Nên thánh trong giáo xứ – Đề tài học hỏi tháng 1 năm 2020

CHỦ ĐỀ THÁNG 01/2020

NÊN THÁNH TRONG GIÁO XỨ

1. Giáo xứ theo giáo huấn của Giáo Hội

Người Việt Nam chúng ta dùng những từ rất thân thương: xứ, giáo xứ. Khái niệm “xứ sở” diễn tả quê hương, là nơi ai đi đâu rồi cũng quay về, thật là ấn tượng và đáng yêu vô cùng. Một vài giáo phận khác dùng từ “Họ Đạo”. Khi nói “họ”, chúng ta nghĩ đến bà con thân thuộc. Họ cũng không khác gì xứ sở. Người có Đạo nghe chữ “họ” có lẽ nghĩ đến xứ đạo cũng như nghĩ đến họ trong tên của mình.

Xét về nguyên nghĩa, thì giáo xứ có nguồn từ tiếng Hy lạp “paroikia” nghĩa là láng giềng, là sống gần nhau, đồng thời cũng có nghĩa là khách kiều cư, là người ở trọ.

Ý nghĩa này thật thâm thúy vì Dân Thánh Chúa ngay từ thời đầu trong lịch sử Israel đã là dân lữ hành. Trong cuộc hành trình về Quê Trời, Dân Chúa sống bên nhau như những người láng giềng. Chúng ta nhớ dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, và chúng ta có câu trả lời: cộng đoàn giáo xứ là những người thân cận, cùng nhau tiến về Nước Trời. Và như vậy, giáo xứ chính là tập hợp những khách kiều cư đang trên con đường về Nước Trời. Trên con đường vạn dặm ấy, giáo xứ là thành phần của Giáo Hội địa phương, sống giữa lòng nhân loại.

Điều 515§1 của Bộ Giáo Luật (1983) định nghĩa giáo xứ như sau: “Giáo xứ là một cộng đồng tín hữu, được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận”.

Như vậy giáo xứ khác với các cộng đồng dân cư khác bởi vì Giáo xứ là cộng đồng Dân Chúa, mang tính cách lữ hành, và có sứ mạng truyền giáo. 

2. Hiện trạng phần lớn các giáo xứ tại Việt Nam

Tổ chức chặt chẽ và sinh hoạt sầm uất, đó chính là nét nổi bật nhất trong khuôn mặt của Giáo Hội Công Giáo. Ở đâu có người Công Giáo, ở đó có nhà thờ, có giờ kinh giờ lễ, có ban bệ tổ chức. Trong thực tế, không ai có thể phủ nhận rằng những tổ chức và sinh hoạt như thế đã góp phần làm cho đời sống Đức Tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Tuy vậy, tại một số địa phương, nét ưu điểm ấy lại có nguy cơ làm lãng quên khía cạnh nội tâm và bác ái, coi nhẹ việc sống Tin Mừng và loan truyền Đức tin.

Nhiều Kitô hữu, cho đến hiện nay, vẫn chỉ sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào cỗ xe của những sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể. Họ bận tâm nhiều đến cách thức tổ chức, nhưng lại ít để ý tới chính Đức Tin của mối cá nhân, Đức Tin thể hiện trong thái độ của cá nhân khi gặp những hoàn cảnh phức tạp, Đức Tin khi chọn một giải pháp cho cuộc sống, Đức Tin khi chấp nhận Thánh ý Chúa trong cuộc đời của chính mình.

Hiện tại, chúng ta vui mừng khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội, nhất là hầu hết các giáo xứ đều có các hội đoàn, dành cho mọi lứa tuổi, ngay cả những tín hữu cao tuổi cũng nhiệt thành tham gia các hội đoàn. Để xây dựng một cộng đoàn giáo xứ, chúng ta không dừng lại ở những sinh hoạt này, mà còn phải củng cố đời sống nội tâm và mối tương quan thiêng liêng cá nhân của mỗi người đối với Chúa.

Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất: làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện… thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, vấn còn những chia rẽ giữa các phe phái, dòng họ, làm cho hình ảnh Giáo Hội bị biến dạng. 

3. Giáo xứ phải là một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa

Giáo xứ phải là một cộng đoàn luôn cảm thông chia sẻ vui buồn với con người chung quanh mình. Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô và Thông Điệp Centesimus Annus của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ. Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại.

 Giữa lòng nhân loại và trong thế giới ấy, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người. Giáo xứ có sứ mệnh làm chứng tá cho Tin Mừng Đức Giêsu. Như vậy giáo xứ là một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. 

4. Thiếp lập các nhóm Chia sẻ Lời Chúa hay các Cộng đoàn Cơ bản

Để giúp các tín hữu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và trưởng thành trong Đức tin, ước mong mỗi Giáo xứ thiết lập các nhóm chia sẻ lời Chúa, gồm 20 đến 25 người. Nhóm Chia sẻ Lời Chúa cũng được gọi là “Cộng đoàn cơ bản –Basic Community” vì mang tính nền tảng cho sự phát triển của cộng đoàn giáo xứ. Thông thường, các thành viên của Nhóm là những người có  tương đồng về tuổi tác và trình độ văn hóa. Các buổi chia sẻ Lời Chúa thường được tổ chức mỗi tháng một lần và được hướng dẫn bởi Cha xứ hay một tu sĩ được Cha xứ ủy quyền.

Theo một số nhà chuyên môn có kinh nghiệm, việc chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước như sau:

*Bước một: Mời Chúa đến: Cầu nguyện xin ơn soi sáng.

*Bước hai: Đọc một đoạn Kinh Thánh.

*Bước ba: Lảy ra những lời hoặc câu trong bản văn đánh động tâm trí người nghe.

*Bước bốn:Thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta.

*Bước năm: Chia sẻ điều chúng ta vừa cảm nhận do ơn soi sáng của Chúa.

*Bước sáu: Thảo luận với mọi người trong nhóm về công việc mà chúng ta được mời gọi thực hiện.

*Bước bảy: Cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và một lời cầu nguyện tự phát ngắn.

Đối với những người mới sử dụng Phương pháp chia sẻ Tin Mừng 7 bước, cần lưu ý: ít nhất trong sáu tháng đầu chỉ làm ba bước đầu: bước 1,2,3. bởi vì chỉ khi chúng ta đã ăn no lời Chúa rồi, mới có thể nói Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa cho người khác. Kinh nghiệm nhiều nơi đã thất bại vì đã tham lam áp dụng cả 7 bước ngay một lúc. Việc cần một linh mục hay tu sĩ đồng hành là điều cần thiết, nhất là trong giai đoạn đầu.

Tầm quan trọng của các Cộng đoàn cơ bản được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” như sau: “Trong bối cảnh ấy và dựa trên kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng (Giám mục Châu Á) nhấn mạnh tới giá trị của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông cộng tác trong các giáo xứ và giao phận, và như một lực lượng thật sự cho công cuộc Phúc Âm hóa. Những tập thể nhỏ bé này sẽ giúp các tín hữu sống thành những cộng đoàn đức tin, cầu nguyện và yêu thương như các Ki-tô hữu đầu tiên (Cv 2,44-47; 4,32-35). Các tập thể này còn giúp các đoàn viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương” (Số 25).

Khởi đi từ việc học hỏi, suy tư và chia sẻ Lời Chúa, các thành viên của nhóm sẽ là những tông đồ loan báo Lời Chúa và dạy giáo lý cho anh chị em tín hữu, đồng thời cụ thể hóa Lời Chúa bằng cuộc sống yêu thương và những hoạt động bác ái đối với những người nghèo khổ và cô đơn đang sống xung quanh mình.

6-Giáo xứ: Giếng nước đầu làng

Thánh Gioan Giáo Hoàng đã so sánh Giáo xứ như một giếng nước đầu làng. Hình ảnh này rất gần gũi với nền văn hóa Việt Nam của chúng ta. Vào thời chưa có hệ thống nước sạch như hiện nay, giếng nước là nơi cung cấp nước cho mọi nhà. Giếng nước cũng là nơi cung cấp thông tin, là nơi con người gặp gỡ nhau chia vui sẻ buồn. Những người con của dânlàng, khi đi xa trở về, uống nước giếng làng mà cảm nhận tình quê hương gắn bó. Giáo xứ cần phải trở nên điểm hẹn quen thuộc để người tín hữu tìm thấy sự nâng đỡ ủi an. Giáo xứ cũng là tác nhân gắn bó những rạn nứt giữa các cá nhân và các gia đình. Giáo xứ cung cấp cho mọi người nguồn nước thiêng liêng là Thánh Thể và Lời Chúa, để mọi người đều được nuôi dưỡng trong Đức tin và tình mến. Giáo xứ cũng là một gia đình, nơi không ai còn cảm thấy cô đơn hay bị quên lãng, nhưng mọi người đều được quan tâm. Dưới sự hướng dẫn và điều hành của Cha xứ, gia đình ấy sẽ cùng hướng về mục đích là sống thánh thiện và yêu thương. 

Để thống nhất về tổ chức và để giúp các tín hữu tham gia nhiệt tình vào sứ vụ Vương đế (quản trị) lãnh nhận nhờ Bí tích Thanh tẩy, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã biên soạn và phát hành cuốn “Quy chế Mục vụ Hội đồng Giáo xứ”. Ước mong mọi thành phần Dân Chúa đón nhận, học hỏi và áp dụng tại các Giáo xứ, nhờ đó các cộng đoàn Đức tin sẽ diễn tả một cách trung thực khuôn mẫu của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem: “Các tín hữu chuyên cần lắng nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Thực hiện được những điều trên là chúng ta xây dựng một giáo xứ thánh thiện.

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top