MỒ TRỐNG HIỆN RA CHO MARIA MAĐALÊNA
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Ga 20, 1- 18)
(Xem thêm Chú Giải Phúc âm Chúa Nhật năm B và C. Thật ra bản văn phụng vụ chỉ gồm từ câu 1 đến 10. Nhưng chúng tôi xin trích dịch cả phần chú giải câu 11- 18 (không được đọc trong phụng vụ) để làm tài liệu học hỏi và để liên tục với phần chú giải Tin Mừng Chúa Nhật 2 Phục sinh (Ga 20, 19-31). Trong nguyên bản, tác giả (Van den Bussche) chú giải toàn thể chương 20 trong một bài với tựa đề “Việc Phục Sinh”).
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Trong nhãn giới của Gioan, việc Sống lại có ý nghĩa nào? Đấng Phục sinh ra đi? trở lại? hay đến với các môn đồ Người?
2. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh, theo Gioan có những tính cách gì?
3. Sáng ngày Phục sinh, việc khám phá dịch thực xảy ra lúc nào?
4. Thánh sử ngụ ý gì khi bảo: “Ông (người môn đồ dấu yêu) đã thấy và ông đã tin. Là vì họ chưa hiểu lời Kinh Thánh …” (c.8b- 9a)?
5. Maria Mađalêna có thật sự tin vào việc Phục sinh khi thấy Chúa hiện ra không?
6. “Đừng động đến Ta” (c. 17), lối dịch này có trung thành với nhãn giới của Gioan chăng? Phải thay thế bằng cách dịch nào?
7. “Vì Ta chưa lên cùng Cha Ta” (c. 17). Câu này đúng ra là lời của ai?
1. Ý NGHĨA TỔNG QUÁT CỦA BIẾN CỐ PHỤC SINH TRONG TM THỨ 4
Trong tư tưởng Gioan, một chương về Phục sinh thuộc về bản chất của cuộc Tử nạn chặt chẽ đến nỗi thánh sử không dời việc tôn vinh Chúa Giêsu vào lúc sống lại mà là đặt nó ngay từ khi Người chịu treo thập giá. Việc phục sinh chẳng phải là một biến cố tiếp theo cái chết, nhưng là một yếu tố của Giờ được xét như một bản thể Giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha. Thánh sử mô tả giá trị mặc khải và giá trị cứu rỗi của Giờ đó không phải tiếp theo cuộc Phục sinh, song từ trước lúc Chúa Giêsu chết, vì thần học của ông bao gồm toàn thể các sự kiện. Ngay đầu diễn từ giã biệt, ông trình bày cho thấy Chúa Giêsu đang giải thích làm sao việc Người ra đi chẳng phải là ra đi nhưng là đến thật sự với môn đồ. Vì thế các lần hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, đối với Gioan, không hẳn là những bằng chứng hộ giáo về thực tại Phục sinh cho bằng là những giai đoạn mặc khải trong đó biểu lộ ý nghĩa đích thực của việc Người ra đi: ra đi là đến với thuộc nhân của Người.
Ngay từ đầu, việc khám phá mồ trống (20, 1- 9) đã đòi hỏi cái nhìn đức tin. Nỗi lo sợ trộm xác, những lần đi đi về về bồn chồn trọn con đường dẫn tới mộ, tất cả bầu khí của buổi sáng hôm đó chứng tỏ các môn đồ kính yêu sâu xa vị Thầy đã khuất – và có lẽ cũng đắng cay thất vọng trước sự sụp đổ của Vương quốc Thiên sai nhưng không mấy biểu lộ cho thấy là họ am hiểu đúng đắn mọi sự kiện. Sự hiểu biết này chỉ bùng lên trước mồ trống nhờ ánh sáng của đức tin và lời Kinh thánh mà thôi.
Sau đó là ba lần hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, mỗi lần tương ứng với một ý hướng riêng biệt của Thánh sử. Cả ba đều đặt dưới dấu hiệu sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ca nhập lễ Phục sinh tóm tắt chúng như sau: “Ta đã sống lại và còn ở với chúng con!”. Hay đúng hơn: Chúa Giêsu đã sống lại và chỉ bây giờ Người mới thực sự ở với thuộc nhân của Người. Thánh sử đào sâu sứ điệp đó theo phương pháp vòng đồng tâm của ông. Cho Maria Mađalêna, Chúa Giêsu mặc khải rằng sự hiện diện ngày xưa, xét cho cùng, chỉ là một sự cận kề, một sự hiện diện nửa vời, về phía Người cũng như về phía họ. Quả vậy, sự hiện diện lúc đó của Người còn mặc hình thức che dấu, chưa phát lộ trong chiều kích đích thực và tròn đầy. Giờ đây nó mới thực bày tỏ ra. Với người, sự hiện diện trọn vẹn của Thiên Chúa đã được thể hiện (20, 10- 18).
Sự hiện diện ấy từ lúc này cũng tràn đầy hiệu lực. Suốt cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã hoàn thành nhiều công việc và phép lạ để chuẩn bị sơ bộ cho việc Người đến lần sau cùng với tư cách Thiên sai mà hôm nay đã bắt đầu. Giờ đây, Chúa Giêsu đang ở trong chức vụ Con Người, này Người đã trở thành Con Thiên Chúavới quyền năng (Rm 1, 4), này Vương quốc đã đến (Mc 9, 1), này là thời của những công việc còn vĩ đại hơn các việc đầu tiên (1, 50- 51 ; 5, 20 ; 14, 12). Trên môn đồ đang tụ họp, người thổi Thần khí để ban cho họ quyền năng giải phóng thế gian khỏi ách nô lệ tội lỗi (20, 19- 23).
Và sau cùng, Chúa Giêsu hiện ra với Tôma (Ga 20, 24-29). Thánh sử kể lại sự kiện bất ngờ này chẳng phải để giảm uy tín bạn đồng liêu nhưng chỉ vì cái câu kết luận: Phúc cho ai không thấy mà tin! Sự hiện diện của Chúa Giêsu đâu dành cho những kẻ mà ta thường nghĩ là hạng ưu đãi của giờ đầu tiên, những kẻ đã được thấy người sống động thực. Không! Mọi thế hệ Kitô hữu đều sẽ có thể sống sự hiện diện của Chúa Giêsu, cũng trực tiếp như Tôma và mấy môn đồ khác. Các độc giả đầu nên của cuốn Tin Mừng này đều thuộc về thế hệ thứ hai và thứ ba, nhưng họ không chịu thua những người đi trước. Chúa cũng ở với họ, trực tiếp và hiệu lực không kém gì.
Chúa Giêsu đã công bố trước Đại Công nghị rằng từ nay thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự bên hữu quyền năng và đến trên mây trời (Mt 26,24; Mc 14,62; Lc 22,69). Lời ấy, trong tư tưởng Gioan, được thực hiện rõ ràng trong các lần hiện ra sau Phục sinh. Cuộc Quang lâm, tực sự hiện diện của Thiên Chúa mà ngày Chúa Giê-su trở lại sẽ hữu hình hoá, từ nay đi vào trong trật tự các thực tại vô hình: nó biểu lộ một cách thoáng qua trong những lần hiện ra. Tuy nhiên không vì thế mà gạt bỏ niềm mơ ước một cuộc trở về hữu hình, trái lại việc Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội là bảo chứng chắc chắn nhất của việc Người trở lại trong vinh quang. Các tín hữu bấy giờ sẽ thấy vinh quang mà nay đã được chia sẻ cho (17,22-24), bấy giờ sẽ tỏ lộ ra bản tính Con Thiên Chúa của họ, bản tính họ đã được từ lúc này đây (1 Ga 3, 1-2). Các cuộc hiện ra của Đấng phục sinh đã có đó để bảo đảm không hẳn sự sống lại cho bằng là sự hiện diện bền lâu của Chúa Giêsu. Chúa đã hiện ra cho các môn đồ đầu tiên, chính Người cũng ở trong Giáo Hội đến tận cùng thời gian, đến ngày sẽ thực sự biểu lộ trong vinh quang sung mãn tước vị Con Người của Người. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn, đó là thực hiện trước cuộc cánh chung (eschatologie mticipée). Mối hy vọng, nỗi mong chờ ngày Quang lâm, Gioan chuyển thành sự chắc chắn – chắc chắn theo đức tin, dĩ nhiên rồi? Trạng huống của thời sau hết từ bây giờ đã được thể hiện, tuy nhiên vẫn không loại trừ một nỗi ngong ngóng đợi chờ cuộc Quang lâm hữu hình. Người Kitô hữu nào mong mỏi ngày tận cùng tất nhiên cũng hy vọng và ao ước sự hoàn thành sau hết, ao ước cái lúc mà Thiên Chúa sẽ trở nên mọi sự trong mọi người (1 Cr 15,28).
Sau cùng các cuộc hiện ra đó chỉ là áp dụng, vẽ ra, cụ thể hóa những gì Chúa Giêsu đã nói và lặp đi lặp lại trong diễn từ giã biệt. Việc ra đi của Người mặc ý nghĩa đầu tiên là đến cùng Cha, và ý nghĩa thứ hai tương ứng với ý nghĩ thứ nhất, là về gặp lại các môn đồ. Và đó không phải là một cuộc trở về tạm bợ, một buổi tái ngộ mau qua làm như để an ủi, song là việc đến thực sự, dứt khoát, chất chứa sự hiện diện trọn vẹn và tràn đầy hiệu lực của Thiên Chúa. Quả vô ích khi lấy lại mọi bản văn lần nữa; chỉ cần đọc lại 14, 12- 24, 16, 16- 27 ; 17, 20- 24. Hai trong ba cuộc hiện ra có một từ ngữ chủ chốt: Chúa Giêsu “đã đến ” hay “đến” (20, 19.24.26). Đấy chính là đề tài của toàn chương. Việc Chúa Giêsu đến như thế mặc ý nghĩa nào? Các trình thuật không được viết ra để thỏa mãn cái khoái kể chuyện: Chúng đáp lại một ý định thần học; chúng minh giải thần học về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thời gian nằm giữa việc Người đến thực sự (việc Người ra đi) và việc Người trở lại vinh quang.
Dù nặng chất thần học đến đâu, các trình thuật này vẫn không kém sống động. Chúng chẳng những nói lên một kinh nghiệm sống động phi thường trong mọi chi tiết, mà còn đặc biệt diễn tả lột cảm giác ngỡ ngàng còn kéo dài mãi về sau. Chúng thật sự làm sống lại cuộc khám phá sau đây: phục sinh có nghĩa là Chúa Giêsu hiện diện mãi mãi. Cùng với các môn đồ đầu tiên, chính độc giả cũng cảm nhận được cú va chạm mở tung cho mình sự hiểu biết trong đức tin. Một bút pháp rời rạc, một diễn từ trực tiếp, một mở hỗn tạp thì hiện tại và bán quá khứ, từng ấy các yếu tố đều góp phần làm nổi bật cách mạnh mẽ cảm thức của một kinh nghiệm sống. Thánh sử đã sống trong bao năm trường sự hiện diện của Chúa Kitô; thế nhưng ông vẫn không quên được ấn tượng của giây phút ban đầu ấy. Với tài khéo léo, ông giữ lại được ở đây giây phút của sự’ khám phá đó, giây phút duy nhất trong muôn ngàn. Các trình thuật làm ta bỡ ngỡ vì tính chất tươi mát, vì bút pháp trực tiếp, vì nồng độ tình người của chúng. Dù chú tâm chiêm ngửng trong đức tin cái thực tại sâu xa của việc Thiên Chúa hiện diện qua các biến cố, bản văn vẫn không vì đầy tính trở thành một suy tư thần học. Chúa Giêsu đứng đó, thình lình, trước mặt những con người đích thực, và lộ những phản ứng đầy tính chất người đến nỗi về sau có kẻ trách là không mấy hợp lý. Chúa Giêsu tỏ ra rất nhân bản, ân cần và đầy vẻ khôi hài … đến nỗi vài nhà phê bình dã từng cho rằng Tin Mừng này là một khái luận thần học, cũng nói đến tính khôi hài của Người! Ngay cả lúc ấy, Ngôi lời vẫn nhập thể; nhưng chỉ lúc ấy, sự hiện diện thần hình trọn vẹn nới trở thành một thự( tại nhân loại mãi mãi.
2. MỒ TRỐNG (20, 1- 9)
Lễ Vượt qua Do thái trôi đi mà chẳng ai bàn đến ngôi mộ bị niêm phong của Chúa Giêsu. Đối với các môn đồ, đại lễ ấy thật là một lễ buồn thảm. Mộng vàng tan mây! Người mà thiên hạ tưởng là Đấng Messia nay nằm dưới ba tấc đất. Câm lặng, họ nhìn đống tro tàn hoài bão của mình. Chúng tôi đã hy vọng … các môn đồ làng Emmau sẽ nói thế (Lc 24, 21).
Ngày đầu tiên ấy của tuần lễ chỉ một nhịp mới trong trật tự thời gian: nó sẽ trở thành Ngày của Chúa (Kh 1, 10). Đó là ngày thứ ba sau vụ xử đóng đinh. Các phụ nữ đã có mặt bên thập giá (Mc 15,47 và song song ; Ga 19,25) đi đến mồ theo thói quen, để xức thuốc thơm (Mc 16,1 và ss) . Gioan chỉ kể tên Maria Mađalêna, nhân vật chính của lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra đầu tiên; bà cũng là kẻ được Tin Mừng Nhất lãm xướng danh trước hết: chắc hẳn vì là người hoạt động nhất. Khi nghe người thanh niên đứng trong mồ trống báo tin là Chúa đã sống lại và nói các bà đi báo tin cho Phêrô và các môn đệ của Người.
Không tìm gì hơn, Maria vụt bỏ chạy. Bà đi báo động cho đội tiền phong của nhóm nhỏ môn đồ: Phêrô và người môn đồ dấu yêu Hai kẻ này đã từng đấu tranh để dành chỗ nhất biết mấy! Trình thuật chúng ta là một tiếng vọng xa xôi của mối tranh chấp giữa họ. Người môn đồ yêu dấu đã theo Chúa Giêsu trước Phêrô (1,37-40). Nếu ông này đã là phát ngôn viên của cả nhóm trong một giây phút khủng hoảng (6,68-69), thì Gioan vẫn là người môn đồ thân thiết nhất, gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong bữa Tiệc cuối cùng (13,23), bữa tiệc mà Phêrô chỉ được cái là xử trí sai lầm. Tính táo bạo thiếu suy nghĩ của Phêrô còn lộ liễu ở vườn Ghetsêmani, nơi mà nhát kiếm vô ích của ông cho thấy ông kém thông minh rõ ràng (18, 10- 11). Và khi đến giây phút quyết định thì ông lại chối Chúa Giêsu (18, 17). Người môn đồ dấu yêu trái lại đứng kề thập giá và được Chúa Giêsu trao phó mẹ người cho (19,25). Nếu xét khách quan kỹ lương, thì ông này là kẻ xứng đáng cầm đầu nhóm nhất. Người đồ đệ ấn hành tác phẩm Gioan quả không lầm về điểm đó: nịnh thuật việc trao quyền cho Phêrô cố ý “hóa giải” ba lần chối Chúa và Phêrô anh như cũng bỡ ngỡ thấy mình được cho đứng trên người môn đồ dấu yêu (21, 15-22). Chúng ta đừng quên rằng đây là một sự tuyển chọn.
Cuộc chạy bộ đến mồ buổi sáng phản ảnh mối tranh chấp xa xưa kia. Vị thánh sử hồi tưởng chuyện cũ không một chút oán hờn. Việc rong ruổi trong buổi rạng đông đó còn sống động trong trí ông đến nỗi những tình cảm vô thức hồi xảy ra biến cố tự nhiên tái xuất hiện. Hai ứng cử viên quyền tối thượng đều được Maria Mađalêna báo động với những từ ngữ ngụ ý việc trộm xác. Maria nói Chúa Giêsu là Chúa, theo nghĩa là rabbi: Thầy (x.20,13); nhưng chính sử lại gán cho hạn từ ấy cái nghĩa nó sẽ mặc về sau trong các lời tuyên tín: nhờ việc Phục sinh, Chúa Giêsu trở thành vua và được sử dụng quyền tài phán cánh chung. Maria thêm: Chúng tôi không biết họ đặt Người ở đâu … Tiếng số nhiều “chúng tôi” có thể xem như là một hình thức tập hợp chỉ các môn đồ, hay như một kiểu nói Sêmita, song có lẽ Maria nói nhân danh các phụ nữ đã đi theo với bà đến mộ. Phản ứng của bà bộc lộ lòng bà thương mến sâu xa: lần tiếp sẽ xác nhận điều đó.
Bắt đầu chạy! Người môn đồ dấu yêu đến mộ trước tiên. Phải chăng đó là dấu hiệu của một tình yêu lớn hơn đối với Thầy? Phải chăng là vì trẻ tuổi? Một vài nhà chú giải xưa bảo ông chạy nhanh hơn bởi lẽ không có gia đình. Hãy gác lại những vấn đề ấy và hãy để cho đầu tóc trắng xóa của vị thánh sử già nua hưởng niềm vui tưởng nhớ thành tích của mình? Việc hơn thua đó cũng chẳng có ý nghĩa biểu tượng gì. Người ta đã muốn cho rằng Gioan tượng trưng Kitô hữu gốc lương dân, cởi mở hơn với đức tin, còn Phêrô tượng trưng cho Ki-tô hữu gốc Do thái, là những kẻ đầu tiên vào Giáo Hội mặc dầu đức tin thua kém. Nhưng vào trong mộ không phải là tin, và trình thuật hình như ngụ ý rằng Gioan, vào mộ sau cùng, lại đạt đức tin trước hết.
Tuy nhiên niềm vui tường thuật vẫn pha lẫn một chút gì đó. Thánh sử hình như còn tiếc nuối là đã không vào lập tức. Phải chăng ông chờ Phêrô vì kính trọng, vì tinh thần đồng đội? Chúng ta đừng phê phán Gioan với một cặp kính màu hồng như thế. Vài tác giả đã chẳng nghi ông sợ ma đó sao? ông chỉ cần kiểm nhận mồ mở và vài đãi vải là đủ để suy ra rằng Maria Mađalêna đã có lý. Mồ trống không còn là một lời đồn đãi (Mc 16, 11. 13 ; Lc 24,22-23) vì sự kiện được xác nhận bởi hài chứng nhân. Công chứng này sẽ có ích về sau khi phải chống lại tin đồn người Do thái tung ra là chính các môn đồ đã đánh cắp xác (Mt 27, 64 ; 28, 12- 15).
Nhưng này Phêrô đến! ông đi vào trong mộ. Đây mới là lúc khám phá thực sự. Trong trường hợp trộm xác, ngôi mộ hẳn lộn vô cùng; thế mà dải vải, khăn liệm đều được cuốn lại gọn gàng, đâu vào đấy. Ánh sáng chợt bùng lên trong trí của người môn đồ dấu yêu. Chuyện xảy ra trước mắt làm ông nhớ lại lời Kinh thánh, lời Chúa Giêsu vẫn nhắc tới thường xuyên. Bí mật được giải đáp. Không cần phải nhìn sự kiện cụ thể mới thấu hiểu được trong đức tin; Kinh Thánh cũng có thể soi sáng cho những ai không thấy chính các sự kiện (20,29). Gioan ám chỉ lời Kinh thánh nào? Ta không rõ. Chỉ biết cộng đoàn Kitô hữu sơ khai có nhắc tới một vài Thánh vịnh, chẳng hạn như Tv 16,8-11 trong Cv 2, 24-31 ; Tv 2,7 trong Cv 13,32-37. Chính Chúa Giêsu sẽ lấy ánh sáng Kinh thánh giải thích việc phục sinh của Người (Lc 24,25-26.32.44.46). Lời rao giảng cổ kính nhất cũng có nại đến Thánh Kinh (1Cr 15,4).
Gioan chẳng bảo người môn đồ có thể lộ cho Phêrô cái trực giác đức tin đầu tiên của mình hay không; thế nhưng trình thuật xem ra ngụ ý điều đó. Phêrô có chia sẻ trực giác ấy chăng? Chúng ta không thể suy ra được. Dầu sao chính Chúa Giêsu đã phải củng cố và tăng cường đức tin chớm nở ấy. Tuy nhiên đức tin này, từ giờ trở đi có một đối tượng rõ ràng: Chúa Phục sinh.
Người môn đồ thấy và tin: nét nghịch lý của cuộc Tử nạn đã tìm được lời giải nghĩa. Tất cả đều đáp lại ý hướng của Thiên Chúa diễn tả trong Thánh Kinh. Vị thánh sử già nua mỉm cười hồi tưởng đức tin chớm nở ấy, nhớ làm sao mình đã là người đầu tiên linh cảm chân lý. Nhưng bây giờ ông cần phải đưa độc giả của ông đến, sự hiểu biết trong đức tin đó, làm cho họ hiểu lâu nhớ kỹ như ông ý nghĩa của cuộc phục sinh đối với họ: đó là một sự hiện diện tròn đầy hữu hiệu và thường xuyên của Chúa.
3. MARIA MAĐALENA (20, 10-18).
Giữa lúc ấy, Maria Mađalêna trở lại mồ. Bản văn hình như ngầm bảo hai môn đồ còn ở đó. Nhưng họ bỏ bà và ra về. Phải chăng các ông đã không chia sẻ cho Maria mối linh cảm của mình, hay bà vẫn thờ ơ với chuyện ấy?
Bà đến để than thở theo tục lệ, thành ra vẫn đứng khóc cạnh mồ, mặc dầu xác chẳng còn bên trong. Nước mắt bà chứng tỏ lòng quyến luyến sâu xa. Nhưng đây đâu phải là nơi tuôn đổ giọt lệ nhân trần? Chúng làm cho Maria không thấy rõ ràng trong ngôi mộ trống. Người môn đồ yêu dấu đã chỉ cần nhìn là đủ tin, vì nhớ lại lời Kinh Thánh.
Phần Maria, phải có sự trợ lực của hai thiên sứ. Thật là một cuộc hiện ra rất gợi hình: họ mặc áo trắng, như thói quen của các nhân vật thiên quốc (Mc 9,3 và ss; 16,5 và ss: Cv 1, 10 ; Kh 3, 4-5 ; 4, 4). Nhị vị ngồi hai đầu nơi đã đặt xác Chúa Giêsu (Lc 24, 4) : nghĩa là thực tại thiên giới muốn phân định đâu là nơi đã an táng Người. Dấu hiệu này lẽ ra đủ cho Maria hiểu. Nhưng một lần nữa, phản ứng nhân loại của bà lại cản trở sự hiểu biết của đức tin. Đáp câu hỏi của thiên thần, bà trút cả nỗi niềm xao xuyến và như vậy cho thấy chẳng hiểu gì trơn. Người ta đã cất xác Chúa bà và không biết họ đặt Người ở đâu. Trên miệng bà, tiếng Chúa có nghĩa là Thầy yêu dấu. Nhưng đối với thánh sử và độc giả, đó là Đấng Phục sinh. Song Mana còn khuya mới nghĩ tới chuyện sống lại! Đấy là chủ đề “ngộ nhận” trong Gioan (.x. 11, 23-24).
Vì sự thể như vậy, nên chính Chúa Giêsu phải đích thân xuất hiện … thế mà bà vẫn chưa nhận ra Người? Chẳng phải bởi trời còn mờ tối; song vì như hai môn đồ làng Emmau, mắt bà cũng bị “bưng bít” không thể nhận ra Người được. Chúa Giêsu Phục sinh chỉ hiển lộ rõ ràng cho những ai có đôi mắt được niềm tin mở rộng (Lc 24,16; x.Ga 21,4; Lc 24,37; Mc 16,12). Thế mà Maria còn lâu mới nghĩ đến chuyện sống lại. Cho dù có thật sự phục sinh vẫn là một chân lý đức tin. Đừng tưởng Đức Giê-su hoá trang thành kẻ làm vườn. Maria, vì chỉ biết phản ứng theo kiểu nhân loại, nên không thể nhận ra Người, và vì đang ở trong một thửa vườn, nên bà tưởng Chúa Giêsu là một người làm vườn nào đó.
Cũng câu hỏi lúc nãy được nêu lên: “Tại sao bà khóc?”. Một lần nữa, Madalena lại để trào ra nỗi thất vọng của mình cách mãnh liệt hơn. Bà muốn tìm xác. Phải chăng người làm vườn đã di chuyển? Bà muốn mang nó đi chôn cất ở một nơi mà bà có thể đến khóc thương mãi mãi. Bà tìm một kẻ chết, trong lúc Người lại sống!
Bà không nhận ra Chúa Giêsu, nhưng Người, Người biết bà quá rõ! Người gọi tên bà, như trước đây đã từng cho Nathanael thấy Người biết rõ ông (1,47- 48). Mắt bà sáng lên: Lạy Thầy! Tiếng rabbouni long trọng hơn “rabbi” và đặc biệt được dùng để gọi Thiên Chúa. Song Maria chưa đạt đến chỗ mà Tôma sẽ đạt tới sau khi rờ các vết thương (20, 8). Bà tràn ngập niềm vui, thế nhưng vẫn không nhận ra bản tính đích thực của Thầy. Bà nghĩ là Người đã trở lại. Ba ngày vừa qua chỉ là một cơn ác mộng ghê gớm. Sự sống có thể tiếp tục. Vì Thầy vô vàn kính yêu nay lại trở về.
Nhưng Chúa Giêsu không phải trở về! Cuộc Khổ nạn và cái chết của người đâu bị hủy bỏ, biến thành một thứ ảo giác! Đây không phải là Người trở về, song là đến: chỉ giờ phút này ta mới có thể bảo thật rằng Chúa Giêsu đến. Xưa kia, các môn đồ đã theo Người mà không hiểu Người; họ đã hoan hô Lời Người, đã phấn chấn vì phép lạ người, đã há hốc nhìn người như nhìn một kỳ quan của thế giới. Nhưng rốt cục Người vẫn xa lạ đối với họ, như quả thật Người đã xa lạ. Không bao giờ bạn hữu Người đã đi sâu vào bản tính đích thật của Người, đến tận Cha trong Người. Họ chỉ thấy Người ngoại diện. Nhưng bây giờ, Người ở bên họ, hoàn toàn là Người. Do đấy cái mà ta gọi là cuộc trở về của người thật ra là việc Người đến (Ga 14,3.18.23; 16,16.22.27).
Đừng cầm Ta lại như thế. Maria, trong niềm vui tái ngộ, ôm chầm lấy chân Chúa Giêsu, theo kiểu đông phương. Bà muốn kéo dài những giây phút gặp gỡ này. Nhiều người dịch: “Đừng động đến Ta”, như thể Đấng Phục sinh cảm thấy bị xúc phạm vì người trần chạm tới. Vậy Tôma thì sao? … Không phải Đấng Phục sinh bị tổn thương, nhưng là đức tin của Maria Mađalêna: nếu Chúa Giêsu để bà làm, bà sẽ càng chìm sâu vào ngộ nhận … Vì Ta chưa lên cùng Cha Ta, Chúa Giêsu bảo, và tiếng này có giá trị cho bà hơn là cho Người. Đối với bà, Chúa Giêsu chưa phải là Đấng đã trở về cùng Cha.
Vì trong tư tưởng Gioan, việc sống lại không phải là một chặng trên con đường dẫn từ mồ đến nơi trú ngụ thiên quốc. Cái chết của Chúa Giêsu là thăng thiên: việc hiện ra của Đấng Phục sinh có mục đích làm cho các môn đồ hiểu rằng cái chết của Người thực ra là một cuộc thăng thiên và thăng thiên thực ra là việc Người đến với môn đồ. Maria bấu víu Người, không cho Người lên với Cha là vô ích: Người đã ở bên chúa Cha rồi. Cử chỉ của Maria muốn kéo dài một sự hiệp thông nhân loại vô nghĩa và vô dụng. Trong tâm trí bà, Chúa Giêsu còn ở trên trần gian và đã không có việc trở về với Cha. Bởi thế Chúa Giêsu dùng những hạn từ nhân ái mà bà hiểu được và bảo với bà rằng người đang lên cùng Cha. Nhưng bà cần phải đi vào và đào sâu sự hiểu biết các biến cố ấy trong đức tin. Bà phải hiểu rằng cuộc hiện ra đây chỉ là sự biểu lộ nhất thời của một trạng huống đã thực hiện dứt khoát rồi. Chúa Giêsu ở với Cha; là hình ảnh của Cha, Chúa Giêsu cũng ở với thuộc nhân, bằng một sự hiện diện vô hình, nhưng xác thực và hữu hiệu.
Maria thấy mình được trao nhiệm vụ mang đến cho các môn đồ sứ điệp phục sinh của mọi thời: Ta lên cùng Cha Ta (từ nay trở thành) Cha các con. Có người đã muốn coi sứ điệp này là một sự phân biệt giữa tử hệ thần linh của Chúa Giêsu, Con độc nhất, với từ của các tín hữu. Nhưng chẳng ai trong Tân ước, kể cả Gioan: hồ nghi. Sự khác biệt giữa tử hệ tự nhiên của Chúa Giêsu và tử hệ ân sủng của chúng ta cả (1, 13), nên đấy không phải là nội dung chính yếu của sứ điệp trao cho Maria Mađalêna. Mục đích của nó chẳng phải là dạy các môn đồ biết họ là nghĩa tử, song là mặc khải cho họ thấy từ rày họ đích thực là con, rằng Cha Chúa Giêsu đã thực sự trở thành Cha của họ. Một khi ra đi, Chúa Giêsu làm cho Cha hiện diện sung mãn tràn đầy (14,21- 23). Vì thế mà chỉ bây giờ họ mới được ban danh hiệu “anh em”: lúc này cùng với người, họ là con của Ta, sống sự sống thần linh mà Chúa Giêsu đã trở thành nguồn mạch đầu tiên (14. 19). Tử hệ ấy được thực hiện nhờ ân sủng, dĩ nhiên ! nhưng không vì thế mà kém đích thực. Loài người cần phải được quyền trở nên con cái Thiên Chúa (1, 12), và họ phải đón nhận quyền ấy nhờ Thiên Chúa sinh lại (1, 13 ; 1Ga 3,1 -2). Sứ điệp phục sinh nhắm tới chân lý đó, nhắm tới việc thể hiện có tính cách cánh chung của phụ tính thần linh: Cha yêu loài người như yêu Con (16, 27); loài người được thâu nhận với Con vào tình yêu phụ tử của Thiên Chúa. Tử hệ của Chúa Giêsu làm cho tử hệ của loài người thành tựu. Vì Cha chỉ yêu trong Con những ai yêu Cha trong Con (16, 27).
Như thế sứ điệp phục sinh tóm kết diễn từ giã biệt và công bố sự hoàn thành của diễn từ đó. Nó cũng đồng thời loan báo rằng lời hứa Cựu ước, chứa đựng trong công thức giao ước sau đây, đã thực hiện: Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Bởi vì từ nay Thiên Chúa là Cha, nên giao ước đã đạt tới mức độ thể hiện cao nhất. Phụ tính của Thiên Chúa theo giao ước xưa, chỉ là lời hứa một sự hiện diện bảo vệ, cứu giúp. Từ nay đó là một sự hiện diện nội tâm, thường xuyên và hiệu lực tộ độ (Ga 14, 23 ; 1, 14 ; 2, 21- 22 ; 4, 21- 24): Giavê “Ta là” của lời hứa đã trở thành, trong Giêsu, Đấng “Ta là” vĩnh viễn (8,24-28). Thiên Chúa đã thật sự trở thành Thiên Chúa của họ, bởi vì thần tính của Ngài được thể hiện trong phụ tính của Ngài.
Vững mạnh nhờ sứ điệp nên Maria, vốn là người đầu tiên đã báo động anh em, rày có thể đi trấn an họ. Không một chữ nào về phản ứng của bà trước lời Chúa Giêsu (x.Lc 24,11- 22). Trình thuật chẳng có để mô tả trường hợp Maria Mađalêna, nhưng là để mang một sứ điệp cho mọi tín hữu. Vì thế Maria phải lập tức lên đường. Bà đã thấy Chúa.
Đối với thánh sử, thị kiến này vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Chắc hẳn Maria đã không lãnh hội ngay tất cả ý nghĩa cuộc khám phá của mình. Trước tiên bà muốn loan báo mình đã thấy Thầy tận mắt (20,2. 1 3), nhưng đối với thánh sử, dùng lời ấy có một âm hưởng phục sinh. Các hạn từ “thấy và Chúa” nằm trong một viễn tượng Kitô giáo: đó là thấy và hiểu rằng Chúa Giêsu là Chúa phục sinh, là thấy và tin rằng từ nay Người ở với chúng ta mãi mãi, rằng Người là Con người đã đi vào vinh quang của mình. Người sống và sống giữa chúng ta, vâng, trong chúng ta Maria Mađalêna đã “thấy” và đó là điều quan trọng: nhung chính những lời của Chúa mới gán cho việc hiện ra tất cả tầm mức, ý nghĩa của nó. (Xin xem tiếp bài sau).
(H. Van den Bussche, Jean. Paris, DDB, 1967. Tr. 540-549. )
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô chắc hẳn là điểm mà đức tin ta thường vấp phải. Lời Chúa hôm nay soi chiếu ta về ba thái độ giải thích việc ta gặp khó khăn trong niềm tin.
1. Ai tin vào Người thì được lãnh ơn tha tội nhờ Danh Người (bài đọc 1 : Cv 10, 34a.37- 43). Nếu ta không tin bằng một niềm tin thay đổi cả đời ta, có lẽ vì ta chưa chịu nhìn nhận mình là tội nhân, và vì đó cảm thấy không cần được cứu độ. Thế mà quá trình của cuộc Vượt qua – được thực hiện ngày hôm nay – là như sau: nhìn nhận mình là tội nhân, chấp nhận việc được cứu độ nhờ một Đấng khác, nhờ Người ta được ơn tha tội, là ơn cứu độ tuyệt hảo.
2. Lòng trí hãy hướng về những điều trên cao, đừng hướng về những điều dưới đất (bài đọc 2: Cl 3, 1- 4). Ta bị dính chặt vào những điều khả giác, mắt thảy tai nghe, vào kỹ thuật máy móc, năng suất. Các thực thể vô hình, dù không chối bỏ, nhưng ta khó công nhận chúng là những yếu tố chi phối cuộc đời ta. Tuy nhiên ta cũng cảm nghiệm rằng một lý tưởng nào đó có thể làm cho đời thêm đẹp, một tình yêu nào đó, kín đáo nhưng chắc chắn, có thể biến đổi và tái sinh. Chìa khóa và bí quyết đời ta là chính Thiên Chúa, là tình yêu sâu đâm của Ngài đối với ta : đó. là cuộc sống đích thực của ta, cuộc sống đã được ẩn tàng nơi Thiên Chúa.
3. Lời họ chưa hiểu lời Kinh Thánh (bài Tin mừng). Lời Chúa vẫn còn làm họ chưng hứng. Nhưng kể từ các sứ đồ, nhờ chứng tá của họ, qua sứ điệp của Giáo Hội được lưu truyền từ đời này sang đời khác, năng lực của Lời Chúa đã được chuyển đến cho ta. Sau cùng, chính Chúa Giêsu, Lời hằng sống của Thiên Chúa, mà ta phải quy chiếu; chính Lời Người mà ta phải xác tín: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống”.
Ước gì Giáo Hội, là người đã dạy ta nói lúc hãy còn thơ ấu: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại “, hôm nay cũng giúp ta nói lại điều đó qua kinh Tin Kính ta sắp đọc.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt