CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 34: Đón tiếp một Đấng Mê-si-a nghèo hèn và khiêm nhường (Mt 21, 1–17)
I. Dẫn nhập
Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Ánh sáng đức tin” (Mt 20, 29–34). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Đón tiếp một Đấng Mê-si-a nghèo hèn và khiêm nhường” (Mt 21,1–17). Bối cảnh của đoạn này là việc Đức Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem cách khiêm tốn trên lưng lừa và đoàn lũ dân chúng chào đón người vào thành Giê-ru-sa-lem.
Để đào sâu chủ đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu ba phần:
– Trước hết là mục đích Đức Giê-su khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trong cách thức nghèo hèn và khiêm nhường” (Mt 21,1-11)
– Thứ đến là vị vua khiêm nhường thanh tẩy đền thờ đang bị nhiễm uế (Mt 21,12-17)
– Sau cùng là cách thức đón Đức Giê-su và để Ngài thanh tẩy tâm hồn chúng ta.
Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 21, 1–17)
II. NỘI DUNG
1. Mục đích Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem với cách thức nghèo hèn và khiêm nhường khi ngồi trên lưng lừa (x. Mt 21, 1-11)
Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã ba lần tiên báo: “Con Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (x. Mt 16,21-22; 17,22-23; 20,17-19). Mt 21,1–17 là trình thuật giới thiệu Đức Giê-su chuẩn bị thực hiện Lời Người đã loan báo nhằm mục đích cứu độ nhân loại.
Trong chiều hướng đó, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận thời gian gần Lễ Vượt Qua, là ngày lễ dân tộc Do Thái sống lại biến cố Đức Chúa đã giải thoát dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ (x. Xh 12,1- 14), Đức Giê-su đi lên Giê-ra-sa-lem là đi về nhà Cha để thực hiện cuộc Vượt Qua đích thực theo dự án của Cha Ngài. Khi xưa, Thiên Chúa đã giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi quyền lực của người Ai-cập, thì nay Đức Giê-su cứu độ nhân loại bằng cách đi vào thành Giê-ru-sa-lem chuẩn bị cho việc chịu chết trên thập giá. Điều kỳ lạ, Đức Giê-su tiến về nhà Cha bằng hình thức cưỡi trên lưng lừa (x. Mt 21, 7). Đối với văn hóa Do Thái, con lừa mang đầy ý nghĩa huyền nhiệm: “nó là con vật biểu tượng cho hòa bình và vị Vua ngồi trên lưng lừa là người chính trực, chiến thắng và khiêm nhu (x. Dcr 9, 9-10)”.[1] “Người là vị vua bẻ gãy cây cung chiến tranh bằng sự nghèo hèn của Thiên Chúa và quyền lực của Người sẽ được trải dài bằng ơn cứu độ cho tất cả mọi người”.[2] Do đó, việc Đức Giê-su ngồi trên lưng lừa hàm ẩn dụng ý Thần học Tin Mừng Mát-thêu. Nếu như đối tượng chiến đấu của Đức Giê-su là ma quỷ kiêu ngạo, thì Đức Giê-su công bố phương thức chiến đấu chống lại nó bằng sự khiêm nhường ngồi trên lưng lừa. Chính vì vậy, Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem để cứu độ nhận loại bằng việc ngồi trên lưng lừa, không chỉ diễn tả bản chất của Người là vị Vua khiêm nhu và hòa bình, nhưng còn diễn tả vũ khí “khiêm nhường” để đối chọi với sự kiêu ngạo của ma quỷ đang thống trị, kìm kẹp sự chết nơi con người.
2. Vị vua khiêm nhường thanh tẩy đền thờ đang bị nhiễm uế (x. Mt 21,12-17)
Đức Giê-su đi vào Thành Giê-ru-sa-lem trong tư cách là vị vua của sự khiêm nhường, thì lạ thay, khi Người đi vào Đền Thờ lại có những hành động dường như diễn tả một con người của sự nóng giận: “đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (x. Mt 21,12).
Nếu như khiêm nhường là “nhường nhịn trong cách đối xử”[3], thì theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “khiêm nhường [ταπεινός – tapeinos] còn được hiểu là người tôn trọng và phục vụ chân lý của Thiên Chúa”.[4] Do đó, sự khiêm nhường của Đức Giê-su không phải là sự nhu mì, nín lặng trước những điều sai trái của những người đang làm nhơ uế Đền Thờ. Vì, Đền Thờ là nơi dành riêng để cầu nguyện, trò chuyện và sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa. Thế nên, Đức Giê-su không cho phép một hình thức buôn bán, đổi trác hay biến Đền Thờ trở thành “sào huyệt của bọn cướp” (x. Mt 21, 13). Mặt khác, trong bối cảnh căng thẳng của việc tẩy uế Đền Thờ, Đức Giê-su đã chữa lành những kẻ mù loà, què quặt (x. Mt 21, 14). Điều này ám chỉ chức năng của Đền thờ không phải nơi buôn bán, nhưng là nơi của lòng thương xót, nơi chữa lành những vết thương tâm hồn và thể xác nhân loại. Đồng thời, cách tinh tế, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận chi tiết: “lũ trẻ reo hò, hoan hô Con vua Đa-vít trong Đền Thờ” (x. Mt 21,15) nhằm mục đích nói đến vai trò của con người ở trong đền thờ là để chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa. Chính vì thế, qua việc thanh tẩy sự nhơ uế của Đức Giê-su dưới trình thuật của Thánh sử Mát-thêu, Thiên Chúa muốn con người trả lại ý nghĩa đích thực cho Đền Thờ là nơi cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa là Cha, là nơi của lòng thương xót chữa lành những vết thương của con người, và là nơi ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa.
Như vậy, Đức Giê-su đã vào thành Giê-ru-sa-lem để thực hiện chương trình cứu độ đỉnh cao của Người bằng vũ khí chiến đấu lại sự kiêu ngạo của ma quỷ là sự khiêm nhường và nghèo hèn của Thiên Chúa. Đồng thời, Người thanh tẩy sự nhơ uế của những người muốn sử dụng đền thờ là nơi trục lợi, buôn bán. Để từ đó, Đền Thờ được trở về với đúng giá trị của nó là nơi con người cầu nguyện, ca tụng và ngợi khen quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa.
3. Cách thức đón Đức Giê-su và để Ngài thanh tẩy tâm hồn chúng ta
Chúng ta vừa tìm hiểu hai điểm chính yếu của đoạn văn Kinh Thánh theo Tin Mừng Mát-thêu. Vậy để đón tiếp Đấng Mê-si-a, chúng ta cần phải làm gì?
Trước nhất, chúng ta noi gương Đức Giê-su khiêm nhường trong lòng, nhìn nhận tất cả mọi sự là của Chúa ban, để từ đó, chúng ta chiến đấu chống lại những lôi cuốn của ma quỷ. Thứ đến, sự khiêm nhường trong lòng không cho phép chúng ta chứa đựng những điều xấu xa trong đền thờ tâm hồn của mình. Quả thật, những dự tính xấu trong trí óc chúng ta sẽ là nguyên nhân dẫn đến hành động xấu cho người khác. Cuối cùng, sự khiêm nhường trong lòng là nơi chứa đựng tâm tình cầu nguyện, kết hiệp với Thiên Chúa và ca ngợi tình yêu của Người dành cho chúng ta.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Đón tiếp một Đấng Mê-si-a nghèo hèn và khiêm nhường” (Mt 21, 1–17) với ba phần chính. Thứ nhất là “Mục đích Đức Giê-su khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trong cách thức nghèo hèn và khiêm nhường” (x. Mt 21,1-11). Thứ đến là “Vị vua khiêm nhường thanh tẩy đền thờ đang bị nhiễm uế” (x. Mt 21,12-17). Sau cùng là “Cách thức đón Đức Giê-su và để Ngài thanh tẩy tâm hồn chúng ta”.
Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Điều răn trọng nhất”.
Mời cộng đoàn vui lòng đọc trước Mt 22,34-40.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
[1] X. Lm. Lg. Đặng Quang Tiến, Tin Mừng Đã Được Loan Báo – Năm A (Mát-Thêu), nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 107
[2] Joseph Ratzinger – ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Đức Giê-su Thành Nazareth, phần II, chuyển ngữ Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.16
[3] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Uỷ ban Giáo lý Đức tin – Ban từ vựng Công giáo, Từ điển Công giáo, nxb. Tôn giáo, 2019, tr. 481
[4] Gerhard Kittel et al., Theological Dictionary of the New Testament, vol. VIII (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1972), 02