Có Thiên Chúa không? – Chúa Nhật I Mùa Chay năm C – Lm. Giuse Lê Danh Tường

CÓ THIÊN CHÚA KHÔNG?

SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C

Lc 4, 1-13

Xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, là lời mời gọi của Giáo hội trong Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm C. Với tất cả những trải nghiệm của cuộc đời xuyên qua mọi thời đại, người ta nhận thực: Thiên Chúa đã nâng đỡ con người. Niềm tin ấy không chỉ là một tư tưởng thầm kín bên trong nhưng còn là lời tuyên xưng dõng dạc bên ngoài. Nhưng những cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa để khẳng định mình vẫn luôn trực chờ mỗi người trong cuộc sống.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Người Việt ta mang trong mình cảm thức sâu đậm về Trời. Dường như tất cả những gì vượt khả năng, vượt sức tưởng tượng, vượt sức chịu đựng, hay khi buồn, khi vui, khi trống rỗng người ta đều hướng đến Trời với lời than, câu trách, tiếng khen, hay buông thõng một tiếng thở dài ‘ôi giời…’.

Giảng về ‘chân như’, cái uyên nguyên của ‘khổ’, Đức Phật cũng không chỉ ra rõ ràng, mà là: ‘sắc sắc không không’. Cái cảm nhận đã có nhưng giảng về nó thật khó. Giống như Lão Tử đã kinh nghiệm về “Đạo” và thuận theo “Đạo” để hành sự. Nhưng ông cũng phải thốt lên ‘Đạo khả đạo phi thường đạo – Đạo mà có thể nói ra được thì không còn là Đạo nữa’. Đức Khổng Tử đã chẳng bàn về Trời hay Thượng Đế, nhưng cũng như bao người, Trời là cảm nhận đương nhiên nên ông đã thốt lên: ‘chỉ có trời mới thấu hiểu ta’. Bao đời vua trong thiên hạ đã luôn lấy Trời làm căn cơ cho ngai vị của mình để ra sắc chỉ cho toàn dân mà rằng: ‘Phụng thiên thừa vận’.

Với người Do Thái thì cảm nghiệm về Trời cụ thể và sống động, như trong bài đọc thứ nhất miêu tả. Thiên Chúa, hay Đức Chúa Trời mà dân Do Thái tuyên xưng, là Đấng đồng hành với họ trong dòng lịch sử. Trải qua bao thăng trầm của mọi thời cuộc, dân luôn nhận được sự che chở nhãn tiền nơi Đức Chúa Trời. Câu chuyện về sự can thiệp của Trời qua mọi thời đại luôn được dân Do Thái nhắc lại cho con cháu từ đời này qua đời khác.

Cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa

Cảm nhận rõ nét về Thiên Chúa sẽ giúp cho con người dễ dàng xác tín vào Ngài. Nhưng cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa luôn thường trực bên con người từ ngày nó được tạo dựng. Và nó sẽ dễ dàng gục ngã trước con cám dỗ ấy khi mang trong mình sự mù mờ về Thiên Chúa.

Thú vui thể xác, quyền lực thế gian và vinh hoa phú quý ở đời luôn là mồi nhử để kéo con người rời xa Thiên Chúa. Đức Giê-su trong thân phận con người cũng đã không thoát khỏi những bả độc ấy.

Trong bài Tin mừng, ma quỷ đã xuất hiện để cám dỗ Đức Giê-su ba lần với những cung bậc khác nhau. “hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”, khi chấp nhận thực hiện điều phi thường ấy, con người thỏa mãn cái đói khát của xác thịt, nhưng đồng thời khẳng định mình ngang bằng với Thiên Chúa; “nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!”, chấp nhận những vinh hoa phú quý và quyền lực thế gian ấy cũng đồng nghĩa con người rời bỏ Thiên Chúa để đi theo ma quỷ; cuối cùng, ma quỷ đã bày tỏ ý định rõ ràng khi đánh trực diện “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống”, một lời khẳng quyết và thách đố niềm tin của con người: chẳng có Chúa đâu. Hay ít là nó gieo vào lòng người một sự nghi ngờ về Thiên Chúa. Trong tất cả những cám dỗ ấy, Chúa Giê-su luôn đưa ra sự hiện diện nhãn tiền đầy sinh động của Thiên Chúa và sự thần phục Thiên Chúa của mình để từ chối ma quỷ: “Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”, “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi”, “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”.

Những thế kỷ thời hiện đại này nhân loại đôi lúc cảm thấy hãnh diện về sự bùng nổ của khoa học. Những tưởng ‘Thượng Đế đã chết rồi’ như triết gia Nietzsche đã thốt lên; Con người tưởng mình có thể làm tất cả và mơ về một hình tượng Siêu nhân mà Nietzsche đã mô tả. Bao hình ảnh của siêu nhân đã và đang xuất hiện hàng ngày trên màn ảnh truyền hình khắp thế giới. Đôi lúc đây đó khẩu hiệu được hô lên: ‘Có sức người sỏi đá cũng thành cơm’. Cơn cám dỗ rời xa Thiên Chúa và cậy dựa vào sức của mình đã làm bao người xa ngã, thậm chí kéo theo những lớp người đánh mất chính mình trong tương quan với Trời, với đất, và với đồng loại.

Xác tín vào Thiên Chúa tình thương

Thánh Phaolo là người cảm nhận rõ nét về tình trạng khác biệt giữa người tin vào Chúa Ki-tô và người không tin vào Chúa Ki-tô. Và một sự phân biệt rõ hơn nữa mà trong bài đọc thứ hai ngài nhắc đến: người chỉ tin trong lòng với người tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng.

Chỉ tin vào Đức Ki-tô mà không dám tuyên xưng ngoài miệng, ấy là đức tin còn mập mờ. Việc tuyên xưng đức tin ngoài miệng bộc lộ một tâm hồn xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Việc xác tín vào Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với việc sống đời sống tín thác nơi Ngài. Khi ấy, con người biết đặt mình vào đúng vị trí: trên có Trời dưới có đất xung quanh là anh em; biết sống thuận theo ý Trời và nỗ lực canh tác đất đai; biết hòa mình vào khung cảnh của đất trời là sống hài hòa với Trời, với người, và thiên nhiên vậy.

Mùa Chay là thời gian trải nghiệm về tình thương Thiên Chúa, là cơ hội tìm về chính mình để đặt mình vào đúng chỗ. Xác tín vào một Thiên Chúa tình thương là khởi điểm tốt đẹp cho một Mùa Chay thánh. Xác tín ấy sẽ đưa ta đến nguồn ban sự sống. Tĩnh tại để trở về giao hòa với Thiên – Địa – Nhân là lời mời gọi tới hết thảy mọi người. “Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ” (Rm 10,13).

Lạy Chúa, xin chỉ dẫn con theo lối bước của Ngài, xin giúp con được trở về bên Chúa để được sống với anh em con, được sống chan hòa giữa đất trời gieo vui!

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top