Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1
Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2
Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3
Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 4
14. Từ khi nào, nến cao và hương được sử dụng trong lúc hát Tin Mừng?
Thánh Giêrônimô (340/347-420) có nói đến hai cây nến. Sách Hành hương của Etherie (Peregrinatio Etheriae) vào cuối thế kỷ thứ IV xác nhận việc sử dụng hương trong khi hát Tin Mừng tại Giêrusalem. Sách Sacramentarium Gelasianum (tk. VII-VIII) nói về cuộc rước Phúc Âm với nến cao và hương trầm, trong nghi thức ban phép Rửa tội. Có lẽ việc rước Tin Mừng bắt nguồn từ phụng vụ Roma.
Việc xông hương bàn thờ bắt nguồn từ phụng vụ Pháp cổ.
Tóm lại, phụng vụ Roma chỉ có việc rước chủ tế và sách Tin Mừng, không có việc xông hương hai đối tượng này. Xông hương bàn thờ, lễ vật và mọi người bắt nguồn từ phụng vụ Gallican và Germany và được xác định không đổi từ Đức Giáo Hoàng Piô V (1570). Ngoài việc dùng hương trong Thánh Lễ, các Kitô hữu còn dùng hương khi tôn thờ Thánh Thể, tôn kính thánh tích, trước tượng Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh và trong lễ an táng.
15. Theo luật phụng vụ hiện nay, việc xông hương được quy định như thế nào?
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 276 trình bày về ý nghĩa việc xông hương như sau:
“Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3).
Có thể tùy nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh lễ nào:
a) Khi đi rước ra bàn thờ;
b) Đầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;
c) Khi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;
d) Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, thánh giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương linh mục và cộng đoàn;
e) Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép”.
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 277 quy định về việc việc xông hương như sau:
“Linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu thánh giá.
Trước và sau khi xông hương, cúi mình chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật dùng cho Thánh lễ.
Xông hương ba lần: trước Thánh Thể, gỗ Thánh giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta cung kính, thánh giá của bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục sinh, linh mục và cộng đoàn.
Xông hương hai lần: trước xương và ảnh các Thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ.
Xông hương bàn thờ từng nhịp một theo cách thức sau đây:
a) Nếu bàn thờ cách biệt vách tường, linh mục vừa đi chung quanh bàn thờ vừa xông hương;
b) Nếu bàn thờ không cách biệt vách tường, linh mục vừa đi qua vừa xông hương phía tay mặt bàn thờ, rồi vừa đi qua vừa xông hương phía tay trái.
c) Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; nếu không thì xông hương khi linh mục đi ngang qua trước thánh giá.
Linh mục xông hương ba lần trên lễ vật trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc dùng bình hương vẽ hình thánh giá trên lễ vật.
Tại Việt Nam, được phép vái nhang hay đổ hương vào lư hương thay cho xông hương. Nếu vái nhang, thông thường chỉ vái nhang lúc đầu lễ trước bàn thờ. Chủ tế cầm nhang, giơ cao lên để dâng rồi cúi mình ba lần để tỏ lòng tôn kính, sau đó cắm nhang vào bát nhang. Nếu trong phần dâng lễ, khi muốn cho một số đại diện cộng đoàn lên vái nhang cùng với chủ tế, thì cũng có thể vái nhang lần nữa vào lúc này. Trong trường hợp vái nhang chung với một số người đại diện, thì nên vái nhang ngay sau khi nhận của lễ để những người dâng của lễ khỏi phải đứng chờ trên cung thánh.
Nếu đổ hương vào bình than cháy trong lư hương, thì sau khi đổ hương sẽ chắp tay cúi mình một lần để tỏ lòng tôn kính. Có thể đổ hương lúc đầu lễ, sau khi dâng bánh và rượu và trước khi truyền phép Mình Máu Thánh. Không đổ hương trước khi đi đọc Tin Mừng, vì lần xông hương này chủ ý để tôn kính sách Tin Mừng, vì thế phải làm trước Sách Tin Mừng, chứ không làm trước bàn thờ. Chủ tế không bỏ bàn thờ xuống đổ hương trước khi truyền phép Mình Máu Thánh, nhưng để cho thừa tác viên làm việc này”.
Còn tiếp…
Lm. Giuse Đào Hữu Thọ