Kẻ thù của Đức Giê-su là ai?
Chúa nhật VII Thường niên C
Câu chuyện của Lời Chúa trong Chúa nhật VII Thường niên năm C xoay quanh cặp phạm trù yêu thương và thù hận. Yêu thương thì ai cũng muốn và thù hận chẳng ai muốn vướng vào. Yêu đi với yêu, và thù đi với thù, đấy là lẽ thường ở đời. Đối với Chúa Giê-su, cái lẽ thường ấy ai mà chẳng làm được. Con đường của Giê-su mời gọi là “hãy yêu kẻ thù”. Lạ đấy và khó đấy, nhưng nó là con đường nên thánh, con đường tới Nước Trời mà Giê-su đã đi.
Tình yêu đơn phương
Ở đời, ai cũng muốn được sống trong yêu thương. Tôi yêu bạn và bạn yêu tôi. Tình yêu ấy hoàn hảo và đáng ước ao. Nhưng nhân gian chứng kiến bao cảnh đời éo le mang một tình yêu xuất phát từ một hướng và không được đáp lại. Nhiều cuộc tình tréo ngoe kiểu tôi yêu bạn nhưng bạn không yêu tôi. Còn người yêu tôi thì tôi lại không yêu họ.
Nếu đi tìm một nhân vật điển hình luôn đau khổ rằn vặt cả đời trong mối tình đơn phương, thì đó là Giê-su. Tâm hồn Giê-su buồn bã nhìn những người mà Ngài yêu mến quay mặt bỏ đi, nhìn họ bước vào con đường chết mà không khuyên can được. Ngài đã khóc vì họ chẳng nghe theo mình để được sống. Cái đau khổ tột cùng khi bị chính người mình yêu sỉ vả và xua đuổi, vung tay đóng đinh mình vào cây thập giá.
Lòng thù đơn hướng
Nếu tình yêu đối đáp là thứ hoàn hảo đáng ước ao, thì lòng thù qua lại luôn là điều bị lên án xưa nay. Nếu tình yêu đơn phương tha thiết không nhiều trong xã hội, thì lòng thù đơn hướng cũng hiếm hoi vậy. Người ta dễ dàng trả thù cho những người làm hại mình, ruồng bỏ những ai đối xử tệ với mình.
Tình yêu giúp tôi luôn có lòng tha thứ, sẵn sàng phục vụ vô vị lợi cho người tôi yêu; Lòng thù khiến tôi luôn tìm cách bắt lỗi, tìm cơ hội để làm hại người tôi thù ghét. Yêu thương hay thù hận sẽ thay đổi cách thế hành xử của tôi với tha nhân.
Vua Saole coi Đavit là kẻ thù nên nhà vua truy sát Đavit đến cùng. Vua nhìn những chiến công của Đavit chỉ là những mưu mô làm hại mình. Abisai, cận thần của Đavit coi vua Saole là kẻ thù nên muốn giết vua. Đứng trước cơ hội, Abisai chỉ tìm cách làm sao để hại nhà vua nhanh nhất. Nhưng với Đavit, ông nhìn nhận vua Saole là “người được Chúa xức dầu”, ông không coi vua Saole là kẻ thù nên ông không hạ sát nhà vua. Đavit tìm cách bảo vệ nhà vua, tìm cách thức tỉnh nhà vua cho dù vua Saole tìm cách giết hại ông.
Giê-su chẳng thù ghét ai nên Ngài chẳng tìm cách hại người, chẳng oán ghét hay sát phạt người nào. Giê-su yêu hết thảy mọi người, dù với nhiều người chỉ là mối tình đơn phương. Bởi thế Giê-su luôn tìm cách cứu người, giúp người, nâng đỡ con người cho dù họ chấp nhận hay không, cho dù họ phản bội hay hạ sát mình.
Herode thấy sự xuất hiện của Giê-su là mối hoạ cho ngai vàng của mình. Hêrode thù ghét Giê-su nên tìm hạ giết Giê-su. Người ta vẫn có thể tìm thấy đâu đó những người coi Giê-su là kẻ thù. Nhưng tất cả họ đều là những người mà Đức Giê-su yêu thương. Họ là những người mang trong mình lòng thù đơn hướng. Họ thù hận Giê-su nhưng Giê-su đâu có thù ghét họ. Ở nơi Đức Giê-su không có lòng hận thù nên chẳng người nào thù oán ngài mà bị Ngài đáp trả. Chẳng có ai trên cõi đời này là kẻ thù của Giê-su cả. Giê-su đã yêu cháy bỏng cả nhân loại, yêu từng con người, yêu cho đến cùng
Yêu đến cùng
Mệnh lệnh “hãy yêu kẻ thù” có vẻ là điều không tưởng, nhưng đối với Giê-su đó lại là điều tất yếu. “hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” – Những mệnh lệnh ấy làm sao ta làm được khi ta mang trong mình lòng thù hận. “Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại” – Làm sao ta có thể làm được những điều ấy khi lòng mình chẳng có tình yêu thương.
Yêu tha nhân đến cùng, yêu đến chết và sẵn sàng bị hao mòn, bị chết vì người mình yêu. Giê-su đã yêu con người như thế, và Ngài muốn con người cũng yêu nhau như thế. Giê-su khát khao biến đổi trái tim con người nên giống trái tim Ngài. Phúc cho ai trở nên ngoan nguỳ trước tình yêu của Giê-su.
Yêu thương tất cả và không thù hận ai là lời mời gọi bước tới trên con đường thiện hảo. “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” là lời mời gọi kèm theo bảo đảm cho những ai tiến bước. Thánh Phaolo đã biện giải trong bài đọc 2: nếu ta là người thuộc Adam, ta thuộc về đất mang trong mình thân phận mỏng manh và hậu quả của tội lỗi; thì khi ta theo Đức Ki-tô, ta thuộc về thiên giới mang trong mình ân sủng chứa chan và hưởng nhờ hiệu quả ơn Cứu Độ. Bước theo Đức Giê-su là bước đi trên đường trọn lành với sự bảo đảm của Ơn Chúa luôn ở cùng ta.
Lạy Chúa, xin kéo con về trong vòng tay ân ái của Ngài, cho con được gục đầu bên trái tim Ngài để con được cảm nếm tình yêu vĩnh cửu; xin uốn nắn trái tim con để con có thể yêu thương và mãi mãi yêu thương mà thôi.
Lm. Giuse Lê Danh Tường