LỜI CẦU NGUYỆN CHO GIÁO HỘI
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH -NĂM C
(Ga 17,20-26)
1. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu xin là dấu hiệu đầu tiên của sự nối tiếp mạc khải sống động của Ngài qua mọi thời đại, là dấu hiệu của sự tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp của mỗi thế hệ tín hữu với Chúa và Thiên Chúa Cha: “Con trong chúng và Cha trong Con để chúng cũng ở trong chúng ta”. Sự liên tục này là phản ảnh sự hiệp nhất nối kết Cha và Con (10,38; 4,10-11). Con chỉ là Con bao lâu còn tiếp xúc với Cha; cũng thế Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi, như các tông đồ, họ trực tiếp gặp gỡ thực tại của Đức Kitô trong lời rao giảng đức tin (1Ga 1,1-3). Họ chưa biết Kitô giáo là gì nếu chỉ biết Đức Kitô nhờ nghe nói lại, biết Ngài sống chết bao lâu, mà không bao giờ đối diện với Đức Kitô hằng sống.
Mối dây hiệp nhất đang nối kết trực tiếp mỗi một thế hệ tín hữu với Đức Kitô và Cha nhờ việc rao giảng đức tin được diễn tả ra bên ngoài bằng sự hiệp nhất giữa các tín hữu và bằng sự hòa điệu của một cơ thể sống động đang qui tụ họ lại. Càng xa dần biến cố lịch sử Đức Kitô, càng phải sợ rằng, những yếu tố ngoại lai sẽ len lỏi vào trong Giáo hội và làm mất đi sự mới mẻ ban đầu. Trước đây là vấn đề hiệp nhất trong giáo thuyết, nhưng cũng là vấn đề tình huynh đệ Kitô hữu, vì đó là qui luật đời sống Kitô giáo. Khi thánh Gioan viết thư nhắc lại giáo huấn mà các tín hữu Ngài đã nghe từ ban đầu (1Ga 2,7.24; 3,11; 2Ga 5-6), Ngài cũng khuyên nhủ họ sống yêu thương nhau và trung thành với giáo thuyết. Từ đó người ta hiểu rằng trái tim của vị tông đồ đầu tiên đã se thắt lại khi, vào cuối thế kỷ thứ nhất, Ngài linh cảm là Kitô giáo sẽ không còn hiệp nhất.
Trong sợi dây lưu truyền sứ điệp cứu độ của một Thiên Chúa tình yêu, thì vòng xích nào cũng đáng kể cả: Cha – Con – các tông đồ, mỗi một tín hữu, mỗi một thời đại. Triều thiên là lòng khoan hậu của Thiên Chúa kết nên chỉ mong trở thành một (1Ga 2,5; 4,12.17). Cộng đoàn Kitô hữu, qua mọi thời đại, hoàn toàn chỉ là một đại gia đình uống cùng một nguồn suối sự sống, nguồn suối của Đức Kitô; trong Ngài tỏ lộ ra nguồn mạch đầu tiên của tất cả sự sống: Thiên Chúa Cha.
Sự tiếp nối nguồn sinh lực này, biểu lộ ra trong sự tiếp nối tinh tuyền học thuyết và củng cố trong tình huynh đệ, là một luận cứ đáng kể để thuyết phục thế gian. Sự vững chắc của một đầu đủ gây ấn tượng cho một thế giới cần phải chinh phục, dĩ nhiên không phải là một ấn tượng sợ hãi mà là một ấn tượng tốt đẹp và lôi cuốn. Vì sự bền vững trong đức tin tinh tuyền và duy nhất của cộng đoàn qua mọi thời đại đủ biện minh cho đấng sáng lập. Ngài đã không thể đạt được hiệu quả ấy nhờ quyền lực nhân loại của Ngài, nhưng chỉ đạt được nếu sứ mạng của Ngài bắt nguồn từ một thế giới siêu nhiên – thần linh. Như vậy sẽ không gì có thể biện minh cho việc thế gian từ chối tin rằng Chúa Cha đã thật sự sai Chúa Kitô và từ chối tin rằng đến lượt Ngài, Ngài đã uỷ nhiệm cho các nhân chứng công bố cho mọi người tình yêu mà Cha đã tỏ ra trong Ngài.
2. Sự hiệp nhất giữa các tín hữu trực tiếp phát xuất từ việc đồng tham dự vào vinh quang Đức Kitô. Ngay từ lúc nhập thể, nhưng nhất là trong sự sung mãn hoàn toàn khi thăng thiên, nhân tính của Chúa Giêsu nhờ thần tính phong phú, đã được tràn ngập vinh quang Thiên Chúa. Khi hiệp nhất với Ngài nhờ đức tin, các môn đệ được thông ban vinh quang đó; mỗi một người tùy theo mức độ, thông vào bản tính của Thiên Chúa khi sinh bởi Thiên Chúa nhờ thánh linh (1,14; 3,6; 2P 1,4). Dù chia sẻ vinh quang và mọi của cải thần thiêng của Ngài, họ vẫn làm nên một thân thể với và trong Ngài mà thôi: “Chỉ có một thân mình và một thần khí, cũng như chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa… Tuy nhiên mỗi người chúng ta đã được ân sủng ban xuống tùy theo lượng ân lộc của Đức Kitô” (Ep 4,4-7)
Như thế, nhờ việc Đức Kitô ở trong các môn đệ như nguyên lý tác động sự sống thần linh và đàng khác nhờ việc Cha ở trong Con như nguyên lý sự sống và nguyên lý hành động của Ngài, tất cả chỉ làm thành một: “Con trong chúng và Cha trong Con để chúng hoàn toàn nên một”. Ở giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo hội có một sự hiệp nhất thiêng liêng rất khắng khít: “Điều mà chúng tôi đã từng thấy và đã từng nghe, thì chúng tôi loan báo cho anh em nữa… để anh em được thông hiệp với chúng tôi (nhờ đức tin); nhưng sự thông hiệp của chúng ta, là thông hiệp với Cha và với Con của Người, Chúa Giêsu Kitô” (1Ga 1,3)
3. Sau khi nhìn đến các tín hữu đang sống trong thế gian, Chúa Giêsu nghĩ đến tình cảnh của họ trong tương lai. Đối với Ngài, nay đã đến lúc trở về cùng Cha (14,28), trong vinh quang mà Cha đã ban cho Ngài từ lúc sinh ra trong vĩnh cửu, trong vinh quang mà nhân tính Ngài sắp được liên kết cùng. Đó là điều Cha đã quyết định trong tình yêu dành cho Chúa Con khi, trong vĩnh cửu, Ngài đã ra lệnh cho Con Ngài nhập thể. Những kẻ Cha đã ban cho Chúa Giêsu là toàn thể các tín hữu xét như một khối. Đó là kỷ phần của Đức Kitô. Ngài đã nhận kỷ phần đó từ Cha và đã chấp nhận nó. Kỷ phần đó thuộc về Ngài và Ngài đã tỏ ra sẵn sàng nói lên sự chấp nhận bằng dòng máu đổ ra. Quyền lợi của Ngài, như thế, liên kết với quyền lợi của chúng ta. Do đó Ngài đòi hỏi với một uy quyền khiến ta ngạc nhiên vì nằm trong một lời cầu nguyện. Con muốn diễn tả một hành vi ý chí, chứ không chỉ là một ước muốn đơn thuần. Chắc chắn, Chúa Giêsu bao giờ cũng chỉ muốn điều Cha muốn (4,34; 5,30; 6,38-40). Nhưng trên điểm này, ý muốn nhân loại của Ngài hoàn toàn trùng hợp với ý muốn của Cha, nên Ngài đã nói cách cương quyết. Chúng ta thấy Ngài tha thiết với chúng ta dường nào. Điều Ngài muốn bây giờ là chúng ta được kết hợp với sự sống vinh hiển của Ngài. Có thể nói vinh quang và niềm vui của Ngài sẽ không trọn vẹn nếu không có điều đó. Đức Kitô mạc khải tình yêu Ngài đối với chúng ta cách tuyệt hảo. Con người hãy dừng bước để hồi tâm đón nhận và suy niệm trong lòng những lời nói chưa chan lời âu yếm đó.
4. Sau khi nhìn đến số phận tại thế của các môn đệ, vị tôn sư cầu xin cho họ ơn một ngày kia được đi theo Ngài về trời, ở bên Chúa Cha. Ngài đã nói với họ trước khi chịu nạn: họ sẽ theo Ngài lên trời vì Ngài đi dọn chỗ và sẽ trở lại đưa họ theo với Ngài (13,37; 14,2-3). Lúc này, Đức Kitô tỏ cho Chúa Cha thấy ý muốn cương quyết có họ gần bên Ngài. Và đó cũng là chính ý muốn của Cha, Đấng đã uỷ thác họ cho Ngài với sứ mạng bảo vệ họ khỏi hư mất ở đời này cũng như đời sau: “Này đây ý của Đấng đã sai Ta: phàm sự gì Người đã ban cho ta, thì Ta không được để hư đi điều gì, song ngày sau hết ta sẽ cho nó sống lại” (6,39).
Chính khi cho họ sống lại là Chúa Giêsu dứt khoát đem họ theo ở bên Ngài, cho họ thấy vinh quang thần linh sắp hội nhập và biến đổi nhân tính Ngài trên trời. Ngay lúc còn tại thế, vinh quang này đã nhiệm mầu chiếu sáng trong các công việc, cử chỉ và toàn thể con người của Ngài, đến nỗi các môn đệ đã có thể chiêm ngắm vinh quang đó nhờ ánh sáng đức tin (1,14; 2,11). Bây giờ khi Ngài phục sinh, vinh quang đó chiếu sáng mãnh liệt hơn, và họ thấy cách rõ ràng hơn. Trên trời, nhân tính của Ngài sẽ tiếp nhận cách sung mãn vinh quang mà Cha đã vì yêu mà ban cho Ngài lúc tiền hữu, trước khi tạo dựng vũ trụ. Như một tấm gương không vết nhơ hay như một tấm màn trong suốt, nhân tính Ngài sẽ phản chiếu và tràn ngập vinh quang này một cách hoàn hảo đến độ thấm nhuần và được biến đổi nhờ vinh quang đó. Khi chiêm ngưỡng vinh quang này, những người được chọn sẽ vui mừng phấn khởi, sung sướng hạnh phúc, như lời Chúa Giêsu: “Ta sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng, và sự mừng vui của các con không ai lấy mất được” (16,22)
Như Đức Kitô vinh hiển sẽ là hình ảnh hoàn hảo của Cha và sự chiếu sáng huy hoàng của vinh quang Ngài (Col 1,15; Dt 1,3), thì chính Chúa Cha vinh hiển mà các môn đệ sẽ chiêm ngưỡng trong tấm gương Con Ngài; chính lúc đó ứng nghiệm lời Chúa Giêsu: “Ai thấy Ta là thấy Cha…Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (14,9-10).
Theo thánh Phaolô, khi chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô nhờ đức tin, các tín hữu đã nhận lãnh một phần vinh quang này: “Còn chúng ta hết thảy, không màn che mặt, ta ngắm, như dọi lại trong gương, vinh quang của Chúa; và nhờ cũng một hình ảnh ấy, ta được biến hình đổi dạng từ vinh quang này đến vinh quang khác” (1Co 3,18). Sự trực tiếp chiêm ngưỡng Đức Kitô vinh hiển sẽ làm cho họ được vinh quang.
5. Cuối lời nguyện, Đức Kitô bày tỏ lý do khiến lời cầu nguyện sẽ đáng được nhậm: Chúa Giêsu đã ngỏ lời với cha Ngài bằng cách gọi Người là Cha chí công. Ngài đã tôn vinh Cha bằng cách tỏ danh Cha (c.4), và việc Ngài đã bắt đầu, Ngài sẽ tiếp tục trong tương lai, bằng cách dẫn con người đến đức tin. Đã có và sẽ có những sự chống đối. Thế gian đã từ chối không nhận biết Cha ở trong Con, Đấng đã được sai đến với họ. Nhưng những người mà Đức Kitô vừa cầu nguyện cho đã cư xử cách khác. Họ đã rộng lòng đón chân lý, vì thế Đức Kitô làm cho họ nhận biết rằng chính Cha đã sai Ngài, để tình yêu của Cha ở trong họ, sống và hành động như trong chính Ngài (vì họ thuộc về Ngài); và nhờ đó, Ngài được yêu mến bởi họ và trong họ. Nếu đó là thái độ tâm hồn của các tín hữu bán chặt vào Đức Kitô, và nếu đó là ý muốn của Đức Kitô suốt cuộc đời của Ngài thì việc Chúa Cha nhậm lời Con Ngài là một điều chính đáng, khi Chúa Con cầu xin Ngài hiệp nhất mọi tín hữu trong tình bác ái.
6. Lúc sắp lìa trần, vị Tôn sư tổng kết thành quả cuộc đời trần thế của Ngài. Dù ngài đã hết sức cố gắng minh chứng và mạc khải cha, thế gian đã không biết, đã không muốn biết Thiên Chúa với nhận thức đầy tình yêu và vâng phục đức tin, như lời của Đức Kitô nói với người Do thái: “Đấng mà các ngươi xưng rằng: Người là Thiên Chúa của chúng tôi, vậy mà các ngươi lại không biết” (8,55). Trái lại, chính Ngài đã nhận biết Người nhờ trí óc và con tim; Ngài không ngừng sống sự hiểu biết này: “Ta biết Cha và Ta giữ lời của Người”, Chúa Giêsu quả quyết với người Do thái như thế (8,55).
Trái với thế gian, các môn đệ đã nhận biết và thừa nhận rằng Thầy của họ đến từ Thiên Chúa, rằng chính Chúa Cha đã sai Ngài (17,8). Từ đó Ngài đã có thể bày tỏ Cha, mạc khải danh Cha cho những ai mà Thiên Chúa đã đưa ra khỏi thế gian mà ban cho Ngài: “Thiên Chúa, nào ai đã thấy bao giờ, Con Một, ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã tỏ cho biết” (1,18). Một khi được tôn vinh, thì thay vì chấm dứt, Chúa Giêsu sẽ theo đuổi nhiệm vụ đó cách mãnh liệt và mầu nhiệm hơn; Ngài sẽ tỏ Chúa Cha khi tự thân mật mạc khải và sống với Cha trong các môn đệ. Còn Chúa Cha sẽ yêu mến môn đệ bằng chính tình yêu Người dành cho Chúa Con. Quả thật, vì Đức Kitô và Kitô hữu ở trong nhau, thì chính Chúa Con mà Chúa Cha yêu mến trong người môn đệ: “Ai yêu mến Ta thì được Cha Ta yêu mến, và Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó… Ai yêu mến ta, thì sẽ giữ lời Ta và Cha Ta yêu mến nó và chúng ta sẽ đến cùng nó và sẽ lập cư nơi mình nó…” (14,21-23). Đó là điều làm các môn đệ vững tâm khi sư phụ ra đi: họ sẽ tiếp tục hưởng nhờ sự hiện diện, tình yêu và hoạt động mạc khải của Ngài, cũng như tình yêu vô biên và thường xuyên của Cha trên trời.
KẾT LUẬN
Đức Kitô, nhờ cái chết thập giá, đã được Chúa Cha ban cho vinh quang. Vinh quang đó là bày tỏ cho mọi người biết Ngài thông hiệp sâu xa với Cha. Các tín hữu cảm nhận được vinh quang ấy thì cũng được liên kết vào đó, và đến lượt họ, họ sẽ tỏ bày vinh quang của Đức Kitô. Điều này được thực hiện một cách cụ thể bằng việc họ hiệp nhất trong tình yêu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Ở đầu bản văn, Chúa Giêsu quả quyết không chỉ muốn cầu nguyện cho các môn đệ vây quanh Ngài và đang ăn tiệc ly với Ngài. Ngài còn cầu nguyện “cho những ai, nhờ lời của các tông đồ mà tin vào Ngài”. Ngài cầu nguyện cho những kẻ sau này sẽ kế vị họ và cho những người, nhờ Lời, sẽ nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Lúc đó, Ngài cũng đã nghĩ đến mỗi một người trong chúng ta hôm nay đang lắng nghe lời Ngài.
2. Trong hoàn cảnh trang nghiêm như thế này, Ngài xin điều gì quan trọng? Ngài xin: “Chớ gì chúng nên một”, như thể Ngài đoán trước có mối nguy hiểm đang chờ các tín hữu, hiểm nguy đó là sự chia rẽ. Chúa Giêsu vắn tắt nói cho chúng ta cái khuôn mẫu, hiệu quả và phương thế của sự hiệp nhất này, một sự hiệp nhất phải luôn luôn tìm kiếm, nhưng không bao giờ đạt được: “Chớ gì chúng cũng nên một như chúng ta”. Sự hiệp nhất phải thể hiện giữa các tín hữu là sự hiệp nhất có giữa Cha và Con: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Không thể tưởng tượng được một sự hòa hợp, một sự hiệp thông mãnh liệt hơn, hoàn hảo hơn sự thông hiệp giữa Cha và Con. Sự hiệp nhất có giữa tín hữu nhờ lời cầu xin của Đức Kitô, giống như sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.
3. Và Chúa Giêsu nói tiếp: “Để thế gian biết rằng Cha đã sai con và Con đã yêu chúng như Cha đã yêu Con”. Khi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu sẽ được chấp nhận, thì hiệu quả đầu tiên tỏ ra cho người ngoài biết là Chúa Giêsu yêu nhân loại như Chúa Cha đã yêu Ngài. Một viễn cảnh được mở ra cho những ai buồn phiền vì thấy đức tin đã biến mất, vì thấy Giáo hội không còn được lắng nghe, cho những ai đang tìm phương thế, những kỹ thuật thuyết phục mọi người theo Chúa; Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta phương thế chính Ngài đã hoàn chỉnh: đó là Chúa Cha thực hiện ước nguyện của Ngài: “Chớ gì chúng nên một”.
Sau cùng Ngài nói cho chúng ta biết điều đó sẽ thực hiện như thế nào: “Con đã ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một”. Vì vinh quang này là sự thông phần vào vinh quang Thiên Chúa vào sự sống mãnh liệt phát xuất từ Cha, cho nên phương thế hay nhất, để thực hiện sự hiệp nhất Cha Con, là mức độ chúng ta thông hiệp vào vinh quang của Chúa Giêsu, vào cuộc sống Thần linh của Ngài, múc ra từ các nhiệm tích, từ việc nghe lời Chúa, từ việc chân thành và kiên nhẫn cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt