Đừng thu tích của cải – Chúa Nhật XVIII thường niên – Năm C

ĐỪNG THU TÍCH CỦA CẢI

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

 (Lc 12,13-21)

1. Luật Môisen đã qui định luật thừa kế của người Do thái. Theo giả thiết dân quê, người anh cả thừa kế 2/3 gia tài (Đnl 21,17), với điều kiện để phần còn lại cho anh em khác. Trong trường hợp người ta đem đến Chúa Giêsu, hình như người anh cả chẳng chịu nhường chi cả. Vì quyền thừa kế bị luật pháp chi phối, nên các thầy thông thái và các nhà chuyên môn về luật thường sẵn sàng góp ý kiến và quyết định. Anh chàng kia tìm gặp Chúa Giêsu, như một nhà tiến sĩ luật để xin phân định về vấn đề thừa kế và dùng uy tín gây áp lực với người anh bất công. Vì Ngài được coi như một tiến sĩ luật nổi danh, nói và làm cách uy quyền. Khi dân chúng tìm đến Chúa Giêsu để trình bày những xấu xa của thân thể và tâm hồn mình, họ thấy Ngài luôn giúp đỡ mình, nhưng khi anh chàng kia đến trình bày công việc thừa kế thì Ngài lại từ chối. Tại sao ?

Chúa Giêsu từ chối làm quan án cho bất cứ ai. Dĩ nhiên, Ngài không chấp nhận sự bóc lột, cướp đoạt như thế. Nhưng những lời Ngài sắp nói là những lời tố giác sự nguy hiểm giàu sang, có giá trị đối với mọi người, đối với người bóc lột cũng như người bị bóc lột và nhất là đối với người bóc lột. Vì Chúa Giêsu không đến gây chia rẽ, để vạch lá tìm sâu như những bậc thày trần gian thường làm, Ngài không đến để tu chỉnh một số bất công nhưng để giải phóng con người và trước tiên giải phóng con người khỏi người ràng buộc của chính mình. Ngài không đến để lên án, nhưng để tự cho con người lên án. Không để xử án, nhưng để con người tự xét xử, để rồi tự mỗi người khám phá ra điều bất chính của mình và dốc quyết từ bỏ.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu muốn có công bình và ít kẻ trộm cướp, bóc lột. Nhưng Ngài sẽ không bao giờ bắt nạt ai bằng thế lực hay bằng sức mạnh quyền uy của Ngài. Ngài chỉ có thể và chỉ muốn khuyên bảo dạy dỗ. Khuyên bảo để người ta được giải phóng và được công bình. Vì thế dụ ngôn này là một lời răn bảo, dạy ta không nên đồng hóa cuộc sống mình với của cải, đừng an tâm cậy dựa vào một vật gì khác ngoài một mình Thiên Chúa.

2. Lý do Chúa Giêsu đưa ra để cảnh giác chống lại tính tham lam là: dù rất giàu có, cuộc sống con người không tùy thuộc vào của cải. Thật là điên rồ, người giàu nào tưởng tượng rằng của cải trần gian là một bảo đảm chống lại sự chết, rằng ông ta có thể thu xếp đời mình không tùy thuộc vào tư tưởng chết chóc, như thể Thiên Chúa không phải là chủ để gọi ông đúng giờ theo ý muốn toàn năng của Ngài. Những của cải trần gian không thể kéo dài cuộc sống, dù chỉ kéo dài trong chốc lát, ngoài kỳ hạn Thiên Chúa đã định và cái chết bất ngờ chia lìa chúng ta.

Nhưng dụ ngôn còn có một bài học khác: nếu ngụp lặn trong sự giàu sang, hy vọng sống lâu hạnh phúc là một điều điên rồ, thì cũng điên rồ không kém chi cho rằng giàu có là để hưởng thụ cho riêng mình. Đáng ra Lc trích dẫn 2 cách áp dụng vào phần cuối dụ ngôn, nhưng ông đã đưa ra một áp dụng trong phần nhập đề (c.15) và trong phần kết luận (c.21). Do đó dụ ngôn dạy hai bài học: giàu sang phú quí không giúp cho sống lâu trường thọ, và khi thu tích cho riêng mình, người ta chẳng thu tích được gì. Nhưng phải nhìn nhận như nhiều nhà chú giải bài học thứ hai này không mấy ăn khớp với dụ ngôn: vì dụ ngôn ít nói đến vấn đề dùng của cải (dĩ nhiên người giàu ấy không nhắm đến những tiêu xài ích kỷ, nhưng người ta không nhấn mạnh đến khía cạnh ấy), mà nói đến quan niệm về sự giàu sang như là một thứ bảo đảm tuyệt đối chống lại sự chết. Theo quan niệm ấy, câu kết luận của dụ ngôn thật ra đã nằm ở câu nhập đề rồi (c.15 và câu 21 chỉ làm rộng nghĩa câu kết, bao hàm bài học về việc dùng của cải).

KẾT LUẬN

Dùng của cải một cách ích kỷ thì nhất định phải mất mát. Để được giàu có đích thực, phải biết ký thác tiền bạc mình vào ngân hàng của Thiên Chúa, bằng cách ban phát bố thí dưới mọi hình thức. Vì, chính tiền bạc không thể kéo dài cuộc sống trần thế thêm một giây. Người ta chết bất đắc kỳ tử và phải để tiền bạc lại cho kẻ khác. Có điên rồ mới bám víu vào tiền bạc để mưu tìm hạnh phúc cho mình trong cuộc đời này thôi. Những gì mình có thể tích lũy là hạnh phúc của cuộc sống bên kia, nhưng với điều kiện là chia sẻ cho kẻ không có gì.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Trong bài phúc âm này, Chúa Giêsu không chịu làm trọng tài phán xử việc thừa kế, không phải vì vấn đề công bằng (justice distributive) không quan trọng, nhưng vì nghĩ vấn đề ấy không tìm thấy được giải đáp đích đáng ở trong lề luật. Chúa Giêsu có ý vượt quá tư tưởng bách phân đơn giản kia (2 phần gia tài trao cho người anh cả, một phần trao cho người em út), quân bình kinh tế, thực thi đúng những qui ước của luật pháp … Ngài có ý đưa ra môt giải pháp căn bản cho mọi vấn nạn thuộc bình diện trần thế bằng cách dò thấu tận đáy lòng người là nơi phát sinh “những dự định xấu xa, giết người, trộm cắp, chứng gian, phỉ báng” (Mt 15,19). Ở đây, giải pháp của Chúa Giêsu là lột trần nơi anh em lòng tham của cải, vì lòng tham là nguồn mạch chia rẽ. Nếu con tim được giải phóng khỏi lòng tham thì không cần đến lề luật bên ngoài, cải vả, thưa kiện nữa; vì các điều ấy mà Chúa Giêsu không để mình bị lôi kéo vào phạm vi luật pháp là phạm vi không thể giải quyết thỏa đáng những vấn đề gây chia rẽ giữa người với người.

2. Không những Chúa Giêsu tấn công tận cơ sở vấn đề người ta trình bày cho Ngài, bằng cách cảnh giác họ đừng tham lam, nhưng Ngài còn cho thấy, tại sao con người không có lý do xác đáng nào để tự bảo vệ mình nhờ của cải: tiền bạc không phải là thứ vững bền ta có thể bám víu vào cách an toàn. Không môt thứ của cải vật chất nào có thể bảo đảm an toàn cho chúng ta trong cuộc sống này, vì chính cuộc sống cũng có thể bị cất khỏi chúng ta trong nháy mắt. Vậy thật là điên rồ khi tìm sự an toàn trong cái dễ hư mất.

3. Và Chúa Giêsu kết luận: nếu của cải bất lực trong việc tạo hạnh phúc cho ta, không thể cho ta sống lâu trường thọ, thì cách tốt nhất là hãy sử dụng và biến chúng trở nên những của cải trường tồn đem ký thác ở ngân hàng Thiên Chúa để sinh lời, bằng cách dùng chúng để phục vụ tha nhân.

4. Tiền bạc, tự nó không tốt không xấu. Nó chỉ là phương tiện, một khí cụ, một đồ dùng, như con dao chẳng hạn. Cái làm cho nó tốt hay xấu chính là sự xử dụng. Con dao có thể giúp người mẹ dùng để sửa soạn hay giúp bác sĩ giải phẫu cứu sống bệnh nhân nhưng cũng có thể dùng để sát nhân. Tiền bạc cũng thế, cái bị lên án trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, là lòng tin tưởng quá đáng vào tiền bạc và việc người giàu có xử dụng tiền bạc cách quá ích kỷ. Nếu được dùng để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, tiền bạc có thể là một phương tiện làm cho ta trở nên vĩ đại trước mặt Chúa và nhờ đó được sống muôn đời.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top