CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 31: Sự tự do và lòng quảng đại của Thiên Chúa (Mt 20,1-16a)
I. DẪN NHẬP
Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Của cải và Nước Trời” (Mt 19, 16-30). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về “Sự tự do và lòng quảng đại của Thiên Chúa” qua bản văn của thánh Mát-thêu chương 20, từ câu 1 đến câu 16a.
II. BỐ CỤC BẢN VĂN
Bản văn này được chia thành năm phần như sau:
[1].Ông chủ vườn nho thuê thợ (Mt 20,1-7).
[2].Ông chủ trả lương (Mt 20,8–10).
[3].Những người vào làm trước nhất phàn nàn về cách trả lương (Mt 20,11–12).
[4].Ông chủ giải thích về cách trả lương (Mt 20,13–15).
[5].Kết luận (Mt 20,16a).
Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 20,1-16)
III. CHÚ GIẢI
1. Vườn nho
Trong Kinh Thánh, vườn nho là biểu tượng cho dân Ítrael trong thời Cựu Ước (x. Is 5,17; Gr 2,21; Tv 80, 9-11) hoặc Hội thánh trong thời Tân Ước (x. Ga 15; Mc 12,1-12; Mt 21,33-39; Lc 13,6-9).
2. Một quan tiền
Một quan tiền tương ứng với giá một ngày công lao động phổ thông thời Đức Giê-su. Việc nhấn mạnh đến tiền lương một ngày công là để dẫn tới thắc mắc của những người thợ vào trước hết và kết luận của ông chủ vào cuối ngày.
3. Giờ thứ 3,6,9,11
Theo cách tính giờ của người Do Thái, ngày hôm nay bắt đầu từ chiều hôm trước (x. Xh 12,18; Lv 23,32; Đnl 28,66; Đn 8,14), nhưng giờ làm việc lại được tính từ tảng sáng. Theo đó, tảng sáng tương đương với 6 giờ sáng; giờ thứ ba là 9 giờ sáng; giờ thứ sáu là 12 giờ trưa; giờ thứ chín là 3 giờ chiều; và giờ mười một là 5 giờ chiều. Ngày làm việc kết thúc vào lúc 6 giờ chiều.
IV. NỘI DUNG
1. Ý nghĩa dụ ngôn thợ làm vườn nho
Thoạt nghe, ta dễ cho dụ ngôn Thợ làm vườn nho này là một câu chuyện được Đức Giê-su tưởng tượng ra. Tuy nhiên, dụ ngôn mô tả chân thực một ngày lao động ở Pa-lét-tin thời của Chúa. Thời đó, vụ thu hoạch nho đến vào cuối tháng 9, khi những cơn mưa ập đến, mọi người phải gấp rút thu hoạch kẻo hoa màu bị hư hại. Thế nên, ông chủ vườn nho phải lo kiếm người làm công từ sáng sớm cho đến tận giờ cuối cùng của chiều tà. Và vào cuối ngày, ông sẽ trả công cho họ. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã khiến chúng ta phải bất ngờ và tự đặt câu hỏi về cách ông chủ mướn thợ, nhất là cách ông trả công. Bởi lẽ, ông dám mướn cả những người “không ai mướn” (x. Mt 20,7) và đã trả công cho họ hơn những gì họ đáng nhận (x. Mt 20,9). Điều đó phản ảnh dung mạo về một Thiên Chúa đầy tự do và quảng đại trong cách Ngài tuyển chọn và ban phát phần thưởng Nước Trời cho con người.
2. Thiên Chúa tự do và quảng đại trong cách Ngài trao cơ hội cho mọi người
Ông chủ đã ra mướn thợ vào những thời điểm khác nhau trong ngày và thỏa thuận với từng nhóm thợ theo như ý ông muốn. Qua cách mướn thợ này, chúng ta thấy ông chủ không từ chối bất kỳ ai, khi chính ông chủ động tìm và mời gọi những người thợ vào làm công cho mình. Đặc biệt hơn cả là cách ông gọi những người giờ thứ 11. Họ là những người lao động làm thuê, thuộc tầng lớp lao động thấp kém nhất, và cuộc sống đối với họ luôn bấp bênh một cách tuyệt vọng. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào việc làm ngẫu nhiên và luôn trong tình trạng gần như chết đói. Với họ, thất nghiệp một ngày là một thảm họa vì họ còn có gia đình, con cái đang chờ ở nhà. Và việc họ đứng đến tận năm giờ chiều là bằng chứng cho thấy họ khao khát công việc đến mức nào. Bản văn còn cho chúng ta biết, họ là những người chẳng ai mướn, nên việc ông chủ gọi những người này biểu lộ lòng tốt, tình thương và lòng quảng đại của ông đối với họ.
Qua cách ông chủ mướn thợ, chúng ta thấy rằng, mỗi người tùy khả năng, sức khỏe; tùy hoàn cảnh, địa vị; không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, thánh thiện hay tội lỗi, đều được Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân ái mời gọi gia nhập để vào làm việc trong “Vườn nho Hội Thánh”.
3. Thiên Chúa tự do và quảng đại trong cách Ngài ban phát phần thưởng Nước Trời
Qua những lời nói và hành động của ông chủ vườn nho, Đức Giê-su chỉ cho mọi người nhận ra một Thiên Chúa tốt lành trong cách Ngài sẽ ban phần thưởng Nước Trời trong tương lai. Đức Giê-su cho thấy phần thưởng sẽ đến trong sự bất ngờ vì đường lối của Thiên Chúa không phải theo đường lối của con người (x. Mt 16,23).
Theo đường lối ấy, trước hết, Thiên Chúa là Đấng công bằng. Ngài sẽ trả công cho chúng ta đúng theo những gì chúng ta đáng nhận được như cách ông chủ vườn nho đã trả cho những người vào làm trước nhất. Vì ai sống làm sao Ngài sẽ trả cho như vậy; chúng ta đong bằng đấu nào, Ngài cũng sẽ đong đấu ấy cho chúng ta (x. Mt 7,2).
Thứ đến, vượt lên trên sự công bằng, Ngài là Đấng giàu lòng nhân ái, đầy quảng đại yêu thương, sẽ ban thưởng Nước Trời cho cả những người bị người khác xem là không xứng đáng. Họ là những người vào làm giờ thứ mười một, những người chẳng ai mướn, nhưng đã được ông chủ xót thương mời gọi vào làm vườn nho cho ông (x. Mt 20,7). Trong Tin Mừng, họ là những người tội lỗi và thu thuế mà Đức Giê-su vẫn thường nói tới với sự quan tâm, và ưu tiên đặc biệt: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Vì thế, ngài không chỉ trả cân xứng với việc đã làm mà còn đong trả cho chúng ta “đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn” (Lc 6,38).
Tóm lại, sự tự do và lòng quảng đại của Thiên Chúa vượt trên sự mong đợi của con người. Ngài dành cơ hội cho tất cả chúng ta, ở những thời điểm khác nhau để tham gia làm việc trong “Vườn Nho Hội Thánh”. Cho nên, ai cũng phải ra sức làm việc, tùy theo khả năng, nhất là làm tròn bổn phận Chúa trao phó và dấn thân vì Nước Trời. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào của chúng ta mà không ban thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, phần thưởng không hoàn toàn tùy thuộc vào công trạng của mỗi người, nhưng tùy thuộc vào sự tự do và lòng quảng đại đầy xót thương của Thiên Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta hơn gấp bội những gì chúng ta đáng được nhận lãnh (x. Mt 19,29).
V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho hôm nay chính là bức chân dung tuyệt vời mà Đức Giê-su phác họa cho ta về Cha Người và cũng là Cha của chúng ta.
Người cha ấy là một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta cách lạ lùng, vượt xa mọi tính toán của con người. Vì thế, chúng ta hãy trọn niềm tín thác vào tình yêu của Ngài, đồng thời mau mắn đón nhận tình yêu ấy để quảng đại chia sẻ với mọi người xung quanh, nhất là những anh em nghèo hèn, khốn khổ.
Ước gì mỗi người chúng ta có thể sống được như chân phước Charles de Foucauld: “Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói: Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt biết chừng nào!” (Chân phước Charles Foucauld).
IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO
Chủ đề hôm nay đã giúp chúng ta nhận nhận ra sự tự do và lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa trong cách Ngài tuyển chọn và ban phát phần thưởng Nước Trời. Trong tuần tới, xin mời cộng đoàn tiếp tục đến với chủ đề: Tham vọng sai lầm và sự phục vụ chân chính. Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 20,20-28.
NGUỒN THAM KHẢO:
[1]. Davies, W. D., & Allison, D. C. (2004) A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew . London (70); New York: T&T Clark International.
[2]. The Gospel of Matthew: Volume 2. 2000, c1975, (W. Barclay, lecturer in the University of Glasgow, Ed.). The Daily Study Bible, Rev. ed. (222). Philadelphia: The Westminster Press.
[3]. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM, TIN MỪNG THEO THÁNH MÁTTHÊU, Học Viện Phanxicô, 2018, tr. 285.
[4]. Giờ Kinh Phụng vụ, ca vịnh 2, Kinh chiều thứ Tư tuần 4 Thường niên.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội