (Mt 19, 16-30)

I. DẪN NHẬP

Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Chung thủy trong Hôn nhân và độc thân vì Nước Trời (Mt 19, 1-12). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Của Cải Và Nước Trời” (x. Mt 19, 16-30) với hai phần sau:

– Một là “Cách thức để được sự sống đời đời” (x. Mt 19, 16-22);

– Hai là “Phần thưởng sự sống đời đời thuộc về những người đi theo Đức Giê-su” (x. Mt 19, 23-30).

Giờ đây, xin mời cộng đoàn đến với phần nội dung chi tiết.

II. NỘI DUNG

1. Cách thức để được sự sống đời đời (x. Mt 19, 16-22)

Video bài học

Audio Lời Chúa (Mt 19, 16-30)

Trong tác phẩm Tự Thuật, Thánh Au-gút-ti-nô viết: “con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”[1] Quả thật, bản chất của con người khi được tạo thành luôn khao khát được hưởng sự sống Nước Trời, đó cũng là điều được Thánh sử Mát-thêu trình bày về “một người thanh niên đến hỏi Đức Giê-su về cách thức để được sự sống đời đời” (x. Mt 19,16).

Thay vì trả lời vấn đề của người thanh niên, Đức Giê-su đặt lại cho anh một câu hỏi: “Sao anh lại hỏi tôi về điều tốt này, vì chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi” (x. Mt 19, 17). Câu hỏi của Đức Giê-su nhằm khẳng định Người chính là Đấng tốt lành và “nếu vâng phục điều Người chỉ dạy, anh sẽ được sự sống đời đời”.[2] Trong chiều hướng đó, Đức Giê-su bảo anh hãy thực hành các giới răn “không giết người, ngoại tình, trộm cắp, chứng gian và thờ cha kính mẹ, yêu thương người thân cận như chính mình” (x. Mt 19, 18-19). Tuy nhiên, câu trả lời của người thanh niên thật kinh ngạc: “tất cả những điều răn đó, tôi đã giữ” (x. Mt 19, 20). Dưới sự miêu tả của Thánh sử Mát-thêu, dường như chàng thanh niên là một con người hoàn hảo khi mang trong mình khao khát Nước Trời hay chu toàn, tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa theo luật Cựu Ước. Quả thật, những gì anh “đang có” không thỏa mãn được nhu cầu sống của mình: “tôi còn thiếu điều gì nữa không?” (x. Mt 19, 20b). Trả lời anh, Đức Giê-su đưa ra điều kiện: “hãy đi bán tài sản của anh mà đem cho người nghèo và hãy đến theo tôi” (x. Mt 19, 21). Rõ ràng, bán của cải cho người nghèo chính là cho đi mà không cần được trả ơn, vì người nghèo sẽ không có khả năng đền đáp. Cách sâu xa, cho người nghèo của cải là hành động phát xuất từ chính điều răn: “yêu thương người thân cận như chính mình” (x. Mt 19, 19b). Bởi thế, cách thức để có sự sống đời đời là “tình yêu tự hiến cho đi không cần đáp trả”[2]. Đó cũng chính là điều kiện để được theo Đức Giê-su khi không lấy tiền bạc làm phương tiện đảm bảo cho tương lai, thay vào đó, theo Đức Giê-su chính là Đấng kiểu mẫu của tình yêu trao hiến cho nhân loại. Tuy nhiên, “nghe những lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x. Mt 19, 22). Như vậy, người thanh niên giàu có ước muốn sự sống đời đời, nhưng anh ta không chấp nhận điều kiện và lời mời gọi của Đức Giê-su vì bị rào cản bởi tiền bạc. Để từ đó, anh không trở thành môn đệ của Đấng tốt lành và sự sống đời đời mãi không thuộc về anh.

2. Phần thưởng sự sống đời đời thuộc về những ai đi theo Đức Giê-su (x. Mt 19, 23-30)

Nối tiếp sự kiện người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì của cải đã ngăn chặn con đường anh thực thi theo sự hướng dẫn của Đấng tốt lành, đại diện nhóm 12, Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (x. Mt 19, 27).

Trong câu hỏi, Phê-rô đưa ra một thực tế là, các ông đã không như người thanh niên đã từ khước lời mời gọi của Thầy, mà các ông đã “bỏ nghề nghiệp, cha mẹ để theo Thầy” (x. Mt 4, 20. 22). Nếu như “bỏ mọi sự” là dứt khoát từ khước những gì của cá nhân trong quá khứ thì nó lại là một phép so sánh, chọn lựa giá trị cao hơn, hay là sự đánh đổi những gì các môn đệ đã có để đi theo Đức Giê-su, Đấng kiểu mẫu của sự từ bỏ: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (x. Mt 8, 20). Rõ ràng, các môn đệ chưa biết các ông sẽ được gì khi đi theo Đức Giê-su. Thế nên, Đức Giê-su mạc khải: “đến thời tái sinh, anh em sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Is-ra-el” (x. Mt 19, 28) và “những ai bỏ nhà cửa, ruộng đất hay cha mẹ, con cái vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (x. Mt 19, 29). Mạc khải của Đức Giê-su về phần thưởng cho các môn đệ sẽ có được trong ngày Con Người ngự toà vinh hiển (x. Mt 19, 28), nghĩa là ngày Đức Giê-su hoàn tất chương trình cứu độ con người. Chính vì vậy, phần thưởng của những người từ bỏ để theo Đức Giê-su là sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Kết Luận: Của cải không thỏa mãn được khát khao có được sự sống đời đời của con người. Tuy nhiên, điều làm cản trở con người đến với sự sống chính là mức bộ bám víu vào của cải vật chất như người thanh niên trong bài Tin Mừng. Trái lại, những người từ bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su sẽ được lãnh nhận phần thưởng sự sống vĩnh cửu trong ngày Con Người ngự tòa vinh hiển.

III. SUY NIỆM

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu chủ đề “Của Cải Và Nước Trời”. Rõ ràng, cải vật chất và Nước Trời là hai điều rất giá trị trong đời sống của con người. Ai ai cũng muốn được giàu có ở đời này và được hưởng sự sống đời sau. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã mạc khải cách thức để con người có được sự sống đời đời là “tình yêu tự hiến mà không cần đáp trả” và “từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su”. Thế nên, chúng ta được mời gọi thực thi cách thức đó để xây dựng cộng đoàn và xã hội hôm nay.

“Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”. Nếu chúng ta sử dụng của cải để chia sẻ và đem lại yêu thương cho người khác thì chúng ta đang sử dụng của cải cách khôn ngoan. Nhưng nếu như chúng ta coi tiền bạc là ông chủ, nó chắc chắn sẽ là một ông chủ tồi. Thay vì chọn của cải là trung tâm, chúng ta được mời gọi lấy Chúa là đích điểm, là trung tâm của đời sống. Để từ đó, chúng ta biết cách sử dụng tiền bạc như phương tiện để chúng ta có được sự sống đời đời.

V. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP THEO

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Của cải và nước trời” (x. Mt 19, 16-30). Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Sự tự do và lòng quảng đại của Thiên Chúa”

Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 20, 1–16a

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội


[1] Aurelius Augustino, Tự Thuật (Confession), TT 1, I, 1, chuyển ngữ Phạm Hồng Lam, nxb. Đồng Nai, 2023, tr. 20.

[2] Margaret Davies, Matthew (Sheffield: Sheffield Pheonix Press, 2009), 151.

[3] Thomas Aquinas and Paul M. Kimball, Commentary on the Gospel of St. Matthew (S.l.: Dolorosa Press, 2012), 827.

Scroll to Top