Con người cần tới ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng lớn nhất là ơn cứu độ. Thiên Chúa ban ân sủng cho con người qua hai cách chính: trực tiếp và qua các Bí tích.
Chúng ta vẫn cầu xin Chúa điều này điều khác cho mình hoặc cho anh chị em, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Khi lời cầu xin của chúng ta được Chúa nhận lời, Ngài ban ân sủng trực tiếp cho chúng ta.
Thiên Chúa còn ban ân sủng cho chúng ta qua 7 Bí tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập.
Đề tài buổi hội thảo hôm nay: “Thừa tác viên và người lãnh nhận các Bí tích”. Đề tài này có ba điểm chính: Bí tích, thừa tác viên và người lãnh nhận.
I. Bí tích là gì?
“Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Các nghi thức khả giác được dùng để cử hành Bí tích, biểu thị và thực hiện ân sủng riêng của từng Bí tích. Các Bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận có sự chuẩn bị nội tâm cần thiết” (Giáo lý Giáo hội Công giáo [GLCG] 1131).
Số Giáo lý nêu trên mặc dù rất ngắn gọn nhưng tóm tắt toàn bộ đức tin, thần học và huấn quyền của Giáo Hội về các Bí tích từ thời các Tông đồ cho tới thời của chúng ta. Trong phần này, con xin trình bày 4 điểm mà số Giáo lý nêu trên đã đề cập tới:
1. Đức Kitô, Đấng thiết lập các Bí tích;
2. Các Bí tích là dấu chỉ hữu hình diễn tả thực tại vô hình (Thánh Augustinô, +430);
3. Các Bí tích là nguyên nhân ân sủng (Pierre Lombarde, +1160);
4. Các Bí tích vừa là nguyên nhân, vừa là dấu chỉ ân sủng (Thánh Tôma Aquinô, +1274).
1. Đức Kitô, Đấng thiết lập các Bí tích
“Dựa vào giáo lý của các Sách Thánh, vào các truyền thống Tông Đồ và sự đồng tâm nhất trí của các Giáo Phụ, chúng tôi tuyên xưng rằng tất cả các Bí tích của Luật Mới đều do Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thiết lập” (GLCG 1114).
Chúa Giêsu thiết lập các Bí tích như thế nào?
Chúng ta hãy nghe câu trả lời và lời giải thích của 4 vị thánh và cũng là 4 đại thần học, đó là thánh Augustinô (354-430), thánh Albertô Cả (+1280), thánh Bônaventura (+1274) và thánh Tôma Aquinô (+1274).
Theo thánh Augustinô, “Khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Ngài; từ vết thương này tuôn trào các Bí tích, Hội Thánh được khai sinh từ đó”. Như thế, các Bí tích được Đức Kitô thiết lập vì bắt nguồn từ biến cố cứu độ của Thập giá[1].
Thánh Albertô Cả (+1280) kế thừa tư tưởng của thánh Augustinô, phát triển và giải thích theo hướng các Bí tích được thiết lập bởi Đức Kitô lịch sử. Tuy nhiên, có Bí tích, người ta không tìm thấy bằng chứng Thánh Kinh hiển nhiên. Vì thế, một vài thần học gia trong đó có thánh Bônaventura (+1274) đề nghị nên phân biệt hai nhóm Bí tích theo cách thức thiết lập: Các Bí tích được Chúa Giêsu thiết lập trực tiếp như Bí tích Rửa Tội, Thánh Thể, các Bí tích còn lại được Chúa Giêsu thiết lập gián tiếp qua Hội Thánh.
Thánh Tôma Aquinô (+1274) đã tổng hợp các quan điểm trên và đưa ra ý kiến của ngài. Thứ nhất, theo thánh Tôma các Bí tích phải do chính Đức Kitô thiết lập, vì chỉ mình Ngài mới có khả năng liên kết ân sủng của Ngài với một dấu chỉ nào đó[2]. Thứ hai, ngài không đồng ý với cách giải thích của thánh Bônaventura, một số Bí tích Chúa Kitô thiết lập gián tiếp qua Hội Thánh, thánh Tôma cho rằng chính “Thiên Chúa, qua Đức Kitô, xác định những dấu chỉ mà người ta dùng trong các Bí tích”, như thế các lời Bí tích nếu không được thiết lập từng chữ thì ít ra cũng được thiết lập trong ý nghĩa[3]. Nói cách khác, Đức Kitô thiết lập những điều chính yếu, còn các yếu tố khác thì do Hội Thánh quy định.
2. Các Bí tích là dấu chỉ hữu hình diễn tả thực tại vô hình (Thánh Augustinô)
“Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng” (GLCG 1131).
Những dấu chỉ trong đời sống của con người. Con người là một hữu thể có xác và hồn, vì vậy, con người thường dùng các dấu chỉ và biểu tượng để diễn tả tư tưởng, tình cảm và để giao tiếp với người khác, ví dụ: Hoa hồng là dấu chỉ và biểu tượng tình yêu nam nữ. Trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, con người cũng dùng các dấu chỉ và biểu tượng, ví dụ: Dấu Thánh Giá là dấu chỉ của những người tin vào Chúa Giêsu (x. GLCG 1146).
Những dấu chỉ trong thời Cựu ước. Dân Ítraen cũng dùng các dấu chỉ và biểu tượng để diễn tả, ví dụ: Cắt bì là dấu chỉ thuộc về giao ước (x. GLCG 1150).
Những dấu chỉ được Chúa Giêsu sử dụng. Khi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng thường sử dụng các dấu chỉ để minh họa cho lời giảng của Ngài hoặc để diễn tả các thực tại vô hình, ví dụ: Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả mối liên hệ vô hình giữa Ngài với chúng ta: Thày là cây nho, anh em là cành nho (x. Ga 15,1); hình ảnh kho báu, viên ngọc quý để diễn tả về nước trời (x. Mt 13,44-45); hình ảnh men, muối, ánh sáng để diễn tả về vai trò của các Kitô hữu trong thế gian: Anh em là men, là muối và là ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-14; x. GLCG 1151).
Các dấu chỉ Bí tích. Chúa Giêsu dùng các dấu chỉ để thiết lập các Bí tích; ví dụ: Chúa Giêsu dùng bánh rượu để thiết lập Bí tích Thánh Thể; nước để thiết lập Bí tích Rửa tội… “Từ sau Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ Bí tích của Hội Thánh. Các Bí tích của Hội Thánh không xóa bỏ, nhưng thanh luyện, đón nhận sự phong phú của các dấu chỉ và các biểu tượng của thế giới vật chất và đời sống xã hội” (GLCG 1152).
Khi nói về các Bí tích, thánh Augustinô nói như sau: Bí tích là “dấu chỉ hữu hình diễn tả thực tại vô hình”. Thánh Augustinô triển khai tính dấu chỉ của Bí tích theo ba cách (ở giai đoạn này, ngài chỉ đề cập Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể).
Cách thứ nhất, ngài phân biệt giữa hy lễ hữu hình và hy lễ vô hình trong Bí tích Thánh Thể, ngài viết: “Hy lễ hữu hình là Bí tích của hy lễ vô hình; hay có thể nói hy lễ hữu hình là dấu chỉ thánh của hy lễ vô hình”[4]. Như vậy, Bí tích được định nghĩa là dấu chỉ thánh (sacrum signum) để hướng đến một thực tại khác.
Cách thứ hai, ngài giải thích: “Bí tích hệ tại ở việc cử hành để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn tất trong quá khứ nhằm giúp ta hiểu ý nghĩa của thực tại mà ta phải lãnh nhận cách thánh thiện”[5]. Như vậy, các Bí tích không đơn thuần là dấu chỉ hướng đến một thực tại khác, mà quan trọng hơn còn có mục đích diễn tả thực tại này.
Cách thứ ba, ngài giải thích khi so sánh với lời: “Hy lễ hữu hình là dấu chỉ thánh của thực tại vô hình, giống như lời được thốt ra là dấu chỉ của sự vật”[6]. Từ việc so sánh với lời, ngài đã đưa đến nhận định độc đáo: “Các Bí tích không phải là lời hữu hình hay sao?”[7]. Và lời hữu hình này (verba visibilia) được giải thích với Bí tích Rửa Tội: “Lấy lời đi thì còn gì, nếu không phải chỉ là nước; thêm lời vào thì trở nên Bí tích”. Các thần học gia Kinh viện (thế kỷ XIII) sẽ quảng diễn rõ hơn khi dùng phạm trù mô thể và chất thể để diễn tả về các Bí tích, ví dụ: Trong Bí tích Rửa tội, nước là chất thể, công thức rửa tội là mô thể.
Như vậy, theo thánh Augustinô, các Bí tích vừa là dấu chỉ thánh, vừa là cử hành thánh, và vừa là lời hữu hình. Trong các Bí tích có sự liên kết giữa thực tại hữu hình và thực tại vô hình. Chúa Giêsu làm nên sự sự liên kết này, vì vậy các dấu chỉ Bí tích mang lại ân sủng. Điều đó được thánh Augustinô khẳng định mạnh mẽ trong bức thư năm 408: “Nếu các Bí tích không có điểm tương tự nào đó với những thực tại mà các Bí tích ấy làm dấu chỉ, thì nó không còn là Bí tích nữa”[8].
3. Các Bí tích là nguyên nhân ân sủng (Pierre Lombarde, +1160)
“Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng” (GLCG 1131). Sách Giáo lý không nói, “các Bí tích là nguyên nhân ân sủng”, nhưng khi nói “các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng” thì cũng có nghĩa “các Bí tích là nguyên nhân ân sủng”.
Theo thần học gia Pierre Lombarde, “các Bí tích theo nghĩa chặt là dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và là hình thức hữu hình ân sủng vô hình của Thiên Chúa, tới mức độ, các Bí tích có sự tương tự với ân sủng ấy và nó là nguyên nhân của ân sủng ấy”[9]. Và ngài kết luận: “Quả thực, các Bí tích không chỉ được thiết lập để biểu thị ân sủng, mà còn để thánh hóa”, nghĩa là các Bí tích không chỉ là dấu chỉ ân sủng mà còn là nguyên nhân ân sủng. Tiếp nối Pierre Lombarde, thánh Tôma Aquinô khai triển rõ hơn về lãnh vực này.
4. Các Bí tích vừa là nguyên nhân, vừa là dấu chỉ ân sủng (Thánh Tôma Aquinô, +1274)
Các Bí tích là nguyên nhân ân sủng. Theo trào lưu đương thời, thánh Tôma gọi Bí tích là phương dược. Nếu phương dược là nguyên nhân mang đến sức khỏe, thì các Bí tích là nguyên nhân mang đến cho con người sự thánh thiện, nghĩa là ân sủng của Thiên Chúa. Ngài khẳng định, “các Bí tích tạo ra điều mà nó biểu thị”[10]. Từ đó, thánh nhân đã đưa ra ý niệm mới khi coi các Bí tích chỉ là nguyên nhân dụng cụ của nguyên nhân chính là Thiên Chúa[11]. Vì vậy, “các Bí tích không mang lại hiệu quả nhờ sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng nhờ quyền năng của Chúa”[12].
Các Bí tích là dấu chỉ ân sủng. Nếu các Bí tích là nguyên nhân ân sủng thì “ân sủng của Bí tích được hiểu như thực tại chưa hoàn thành”[13]. Vì chưa hoàn thành nên Bí tích không phải là thực tại độc lập, mà là dấu chỉ cho thực tại khác. “Các Bí tích là dấu chỉ theo ba nghĩa đồng thời. Thứ nhất, nhắc lại điều xảy ra trước nó, tức là cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Thứ hai, biểu lộ điều được thực hiện cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn này, tức là ân sủng. Thứ ba, báo trước vinh quang tương lai”[14].
II. Thừa tác viên
1. Từ ngữ “Thừa tác viên”
Thừa: tiếp nhận; tác: làm; viên: người giữ chức vụ. Thừa tác viên: người làm công việc được giao[15].
Trong lãnh vực phụng vụ nói chung và Bí tích nói riêng, thừa tác viên chỉ những tín hữu được Hội Thánh trao cho những công việc phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, ví dụ: cử hành các Bí tích, trao Mình Thánh Chúa….
Giáo Hội phân biệt thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, linh mục và phó tế) và thừa tác viên không có chức thánh (nam nữ tu sĩ và giáo dân).
Giáo hội cũng phân biệt, thừa tác viên thông thường và thừa tác viên ngoại thường. Thừa tác viên thông thường cử hành Bí tích theo năng quyền mà họ có, năng quyền này bắt nguồn từ thánh chức hay quyền tài phán, ví dụ: Linh mục có năng quyền cử hành Bí tích Thánh Thể, năng quyền này bắt nguồn từ thánh chức Linh mục. Thừa tác viên ngoại thường cử hành Bí tích theo năng quyền mà họ được thừa ủy từ người có thẩm quyền, ví dụ: Linh mục không phải là thừa tác viên thông thường của Bí tích Thêm sức, nhưng nếu ngài được Đức Giám mục ủy quyền, ngài có năng quyền cử hành Bí tích Thêm sức, trong trường hợp này, ngài là thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thêm sức.
2. Thừa tác viên
Thừa tác viên chính: Đức Kitô; Thừa tác viên Hội thánh: dụng cụ
Giáo hội thời thánh Augustinô đối diện với vấn nạn: Bí tích Rửa Tội được cử hành bởi những người bội giáo có thành sự hay không?
Thánh Augustinô giải quyết vấn nạn này bằng cách phân biệt, ai là thừa tác viên chính và ai là thừa tác viên dụng cụ của Bí tích Rửa tội. Theo ngài, thừa tác viên chính là Đức Kitô và thừa tác viên của Hội Thánh là người thi hành nhân danh Đức Kitô. Tư tưởng này của thánh Augustinô dựa trên xác tín của thánh Phaolô: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1; x. 2Cr 5,20). Thánh Augustinô giải thích và củng cố thêm cho quan điểm của ngài: “Phêrô rửa tội ư, chính là Đức Kitô rửa; Phaolô rửa tội ư, chính là Đức Kitô rửa; Giuđa rửa tội ư, chính Đức Kitô rửa”[16]. Như vậy, theo thánh Augustinô người cử hành chính là Đức Kitô; các thừa tác viên khác chỉ là dụng cụ mà Đức Kitô dùng để cử hành. Do đó, thánh Augustinô kết luận, Bí tích Rửa Tội được cử hành bởi người bội giáo vẫn thành sự. Nói cách khác, tính thành sự của Bí tích không phụ thuộc vào tính chính thống trong đức tin của thừa tác viên.
Sau thánh Augustinô hơn 8 thế kỷ, thánh Tôma Aquinô giải thích thêm: Thừa tác viên của Hội Thánh chỉ là nguyên nhân dụng cụ của nguyên nhân chính là Thiên Chúa[17]. Vì vậy, “Bí tích không mang đến hiệu quả nhờ sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa”[18].
Tóm lại: “Các Bí tích đều hữu hiệu vì chính Chúa Kitô hoạt động: chính Người rửa tội, chính Người hành động trong các Bí tích để ban ân sủng mà Bí tích biểu hiện” (GLCG, số 1127).
3. Cử hành thành sự và hợp pháp
Hai thuật ngữ “thành sự” và “hợp pháp” mới xuất hiện vào thế kỷ XVI, nhưng thực tại mà hai thuật ngữ ấy diễn tả đã tồn tại trong đời sống Bí tích của Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai. Một Bí tích được cử hành thành sự mới là Bí tích và mới có khả năng sinh hiệu quả; hiệu quả tiềm ẩn của Bí tích thành sự sẽ trở thành hiệu quả đích thực khi Bí tích ấy hợp pháp. Từ nền tảng trên đây, các nhà thần học phân biệt một Bí tích ở ba tình trạng sau đây: thành sự và hợp pháp; thành sự nhưng không hợp pháp; không thành sự và không hợp pháp.
Các yếu tố làm nên tính thành sự và hợp pháp trong mỗi Bí tích có thể khác nhau, nhưng nhìn chung các yếu tố ấy đều liên quan đến ba lãnh vực: nghi thức cử hành, thừa tác viên, người lãnh nhận; nghĩa là một Bí tích được cử hành bởi thừa tác viên có năng quyền; thừa tác viên cử hành đúng nghi thức mà Giáo hội quy định; và người lãnh nhận có đủ điều kiện: đức tin, sự tự do và không bị ngăn trở. Tuy nhiên, đây chỉ là những điều kiện tối thiểu để một Bí tích được cử hành thành sự và hợp pháp, ví dụ: Linh mục có năng quyền cử hành Thánh lễ, năng quyền này bắt nguồn từ thánh chức Linh mục. Nếu một vị Linh mục không bị cấm cử hành Thánh lễ, và nếu vị Linh mục đó cử hành Thánh lễ đúng theo quy định của Giáo hội thì trong trường hợp này, vị Linh mục đó đã cử hành Thánh lễ thành sự và hợp pháp.
Tư cách luân lý của thừa tác viên
Tính thành sự của Bí tích không phụ thuộc vào tư cách luân lý của thừa tác viên. Theo thánh Tôma (+1274): “Bí tích không mang đến hiệu quả nhờ sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa”[19]. Thánh Tôma giải thích thêm: Thừa tác viên của Hội Thánh chỉ là nguyên nhân dụng cụ của nguyên nhân chính là Thiên Chúa[20].
Bản tuyên tín năm 1208 xác định việc thành sự của Bí tích không phụ thuộc tư cách luân lý của thừa tác viên, nhưng phụ thuộc vào điều họ phải làm như Hội Thánh quy định (DS 793).
Ý hướng làm điều Hội Thánh làm
Công Đồng Firenze năm 1439 quy định: “Tất cả các Bí tích được hoàn thành nhờ ba yếu tố: Các sự vật như là chất thể, các lời nói như là mô thể, thừa tác viên cử hành Bí tích với ý hướng làm điều Hội Thánh làm. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này, Bí tích không được hoàn thành” (DS 1312). Như thế, ý hướng của thừa tác viên ảnh hưởng đến tính thành sự của Bí tích. Ý hướng ở đây được hiểu là thừa tác viên phải làm điều Hội Thánh quy định (cum intentione faciendi, quod facit Ecclesia).
Công Đồng Trentô năm 1547 tiếp tục đề cập: “Nếu ai nói rằng khi thừa tác viên thực hiện và trao ban Bí tích, không cần có ý hướng là làm điều Hội Thánh làm. Kẻ ấy bị loại trừ” (DS 1611).
Tuy nhiên, khi nói tính thành sự của Bí tích không phụ thuộc vào đức tin và tư cách luân lý của thừa tác viên người ta quên, đó chỉ là quy định tối thiểu; nghĩa là các yêu cầu này thường được hiểu như yêu cầu tối đa và do đó đánh mất ý nghĩa của Bí tích. Thật vậy, “thừa tác viên không chỉ ý thức thực hiện những nghi thức bên ngoài, mà họ còn dấn thân với hồn tông đồ trong mầu nhiệm mà họ cử hành”[21]. Huấn quyền của Giáo hội đã đề cập tới chi tiết này khi nói về vai trò của thừa tác viên Bí tích Thống Hối. Cha giải tội “phải cầu nguyện và đền tội cho hối nhân, trong khi phó thác họ cho lòng thương xót của Chúa” (GLCG 1466). Hơn nữa, khi nói về thừa tác vụ linh mục, huấn quyền dạy như sau: “Những thừa tác viên này (các linh mục) được tuyển chọn và được thánh hiến nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, qua đó, Chúa Thánh Thần làm cho họ có khả năng hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi-Capitis) để phục vụ mọi chi thể của Hội Thánh. Thừa tác viên có chức thánh là như ‘họa ảnh’ của Đức Kitô tư tế” (GLCG 1142).
Tóm lại:Thừa tác viên của Bí tích nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, vì “trong việc cử hành các Bí tích, toàn thể cộng đoàn đều là người cử hành phụng vụ, mỗi người tùy theo phận vụ của mình, nhưng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong mọi người. Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu, mỗi người theo phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ” (GLCG 1144).
“Khi một Bí tích được cử hành theo đúng ý hướng của Hội Thánh, thì quyền năng của Đức Kitô và của Thần Khí Ngài hành động trong và qua Bí tích ấy, chứ không lệ thuộc sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên” (GLCG 1128).
III. Người lãnh nhận
Người lãnh nhận cần phải có những điều kiện nào để được lãnh nhận ân sủng của các Bí tích?
Đây là những điều kiện tối thiểu: Đức tin, sám hối, tự do và không mắc ngăn trở.
1. Đức tin và sám hối
Theo Thánh Kinh, để lãnh nhận ân sủng của Đức Kitô, người lãnh nhận cần phải sám hối và cần phải có đức tin. Trong thời kỳ sơ khai, Hội Thánh luôn lập lại những đòi hỏi này. Bí tích Rửa Tội gắn liền với đức tin, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Bí tích Rửa Tội gắn liền với lòng sám hối. Trong ngày lễ Ngũ tuần, sau khi nghe bài giảng của thánh Phêrô, dân chúng hỏi thánh Phêrô: “Vậy chúng tôi phải làm gì ? Thánh Phêrô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô; để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,37-38). Hơn nữa, Bí tích Rửa Tội gắn liền với việc lắng nghe Lời Chúa (x. Cv 8,26-40). Bí tích Thánh Thể cũng vậy, việc lãnh nhận Bí tích này cũng đòi hỏi một thái độ nội tâm, một đời sống luân lý nghiêm túc (x. 1Cr 11,17-34).
2. Tự do
“Khi người lãnh nhận Bí tích không có tự do thì việc lãnh nhận ấy có thành sự”? Vấn nạn ấy được đặt ra cách cụ thể bởi Giám mục Humbert d’Arles, năm 1201.
Đức Innôcentê III đã định tín vào năm 1201: “Sẽ là ngược với giáo lý Kitô giáo nếu ép buộc ai đó chấp nhận và tuân giữ Kitô giáo trong khi họ không bao giờ muốn điều đó” (DS 781).
Định tín ấy sau này được Công Đồng Trentô lặp lại năm 1547: “Ơn công chính hóa được ban cho những ai có sự chuẩn bị và lãnh nhận với sự tự do” (DS 1528). Như vậy, tính thành sự của Bí tích phụ thuộc vào sự tự do của người nhận.
3. Ngăn trở
Giáo huấn trên của Đức Giáo Hoàng Innôcentê III năm 1201 được thánh Tôma (1225-1274) diễn tả: “Các Bí tích sản sinh điều mà nó biểu thị miễn là người lãnh nhận không mắc ngăn trở”[22].
Thế nào là ngăn trở về tính thành sự? Các nhà thần học dựa vào định tín trên của Đức Giáo Hoàng Innôcentê III (x. DS 781) để đưa ra quan điểm: Bí tích không thành sự nếu người lãnh nhận hoặc không có đức tin, hoặc không có ý hướng, hoặc không có tự do.
Quan điểm của các thần học gia đã được Hội Thánh ba lần nhìn nhận.
Thứ nhất, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, ngày 10.05.1703, khẳng định: Không thể ban Bí tích Rửa Tội khi người ta không diễn tả rõ ràng đức tin vào Chúa. Không thể ban Của Ăn Đàng cho ai không có đức tin vào sự Hiện Diện của Chúa. Không thể ban Bí tích Xức Dầu bệnh nhân khi họ không có ý hướng lãnh nhận (Bức thư viết cho Giám mục vùng Québec; x. DS 2381-2382).
Thứ hai, Đức Giáo Hoàng Piô IX, ngày 03.08.1860, khẳng định: Bí tích Rửa Tội chỉ được ban cho ai có đủ ba điều kiện là đức tin, sự sám hối và có ý hướng lãnh nhận Bí tích này (Thư gửi Đại Diện Tông Tòa Tche-Kiang; x. DS 2835-2839).
Thứ ba, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ngày 30.03.1898, khẳng định: “Không thể ban Bí tích Rửa Tội cho những ai không diễn tả rõ ràng đức tin vào Thiên Chúa” (DS 3333).
4. Lãnh nhận các Bí tích cách gián tiếp
Khi một người bị ngăn trở về thể lý hay luân lý, không thể trực tiếp lãnh nhận Bí tích thì có thể lãnh nhận gián tiếp không?
Giáo huấn của Giáo hội đã trả lời trong ba trường hợp sau đây:
Thứ nhất, đối với năm Bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh, Thống Hối, không thành sự nếu chỉ lãnh nhận cách gián tiếp. Đặc biệt, với Bí tích Thống Hối, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngày 20.06.1602, đã định tín: “Nhân danh Thiên Chúa, Tòa Thánh kết án và cấm ngặt mệnh đề sau: ‘Được phép xưng tội với một Linh mục bằng cách gửi thư, tin nhắn và nhận lời tha tội của Linh mục vắng mặt này’. Mệnh đề này hoàn toàn sai lạc, nguy hiểm, gây cớ vấp phạm. Tòa Thánh ra lệnh từ nay trở đi mệnh đề này không bao giờ được phép phổ biến trong lớp, trong hội thảo, dù là riêng tư hay công cộng và không bao giờ được bảo vệ luận điểm ấy” (DS 1994).
Thứ hai, đối với Bí tích Thánh Thể, không thể tham dự và lãnh nhận cách gián tiếp nếu không vì lý do chính đáng.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Tông Huấn Bí tích tình yêu (Sacramentum Caritatis) năm 2007, số 57 đã dạy: “Về giá trị của việc tham dự Thánh Lễ bằng phương tiện truyền thông, những người nghe truyền thanh hay xem truyền hình nên biết rằng, theo những hoàn cảnh bình thường, họ không chu toàn luật buộc tham dự Thánh Lễ. Những hình ảnh sống động có thể cho thấy đúng sự kiện, nhưng không thật sự tái diễn sự kiện ấy. Trong khi việc những người cao tuổi và bệnh nhân tham dự Thánh Lễ qua truyền thanh và truyền hình là một điều đáng khen, không thể nói như vậy đối với những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông miễn cho họ khỏi đến nhà thờ và thông phần với cộng đoàn Thánh Thể giữa lòng Hội Thánh sống động”.
Thứ ba, đối với Bí tích Hôn Phối: “Để kết hôn thành sự, hai bên kết ước cần phải có mặt cùng một lúc, hoặc đích thân, hoặc qua người đại diện” (GL 1104).
5. Tham dự tích cực
Đức tin, lòng sám hối, tự do và không bị ngăn trở chỉ là những điều kiện tối thiểu để được lãnh nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban qua các Bí tích. Hơn nữa, theo bản tính của phụng vụ nói chung và các Bí tích nói riêng, các tín hữu phải tham dự vào phụng vụ và các Bí tích một cách tích cực.
Thời các Giáo phụ, các tín hữu tham dự vào phụng vụ, cách riêng Bí tích Thánh Thể một cách rất tích cực. Tuy nhiên, từ thời Trung Cổ cho đến Công đồng Vaticanô II, từ vai trò chủ động, các tín hữu chuyển sang vai trò thụ động. Thật vậy, thay vì “tham dự” Thánh lễ, họ “xem” lễ. Trong Tông hiến Divini cultus, năm 1928, Đức Giáo hoàng Piô XI nói, các tín hữu “xem” lễ như “những khán giả câm lặng”[23]. Mục đích duy nhất cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II và sau Công đồng Vaticanô II là làm cho tất cả các tín hữu tham dự vào phụng vụ một cách tích cực. Điều này được hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vaticanô II (Sacrosanctum Concilium) đề cập tới 17 lần (SC 10-12. 14. 19. 21. 30-31. 36. 38. 40. 54. 63. 78-79. 101. 104).
Tại sao các tín hữu phải tham dự tích cực vào phụng vụ?
Theo thánh Ciprianô, khi tham dự Thánh lễ, các tín hữu lãnh nhận Mình Chúa Kitô, cùng lúc ấy họ gia nhập Giáo hội, Thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Nói cách khác, theo ngài, Bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội[24].
Theo thánh Augustinô, các tín hữu phải tham dự tích cực vào phụng vụ nói chung và các Bí tích nói riêng vì họ là con của Chúa Cha và con của Mẹ Giáo hội[25].
Hiến chế Phụng vụ, số 14 khẳng định: “Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1P 2,9; x. 2,4-5).
Kết luận
Chúa Giêsu thiết lập các Bí tích để trao ban ân sủng cho nhân loại (x. GLCG 1131). Về phía các thừa tác viên, Bí tích sẽ được cử hành thành sự và hợp pháp khi các thừa tác viên cử hành đúng theo quy định của Giáo hội, nghĩa là làm điều Hội Thánh làm. Về phía người lãnh nhận, nếu có đức tin, lòng sám hối, tự do và không bị ngăn trở, họ sẽ được lãnh nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ qua các Bí tích. Tuy nhiên, vượt lên trên những điều kiện tối thiểu nêu trên, Giáo hội mời gọi các thừa tác viên có chức thánh cũng như không có chức thánh hãy cử hành các Bí tích với đức tin sống động, với sự chuẩn bị tốt nhất và với hồn tông đồ. Giáo hội cũng mời gọi tất cả các tín hữu hãy tham dự vào phụng vụ và các Bí tích một cách tích cực (x. Hiến chế Phụng vụ 14).
Lm. Giuse Đào Hữu Thọ
[1] x. Saint Augustin, Chú giải thánh vịnh 126; x. A. Ganoczy, La doctrine catholique des sacrements, Paris, Desclée, 1988, tr. 49.
[2] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 64, a. 2.
[3] Thánh Tôma đang nói về lời tha tội. x. Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 84, a. 3.
[4] St Augustin, La Cité de Dieu, Dei, X, 5, Desclée de Brouwer, 1959, tr. 440.
[5] x. Lettre 55, n°2, Vienne, Golbacher, 1895, tr. 170.
[6] x. Saint Augustin, La Cité de Dieu, Dei, X, 5, Desclée de Brouwer, 1959, tr. 494.
[7] x. Saint Augustin, Contre Faustum, livre XIX, n° 16, Vienne, J. Zycha, 1891, tr. 513.
[8] Saint Augustin, “Lettre à Boniface, Évêque de Cataque, sur le baptême des petits enfants”, in La Maison Dieu 89, 1967, tr. 18.
[9] Petri Lombardi, Libri IV Sententiarum, Ad Claras Aquas, propre Florentiam, Ex Typographia Collegii S. Bonaventurae, 1916. tr. 746.
[10] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 62, a. 1, sol. 1.
[11] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 62, a. 1, sol. 3.
[12] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 68, a. 8, rép.
[13] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 62, a. 3, sol. 3.
[14] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 60, a. 3, concl.
[15] Tiểu ban Từ vựng – Ủy ban Giáo lý đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
[16] Augustin, Traité sur l’Évangile de Jean, 6, 5-8.
[17] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 62, a. 1, sol. 3 và q. 64, a. 5, rép.
[18] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 68, a. 8.
[19] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 68, a. 8.
[20] Thomas d’Aquin, Somme théologique, q. 62, a. 1, sol. 3 và q. 64, a. 5, rép.
[21] E. Schillebeeckx, Le Christ, sacrement de la rencontre de Dieu, Paris, Cerf , 1997, tr.117.
[22] Thomas d’Aquin, Sur le livre IV des Sentences, D.1, Q.1, a. 5.
[23] Costituzione apostolica Divini cultus, 20/12/1928 (9); AAS 21 (1929), p. 40.
[24] x. Cv 9, 1-6
[25] Augustinô, Sermo 56, 5, Verbraken, RBén 68, 28, 70 – 29, 73.
Lm. Giuse Đào Thọ Hữu