LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM C
THÁNH VỊNH 8
1. Bối Cảnh
Thánh vịnh 8 mà chúng ta vừa nghe liên kết chặt chẽ với Thánh vịnh 7. Lời kết của Thánh vịnh 7, “tôi đàn ca mừng danh Chúa Tối Cao” nối kết với điệp khúc của Thánh vịnh 8: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8, 2). Khi sáng tác Thánh vịnh này, vịnh gia dẫn chúng ta vào bối cảnh của một cộng đoàn phụng vụ. Ở đây, vịnh gia đại diện cho cộng đoàn tán tụng vẻ oai phong của Thiên Chúa và công trình vĩ đại do tay Người tạo dựng. Trong vũ trụ bao la vĩ đại ấy, vịnh gia khám phá ra ý nghĩa, phẩm giá, và mục đích của đời mình cũng như của tất cả nhân loại: Thiên Chúa quả thật là vĩ đại; còn, con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (c. 4).
2. Bố Cục
Thánh vịnh 8 gồm 10 câu được chia thành hai phần chính. Phần nhập đề và phần kết nhắc lại một điệp khúc.
– Nhập đề: Điệp khúc tán tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá (c.2ab)
– Phần I: Uy phong của Thiên Chúa trong vũ trụ (cc. 2c-5)
– Phần II: Phẩm giá của con người do Thiên Chúa tặng ban (cc. 6-9)
– Kết: Điệp khúc tán tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá (c.10)
3. Ý Nghĩa
Như đã nói ở trên, Thánh vịnh 8 khởi đầu và kết thúc với một điệp ca diễn tả uy danh của Thiên Chúa trên toàn cõi địa cầu: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (c. 2). Khi chiêm ngắm bầu trời huy hoàng trong đêm tối, vịnh gia ngất ngây trước sự vĩ đại của Thiên Chúa và vẻ đẹp của vũ trụ. Vịnh gia ca ngợi sự vĩ đại của Chúa như Người được mặc khải trong ánh huy hoàng của tạo dựng: “Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan” (c. 3). Ở đây, một điều mà chúng ta thấy nghịch lý là Thiên Chúa oai nghi lại chọn những gì là hèn kém trong thế gian để khuất phục những kẻ thông thái và hùng mạnh. Thực tại này được diễn tả nơi chính nhà Israel. Israel là một dân tộc yếu đuối nhất trong số những dân tộc hùng mạnh của vùng Cận Đông. Israel được ví như những “con thơ trẻ nhỏ”. Tuy nhiên, Thiên Chúa chọn họ để khiến cho địch thù phải câm miệng và cho quân nghịch phải tiêu tan.
Trong khi ngất ngây trước sự vĩ đại của công trình do tay Chúa sáng tạo, vịnh gia, cùng một lúc, khám phá ra phẩm giá và vị thế của con người: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (cc. 4-5). Mặc dù, con người, tạo vật nhỏ bé và yếu kém lại được Thiên Chúa ban tặng vinh quang và danh dự: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (cc. 6-7). Tác giả của Thư Do-thái cũng khẳng định rằng: “Thật vậy, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến.” (Dt 2,5).
Toàn bộ lời Thánh vịnh tìm thấy sự viên mãn nơi Đức Kitô. Chính Đức Kitô được ban tặng triều thiên vinh quang trong sự phục sinh của Người. Bởi thế, Đức Kitô kiện toàn ơn gọi của con người và Người đã thực hiện điều vĩ đại này cho tất cả mọi người.
4. Truyền Thống Cầu Nguyện
Truyền thống Tân Ước nhận thấy con người được ban vinh dự làm mũ triều thiên mà Thánh vịnh 8 nói đến ám chỉ Đức Kitô. Người được Thiên Chúa tặng ban cho quyền bính vượt trên thần chết và sự dữ. Trong cùng một truyền thống, tác giả Thư Do-thái nói rằng: “Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15). Thánh Phaolô cũng nói: “Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. (1 Cor 15,25-27).
Hơn thế nữa, “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Eph 1,22). Đức Kitô phục sinh là Đấng mà Thiên Chúa tặng ban tất cả sức mạnh và quyền bính trong thế giới hiện tại và tương lai. Bởi vậy, khi hoà cùng với toàn thể Hội Thánh hoà tấu Thánh vịnh này, chúng ta được chia sẻ vinh quang của Đức Kitô như Người đã thân thưa với Chúa Cha trong khi cầu nguyện: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga 17,22). Vì được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa đang khi còn lữ hành trần thế, chúng ta hãy tiến bước trong vui mừng và hy vọng ngõ hầu chúng ta được hưởng nếm trọn vẹn vinh quang và danh dự mà Thiên Chúa chuẩn bị cho mỗi người chúng ta trên Thiên Quốc.
Lm. Antôn Trần Văn Phú