Nên thánh đối với Tu sĩ – Đề tài học hỏi tháng 02 năm 2020

CHỦ ĐỀ THÁNG 02 NĂM 2020

NÊN THÁNH ĐỐI VỚI TU SĨ

Nếu lời mời gọi nên thánh được gửi đến tất cả mọi người, thì các tu sĩ, nam cũng như nữ, là những người dấn thân để sống lời mời gọi ấy một cách triệt để. Qua những cam kết hoàn toàn tự nguyện, người tu sĩ hy sinh tu luyện mỗi ngày để nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người thánh hóa trần gian. Các tu sĩ là hình ảnh sống động của Chúa, giữa một thế giới đầy những bon chen, tính toán. Họ sống như những đóa sen, gần bùn mà vẫn tỏa ngát hương thơm. Lịch sử Giáo Hội xuyên suốt 20 thế kỷ mang một vẻ đẹp thánh thiện, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các tu sĩ nam nữ. Trong tháng 2-2020, chúng ta cùng suy tư về ơn gọi nên thánh của các tu sĩ. Đây không chỉ là những suy tư dành riêng cho tu sĩ, mà cho cả anh chị em tín hữu giáo dân, để giúp họ hiểu đời tu hơn, để cùng hiệp thông, cộng tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, là sứ vụ chung của mọi tín hữu chúng ta.

Tại Tổng Giáo phận Hà Nội, có hơn 30 đơn vị đời sống tu trì hiện diện (Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội). Dù khác biệt về linh đạo và đặc sủng, tất cả các hình thức tu trì đều chung một lý tưởng: đó là nên thánh. Họ cùng chung một mục đích: nhằm làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ chứng tá của các tu sĩ nam nữ, nhiều người chưa biết Chúa nhận ra họ là môn đệ của Đấng đã đến trần gian “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người”. Sự hiện diện của gần một ngàn tu sĩ nam nữ trên địa bàn Tổng Giáo phận đã và đang góp phần không nhỏ vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong mọi lãnh vực khác nhau: giáo dục, y tế, bác ái, mục vụ. Có những tu sĩ chỉ hoàn toàn sống đời chiêm niệm, nhưng họ đang làm nên sức sống kỳ diệu của Giáo Hội, qua những âm thầm hy sinh trong thinh lặng và nguyện cầu. Các tu sĩ nam nữ đang diễn tả sức sống đức tin của Tổng Giáo phận chúng ta.

1.Ơn gọi nên thánh của tu sĩ

a- Lời kêu gọi các tu sĩ phải nên thánh

Nên thánh là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nên thánh cũng là ao ước của mỗi người tín hữu. Trong quan niệm thông thường, nên thánh gắn liền với đời sống tu sĩ, nhưng một ơn gọi chuyên biệt của bậc sống này. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông huấn “Loan Báo Tin Mừng”: “Chúng tôi khích lệ các tu sĩ là những chứng nhân của một Giáo Hội được kêu gọi nên thánh và vì vậy chính họ được mời gọi vào một đời sống làm chứng cho các mối phúc thật theo Tin Mừng (số 76).

b- Ba đặc điểm chính yếu của đời tu: tìm kiếm Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ tha nhân

Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” đã nêu rõ: “Tìm kiếm Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ tha nhân, đó chính là ba đặc điểm chính yếu của đời tu. Các tu sĩ có thể gởi đến cho các dân tộc Á Châu hiện nay một lời chứng mang tinh thần Kitô giáo hết sức lôi cuốn. Hội Nghị Đặc Biệt dành cho Á Châu này thúc giục những ai sống trong đời tu hãy cố gắng làm chứng cho mọi người thấy rằng ai cũng được mời gọi nên thánh, đồng thời hãy trở thành gương sáng cho người Kitô hữu lẫn người ngoài Kitô giáo, về lòng yêu thương xả thân vì mọi người, nhất là những anh chị em yếu kém nhất. Trong một thế giới thường không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, những người tu trì cần phải đưa ra được lời chứng ngôn sứ đủ sức thuyết phục về thế ưu việt của Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Khi sống thành cộng đoàn, họ phải làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ Kitô hữu và sức biến đổi của Tin Mừng”(số 44).

c- Thực thi ba lời khuyên Phúc Âm

Sự hiến dâng toàn diện diễn tả qua ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, thể hiện trên bình diện các cấu trúc căn bản của sự hiện hữu con người. “Ba lời khấn chứng minh rằng con người có thể vượt qua ước muốn chiếm hữu (lời khấn khó nghèo); có giá trị đối với ai đó (lời khấn khiết tịnh); có quyền lực trên thế gian cũng như trên vận mệnh của mình (lời khấn tuân phục)”. Ba lời khấn này làm nên vẻ đẹp của đời tu, làm cho người tu sĩ hoàn toàn nên giống Chúa Kitô, Đấng Trinh khiết, Khó nghèo và Vâng lời một cách hoàn hảo. Khi sống trọn vẹn ba lời khấn này, người tu sĩ cũng làm chứng cho hạnh phúc Nước Trời. Nói cách khác, họ sống hạnh phúc Nước Trời ngay khi còn ở đời này. Tông huấn “Giáo Hội tại Á châu” viết: “Sống nghèo khó và từ bỏ trong thinh lặng, sống thanh khiết và chân thành, sống quên mình trong vâng phục, tất cả những điều ấy có thể trở nên lời chứng hùng hồn, đánh động mọi người thiện chí, đưa ta tới chỗ đối thoại rất tốt với các nền văn hóa và tôn giáo xung quanh, cũng như với những người nghèo và những người không được ai bênh vực. Nếu vậy, đời tu đúng là một phương thế đặc biệt có thể làm cho công cuộc phúc âm hóa được kết quả (số 44).

2. Sống đời chứng nhân

a- Làm chứng bằng đời sống cầu nguyện

Đời sống nội tâm làm nên cốt lõi và nét đặc trưng của đời sống người tu sĩ. Vì đây là phương thế kết hợp với Thiên Chúa, để gắn bó với Đức Kitô, từ đó người tín hữu mới có thể biểu lộ Chúa ra cho thế giới. Người không có đời sống cầu nguyện sẽ không bao giờ thực hiện được trên các linh hồn một việc phong nhiêu kết quả. Chúng ta có thể ban tặng cho tha nhân cái dư tràn của chính đời sống thiêng liêng của chúng ta, những xác tín tôn giáo chúng ta đã nghiền ngẫm trong kinh nguyện, theo kiểu nói tuyệt vời của thánh Tôma: “tặng người khác những gì mình đã chiêm ngắm”. Đời sống cầu nguyện là công việc nạp bình điện, còn hoạt động Tông Đồ chỉ sử dụng dựa vào sức điện nạp ấy. Bởi thế, càng hoạt động thì càng phải cầu nguyện. Cầu nguyện như người ta nghĩ là “hồn sống của mọi hoạt động tông đồ”. Hay nói như Mẹ Têrêxa: “hoạt động chỉ là kết quả của cầu nguyện”. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt; có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng.

b- Làm chứng tá trong phong cách sống

Một vấn đề sôi bỏng đang ám ảnh chúng ta ngày nay là: làm thế nào đem được sứ điệp Tin Mừng vào việc văn minh hoá đại chúng? Phải hoạt động như thế nào ở những cấp độ đang triển khai một nền văn hoá mới, đang phác hoạ một mẫu người mới, nghĩ mình không cần đến ơn cứu chuộc? Hết thảy các tu sĩ đều được mời gọi để chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ, cho nên chúng ta hiểu được rằng những câu hỏi ấy đặt ra cho đời sống của chúng ta bao nhiêu nghĩa vụ quan trọng, và thúc đẩy lòng nhiệt thành với việc tông đồ mãnh liệt biết bao! Thánh Phaolô VI Giáo Hoàng đã viết: “Các nam nữ tu sĩ thân mến, tùy theo cách thức Thiên Chúa đòi hỏi nơi các gia đình thiêng liêng của các con, các con phải mở rất rộng tầm mắt ra trước những nhu cầu của loài người, trước những vấn đề, những tìm tòi của họ, để nhờ cầu nguyện và hoạt động mà cho họ thấy rằng: Tin Mừng tình thương, công lý và hòa bình, có một mãnh lực cao cả. Việc nhân loại khát vọng một đời sống thân ái hơn giữa người với người và giữa các quốc gia với nhau, trước hết đòi hỏi phải biến cải phong tục, não trạng và lương tâm. Công việc này, chung cho cả Dân Thiên Chúa, là nghĩa vụ của chúng con do một danh nghĩa riêng. Làm thế nào để chu toàn nghĩa vụ đó, nếu không có lòng ham mộ những sự trên trời, là hệ quả của một thứ kinh nghiệm về Thiên Chúa? Thật quá rõ: cuộc canh tân thực sự đời tu quan trọng biết bao để có thể canh tân Giáo Hội và thế giới! (Evangelica Testificatio 52).

c- Chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa

Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay rất cần đến những người nam nữ biết tin vào Lời Chúa, vào cuộc phục sinh của Người, và vào sự sống đời đời, đến độ hy sinh cuộc sống trần gian để làm chứng cho tình yêu tự hiến cho tất cả loài người. Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không ngừng sống động và hoan hỷ vì biết bao nam nữ tu sĩ, khi theo mẫu trọn lành Phúc Âm dưới nhiều hình thức khác nhau, đã chứng minh tình yêu vô hạn của Đức Giêsu bằng đời sống của mình. Cũng thánh Phaolô VI Giáo Hoàng đã viết: “Đối với con người ngày nay, đó lại chẳng phải là một luồng gió sống động từ cõi vô biên thổi tới, như một giải thoát cho chính họ, để họ nhìn thấy viễn tượng hoan lạc vĩnh cửu và tuyệt đối đó ư? Khi các con rộng mở tâm hồn đón nguồn vui thần linh này, khi tuyên xưng lại những chân lý đức tin, khi theo ánh sáng đức tin tìm hiểu những nhu cầu của thế giới này, đúng tinh thần Kitô giáo, các con hãy quảng đại sống đúng những yêu sách của ơn Chúa gọi các con” (Evangelica Testificatio 53).

3. Ước mong của vị Cha Chung

Trong Tông thư nhân năm Đời sống thánh thiến (2014-2016), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên những mong đợi của ngài nơi các tu sĩ nam nữ:

a- “Chớ gì là điều luôn đúng, điều mà Cha đã nói một lần: “Ở đâu có các Tu Sĩ, thì có niềm vui”. Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và tỏ ra rằng Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần tới việc đi tìm nơi khác, hạnh phúc của chúng ta, là tình huynh đệ đích thực được sống trong các cộng đoàn của chúng ta, nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta; chớ gì việc hiến thân cách trọn vẹn của chúng ta trong việc phục vụ Giáo Hội, phục vụ các Gia đình, các người trẻ, các người già, các người nghèo khó, làm cho chúng ta nên như những con người và ban đời sống của chúng ta được nên toàn vẹn”.

b- Điều Cha chờ mong là “Các Con hãy đánh thức thế giới, bởi vì điểm làm nên đặc tính Đời sống Thánh hiến là ngôn sứ. Như Cha đã nói với các Bề Trên Tổng Quyền “tính cách tận căn của Phúc Âm không chỉ là các Tu Sĩ: điều này đòi hỏi tất cả mọi người. Nhưng các Tu Sĩ theo Chúa một cách đặc biệt, một cách ngôn sứ”. Đó là ưu tiên mà bây giờ được đòi hỏi là: “trở nên ngôn sứ làm chứng như Chúa Giêsu đã sống trên trái đất này…Nhưng các Tu Sĩ phải để cho mình lo việc làm ngôn sứ” (ngày 29 tháng 11 năm 2013). Một ngôn sứ nhận được từ Thiên Chúa khả năng soi bói lịch sử trong đó họ sống và giải thích các biến cố: như là các người tuần canh coi chừng trong đêm tối và biết khi nào hừng đông xuất hiện (xem Is 21, 11-12)”.

c- “Các Nam Nữ Tu Sĩ, cũng như tất cả các người thánh hiến khác, được kêu gọi để trở thành các chuyên viên của sự hiệp thông. Vì thế Cha chờ mong rằng “linh đạo hiệp thông”, được chỉ ra do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trở nên hiện thực và các con ở hàng đầu phải đón nhận “thách đố lớn lao đang ở trước chúng ta” trong thiên niên kỷ mới này: “hãy làm cho Giáo Hội nên ngôi nhà và trường học dạy sự hiệp thông”. Tình hiệp thông được thể hiện trước tiên ở trong mỗi cộng đoàn của Hội Dòng. Về điều này, Cha mời gọi các con hãy đọc lại các bài phát biểu của Cha, trong đó Cha không mệt mỏi lặp lại rằng, các chỉ trích, các lời tâng bốc, các ghen tương, tị hiềm, các cách chống ngược lại nhau, là các thái độ không có quyền ở lại trong nhà của các con”.

d- “Cha còn chờ mong từ các con điều mà Cha đòi hỏi tất cả các thành phần của Giáo Hội: là hãy đi ra khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống. “Các con hãy đi khắp thế gian” là lời sau cùng mà Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ của Ngài và còn tiếp tục gửi tới tất cả chúng ta hôm nay (xem Mc 16, 15). Có tất cả một nhân loại đang chờ đợi: những con người đã mất đi mọi hy vọng, các Gia đình đang gặp khó khăn, các đứa trẻ bị bỏ rơi, các thiếu niên đã bị loại ra trước, khỏi mọi tương lai, những bệnh nhân và những người già, trong khi đó các người giàu có thỏa thuê với của cải, nhưng lại trống rỗng nơi con tim, những người nam và nữ đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đang khao khát Thiên Chúa… Các con đừng khép mình trong chính các con, đừng để cho mình bị ngạt thở vì các vật nhỏ bé trong căn nhà, các con đừng để mình là tù nhân của các vấn đề của các con. Những điều này tự giải quyết nếu chúng con đi ra ngoài để giúp người khác giải quyết các vấn đề của họ và để loan báo Tin Mừng. Các con sẽ tìm được sự sống khi trao ban sự sống, tìm được niềm hy vọng, khi cho đi niềm hy vọng, tình yêu khi yêu thương”.

Lời kết

Ước mong mỗi tu sĩ chúng ta đón nhận giáo huấn của Giáo Hội, và thực hiện được điều vị Cha Chung đang kỳ vọng, để chúng ta phác họa hình ảnh của Đức Kitô giữa thế gian, ở mọi môi trường chúng ta được sai đến. Niềm vui lan tỏa từ cuộc đời của người tu sĩ, chính là sự thánh thiện mà chúng ta đang cố gắng phấn đấu để đạt tới. Đó cũng chính là lời Chúa mời gọi chúng ta.

Đối với anh chị em tín hữu giáo dân, các tu sĩ là những người dấn thân phục vụ Giáo Hội, trong đó có anh chị em. Công việc của các tu sĩ sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp, nếu có sự cộng tác của anh chị em. Anh chị em có thể cộng tác bằng nhiều hình thức khác nhau: giúp đỡ các tu sĩ về tinh thần cũng như vật chất; cảm thông những khiếm khuyết của các tu sĩ; và nhất là cầu nguyện cho các tu sĩ, để họ sống trọn vẹn lý tưởng mà họ đã chọn.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top