Chúa Giêsu cầu nguyện cho mình và môn đệ – Chúa Nhật VII Phục Sinh A

 CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN CHO  MÌNH VÀ CHO MÔN ĐỒ

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

(Ga 17, 1- 11a)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Trong mức độ nào, “lời nguyện thượng tế” này đã được Chúa Giêsu thực sự phát biểu? Phải chăng đây là bản sao từng chữ những lời Chúa Giêsu đã nói? hay chỉ là một bài kinh do thánh sử góp nhặt soạn ra?

2. Gọi lời kinh này là “lời nguyện thượng tế” có đúng không?

3. Lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha hãy tôn vinh Người phải chăng hơi vụ lợi?

4. Phải hiểu câu 3 thế nào?

5. Phải hiểu ra sao lời Chúa Giêsu nhắc đến “vinh quang mà Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian” (c.5) ? Có đúng là lời nhắc đến sự tiền hữu đời đời không ?

6. Chúa Giêsu đã dùng danh nghĩa nào để phó thác môn đồ mình cho lòng nhân ái của Thiên Chúa (c. 6- 8) ?

7. Khi Chúa Giêsu bảo rằng Người không cầu xin cho thế gian, thì phải hiểu chữ “thế gian” này theo nghĩa nào?

CHÚ GIẢI

1. Cả hai diễn từ giã biệt đều kết thúc bằng cùng một lời nguyện ca tụng việc tôn vinh Chúa với cung giọng long trọng và tràn đầy hân hoan. Một khi thốt lên lời “Ta đã thắng thế gian” (16, 33) thì Chúa Giêsu đã vượt qua ngưởng cửa của vĩnh cửu. Vì vậy lời nguyện này phải được coi như là một kinh Tiền Tụng phụng vụ mà Chúa đã đọc hay hát cách long trọng vào chính lúc Người đi vào vinh quang của Người. Thánh Gioan cho Chúa nói như thể Người đang còn trong thế gian (17, 13. 19) nhưng đồng thời như thể đã rời bỏ thế gian rồi (17, 4. 11 . 12. 18) Trong tâm trí thánh sử thì Chúa Con trở về trong lòng Chúa Cha khi hát lên bài ca hoan lạc ấy (1, 18 ; 13, 1- 3).

Nhìn vào cách trình bày lời nguyện thiên giới này, ta thấy phải loại bỏ ngay giả thuyết cho rằng đây chỉ là bản sao từng chữ một thánh thi đã được đọc lên trong căn phòng cử hành bữa Tiệc ly. Tuy nhiên cũng không được phép xem nó như là một bản kinh do thánh sử hoặc một ngôn sứ nào đó trong Giáo Hội tiên khởi sáng tác ra. Nhờ cách cấu tạo cũng như nhờ những yếu tố cơ bản nhất, lời kinh này gắn liền với biến cố lịch sử Tiệc ly. Gioan bắt lấy những cử chỉ đã thực hiện, những lời nói đã phát biểu lúc bấy giờ để mặc cho chúng một ý nghĩa trọn vẹn và đích thật dưới ánh sáng của Thần khí. Việc cử hành lễ Vượt qua thường có kèm theo những kinh nguyện phụng vụ, nhưng bản tường thuật ngắn gọn của các Tin mừng Nhất lãm và của Phaolô cho phép chúng ta đoán rằng trong bữa tối cuối cùng ấy, Chúa Giêsu đã sửa đổi một vài nghi thức để mang lại cho việc cử hành lễ này một ý nghĩa hoàn toàn mới lạ.

Bữa ăn tối này là nguồn gốc lễ Vượt qua của Giao ước mới, phát xuất từ việc cử hành Giao ước cũ. Thành thử ta có thể cho rằng việc biến đổi bữa ăn Vượt qua tất nhiên kéo theo một sự thay đổi các chủ đề mà Chúa đã dùng trong kinh nguyện phương kế tiếp bữa ăn. Nội dung của nhưng thêm bớt này đã không được giữ lại cho chúng ta. Điều đó chẳng những là do thái độ tế nhị và kính trọng của thánh sử đối với lời kinh của Chúa, Đấng thường cầu nguyện trong nơi thanh vắng, nhưng còn do sự bất kham thực tế của thánh sử. Cho dầu có trí nhớ sắc bén đến đâu ông cũng không thể ghi lại từng chi tiết những điểm thay đổi được thực hiện cách bộc phát trong suốt buổi phụng vụ của Bữa ăn cuối cùng. Về bài kinh của Chúa, chúng ta chỉ giữ lại được một vài lời nguyện ngắn mà thôi (Ga 11 .41- 42 ; 12, 27- 28). 

Bởi vậy, không nên coi lời nguyện thượng tế này như một cuốn băng ghi lại các câu nói của Chúa Giêsu, vì lẽ Tin Mừng thường ngắn gọn, vì thực tế không thể nào nghe cùng nhớ được tất cả trong những hoàn cảnh như vậy, và nhất là vì Gioan có mục đích rõ rệt là trình bày một tổng hợp về các biến cố. Nhưng cũng không kém liều lĩnh táo bạo khi xem lời nguyện này như một sáng tác của chính thánh sử, bởi lẽ những chỗ đề cập đến “Giờ”, những điểm chung với diễn từ bánh sự sống (ch.6), cái hoàn cảnh-biên giới giữa cuộc sống trong thế gian và cuộc sống bên chúa Cha của lời nguyện, niềm ưu tư mà lời nguyện bộc lộ đối với những ai còn ở trong thế gian, và sau cùng những ám chỉ về sự phản bội (17, 12), về sứ mạng của các môn đồ đầu tiên, về sự từ bỏ mình cho đến chết, tất cả đều là âm vang của hoàn cảnh lịch sử của bữa Tiệc ly.

2. Phải cho lời nguyện này nhan đề gì? Truyền thống, mà tác giả Tin lành David Chytraeus (1531 – 1600) đã thâu lượm và tóm tắt dưới hình thức ngắn gọn, đã gọi đây là lời nguyện thượng tế. Các nhà chú giải hiện đại thì thích gọi là lời nguyện tế hiến hay lời nguyện truyền chức hơn, vì theo họ thì trong lời nguyện này, Chúa Kitô tự hiến làm lễ vật dâng lên Chúa Cha và thánh hiến các môn đồ Người để họ chu toàn sứ mệnh. Thật ra, việc Chúa Giêsu trao ban, dâng hiến mạng sống, dù là nền tảng của cả bài diễn từ, vẫn chỉ được đề cập đến một lần mà thôi (17, 19) giống như việc thánh hiến các môn đồ cho sứ mạng vậy (17,17- 19). Nhiều nhà chú giải khác lại muốn coi sự hiệp nhất là chủ đề chính của lời nguyện; những thực ra, ý tường hiệp nhất, dù rất quan trọng, cũng chỉ lui tới trong ba câu (11 .21 .22). Thành thử nên dùng cách gọi của truyền thống. Với tư cách là thượng tế (như thánh Cyrille thành Alexandriẹ đã nhấn mạnh, PG 74, 505- 508), nghĩa là với tư cách đại diện cho những kẻ tin – của thời hiện tại cũng như tương lai = Chúa trở về với Cha Người và cầu khẩn Cha cho những ai mà Người đại diện, vì Người “đã được chọn giữa loài người và thay cho loài người” (Dt 5, 1). Người là vị Thượng tế duy nhất. Trong dịp biểu lộ hành vi thượng tế này, Người nhìn lại sứ mạng đã hoàn tất (cc. 1-8) và cầu xin cho những kẻ được giao phó cho Người, cho tiểu tổ đầu tiên (cc.9-19) cũng như cho các thế hệ mai sau (cc.20-23), ngõ hầu một ngày kia tất cả được hiệp nhất với Người trong vinh quang sẽ tới (cc 24-26).

3. Như trong diễn từ (13. 31), Chúa Giêsu bắt đầu lời nguyện bằng cách đề cập đến vinh quang người chờ đợi nơi Cha, cái vinh quang mà rồi cũng sẽ hướng về việc tôn vinh chính Cha. Giáo lý căn bản trong Tin Mừng thứ 4 chính là vai trò mặc kải Chúa Cha này của Ngoi Lời nhập thể vậy. Nhưng để mặc khải Thiên Chúa, thì những đặc quyền thần linh phải tỏa sáng trong Người. Nếu Cha không cho Con ra khỏi cuộc Khổ nạn mà “Giờ đã đến” (12,23), nghĩa là không ban cho Con chiến thắng ma quỷ thế gian và sự chết, thì coi như sứ mạng của Người nơi loài người đã thất bại. Thiên Chúa vẫn không được nhìn nhận và sẽ còn bị xúc phạm hơn trong dĩ vãng nữa. Việc tôn vinh con nay sắp khởi sự trên thập giá (Ga 3, 14. 8, 28 ; 12, 32. 34), sẽ chỉ hoàn tất vào ngày Cha phục sinh Người và đặt ngồi bên hữu mình, để cùng với Người thống trị muôn đời muôn kiếp.

Thành ra không có vấn đề xem một lời nguyện như thế là  khấn xin vinh quang cho chính mình (7, 18 ; 8, 50 ; 9, 3 ; 11, 4 ;  31), để làm phần thưởng vì đã hoàn thành sứ mạng. Vì việc tôn vinh Con chỉ có mục đích tôn vinh Cha: Do việc Con được đón nhận cách hữu hình vào trong vinh quang của Cha, và do  việc mở rộng vinh quang ấy bằng đức tin vào Người cũng như tin vào Cha nhờ người (14, 13 ; 15, 8 ; x. 12, 24 ; 16, 14), nên sự tôn vinh Con cũng là tôn vinh Cha, vì chính vinh .quang c ủa Cha tỏ hiện trong Con. Và đấy cũng là ý nghĩa của sứ mạng Chúa Giêsu, là mục đích mà vì đó Người đã được mặc lấy quyền năng: làm cho mọi người biết Chúa Cha và như thế ban cho họ sự sống đời đời.

4. “Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa độc nhất chân thật và Đấng Cha đã sai là Giêsu Kitô, (c.3). Sự sống đời đời hệ tại việc nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đấng Ngài đã sai là Giêsu Kitô. Câu này không có nghĩa là con người phải nhận biết Cha như là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Chúa Giêsu như là Đấng Kitô (làm như Chúa Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa), nhưng đúng hon có nghĩa là mọi người phải nhận biết Cha, Đấng vốn là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và sứ giả của Thiên Chúa Cha, tức là Chúa Giêsu Kitô. Cha được gọi là Thiên Chúa duy nhất chân thật để chống lại các thần minh giả tạo của đa thần giáo. Còn tên Giêsuu Kitô (dùng một lần thứ hai nơi Ga 1, 17), mà thời Chúa Kitô chưa được dùng và chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong các thư Phaolô làm cho ta ngạc nhiên vì nằm trên miệng Chúa Giêsu. Giả thuyết khá hơn hết cho rằng có lẽ khi biên soạn, Gioan đã chịu ảnh hưởng của thói quen Kitô giáo thời đó nên đã đưa vào danh xưng đầy đủ Giêsu-Kitô Cha đã sai Thầy vì “Đấng Cha đã sai” hoặc “Chúa Kitô Cha đã sai”. nhưng nếu cứ cho rằng Chúa Giêsu đã tự gọi mình như thế, thì phải xem tiếng Kitô như là một thuộc từ (1Ga 2, 22 ; 5, 1).

Sự sống đời đời là chính sinh hoạt của Thiên Chúa vĩnh  cửu Đối với Cha, sự sống này là biết Con mình trong tình yêu, trong sự thông hiệp trọn vẹn cả bản tính lẫn mọi phong phú thần linh (15, 26 ; 6, 27) ; đối với Người, nó hệ tại việc nhận biết Cha Người, chiên ngưỡng Cha với tình yêu và nhận nơi Cha tất cả: sự sống, giáo lý, sứ mạng, công việc và ngay cả môn đồ (17, 7- 8 ; 4, 34). 

Được Cha ủy nhiệm, Chúa Kitô ban cho các kẻ tin được thông phần vào sự sống ấy, vào sinh hoạt của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối với họ cũng vậy, sự sống này là “nhận biết” Thiên Chúa hằng sống, là phối hợp với Ngài một cách thiêng liêng, là đồng hóa một cách nào đó với mầu nhiệm Ngài để chiêm ngắm Ngài từ bên trong. Vì thế sống là thấy và yêu mến Thiên Chúa duy nhất chân thật, Cha của Chúa Giêsu và là Cha của họ, Đấng không ngừng ban cho họ sự sống, cử động và hữu thể trong lãnh vực tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sống là “biết” Chúa Kitô cũng một cách tương tự, bằng trí khôn và con tim, là nhìn nhận Người như Đang được sai, Con Thiên Chúa, Messia, là yêu mến Người và theo Người với các tước hiệu trên. Sống là tin vào Người với đức tin chân thật (20,31). Sau cùng, sống là “biết” Thánh Thần, Đấng sinh động các tín hữu (14, 17). Được tham dự đích thực vào sinh hoạt của Thiên Chúa như thế, đời sống Kitô hữu quả là việc chiêm ngắm với lòng yêu thương Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chúng ta vậy.

5. Trong giờ hoàn tất sứ mạng dưới đất này, Chúa Giêsu biết chắc rằng Người được nhận vào trong vinh quang của Chúa Cha. Chuyển động được mô tả ở đây đại nghịch với chuyển động đã được phác họa trong Bài Tựa đề. Theo bài Tựa, Chúa Giêsu từ bên Thiên Chúa, từ thế giới riêng biệt của thần linh đi xuống thế gian với tư cách Ngôi Lời, tư cách kẻ tỏ hiện Cha, để nên ánh sáng và sự sống cho nhân loại. Vâng, “Ngôi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng tôi” (1, 1- 14). Từ nay, Người bỏ “thế gian” để được tin linh bên Chúa Cha, được ban thưởng vinh quang mà Người không ngừng chiếm hữu, vì thực sự Người đã có vinh quang ấy trước khi thế giới được tạo thành (17, 24 ; 11- 2. 14 ; 58 ; 1Ga 1, 2. 3 ; 2, 13). Dù thật là Thiên Chúa, Người đã muốn vinh quang ấy, hình thái bên ngoài của thần tính Người, bị bức màn nhân tính phủ lấp một thời gian. Người đã mặc lấy hình dáng nô lệ (Pl 2, 7). Nhưng bây giờ Người trở về lại cái hình thức hiện hữu đặc thù của người trong vinh quang của Thiên Chúa Cha Người.

Nhiều công trình nghiên cứu mới đây đã cố gắng dựa vào những giải thích có vẻ đúng để giảm bớt tầm mức của lời xác quyết quan trọng về sự tiền hữu của Chúa Giêsu ấy, bằng cách cho rằng nó chỉ nói lên lòng người xác tín sẽ lãnh nhận vinh quang mà Chúa Cha đã dành cho Người ngay trước khi có vũ trụ. Nhưng những chứng từ văn bản đáng tin cậy nhất như câu song song 24, bài Tựa (1, 1-2. 14: vinh quang bên Cha) và văn mạch tổng quát của Tin mừng thứ Tư đều bênh vực lối giải thích cho rằng đây là lời ám chỉ đến vinh quang mà Chúa Gỉêsu, nhờ sự tiền hữu của người, đã có trước khỉ vũ trụ tạo thành. Nếu việc tỏ hiện vinh quang xảy ra vào cuối đời của Chúa Giê-su có tầm mức quan trọng như thế đối với Gioan, thì phải chăng đó cũng là một bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu phát xuất từ vinh quang Chúa Cha? Ở đây, cái vinh cửu ở cùng đích bảo đảm cho cái vĩnh cửu nguồn gốc vậy.

6. Lời cầu cho các môn đồ (17,6tt) đặt nền tảng trên vai trò mà môn đồ sẽ phải thực hiện, trên các mối tương quan đặc biệt nối kết họ với Tôn Sư, trên thái độ trung tín của họ đối với Người. Lời nguyện khởi đầu bằng việc trình bày các danh nghĩa phó thác họ Cho lòng nhân ái của Chúa Cha. 1/ Họ là những người được tuyển chọn cách đặc biệt và tách ra khỏi thế gian (ek tou kosmou) bằng ơn gọi riêng. 2/ Họ thuộc về Chúa Cha (soi ban), họ trung thành với Ngài như những người Do thái tốt lành  và đạo đức 3/. Nhưng Chúa Cha đã giao họ cho Con, ka moi nus dedêkas, để trở thành môn đồ của Con, để lãnh nhận các huấn lệnh và chỉ thị của Người, để theo người trong suốt cuộc đời công khai và để tiếp tục công việc của Người sau khi Người ra đi. 4/. Và họ đã để Cha giao cho mà không chống cự, họ đã tin vào tiếng Chúa Con. Nói thế rồi, Chúa Giêsu mới có thể cho họ biết Danh Cha; Danh Cha không những chỉ bản tính hay phẩm tính đích thực của Thiên Chúa mà thôi, song còn là sự kiện tuyệt vời này nữa: Thiên Chúa là Cha và Ngài có một người con. Tất cả Tin mừng chỉ trình bày có thế Các môn đồ đã lãnh nhận (elabon), đã trung thành gìn giữ (tetêrêkasin) những lời Chúa Giêsu lấy từ nơi Cha mà truyền cho họ (8, 40 ; 12, 49 ; 15, 15 ; 1, 14). Như vậy, họ đã biết rằng Chúa Giêsu từ Cha mà ra, cùng đã tin rằng Người là Đấng Cha sai đến. Hai câu cuối này bổ túc cho nhau. Câu thứ nhất có liên quan đến một chân lý đức tin (16, 27- 30). Và hình như thánh sử dùng hai động thì: egnôkan (họ đã nhìn nhận) và epistousan (họ đã tin) hầu như không khác biệt gì nhau (6, 69). Cả hai đều nhắm đến một sự hiểu biết bằng đức tin: nghĩa là biết Chúa Giêsu là Đấng được sai phát xuất từ cung lòng Chúa Cha, là Người Con đã sống bên Ngài trước khi vũ trụ được tạo thành.

7. Lời nguyện cầu cho các môn đồ (c. 9) là một hình thức mở rộng lời cầu xin cho được tôn vinh (c. 1) ; vì chính nhờ lòng kiên trì và sứ mạng của các môn đồ này mà danh Thiên Chúa, được giao phó cho Chúa Giêsu, sẽ được tôn vinh trên trái đất, như Chúa Giêsu nói ở câu 10 : “Con đã được tôn vinh nơi chúng”. Chủ đề “đối kháng giữa môn đồ và thế gian”, nổi bật trong phần thứ hai của diễn từ sau hết (nhất là trong 15, 18- 16, 4a), bây giờ lại xuất hiện trong lời kinh cuối cùng của Chúa Giêsu. Các môn đồ sẽ được để ở lại trong thế gian (c. 11) song họ không thuộc về thế gian (cc. 14. 16) cũng như Nước của Thầy họ chẳng thuộc về thế gian vậy (18,36). Vì là những người khách lạ trong thế gian, nên nguyên sự hiện diện của họ cũng đủ gây xáo trộn rồi. Chúa Giêsu đã ban cho họ lời của Thiên Chúa (c. 14) và sai họ đi vào thế gian (c. 18) nhưng thế gian đã phản ứng lại . bằng hận thù ghen ghét (c.14).

 Làm thế nào để dung hòa ý tưởng Chúa Giêsu sai môn đồ mình vào thế gian với ý tưởng Người từ chối cầu nguyện cho thế gian (c. 9)? một vài nhà phê bình muốn làm dịu bớt sự cứng rắn của câu: “Con không cầu xin cho thế gian” bằng cách cho rằng trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu chỉ quan tâm đến các môn đồ của người thôi, và tạm gác thế gian qua một bên nhưng không loại trừ (Schwanck, Braun, Durand, Van den Bussche v.v) Thái độ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan thường được giải thích như thế qua truyền thống Nhất lãm trong đó Chúa Giêsu truyền lệnh phải cầu nguyện cho kẻ thù nghịch (Mt 44; Lc 23, 34) và qua huấn lệnh của thánh Phaolô dạy cầu nguyện cho mọi người (1Tm 2, 1). Nhưng cố gắng làm dịu bớt câu 17,9 như thế là không tôn trọng đủ tư tưởng “nhị nguyên” của Gioan.

Khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu quả quyết là Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một mình cho thế gian (3, 16).  Tuy nhiên, việc Con đến đã gây nên một cuộc xét xử (3, 18- 19), đến nỗi thế gian” trở thành biểu tượng cho những ai từ khước Chúa Giêsu và ở dưới quyền lực của Satan (1Ga 5,19) Đầu mục hay thủ lãnh của thế gian (12, 31 ; 14, 30). Thế gian đã bị lên án trong chính bản thân của thủ lãnh nó (16, 11); và như vậy là thế gian không thể nào nên đối tượng cho lời cầu nguyên được, nó chỉ có cách im mồm (16, 8- 11) và chịu bại trận (1Ga 5,4-5). Hy vọng duy nhất của thế gian, kosmos, chính là thôi trỏ thành thế gian. Thế gian này phải qua đi vậy (1 Ga 2, 17).

Sở dĩ các môn đồ được Chúa Giêsu sai đến trong thế gian, đó cũng chính vì cùng một mục đích như người khi được sai đến. Không phải để biến đổi thế gian nhưng để thách thức nó: Trong mỗi thế hệ, trên trái đát vẫn có một nhóm người Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu và nhiệm vụ của các môn đồ là tách biệt con cái sự sáng này ra khỏi môi trường của con cái tối tăm đang bao vây họ. Những ai được ban cho Chúa Giêsu sẽ nhận ra tiếng người trong và qua sứ mạng của các môn đồ và sẽ quy tụ với nhau trong hiệp nhất (c. 11c).

Cộng đoàn Ki-tô hữu này sẽ là đối tượng cho thế gian ghen ghét, nhưng Chúa Giêsu không mong ước cho họ thoát khỏi sự thù nghịch ấy. Để tình yêu sâu đậm của Người được tỏ lộ, chính Chúa Giêsu há chẳng bỏ thế gian mà không đương đầu với sự thù nghịch của Thủ lãnh thế gian đó sao? (14, 30- 31). Tương tự như thế, mỗi một kẻ theo người cũng phải chạm trán với ác thần (17, 15 ; x . 1Ga 2, 15- 1. 7 về những quyến rũ của thế gian), nếu muốn ở với Chúa Giêsu mãi mãi (17, 24). Chúa Gíêsu biết rằng các môn đồ mình cần được nâng đỡ trong cuộc chiến cánh chung này một cuộc chiến xảy ra không phải tại Halmagêđon (Kh 16, 16) nhưng trong tâm hồn của mỗi người . Vì vậy Người cầu xin Thiên Chúa gìn giữ môn đồ được an toàn nhờ danh Thiên Chúa đã được ban cho Người (17, 11). Quyền lực che chở của danh Thiên Chúa là một đề tài Kinh Thánh thông dụng đã được xác nhận trong sách Châm ngôn 18, 10 : “Danh Giavê là đồn kiên cố ! Người công chính tới ẩn náu ở đó sẽ được an toàn”. Nếu hữu lý khi bảo rằng, đối với Gioan, danh đó là Egôeimi, “Ta là”, thì ta có một trường hợp điển hình cho thấy danh xưng này che chở thật sự các môn đồ, trong Ga 18, 5- 8: đó là khi Chúa Giêsu nói: Egô eimi, thì những kẻ đến bắt Người đều ngã lăn ra, chẳng làm gì được; và Chúa Giêsu buộc họ phải để cho môn đồ Người ra đi mà không bị phiền toái.

Đối với nhiều Ki-tô hữu hiện đại, một thái độ như thế trước thế gian xem ra kỳ lạ, nếu không muốn nói là bóp méo tinh thần tồng đồ đích thực của Kitô giáo. Vào một thời đại dấn thân mà mọi người đều quan tâm đến vai trò của Giáo Hội trong thế giới hiện đại, thì việc Đức Giêsu của Gioan từ chối cầu xin cho thế gian như thế là một chuyện chướng kỳ, một cớ vấp phạm. Tuy vậy, sự thù nghịch đối với thế gian không phải riêng gì của Gioan trong Tân ước. Giacôbê 4, 4 có nói với Kitô hữu: ‘Thiết nghĩa với thế gian là thù nghịch với Thiên Chúa” . Trong 1 Gl 1, 4, thánh Phaolô cũng bảo rằng Chúa Kitô đã phó mình vì tội lỗi ta để giải thoát ta khỏi thế gian hiện tại xấu xa”. ‘Dĩ nhiên thái độ nghi ngờ đối với thế gian được coi là xấu xa không phải là tất cả sứ điệp Tân ước vì Tân ước còn chứa đựng nhiều đoạn hàm ý việc dấn thân vào thế gian. Nhưng nếu kitô hữu tin rằng Kinh Thánh có một quyền xét xử và sửa phạt nào đó, thì những đoạn vừa nói những đoạn đề cập vấn đề dấn thân) có ý nghĩa hơn đối với những thời mà Giáo hội có khuynh hướng tách khỏi thế gian, trong lúc -những đoạn như ta thấy trong Gioan thì lại mang một sứ điệp cho cái thời đại nào quá lạc quan một cách ngây ngô, tin rằng có thể sửa đổi thế gian hoặc có thể củng cố những giá trị của nó mà không cần phải biến đổi các giá trị ấy đi.

Để kết thúc, ta hãy ghi nhận rằng niềm xác tín sẽ gặp phải thù nghịch trong thế gian không được làm cho các môn đồ buồn sầu. Lời Chúa Giêsu hứa sự phù trợ của Thiên Chúa đủ cất đi mọi nỗi sầu buồn và mang lại cho môn đồ một niềm vui sung mãn (c. 13). Chủ đề “niềm vui giữa sự thù nghịch của thế gian” đã xuất hiện hai lần trong phần hai của diên từ sau hết (16, 20- 24). Dĩ nhiên, sự phối hợp đầy nghịch lý này là một chủ đề thông dụng của Kitô giáo, ví dụ như  Mt 5, 11 : “Phúc cho các con nếu người ta lăng mạ và bắt bớ các con vì cớ Ta” hoặc 1Tx 1, 6 “Anh  em đã nhận lấy Lời giữa bao nỗi gian truân, trong sự hoan hỉ của Thánh Thần”.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Con đã tỏ danh Cha”: Sứ mạng của Chúa Giêsu thật ra không phải là thông truyền một danh xưng mới, nhưng là làm cho người ta nhận thái được thực tại cửa Chúa Cha qua lời nói, việc làm và bản thân của Người (x. 12, 28 ; 10, 38 ; 14, 7- 11 ; 1, 18). 

“ Con không cầu xin cho thế gian”. Tiếng thế gian chỉ toàn thể những ai từ khước Thiên Chúa vì đóng kín trong nỗi tự mãn của mình; lời nguyện của Chúa Giêsu chỉ nhắm đến những kẻ được kéo ra khỏi thế gian để làm thành cộng đoàn các môn đồ của Chúa Giêsu.

“Và như  thế Con đã được tôn vinh trong chúng”. Các thiện ích thiêng liêng do Chúa Giêsu mang đến càng tỏ hiện thực tại của việc Người thông hiệp với Chúa Cha chừng nào, thì vinh quang đích thực càng biểu lộ không phải quyền năng nhưng là cộng đoàn tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con chừng ấy, cộng đoàn mà các môn đồ được tham dự.

KẾT LUẬN

Cộng đoàn đầy tình huynh đệ, tình gia đình của Bữa Tiệc ly vẫn không ngừng hiện hữu, tồn tại. Chẳng phải vì muốn che chở đùm bọc nhau cho khỏi những tai ương của lịch sử hoặc vì sợ thế gian đâu, nhưng vì Giáo Hội hôm nay còn cảm thấy nhu cầu phải tái ý thức rằng mình đã được đặc tuyển cách nhưng không, còn cảm thấy nhu cầu phải bền vững trong kinh nguyện hiệp nhất với Chúa Giêsu là Thượng tế vĩnh cửu của mình. 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Như để chứng tỏ một cách tuyệt đối mối thân tình của mình, Chúa Giêsu lớn tiếng cầu nguyện trước mặt các môn đồ: người mặc khải cuộc sống nội tâm bí ẩn nhất, sâu thẳm nhất và trào phun mãnh liệt nhất của Người. Người muốn nhờ trung gian của thánh sử Gioan để làn sóng âm thanh của những lời ấy thấu đến chúng ta. Nghĩa là Người đã nghĩ đến chúng ta. Đúng hơn là bây giờ đây chúng ta đang hiện diện trong một lời cầu nguyện không bị giới hạn trong thời gian. Khi Chúa Giêsu bảo là Người cầu nguyện cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người, thì có nghĩa là Người cầu nguyện cho chúng ta. Và sở dĩ Người cầu nguyện lớn tiếng là để biểu lộ ý hướng đưa chúng ta vào trong tư tưởng, trong đà nội tâm và trong trạng thái tâm hồn của Người. Người kêu mời chúng ta hiệp thông với Người vậy.

2. Lời nguyện này của Chúa Giêsu thật vô cùng khích lệ cho chúng ta là những kẻ đang mong chờ hiểu biết Thiên Chúa chân thật; sự hiểu biết ấy, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, không phải là sự hiểu biết thuần túy tri thức hay tình cảm, nhưng là sự thông hiệp sâu đậm với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô. Chúng ta thường khổ sở mong chờ vì hình như Chúa chậm tỏ mình cho chúng ta, hình như thế gian cùng não trạng của nó che khuất người khỏi chúng ta bằng muôn nghìn cách và sẽ kìm chế mọi nỗ lực của chúng ta. Chúa Giêsu biết rõ các điều ấy và “lời nguyện thượng tế” của Người là một lời cầu bầu không ngừng cho hết thảy những ai, dù ý thức rằng mình được Chúa tuyển chọn, nhưng đôi khi vẫn mất kiên nhẫn vì cực nhọc đấu tranh, cho những ai cần biết rằng Chúa Kitô, dù vắng mặt, vẫn không bỏ rơi họ.

3. Lời nguyện của Chúa Giêsu vừa khích lệ vừa soi sáng cho ta biết phải cầu nguyện thế nào. Chúa Giêsu cầu xin Cha cho những gì sắp xảy đến cho Người đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và ích lợi cho tha nhân. Cũng thế, đời chúng ta có lúc phải trải qua những giây phút thật đầy thử thách, khi ấy chúng ta dễ bị cám dỗ xin chúa giảm bớt hoặc cất đi nỗi đau thương, niềm sợ hãi hoặc băn khoăn lo lắng của chúng ta. Lời cầu nguyện kiểu đó không phải là xấu xa, đáng loại bỏ; nhưng nếu chúng ta biết noi gương Chúa Kitô, thì lúc đó chúng ta sẽ hiểu được rằng lời cầu nguyện đích thực là lời cầu xin cho vinh quang Thiên Chúa và lợi ích tha nhân được bảo toàn, cho dù cơn thử thách quá nặng nề mà chúng ta phải gánh lấy đưa chúng ta đến thất bại. Đó chính là kiểu mẫu của lời nguyện vừa khiêm tốn vừa tha thiết nồng nàn mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta khi nài xin Cha tôn vinh Người.

4. Cả và lời nguyện của Chúa Giêsu còn là một khích lệ vô cùng quý báu; vì khi thưa với Cha Người là giai đoạn đầu của công việc Người đã hoàn tất, khi dựa vào sự thành công ấy để xin được sức mạnh cần thiết cho giai đoạn tiếp theo, Người vẽ cho chúng ta thấy dung mạo của người tín hữu đang sống trong thế gian và đang chờ đợi ý định của Thiên Chúa hoàn tất vĩnh viễn. Đó là những người đàn ông và đàn bà mà Chúa Cha dã ban cho Chúa Kitô; Chúa Kitô đã ban cho họ lời Người, họ biết rằng tất cả những gì Chúa Giêsu nói đều do Chúa Cha mà đến; họ tin chắc rằng họ sẽ có được sự sống đời đời, sẽ sống thông hiệp với Cha nhờ Con. Trong thời gian chờ đợi dễ mất kiên nhẫn này, nghe lại những lời vừa nói không ích lợi sao? Qua chính cách Chúa Giêsu nói với Chúa Cha về chúng ta, chúng ta biết được rằng mình không bị quên lãng, mình rất đáng giá đối với các Ngài và mình sẽ được thông hiệp vào tình yêu hỗ tương của hai Đấng. Chớ gì sự xác tín này biến thành niềm vui và sức mạnh cho chúng ta.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top