HÃY PHÓ THÁC CHO CHÚA TƯƠNG LAI ĐỜI TA
SUY NIỆM LỄ MÙNG MỘT TẾT
(Mt 6, 25-34)
Chúng ta vừa bước sang năm mới, năm Đinh Dậu, năm con gà. Con gà, đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc.
Trong nhà đạo, có lắm chuyện về con gà, từ chuyện vui đến chuyện thật. Chúng ta cùng mở Kinh Thánh để tìm chuyện con gà, hầu có thể đem ra suy gẫm nhân ngày đầu năm mới. Nếu có gà trống nghênh ngang như sách Gióp mô tả:
“Ai làm cho cò lửa khôn ngoan,
Ai ban trí tuệ cho gà trống? ” (Gióp 38,36),
Thì cũng có gà mái hiền lành luôn chăm sóc cho đàn con thơ bé. Mở Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta tìm thấy hình ảnh đàn gà mẹ con ấy được Chúa Giêsu sánh ví như là tình thương của Chúa đối với loài người: “Đã bao lần ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh” (Mt 23,37; Lc 13,3).
Nếu tiếng gà gáy biểu hiện một sự kêu gọi tỉnh thức trong cuộc sống thường ngày, cụ thể tại các nước Á Đông như Việt Nam, tiếng gáy của gà trống như báo hiệu nhiều may mắn và tốt đẹp cho ngày mới, thì tiếng gà làm ông Phêrô giật mình bừng tỉnh, nhớ lại lời Đức Giêsu nói tối hôm qua: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (x. Mt 26, 75; Mc 14, 30; Lc 22,61). Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Kể từ đó, ông Phêrô đã thống hối liên lỉ như Ngắm Đứng đã mô tả: “Lọn đời đến sớm mai gà gáy, nhớ đến tội xưa liền khóc lóc”.
Vào thế kỷ VI, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Vì thế, nhiều nhà thờ bên Âu Châu có đặt hình một con gà trống ở trên nóc. Tại Việt Nam, nhà thờ chính toà Đà Lạt cũng được gọi là “nhà thờ con gà”.
Ở các nước châu Á, con gà gắn liền với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật. Ở Việt Nam, gà là một dấu tích của văn minh nông nghiệp, thường được nhắc đến trong sách báo, hình ảnh con gà cục tác lá chanh là những nét chấm phá về một làng quê an bình với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên. Những nhà nho xưa cho rằng gà trống có đủ ngũ đức, gồm cả văn, vũ, nhân, trí và dũng:
Mào gà là mũ quan văn,
Cựa gà: võ khí của quan vũ tài.
Gà trống có cái dũng oai,
Xông vào địch thù đá hoài không ngơi.
Chữ nhân: khi kiếm được mồi,
Nhắc lên gà trống kêu mời mái ăn.
Chữ trí: gà biết đêm tàn,
Gáy vang báo thức cả làng tỉnh mơ.
Vì đủ ngũ đức như vậy nên gà trống có được cái oai phong lẫm liệt, uy dũng của một tổng tư lệnh điều binh khiển tướng. Sách Cách Ngôn đã tả cái dáng đường bệ của gà trống như một ông vua xuất chinh dẹp loạn.
Thôi thì cho dù năm Khỉ, Heo, Mèo, Gà thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm nay ngày đầu năm mới, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.
Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người trên: con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng, kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Muốn lời chúc của chúng ta trở thành hiện thực, hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, bởi tất cả mọi sự đều do Chúa như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).
Các Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa. Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Lời nguyện nhập lễ chúng ta xin:“Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66, 2-3). Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.
“Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6,34). Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến hạnh phúc mai hậu của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.
Kinh Thánh còn có những câu khác nói đến con gà trong năm mới Đinh Dậu. Nhưng thiết nghĩ trưng ra mấy câu trên cũng đủ chứng tỏ con vật cầm tinh trong năm Dậu cũng đã được Thánh Kinh nhắc đến.
Kính chúc mọi người một năm mới con gà đầy tràn ngũ đức: văn, vũ, nhân, trí, dũng, những đức tính mà các cụ xưa đã ca tụng con gà trống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU
MỒNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN
(St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34)
Trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc đón mừng năm mới, chúng ta quy tụ nhau nơi ngôi nhà thờ thân thương này, để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì thật là ý nghĩa và hợp lý biết chừng nào!
Khi niềm vui của chúng ta được quyện vào tình thương của Chúa, thì niềm vui của mỗi người được trở nên trọn vẹn. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc các tín hữu của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4).
Không vui sao được, vì đối với người Công Giáo, niềm vui không chỉ dừng lại ở mùa xuân tự nhiên, mùa xuân của đất trời, hay mùa xuân của lòng người, mà niềm vui ấy còn được dâng cao để hòa quyện vào niềm vui Ơn Thánh, niềm vui của Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
1. Niềm vui khi mùa xuân tự nhiên đến
Một quy luật tuần hoàn, sau 365 ngày, đất trời lại có mùa xuân mới. Cứ thế, nó đã đi vào quy luật tự nhiên. Quả thật: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Xuân đến, xuân đi, xuân lại về”. Có mùa xuân, bởi vì trái đất vần xoay, nên hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông và hết đông lại sang xuân.
Đây là quy luật của Tạo Hóa, Đấng đã cho tứ thời bát tiết chuyển xoay… khi mùa xuân đến, mọi người, mọi nhà, đều được hưởng niềm vui!
Vì thế, trên khuôn mặt mỗi người đều nở những nụ cười tươi vui, hạnh phúc, vì ai ai cũng được tận hưởng mùa xuân. Niềm vui ấy không thể giữ lại cho riêng mình, vì thế, chúng ta thường trao tặng cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp. Mong cho mọi người phúc ấm bền lâu, khang an thịnh đạt, phúc, lộc, thọ…
Thật là ý nghĩa khi mỗi người đều mong cho mình và cho tha nhân được:
“Tân niên thánh đức bao ân phúc,
Xuân nhật an hòa mãi phú vinh”
Tại sao có được niềm vui dạt dào nơi mọi người như vậy, thưa, bởi vì tự đáy lòng, con người cũng nở rộ mùa xuân.
2. Mùa Xuân của lòng người
Nếu xuân tự nhiên nơi đất trời là do quy luật tuần hoàn, thì xuân của lòng người hoàn toàn khác, bởi nó không tự đến rồi lại tự đi, mà phải do dày công vun đắp màu xuân mới có.
Vì thế, mùa xuân nơi lòng người, mỗi người cảm nghiệm mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì vui, có kẻ lại buồn. Có người hạnh phúc, có người bất an. Có người được quây quần, có người chia ly. Có người được đoàn tụ, có kẻ bị cô đơn. Có người ấm lòng, có người lạnh tanh…
Như vậy, mùa xuân năm nay, có lẽ phải đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi mà có nhiều người xem ra thật vớ vẩn, ngẩn ngơ, đó là: tết năm nay, xuân năm nay, bạn buồn hay vui???
Nhưng nghĩ suy một chút thì phải chăng câu hỏi đó không đến nỗi hẩm hiu, nhưng nó gợi lại cho chúng ta về niềm vui, hạnh phúc có hay không trong năm mới, trong mùa xuân này!
Thật ra thì năm hết, tết đến, có người vui vì thu được nhiều tiền, buôn may bán đắt, gia đình xum họp, thêm con dâu, có con dể, đầy đủ ấm êm…
Nhưng cũng có biết bao nhiêu cảnh đời éo le! Năm mới mà nhà nghèo hơn ngày thường! Không có tiền, không có tình yêu! Cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ…!
Hay nhìn rộng ra, mùa xuân là mùa của niềm vui, của hy vọng, nhưng niềm vui đâu chẳng thấy, hy vọng có lẽ là thứ xa xỉ phẩm khi thấy quá nhiều bất công, áp bức, bóc lột, đâm chém, xì ke ma túy; đạo đức giáo dục xuống cấp, học sinh như người vô học, con cái lếu láo với cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, bạn bè phản bội nhau…
Khi suy nghĩ như thế, chúng ta thấy, niềm vui của lòng người bị giới hạn vào tâm trạng nội tâm, vì thế cảm xúc hoàn toàn khác nhau!
Tuy nhiên, với người Công Giáo, chúng ta gặp nhau ở một điểm, đó là mùa xuân tự nhiên, kết hợp với lòng người và vươn tới Mùa Xuân Ơn Thánh.
3. Mùa Xuân Ơn Thánh
Nếu mùa xuân tự nhiên cứ đều đặn tuần hoàn nối tiếp: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, hay mùa xuân của lòng người phụ thuộc vào thành quả hay tâm trạng chủ quan, thì Mùa Xuân Ơn Thánh là một mùa xuân bất diệt, toàn diện và được trao tặng cho hết mọi người…
Tuy nhiên, Mùa Xuân Ơn Thánh này lại phụ thuộc vào mỗi người, nếu đón nhận thì được dồi dào, phong phú, nhưng không đón nhận thì trơ trụi, cằn khô.
Một trong những nguyên nhân khiến con người không có Mùa Xuân Ơn Thánh, đó là: tâm hồn tràn ngập tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, bất công… Những người như thế, họ luôn mang trong tâm hồn mình một trạng thái bất an, tù túng, và không chừng, linh hồn sẽ bị chết chóc, sầu thương ảm đạm!
Chỉ khi nào con người biết khôn ngoan quay trở về với Chúa, rộng tay làm phúc cho kẻ túng nghèo và lo sống một cuộc đời thánh thiện, thì sẽ được Thiên Chúa ân chúc phúc. Lúc đó, con người mới hưởng được Mùa Xuân Ơn Thánh, nói cách khác, lúc đó Mùa Xuân Vĩnh Cửu mới hiện về trong tâm hồn của con người.
Nói cách cụ thể hơn, nếu muốn cho mùa xuân trở về trong trái tim chúng ta, thì chúng ta phải thực sự trở nên giống trẻ thơ để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì Mùa Xuân Ơn Thánh chỉ đến với tâm hồn đơn sơ trong trắng mà thôi.
Khi có tâm hồn đơn sơ trong trắng, chúng ta phó thác đường đời cho Chúa, và phần còn lại, đó là chúng ta đi trong đường lối của Ngài để được dồi dào ân lộc: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Vì “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”.
Hôm nay, ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới không chỉ dừng lại ở niềm vui của mùa xuân đất trời, cũng không hệ tại lòng người, nhưng chúng ta luôn hướng lòng về Mùa Xuân Ơn Thánh – Vĩnh Cửu.
Ước mong Mùa Xuân Ơn Thánh – Mùa Xuân Vĩnh Cửu luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chan chứa ân sủng và bình an trong năm mới này.
Kính chúc cộng đoàn một năm mới luôn luôn dạt dào Ơn Thánh, để:
“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc
Tết về cây đức trổ thêm hoa”
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
LỰA CHỌN ĐẦU NĂM: ƯU TIÊN CHO THIÊN CHÚA
THÁNH LỄ NGÀY MỒNG MỘT TẾT NĂM A
Mt 6,25-34
Năm hết, Tết đến, Xuân về, có nhiều điều khiến ta phải ưu tư lo lắng: Tết này ta ăn gì, mặc gì? Ta đi đâu để chơi xuân? Công việc làm ăn của ta sẽ như thế nào?
Chúa Giêsu dạy ta, đừng lo lắng cho mạng sống lấy gì mà ăn và cũng đừng lo lắng cho thân thể lấy gì mà mặc. Nhưng hãy phó thác mạng sống cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Điều ta cần phải làm và cần phải tìm kiếm trong suốt cả năm là “Tiên vàn các ngươi hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn các sự khác Người sẽ ban thêm cho sau.” Nghĩa là Chúa Giêsu bảo ta phải ưu tiên cho Thiên Chúa, lo tìm kiếm Nước Trời và sống công chính thánh thiện đẹp lòng Chúa. Nếu trọn đời ta sống theo lời Chúa dạy, chắc chắn trong cuộc sống ta sẽ được Chúa quan phòng chăn nuôi, gìn giữ như Người đã từng làm cho chim trời và hoa cỏ đồng nội.
Điều Chúa dạy sao mà giống điều cha ông chúng ta dạy thế ! Cha ông chúng ta đã từng dạy con cháu rằng: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”.
Người không tin Chúa, thì đầu năm người ta nô nức rủ nhau đi lên đình lên chùa xin lộc thánh lộc thần, cuối năm người ta rộn ràng đến với thần thánh để tạ ơn.
Có một bài báo viết rằng những ngày đầu năm cũng như cuối năm lượng người đến với Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh rất đông. Có những người bận trăm công, nghìn việc cuối năm nhưng cũng không quên đến trả nợ Bà. Đầu năm đã đi vay của Bà thì cuối năm dù giàu hay nghèo, làm ăn phát tài hay thất bát vẫn phải trả đủ Bà và trả thêm phần lãi. Người vay nhiều thì trả nhiều, vay ít thì trả ít. Có người vay vài chục tỷ, cuối năm thuê cả xe tải chở lễ vật đến trả.
Có mặt tại đền, một tiểu thương ở Bắc Ninh cho biết: từ ngày lấy vợ, mở cửa hàng buôn bán năm nào anh cũng đến vay ít vốn. Đầu năm, anh vay của Bà 100 triệu đồng nên hôm nay anh và vợ anh mang đến cả gốc lẫn lãi lên đến 300 triệu.
Anh vui vẻ: “Mặc dù năm nay làm ăn cũng được, tiền làm ra lắm nhưng tiêu nhiều hơn. Mình tự nhủ có lẽ đầu năm có người cầm nhầm lễ của mình nên hơi xáo trộn trong buôn bán”. Anh nhớ lại hôm mùng 6 Tết năm ngoái, hai vợ chồng anh đi vay vốn trong cảnh người chen lấn. Khi đặt được lễ xuống đất, khấn lạy bà rồi lại chen ra để… thở, một lát sau anh vào không nhận ra nổi mâm cúng của mình đâu. Anh đành ngậm ngùi bê tạm một mâm của người khác ra hoá vàng.
Đầu năm anh chị em đến nhà thờ rất đông. Đến nhà thờ để xin ơn xin lộc Chúa. Chúa không cho mượn cũng không cho vay, nhưng Chúa ban tặng, biếu không cho ta tất cả. Nhưng lễ tạ ơn cuối năm được mấy chục người, được mấy gia đình. Cuối năm người đi chợ đông hơn đi nhà thờ, tất bật làm ăn, rộn ràng lo sắm tết hơn là tất bật và rộn ràng lo tạ ơn Chúa.
Ta xử sự như thế phải chăng ta vô ơn và coi thường ơn Chúa? Phải chăng ta không nhận ra, không nhình thấy ơn lành của Chúa trong đời sống cũng như trong những thành quả lao động?
Một dấu chỉ sự chúc lành của Chúa, một điều lạ lùng xảy ra nhãn tiền trong năm qua là mỗi người và mỗi gia đình chúng ta dù yếu đuối, tội lỗi, bất trung, nhưng chúng ta vẫn lãnh nhận biết bao tình thương, sự tha thứ và ơn lành của Chúa về phần hồn cũng như phần xác. Thế mà cuối năm, nhà thờ, thánh lễ vẫn vắng bóng người đến tạ ơn Chúa. Ta xử sự với Chúa như thế chẳng phải là ta chỉ lo tìm kiếm cái ăn cái mặc, ta chỉ lo lắng xây dựng trần thế này mà thôi, còn việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và làm đẹp lòng Chúa, thì ta chẳng cần quan tâm. Nói khác đi ta chỉ cần lo cho “đầu xuôi”, chẳng cần phải lo cho “đuôi lọt.”
Lạy Chúa, xin cho con trọn đời biết ưu tiên cho Chúa và tìm kiếm Nước Trời cũng như đức công chính của Người, để con luôn được Chúa quan phòng, gìn giữ chở che ở đời này và đời sau. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu