Chữa lành con gái một phụ nữ Canaan – Chúa Nhật XX Thường niên A

CHỮA LÀNH CON GÁI MỘT PHỤ NỮ CANAAN

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Mt 15, 21- 28)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Hãy so sánh trình thuật của Mt với trình thuật song song Mc 7, 24- 30. Mt nhấn mạnh nhiều hơn Mc nhất là về các lời van xin của người đàn bà và lời chối từ của chua Giêsu. Tại sao?

2. Có gì lạ không khi bà xứ Canaan gọi Chúa Giêsu là “Con Đavít”?

3. Lời Chúa Giêsu tuyên bố mình chỉ được sai đến “cho những chiên lạc nhà Israel” phải chăng không mâu thuẫn với sự kiện cuối cùng Người đã chữa lành con gái của bà ngoại đạo này?

4. Tại sao thoạt tiên Chúa Giêsu chối từ lời cầu xin của bà xứ Canaan? Để thử đức tin của bà? Nhưng đức tin của bà không lớn sao khi gọi Chúa Giêsu là “Con Đavít” và bái lạy Người? Hay để soi sáng đức tin ấy? Bằng cách nào?

1. Như đã thấy trong các đoạn văn trước; sau khi bị dân Nadarét khước từ và sau cái chết của Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu đã dồn nỗ lực giảng dạy cho các môn đồ, chứ không ngỏ lời với đám đông dân chúng nữa, và chỉ chữa lành những kẻ yếu hệt trong họ mà thôi. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận với nhóm Biệt phái vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng sôi nổi. Chúa Giêsu khiển trách nhóm Biệt phái đã thêm nhiều quy khoản vào luật Môisen đến nỗi bộ Luật trong thực tế đã bị các quy khoản này hủy bỏ, đó là chưa kể chỉ có một ít người chuyên chú đến vô số khẩu truyền do tiền bối để lại, mới có thể chấp hành đúng các quy khoản ấy. Người phản ứng bằng cách chấn hưng luật Môisen lại trong tính cách giản đơn nguyên thủy của nó, để ai ai cũng có thể chấp hành được.

Trong đoạn văn nằm trước đoạn này, Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa. Suốt cuộc tranh luận với Biệt phái về thức ăn trong sạch và uế tạp, hình như Người ngụ ý có thể ăn các thực phẩm bị chính luật Môisen cấm? Thế mà đó là một trong các nguyên nhân chia rẽ chính giữa người Do thái và lương dân. Thành thử Chúa Giêsu xem ra thiên về đường hướng mềm dẻo hơn đối với dân ngoại. Chính trong bối cảnh ấy đã xuất hiện đoạn văn chữa lành con gái của người đàn bà xứ Canaan. Trong giai thoại này, Mt trình bày Chúa Giêsu làm phép lạ cứu giúp một phụ nữ ngoại giáo. Đứng trước sự cứng lòng tin của dân Người và thái độ chống đối ngày càng kịch liệt của các thủ lãnh họ, phải chăng Chúa Giêsu quyết định bỏ mặc Israel cho số phận nó, để từ đây chỉ đi đến với lương dân? Không, Mt bảo đấy không phải là chủ ý của Người. Quả thế, Chúa Giêsu chỉ làm phép lạ này sau một cuộc chối từ dai dẳng, như thể ban vì bất đắc dĩ mà thôi. Và trước khi ban, người còn muốn xác quyết mạnh mẽ việc tuyển chọn Israel trước mặt các môn đồ và ngay chính khi dân Do thái cứng lòng tin nhất: “Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi “. Vả lại Người đã chẳng sai nhóm Mười hai đi truyền giáo cho họ đó sao (10, 6)? Phải phân phát bánh, nghĩa là Tin Mừng, cho “con cái”, nghĩa là cho những kẻ thừa tự Lời Hứa đã. Vì thế Chúa Giêsu chỉ nhượng bộ trước lời cầu xin của người đàn bà, sau khi bà đã nhận ra sự chia cách do Thiên Chúa muốn giữa dân Ngài và mọi dân khác. Sự chia cách ấy bao giờ cũng linh thánh vậy.

2. Đàng khác, nhưng một cách phụ tùy, lời Chúa Giêsu từ chối nhằm thử thách, và như thế để làm nổi bật đức tin của bà ngoại đạo Chính nhờ đức tin mà người ta trở nên con cái đích thực của Abraham. Nếu Israel ương ngạnh cứng lòng, thì Thiên Chúa được tự do gầy dựng, ở nơi Ngài muốn, một hậu duệ mới cho Abraham (3,9) và gọi là dân Ngài những kẻ xưa kia không phải là dân Ngài (1Pr 2, 10). Quả trình thuật này muốn phát biểu cái mầu nhiệm “chưa hề thông tri cho con cái loài người trong các thế hệ trước…ấy là dân ngoại là kẻ đồng thừa tự, là chi thể của cùng một Thân mình… ” (Ep 3, 4- 6). Chính mầu nhiệm ân sủng dành cho dân ngoại ấy, Giáo Hội đã phải thừa nhận tại Hội nghị Giêrusalem: “Thiên Chúa, Phêrô bảo, đã tẩy sạch lòng họ bằng đức tin” (Cv 15, 9) và Giacôbê nói tiếp: “Ngài đã chiếu cố lấy tự giữa lương dân một dân thờ danh Ngài” (Cv 15, 14).

Thành ra giai thoại người phụ nữ Canaan hàm chứa hai khẳng định có vẻ mâu thuẫn và nghịch lý: Israel là dân được tuyển chọn nhưng Thiên Chúa vẫn vô cùng tự do trong việc hoàn tất ơn cứu độ của Ngài.

3. Sau cùng, việc chấp nhận tiếng kêu xin kiên trì của người đàn bà là một lời gián tiếp lên án sự công chính và mối an tâm giả tạo của người Do thái, những kẻ vốn cậy dựa vào truyền thống và huyết thống của họ để đòi hỏi sự chọn lựa của Thiên Chúa, chứ không biết lãnh nhận ơn ấy trong đức tin. Còn người đàn bà Canaan cuối cùng đã được điều mình ước nguyện, vì biết đứng trước mặt Thiên Chúa, trong thái độ đợi chờ đầy khiếm tốn và từ bỏ mà Bát phúc đã diễn tả, thái độ xứng đáng được ban thưởng nước Trời. Dưới chân Chúa Giêsu, bà chỉ còn là một kẻ hành khất kiên trì kêu xin, bền lòng hy vọng, như Abraham, như bà góa trong dụ ngôn (Lc 18, 1- 8), như những người mạnh bạo chiếm đoạt lối vào Nước Trời (Mt 11, 12). Lời cầu nguyện của bà chỉ là hình thức cụ thể và sống động của đức tin bà có. Chúa Giêsu thấy lòng tin ấy lớn thật, vì là một đức tin toàn diện; nó biểu lộ một tâm hồn không san sẻ hằng chờ đợi ân sủng và ý muốn tự do của chủ thỏa mãn cơn đói. Nhưng đồng thời nó cũng làm hiển lộ sự mù quáng và thành kiến của những kẻ đồng hương với Chúa Giêsu vốn không chịu nhìn nhận Người là Đấng Messia của họ, trong lúc “con chó ngoại đạo” này đã nhận ra Người là “con Đavít” (c.22).

4. Giai thoại người đàn bà xứ Canaan gián tiếp đưa ra một bằng chứng về sự lương thiện rất mực của Mt trong tư cách chứng nhân lịch sử của truyền thống phát xuất từ chúa Giêsu. Quả thế, khi nhấn mạnh việc Chúa Giêsu từ chối nhậm lời cầu xin của bà ngoại đạo), Mt cho thấy người, dù bị giới cầm quyền Do thái phủ nhận, đã nghiêm túc giữ đúng chương trình chỉ rao giảng cho con cái Israel, chứ không rao giảng cho lương dân. Thế mà lúc Mt ghi chép Tin Mừng, và điều này lại càng đúng hơn nếu ta kéo lùi thời gian ông biên soạn, thì lương dân đã gia nhập Giáo Hội rồi. Thật là một cám dỗ (muốn loại bỏ) đối với thánh sử khi phải cho thấy sự kiện đó đã xảy ra trong sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Nếu có lần nào Mt bị cám dỗ biến giáo lý của ông theo những mục đích hộ giáo, thì có lẽ là trường hợp hiện tại. Thành thử giai thoại này, cái giai thoại không phải không gây khó khăn cho những người theo chủ trương phổ quát như  Phaolô chẳng hạn, là một trong các chứng cớ chắc chắn nhất về tính cách vững chãi của truyền thống liên quan đến Chúa Giêsu, và về lòng ngay thật của các tác giả Tin Mừng.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui đến miền Tyrô và Siđôn”. Đừng tìm cách xác định lộ trình của Chúa Giêsu từ chỗ ra khỏi đó, một thành ngữ rất mơ hồ, đến miền Tyrô và Siđôn. Đúng hơn việc định vị này có một ý nghĩa thần học: Mt muốn nói Chúa Giêsu tiếp xúc với lương dân sống trong các miền ấy, nơi cũng có rất nhiều người Do thái ở. Thành ngữ Tyrô và Siđôn, theo cựu truyền, chỉ vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới bắc-đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn gọi là xứ Phênixia. Dân Phêmxia tự gọi mình là người Canaan, và Cựu ước lẫn Tân ước cũng kêu họ như vậy.

“Một phụ nữ Canaan…”: Thành ra bà này không phải là một người Do thái sống trong vùng ngoại đạo nhưng, như phần tiếp trình thuật cho thấy, là một người ngoại đạo biết rõ hoạt động của Chúa Giêsu và có lẽ cũng nhiễm ít nhiều niềm tin Do thái. Đừng quá ngạc nhiên khi thấy bà ta gọi Chúa Giêsu là con Đavít: theo Mc 3, 8 danh tiếng Người đã vang nhanh đến các vùng này. Thành thử khi gán tước hiệu đó cho Chúa Giêsu,  không chắc bà tin Người là Đấng Messia; có lẽ đúng hơn bà chỉ lặp lại điều đã nghe dân Do thái trong vùng nói về Người; vì thế, niềm tin mà Chúa Giêsu thán phục ở c. 28 đúng ra là chính niềm tin được biểu lộ trong câu đáp đầy khiêm tốn ở c.27, nơi người đàn bà Canaan minh nhiên công nhận, dù là ngoại giáo, quyền ưu tiên được cứu rỗi của Israel.

“Ra khỏi vùng đó… “: BJ dịch ra như thế các chữ Hy lạp apo ton horion ekeinon exelthousa và còn ghi chú thêm: “ân huệ mà cuối cùng Chúa Giêsu đã ban cho bà ngoại giáo ấy cũng chỉ được ban trong đất Israel”. Nhưng hình như c.21 cho thấy là Chúa Giêsu ra khỏi lãnh thổ Israel để đến các vùng ngoại đạo mà? Kỳ thực, ranh giới địa dư, chính trị và chủng tộc giữa Galilê, Syria và Phênixia không có gì rõ ràng. Đàng khác động từ Hy lạp ra khỏi (exelthousa) với giới từ apo cũng có thể chỉ muốn nói bà này có xuất xứ ngoại đạo. Thành ra có thể dịch phần đầu của c.22 như sau: “Và này một người đàn bà Canaan ở vùng đó…”. Cách dịch này ăn khớp hẳn với câu trước vậy (c. 21).

“Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi”. Một câu trả lời nặng óc địa phương như thế hẳn là chướng tai đối với Giáo Hội, vì ngay từ trước thời Phaolô, Giáo Hội đã bắt đầu hoạt động truyền giáo giữa lương dân (Cv 10, 44- 48). Thật ra Chúa Giêsu nhắc tới một ủy nhiệm lãnh từ Thiên Chúa động từ ở thể thụ động, không túc từ động tác, là một cách nói bóng gió về Thiên Chúa mà không nêu danh Ngài). Và ủy nhiệm này hoàn toàn phù hợp với các sấm ngôn tiên báo sẽ có ngày giao đuổi các mục tử giả nhà Israel để ban trách vụ mục tử cho Đấng Messia (Ed 34, 23). Chúa Giêsu loan báo giờ đó đã đến. Vai trò của Người là tái lập Israel thành một đàn chiên duy nhất, trung tín với Giavê. Khi dân Israel lại được quy tụ và đi theo) Thiên Chúa, mục tử chân chính của nó, thì bấy giờ các dân tộc trên thế giới mới được quy tụ quanh Thiên Chúa thật. Nhưng giai đoạn thứ hai này của chương trình cứu rỗi không trực tiếp liên hệ đến sứ mệnh của Người, xét như là Đấng Messia. Người chỉ chuẩn bị giai đoạn đó thôi.

“Chó con”: Hy ngữ kunarion (chó con) là hình thức yếu nghĩa (diminutit) của chữ khôn (chó). Đa số các nhà chú giải xem việc dùng yếu nghĩa từ này là cách làm dịu bớt sự khinh miệt trong lời nói của Chúa Giêsu (người Do thái gọi dân ngoại là “chó” chứ không phải chó con. Nhưng về ý kiến này, ta có hai nhận xét:

1/ Không chắc hình thức yếu nghĩa trong hy ngữ bình dân có giá trị như một cách làm dịu bớt;

2/ Ngôn ngữ Aram không có yếu nghĩa từ tương ứng với “chó con”; chữ Chúa Giêsu nói hẳn là chữ quen dùng để chỉ người lương dân kaloba (chó) hơn là gurâ con thú nhỏ).

“Lòng tin của bà lớn thật”: người đàn bà Canaan đã hiểu rằng Chúa Giêsu không phải là một nhà thần thông nào đó hoạt động một cách cá nhân nhưng là thừa tác viên thi hành một kế hoạch của Thiên Chúa, mà trước tiên liên hệ đến tuyển dân; và bà đã khiêm tốn nhìn nhận tuyển dân này được ưu tiên trong chương trình cứu rỗi đó. Chính việc nhìn nhận như vậy làm nên đức tin của bà.

KẾT LUẬN

Chúa Giêsu giúp bà này chẳng phải vì bà là kẻ ngoại giáo, song vì bà có một đức tin lớn lao. Trật tự cứu rỗi được tôn trọng, các giới hạn của sứ mệnh ủy thác cho Chúa Giêsu được xác định rõ ràng. Nhưng một niềm hy vọng vĩ đại đã bừng dậy. Trong niềm hy vọng đó ta thấy hiện ra một dân Israel mới được xây trên một lòng tin cũng thật lớn lao. Trường hợp viên sĩ quan trước đó cũng thế (8, 10. 13). Vì như Thiên Chúa hoàn toàn đủ sức biến các “viên đá” thành con cái cho Abraham, thì ngày kia Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới lừ những kẻ có lòng tin như vậy. Ơn cứu rỗi chưa đến với lương dân; Chúa Giêsu còn trở về Ít-ra-en (c. 29) để bẻ bánh cho con cái dân Người. Nhưng rải rác đó đây, trong nhiều trường hợp xác định, người ta thoáng thấy một thực tại mới, một tương lai mới trong đó Thiên Chúa sẽ hoàn tất trật tự cứu rỗi đã thiết lập ngay từ đầu. Vì ơn cứu rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái đất.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Vì được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo, vì có niềm tin, nên đôi khi ta tưởng các con “chó” ở ngoài, nghĩa là lương dân quanh ta, không có cùng quyền lợi được cứu rỗi như ta. Giai thoại người đàn bà Canaan nhắc ta nhớ Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các cơ cấu tôn giáo. Cũng như Chúa Giêsu đã gặp “một lòng tin lớn” ngoài Israel trong khi chính Israel lại cứng lòng tin, thì ngày nay Người cũng có thể gặp một lòng tin lớn lao như thế, nghĩa là một lòng đói khát Thiên Chúa thực sự, ở ngoài Giáo hội. Vì thiếu mặc-khải minh nhiên và thiếu ánh sáng soi dẫn, nên lòng đói khát này là một nỗi mong chờ được nuôi dưỡng bằng những vụn bánh rơi tư bàn ăn của Thiên Chúa. Những người đói khát như vậy có lẽ có, dầu họ không biết, một đức tin tinh tuyền hơn lòng tin của ta, nếu ta khinh chê lương dân thì có khác gì những người Do thái tự mãn đã không chịu khiêm tốn tin vào Chúa Giêsu, viện cớ mình là “con cái Abraham “!.

2. Thiên Chúa thường bắt đầu tỏ ra giả điếc làm ngơ trước lời cầu xin của ta, như Chúa Giêsu đối với người đàn bà xứ Canaan, nhưng là để sau đó nhậm lời nếu ta biết khiêm tốn kiên trì van vái. Chính đó là cách Ngài giáo dục ta cho có một lòng tin chân thật vậy.

3. Lời cầu xin thực sự làm đẹp lòng Thiên Chúa là lời cầu xin không ỷ lại vào một quyền lợi nào, mà chỉ hoàn toàn trông chờ vào lòng tốt của Thiên Chúa như chó con đón lấy các mảnh vụn rơi từ bàn ăn gia đình.

Học viện Giáo hoàng Piô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top