
“Thứ người chết để lại cho người sống, đó hẳn là nỗi buồn khôn nguôi, nhưng đồng thời là bổn phận sống tăng thêm, bổn phận hoàn thành phần đời mà nhìn bề ngoài thì người chết phải chia lìa, nhưng thật ra vẫn còn nguyên vẹn”
– Francois CHENG-
Vậy là, bài viết này của con được xuất bản mà không còn được Cha biên tập, chỉnh sửa nữa. Cho nên, con mới dám “nói xấu” Cha mấy điều.
Cha tham quá!
Cái tham lam trước nhất và to nhất của Cha chính là tham hiểu biết. Điều này thì ai đã từng được làm việc, được cộng tác cùng Cha, được Cha hướng dẫn đều có thể nhận thấy sự uyên bác liên ngành nơi Cha. Và bằng chứng là những gạch đầu dòng liệt kê các chức vụ, cương vị mà Cha được trao phó. Gọi Cha là một nhà sư phạm cũng được, một nhà truyền thông đa phương tiện cũng đúng, một nghệ sĩ bán chuyên cũng chẳng sai, hay đơn giản là một anh thợ máy tính…
Và vì cái tham biết này cho nên đi liền với cái tham việc, tham giúp đỡ người khác. Mà lạ lùng một sự, ai nhờ Cha việc gì hay cái gì đến tay Cha, Cha luôn cố làm cho kỳ được – và thường là Cha tự tìm hiểu, nghiên cứu. Cha kể về quá trình Cha nâng cấp website của Tổng Giáo phận lần đầu (những năm 2014-2015) chính là quãng thời gian Cha phải nằm mệt sau những lần “vào thuốc” (hóa trị), khi ấy, Cha đã tập tọe viết những dòng code đầu tiên để tái cấu trúc nền tảng và giao diện cho trang web.
Cái tham thứ nữa là ngài tham sống. Lẽ đương nhiên, đây không phải tham sống để mà sợ chết. Nhưng Cha đã rất nghiêm túc về sự tham sống này khi căn bệnh quái ác đổ ập xuống Cha. Và hình như chính vì sự cố ấy đã biến cái hữu hạn nơi Cha trở thành vĩnh cửu bất tận. Cha làm việc và cống hiến không ngừng nghỉ. Có những lúc tưởng chừng như nhịp sống của Cha là hai nhịp của nằm bệnh mệt và ngồi làm việc. Cứ lúc nào cha không bị cơn đau, bị thuốc hành hạ thì đã thấy Cha ngồi đó – trước màn hình máy tính, trước những trang sách để mở. Và sau này, khi đã đau nặng hơn, Cha vẫn ngồi đó – trên giường, với chiếc bàn gấp và sống và dâng hiến. Có lần tôi nói đùa để động viên Cha khi ngài nằm mệt: “Còn thở là còn gỡ đúng không Cha!?!”. Và Cha đã gặng gỡ cho đến cả “phút bù giờ” khi Chúa để cho ngài ngồi thở trên xe lăn nhưng vẫn khát khao được sống để nhịp bước hiệp hành cùng Tổng Giáo phận chuẩn bị những công việc cuối cùng cho Công nghị vừa qua.
Cũng lại vì cái tham sống vậy nên Cha cũng là người tham những ước mơ, những dự án, những ý tưởng. Lẽ thường khi yếu bệnh, người ta dễ thấy thời gian trôi chậm đến mức nhàm chán. Nhưng với Cha thì khác, Cha lại sống như một người trẻ đầy thanh xuân – Cha thấy thời gian trôi nhanh quá mà công việc thì còn dang dở. Tôi nhớ lần sinh nhật năm 2021 của ngài – giữa những ngày tháng 9 Hà Nội còn ảnh hưởng của dịch bệnh, cả Ban Truyền thông vẫn tổ chức mừng tuổi mới Cha cách rộn ràng. Cha không sợ tuổi tác hay già nua. Cha nhìn chiếc bánh sinh nhật ghi tuổi 45 – “Ồ! Vậy là đã 7 năm rồi! Vẫn sống” (Cha đếm số năm cha bạo bệnh) và Cha ước rằng: Mình sẽ sống qua cả lúc hai con số trên chiếc bánh kem kia đổi vị trí. Nhưng ý Chúa nhiệm màu chỉ cho chiếc bánh kem ấy được cộng thêm một lần và mãi mãi dừng lại.
Nhưng là một con người dạt dào những dự định nên lúc nào cũng thế, khi nói chuyện với Cha, Cha hiếm khi đắm mình nhớ nhung ký ức hoặc mơ mộng nói những điều xa vời, viển vông: Nếu điều này, nếu điều kia… Ngài luôn trăn trở những ý tưởng thực tế, những kế hoạch khả thi và từng bước, từng bước để thực hiện trong khả năng, điều kiện. Cha có muôn điều ước và Cha cũng ước rằng – “Chúa cho mình một ít sức khỏe của cậu bây giờ, thì mình sẽ xách ngay cái xe đạp rồi vác ngay máy ảnh lang thang ra phố cả ngày được” – Những lúc Cha nói câu đó, tôi cũng ước mình cấu ra được chút sức khỏe để đắp vào cho Cha đi chơi một ngày. Và đó cũng là lúc Cha dạy tôi, sức khỏe là điều kiện cần/đủ ra sao để mà tu, để mà phục vụ. Hay đó cũng là khi tôi chợt nhận ra lý do vì sao lúc nào Cha cũng dựng một cái xe đạp thể thao ngay trước cửa phòng. Cha ước nhỏ nhoi thôi nhưng Cha sẵn sàng để biến điều ước ấy thành hiện thực.

Cha ghê lắm!
Bên cạnh mấy “sự tham lam” trên, Cha còn rất “ghê” – cái “ghê” của Cha đi liền với sự kỷ luật và yêu cầu sự hoàn thiện tối đa. Phần tính cách đó của Cha hẳn sinh ra vì Cha là con người của LUẬT (rule) – ngang bằng sổ thẳng – phẩm chất ưu tú của vị thẩm phán. Lại thêm nữa là người làm truyền thông – chịu trách nhiệm các nội dung, hình ảnh… của Tổng Giáo phận truyền tải, lan tỏa đến rất nhiều đối tượng mà chính Cha cũng chia sẻ rằng đó là một áp lực thực sự nên không thể dễ dãi, tặc lưỡi cho qua.
Cái sự cẩn trọng ghê gớm ấy lan sang cả những người cộng tác cùng Cha – nếu không muốn nói là ảnh hưởng sự tỉ mỉ nơi Cha hay một cách chân thành, trong sâu thẳm, chúng tôi – những người Cha hướng dẫn, luôn cảm thấy sợ Cha, một nỗi sợ bị phát hiện mình đang cẩu thả, đang thiếu nghiêm túc trong công việc. Dù cho khi làm việc với Cha hay mang sản phẩm đến để Cha chỉnh sửa, chưa bao giờ (chưa bao giờ x2) chúng tôi thấy Cha mắng mỏ, nạt nộ, chỉ trích nặng lời. Cái cách Cha phê bình là Cha đặt ngược lại những câu hỏi: Tại sao viết câu này? Từ này dùng đúng nghĩa chưa? Hình ảnh đã chuẩn chưa? Có thể cắt ngắn hơn được không?… Sau những lần ngài tra vấn như thế cũng là cách ngài dạy chúng tôi. Như lời thú nhận thật lòng từ một sơ đã từng làm việc với Cha lâu dài (và dĩ nhiên cũng bị cha bắt lỗi thường xuyên): Em ơi! Vì Cha giỏi quá nên Cha phải khắt khe, Cha phải ép cho mọi thứ thật tối đa chứ nhất định không thể tầm thường.
Lại nhớ Cha
Liệt kê ít sự “tham lam, ghê gớm” ấy của Cha để con biết rằng Cha vẫn ở rất gần bên chúng con – trong những điều mà con đã viết ra và sắp viết ra – là bài học Cha dạy con, là tinh thần, là phương pháp và là trọn vẹn đời mục tử của Cha. Và vì Cha đã tham, Cha đã nghiêm khắc cốt là để Cha cho chúng con mà chẳng giữ lại gì cho riêng mình.

CAYDAU
cùng nén hương lòng tưởng nhớ cha