Bao giờ cho đến ngày xưa…

Tháng Mười, trời thu đẹp đến lạ. Vẻ đẹp ấy không chỉ được họa nên bởi cảnh sắc đất trời, nhưng còn bởi nét đẹp của chuỗi mai khôi trên tay các tín hữu, trên tay các bà, các mẹ trong nguyện đường, nét đẹp của lời kinh Kính Mừng râm ran trong căn nhà nhỏ mỗi dịp tháng Mân Côi về.

Đây là nội dung chính trong cuộc trò chuyện của tôi với bà – người thuộc thế hệ cha anh đi trước – về những mảnh ghép của truyền thống, lịch sử hay những việc đạo đức trong Giáo hội. Bà hăng say kể lại những câu chuyện thú vị về cách thức sống và giữ đạo bình dân thời xưa, những ngày mà cả làng tập trung đến một nhà cùng đọc kinh Mân Côi, trò chuyện vui vẻ vang trời; những ngày mà đám con nít dùng dây thừng thắt nút thành tràng chuỗi, cùng “thi đua” lần hạt, ngay cả khi đi chăn trâu cắt cỏ; ngày mà tụi nhỏ chưa “sáng banh mắt” ra đã bị dựng dậy lần hạt cùng ông bà, vừa lần vừa ngủ gật… Trong câu chuyện của bà, tôi thấy sáng lên ánh mắt niềm vui và hứng khởi của hoài niệm. Nhưng, khi trở lại thực tại, bà quay mặt, giấu nhanh một tiếng thở dài: Bao giờ cho tới ngày xưa…

Quả thật, nỗi lo của bà cũng đúng thôi. Xã hội hiện đại dường như đang cuốn con người vào vòng xoáy vô hình của thời gian và hiệu suất công việc với những bận rộn của cuộc sống mưu sinh. Đôi khi, người ta bận đến mức “quên” Chúa. Nhiều khi, họ tham dự Thánh lễ hay thực hành các việc đạo đức chỉ dừng lại ở hình thức, chưa chú trọng đến chiều sâu và ý nghĩa. Tràng chuỗi mân côi, với ai đó, là một khái niệm xa lạ! Việc đọc kinh chung trong gia đình, với một số người, là chuyện không dễ sắp xếp, bởi mỗi người mỗi khung giờ làm việc và học tập khác nhau!

Bà! Con biết, bà là “dấu gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị cổ truyền và tân thời. Và con cũng biết, bà đang có chút tiếc nuối quá khứ, khi tận mắt chứng kiến một số giá trị tinh thần mình đã cố gắng kiến tạo giờ đây đang bị bụi mờ của thời gian phủ lấp. Trước sự hối thúc gấp gáp của quỹ thời gian cuộc đời, bà băn khoăn lo lắng về tương lai cho con cháu. Liệu chúng có giữ đạo cho trọn?

Bà ơi, con tin chắc, với sự chín chắn mà thời gian phú tặng cho bà, bà cũng từng kinh qua nhiều gian truân, đau khổ và nhận ra những quy luật bất biến của cuộc đời. Không ai có thể tiến tới ngày mai mà không trải qua những giây phút hiện tại. Chính ngày xưa là “bản thảo” của ngày hôm nay, là nền móng để xây dựng những giá trị mới. Không ai khác, bà và thế hệ trẻ chúng con, qua hành động và công việc hay cách sống đạo thường nhật, đang là những người viết tiếp trang sử của cuộc đời, của xứ đạo, của Giáo hội…

Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus đã từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Quả vậy, trên đời, mọi sự đều biến thiên. Quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” dường như chi phối mọi loài thụ tạo. Tuy nhiên, chúng không nằm ngoài bàn tay quan phòng và thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Do vậy, việc kêu gào tiếc nuối quá khứ không phải là giải pháp của người thông thái. Điều quan trọng là tinh tế nhận ra “đường đi” của Chúa Thánh Thần hay dấu chỉ thời đại trong mỗi sự việc và biến cố.

Để đáp lại những lời kể hăng say của bà, con cũng mạnh dạn thưa với bà những mảnh truyện nho nhỏ mà con nhận thấy trong cách thức thực hành đức tin của thế hệ chúng con. Con thấy các em nhỏ, tay cầm cuốn truyện tranh về chuỗi mân côi, không học thuộc lòng cách vô thức, nhưng cố gắng tư duy và sắp xếp các biến cố theo một trình tự logic, dễ nhớ… theo các sự kiện trong cuộc đời Đức Giê-su. Trong thế giới phẳng 4.0, con còn thấy các bạn trẻ khắp nơi kết nối với nhau bằng việc lần hạt qua một ứng dụng trên điện thoại, cùng cầu xin một ơn cần thiết cho thế giới. Con cũng thấy một gia đình trẻ, khi lên Hà Nội làm ăn sinh sống, cho dù bận rộn bởi công việc học hành, kinh doanh… nhưng trước khi đi ngủ, cả gia đình vẫn tập trung lần hạt một chục và suy niệm Lời Chúa. Và còn biết bao gương sống hay cách thức giữ đạo nữa, cho dù vẫn giữ nét truyền thống hay có sự cách tân mà con không biết. Tuy nhiên, con biết và tin chắc một điều: Lời cầu nguyện có sức mạnh biến đổi! Chúng con cần nhiều đến lời cầu nguyện qua tràng chuỗi mân côi của bà, để chúng con có thể giữ vững đức tin trong xã hội với nhiều thách đố về sự tục hóa, chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ hôm nay.

Qua tràng chuỗi mân côi, Mẹ Ma-ri-a nối kết sự khác biệt giữa các thế hệ, làm cho dòng chảy thời gian được tiếp tục, bởi tất cả chúng ta đều tiến trên con đường hướng về cùng đích là Thiên Chúa, chỉ có điều là người trước, kẻ sau mà thôi.

HHQ

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top