
Tháng MƯỜI: Tháng Mân Côi và chủng sinh
Mấy suy nghĩ về sự gắn bó của người chủng sinh với Mẹ Ma-ri-a
Tôi vẫn nhớ mãi lời chúc mừng của Đức Tổng Giám mục (TGM) Giu-se Nguyễn Chí Linh dành cho Đức cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh cách đây độ 6 năm, khi Đức cha Đa-minh được bổ nhiệm làm Giám mục phó của Giáo phận Đà Lạt. Khi ấy, tân Đức cha Đa-minh đã chọn khẩu hiệu cho sứ vụ Giám mục của ngài là: “MẸ và MỤC TỬ”. Dựa vào khẩu hiệu đó mà Đức TGM Giu-se đã hóm hỉnh khẳng định: Trên thế giới chưa ai có hai quả tim như thế, nhưng trong cương vị chủ chăn, cùng một lúc Đức cha muốn có hai quả tim – quả tim người mục tử và quả tim người mẹ. Thoảng nghe thì thật lạ nhưng càng ngẫm tôi lại càng nhận ra lời ấy đầy ý nghĩa của cả người chọn sống lẫn người chúc mừng.
Thật ý nghĩa khi đến tháng MƯỜI – tháng Mân Côi hàng năm, lịch Công giáo địa phận nhà lại dành cả tháng để cầu nguyện cho chủng viện và chủng sinh. Phải chăng việc đào tạo chủng sinh nơi chủng viện không chỉ muốn các thầy trở nên người mục tử như lòng Chúa, lòng Giáo hội mong ước, nhưng còn hy vọng người mục tử tương lai cũng cần có sự hiền lành, thấu hiểu, nhạy bén, ân cần như một người mẹ trong ứng xử mục vụ với đoàn chiên sẽ được sai đến?
Về gương mẫu mục tử, người chủng sinh qua các giai đoạn đào tạo từng bước rập khuôn đời mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Còn sự dịu dàng, kiên nhẫn, ân cần như một hiền mẫu, các thầy không phải học đâu xa xôi nhưng qua chính Mẹ Ma-ri-a và lời kinh Mân Côi. Thực thế, tôi vẫn nhớ ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào đời tu, quý cha giáo vẫn liên lỉ khuyên các ứng sinh đang theo đuổi ơn gọi về một trong những việc đạo đức hàng đầu chính là việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Những món quà khi ấy tôi hay được nhận nhất chính là những tràng chuỗi mân côi đủ loại, khi thì mười hạt, khi thì năm mươi. Trong các lưu ý về việc đào tạo chiều kích thiêng liêng cho các thầy, các nhà đào tạo luôn dành ưu tiên khuyến khích các thầy bày tỏ lòng sùng kính với Đức Trinh nữ Ma-ri-a qua việc lần chuỗi Mân Côi. Chính vì vậy, Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội cứ đến tháng Mười lại cử hành cách các cuộc cung nghinh Đức Mẹ cũng như nguyện kinh cầu Đức Bà cách trọng thể.
Lời kinh Kính Mừng trong tràng chuỗi Mân Côi và ân sủng của Đức Mẹ khi thì như chất xúc tác kéo ơn gọi tới gần với Thiên Chúa, có khi lại như sợi dây níu chặt và bảo vệ người chủng sinh trong cơn cám dỗ hay những lúc khủng hoảng. Tôi còn nhớ như in câu chuyện về Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận được một cha giáo kể lại: Trong quãng thời gian Đức Hồng y bị quản thúc ngặt nghèo, có những chuỗi ngày ngài bị bệnh không ăn uống được gì, tình trạng cơ thể suy kiệt đến độ mê sảng, và ở giữa những cơn mê lúc nhớ lúc quên ấy, miệng ngài vẫn một cách vô thức lẩm bẩm: Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc… Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời… khi nay và trong giờ lâm tử… và bằng một cách kỳ diệu nào đó, Đức cố Hồng y đã vượt qua những cơn bạo bệnh lâm tử và sau này nữa là 13 năm đằng đẵng quản thúc.
Thực thế, từ bản thân cũng như tâm sự của nhiều thầy, không gì dễ dàng lại hiệu quả cho người theo đuổi ơn gọi được lớn lên và gắn bó với đời tu bằng việc thực hành thường xuyên việc lần chuỗi Mân Côi. Việc đọc kinh Phụng vụ hay suy niệm Lời Chúa có khi là phức tạp và cần phương pháp, nhưng việc lần chuỗi Mân Côi với câu kinh Kính Mừng đơn sơ có lẽ đã ngấm vào máu thịt của người chủng sinh từ thuở thơ ấu. Hẳn ơn gọi Ki-tô hữu và ơn gọi dâng hiến của nhiều thầy đã được nuôi dưỡng theo cùng một cách: Khi còn đang bế bồng trên tay bà, tay mẹ thì đã được bà, được mẹ cầm tay làm dấu; được dạy chắp hai tay trước tượng Chúa, tượng Đức Mẹ và được kèm với câu hát ru trưa hè là lời kinh Kính Mừng ôi a… Một cách thật tự nhiên và đơn sơ, ơn gọi cứ thế lớn dần lớn dần và dài ra như những tràng chuỗi Mân Côi quấn quanh hành trình thiêng liêng của người chủng sinh.
Mỗi lời kinh tựa đóa hoa Mai Khôi mà người chủng sinh hợp với Đức Mẹ dâng lên tòa Chúa trong bất cứ thời khắc nào của ngày sống. Hiền mẫu Ma-ri-a đã hiện diện ở đó cách âm thầm để gây một tình thương mến thương, để làm một bến đỗ dịu mát cho quãng thời gian tu học của người học trò dưới mái trường chủng viện còn nhiều ưu tư bài vở đèn sách, còn lắm băn khoăn lưỡng lự khi biện phân ơn gọi. Mẹ ở đó đồng hành để san sẻ với các thầy bằng một trái tim hiền mẫu đích thực và cũng để dạy cho các thầy chút khiêm nhu, vâng phục, nhạy bén, hiền từ, kiên nhẫn… mà các thầy sẽ mang vào đời mục tử mai sau. Nhưng có lẽ còn đơn giản hơn thế nữa, Mẹ Ma-ri-a luôn ôm ấp các chủng sinh và thì thầm vào tai các thầy: Mẹ cũng từng nuôi dưỡng một người con 30 năm dưới mái nhà Narazeth và sau này trở thành một Mục Tử vĩ đại, nên con có chuyện gì thì hãy chia sẻ với Mẹ, Con của Mẹ và Mẹ sẽ tận tình giúp đỡ con.
Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 8 (tháng 9 năm 2023)
Cay DAU