Hướng tới mùa Chay thánh, ngày 11-2-1966, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã gửi cho các linh mục và giáo hữu trong địa phận Hà Nội một bức thư nhỏ nhắc nhớ tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong mùa Chay, và giữ thói lệ tốt đẹp của địa phận là ôn lại kinh bổn và thi.
—————————-

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
THÔNG CÁO CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
BỨC THƯ NHỎ GỬI CÁC LINH MỤC VÀ CÁC GIÁO HỮU ĐỊA PHẬN HÀ NỘI
Số 1/1966
Kính thưa các Cha
Anh chị em thân mến
Mùa Chay mùa thương khó đã gần đến, đây là dịp tiện để các Cha và anh chị em thực hành lời tôi đã khuyên nhủ dịp đầu năm về sự cầu nguyện và sự học đạo lý, dạy đạo lý nên tôi muốn nói chuyện với các Cha và anh chị em một lần nữa về những điều ấy.
Các Cha và anh chị em đã biết: không phải hễ đọc kinh ra tiếng người khác nghe thấy mới là cầu nguyện, nhưng nghĩ tưởng trong lòng, đem lòng đem trí lên cùng Chúa đã là cầu nguyện rồi. Hơn nữa tôi muốn nói rằng: làm việc lành, ví dụ làm phúc cho người nghèo an ủi người đau khổ cũng là cầu nguyện. Xưa Thánh Thiên Thần Raphael bảo ông Tôbia rằng: “Khi ông cầu nguyện nước mắt chảy ra và khi ông chôn xác kẻ chết, khi ông bỏ bữa ăn, giấu xác người chết trong nhà ban ngày và khi ông chôn những xác ấy xuống đất ban đêm, tôi vẫn dâng lời cầu nguyện của ông lên Chúa”. Thánh Thiên Thần nói như thế là coi các việc lành của ông Tôbia làm cũng là lời cầu nguyện. Thực ra việc lành nào chẳng kỳ cũng có sức xin Chúa ban ơn lành cho ta, việc lành ta làm như là tiếng kêu van cho ta, cũng như mọi việc dữ ta làm là như tiếng kêu Chúa oán phạt ta, như chính Chúa đã phán bảo Cain rằng: “Tiếng máu em ngươi kêu thấu từ đất tới đến Ta”. Chúng ta cũng có thể hiểu lời Thánh Thiên Thần về ý này nữa là: Lời cầu nguyện của ông Tôbia với nước mắt chảy ra, có nhiều việc lành khác đi kèm thật là lời cầu nguyện đáng Chúa nghe, nên Thánh Thiên Thần đã dâng lên trước Tòa Chúa. Chính Thánh Thiên Thần cũng đã nói với ông Tôbia rằng: “Lời cầu nguyện hợp với sự ăn chay có sức mạnh hơn”.
Các Cha và anh chị em đã rõ: Các giáo hữu quý trọng Mùa Chay, mùa thương khó lắm. Trong mùa này chúng ta cầu nguyện nhiều và sốt sắng hơn, chúng ta yêu thích ngắm sự thương khó Chúa, chúng ta ăn năn hãm mình, cầu nguyện nhiều và sốt sắng là sự đẹp lòng Chúa lắm. Thích ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu là biết ơn Chúa, yêu mến Chúa là đau đớn ghét tội, nước mắt chảy ra vì thương Chúa, vì ghét tội, có lẽ nào Chúa không bằng lòng.
Ăn chay hãm mình là chia sẻ sự đau đớn Chúa, vác khổ giá đỡ Chúa, Chúa bằng lòng hơn nữa. Nếu các sự ấy hợp với nhau sẽ là một lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa lắm, có sức mạnh trước mặt Chúa lắm.
Trong Mùa Chay, mùa thương khó này, chúng ta sẽ dâng lên Chúa nhiều lời cầu nguyện như vậy, chúng ta cũng sẽ chịu khó học đạo lý, dạy đạo lý.
Các Cha và anh chị em đã biết: Trong Địa phận, từ lâu năm đã có thói quen và là lệ nữa, trong Mùa Chay, mùa thương khó các giáo hữu ôn lại kinh bổn và thi. Anh chị em hãy giữ như vậy, lại nhớ dạy đạo cho người khác nhất là cha mẹ dạy đạo cho con cái.
Trong Mùa Chay, mùa thương khó, thường các Cha cũng giảng dạy nhiều hơn. Xin các Cha cứ làm như vậy.
Lại xin các Cha nhớ giảng bổn cho giáo dân hoặc trước lễ hoặc sau lễ theo thông cáo ngày 9-4-1965. Trước lễ, các Cha nên lấy khá giờ để giảng dạy giáo dân hơn là giải tội cho mấy người. Sau Phúc âm các Cha nên giảng mấy lời (có khi buộc giảng nữa) để giải nghĩa bài Phúc âm hay bài thánh thư hay là một câu nào thuộc về bài lễ hôm ấy. Bài giảng này thuộc về thánh lễ nên các Cha càng phải lo giảng cách xứng đáng, hợp ý Chúa.
Nhưng có một điều cần làm đời xưa các giáo hữu đã làm nhiều, mà thời nay chúng ta chưa làm đủ cần làm thêm, đó là sự nghe lời Đức Chúa Trời, lời Thánh kinh. Lời Đức Chúa Trời cao trọng và có sức lạ lùng, lời người trần không sánh lại được. Hội thánh muốn cho giáo hữu nghe lời Đức Chúa Trời, nhất là trong Mùa Chay, mùa thương khó, vì thế trong Mùa Chay mùa thương khó, hằng ngày trong thánh lễ có bài thánh thư, bài Phúc âm riêng. Hơn nữa, vì muốn cho giáo dân nghe hiểu những bài ấy, Hội thánh đã sửa đổi luật phụng vụ, ban phép cho các Cha khi làm lễ được đọc các bài ấy bằng tiếng bản quốc. Đây là một điều thay đổi sẽ sinh ích lợi lớn lao cho giáo dân, xin các Cha đừng coi thường. Vậy khi các Cha làm lễ, mà có đông giáo dân dự lễ, dù là ngày thường xin các Cha đọc hai bài ấy bằng tiếng Việt Nam, hoặc đứng trên bàn thờ, hoặc xuống hẳn câu lơn quay mặt về giáo dân mà đọc. Đọc như vậy là đọc bài về thánh lễ, là làm lễ, không phải là giảng, cho nên dù có đọc như vậy trong hai ba lễ liền, giáo dân sẽ vẫn bằng lòng nghe, không dám trách các Cha giảng mãi một bài. (Tôi không có ý trách sự giảng lại một bài nhiều lần, tôi lại nghĩ, giảng lại một bài nhiều lần cũng tốt, như thế giáo hữu mới nhớ). Hơn nữa lời đọc trong thánh lễ như vậy sẽ có sức đi sâu trong tâm hồn giáo hữu.
Nếu các Cha xuống hẳn câu lơn mà đọc, các Cha sẽ ở lại đấy, giảng xong mới về bàn thờ, đọc thánh thư xong, các Cha cứ quay mặt về phía giáo dân mà đọc Graduale, Alleluia…đoạn quay mặt về bàn thờ cúi sâu đọc Munda cor meum…Jube…rồi quay mặt về giáo dân đọc Dominus vobiscum…và Phúc âm.
Nên đặt một cái bục cao gần câu lơn để đứng lên đấy mà đọc sách hay là giảng.
Xin các Cha phải nhớ đọc theo bản dịch trong sách lễ. Hiện tại các Cha có thể viết ra một tờ riêng mà đọc. Nên cặp vào một cái bìa lớn đẹp, xứng đáng, dễ cầm mà đọc.
Tôi hy vọng các Cha và anh chị em sẽ cẩn thận thực hành lời khuyên nhủ của tôi.
Tôi chúc mọi sự lành cho các Cha và anh chị em, xin các Cha và anh chị em nhớ cầu cho Đức Cha phó và cho tôi.
Trong thành phố Đức Mẹ
Ngày lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức (11-2-1966)