Ông Phê-rô Đồng sinh năm 1792, ở xứ Vực Đường tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình thường dân đạo đức.
Năm 18 tuổi, ông kết bạn, sinh được bốn người con. Gia đình êm ấm, trên thuận dưới hòa, cha mẹ con cái siêng năng đọc kinh tối sớm, dự thánh lễ, chịu các phép bí tích. Chẳng may bà vợ mất sớm, mình ông phải mang cả gánh nặng gia đình. Không nản, ông vui lòng nhận Thánh giá Chúa gửi đến, chăm lo giáo dục con cái trở thành những giáo hữu tốt, những người dân lương thiện.
Ông không giầu, nhưng lòng nhiệt thành, sốt sắng trổi vượt hơn mọi người, dân làng tín nhiệm bầu ông làm trùm họ. Trong chức vụ này ông cố gắng chu toàn phận sự, được mọi người mến phục.

Trừng trị những người đứng đầu
Cuộc bách hại đạo đã đến thời quyết liệt, ngày 25-11-1860, quan quân về vây làng Vực Đường bắt mọi người có đạo, tất cả già trẻ, nam nữ ra đình điểm mục, phải tra tấn đánh đập ép bỏ đạo, nhưng mọi người đồng tâm nhất trí cương quyết sống chết giữ vững Đức Tin. Thấy số giáo dân quá đông, giết không xuể, quan ra lệnh bắt tất cả những người đứng đầu trong làng, quan hy vọng trừng trị họ dân làng sẽ khiếp sợ.
Ông Phê-rô Đồng vào số những người bị bắt giải lên huyện Âu Thi. Đến nơi quan truyền ông đạp ảnh Thánh Giá, ông ung dung đáp: “Tôi thà chết, chẳng thà bỏ đạo”. Quan dỗ dành: “Ta cho phép ông chỉ cần ký giấy xuất giáo là đủ”. Ông cương quyết trả lời: “Như thế cũng là bỏ đạo, tôi không dám làm”.
Quan tức giận truyền đánh ông một trận đòn dữ tợn. Mấy hôm sau giải ông lên tỉnh Hưng Yên.
Các quan tỉnh lập tòa, đòi ông đến tra hỏi, vì ông cứ một mực nhất định không khoá quá, ông phải một trận đòn kinh khủng nữa, các quan muốn thử sức người chiến sĩ của Chúa Ki-tô, quân lính cắt nhau tha hồ đánh mặc sức, thịt rách, máu bắn tung lai láng cũng chưa tha, mãi cho đến lúc hai bên hông cạnh sườn đã nát như mà chúng hầu như không còn sức đánh nữa, chúng mới ngừng tay, những môn đệ Chúa vẫn một mực cương quyết: “Tôi thà chết, chẳng thà bỏ đạo”.
Chữ “Hữu” thay chữ “Tả”
Quan truyền thích vào mặt ông hai chữ Tả đạo, ông không chịu mang chữ đó sợ làm ô danh Chúa, ông xóa chữ “Tả” thay chữ “Hữu” vào. Các quan tức giận lôi ra đánh đòn rồi lại thích chữ “Tả” vào để rồi lại bị xóa đi như trước. Lính tráng ngạc nhiên khâm phục trước cử chỉ anh hùng của ông, chúng bảo nhau: “Mặt ông ta như đá không biết đau đớn!” Họ nhầm, là con người, ông cũng cảm thấy đau đớn, nhưng khác hẳn mọi người ở điểm ông can đảm chịu vì danh Chúa Ki-tô. Trận đòn ác liệt lại tái diễn, lính căng nọc đến nỗi ông không thể cử động được, dưới trận mưa roi, chỉ nghe tiếng ông nói đi nói lại rằng: “Tôi không bỏ đạo, muốn làm gì thì làm”.
Mấy ngày sau, tấn bi kịch trên lại tái diễn lần thứ ba, để rồi các quan cũng chỉ thu được thất bại. Cuối cùng các quan tìm kế khác: bắt nhịn đói, may ra có thể lay chuyển nổi tấm lòng sắt đá của vị anh hùng tử đạo. Lệnh trên được thi hành triệt để. Tám ngày liền không một giọt nước, không một hạt cơm, ruột gan ông như cào cấu, thân xác hao mòn. Khi lính vào, ông đã nằm cứng đờ, họ đổ hộ cho ông tỉnh lại.
Thỉnh thoảng quan vào ngục thăm, khuyên ông bỏ đạo nhưng ông cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo.
Ông hằng trông mong phúc tử đạo. Các con ông vẫn đến thăm, tiếp tế cho ông, có lần họ hỏi ông: “Ở đây có cha nào không?” “Bố đã được xưng tội chưa?” Ông cảm động nói: “Bố đã được xưng tội rồi, các con yên tâm, chịu khó giữ đạo”.
Thấy ông không chết rũ tù, quan toà kết án trảm quyết. Ông vui mừng dọn mình sốt sắng.
Tới pháp trường ông quỳ cầu nguyện, lần hạt, rồi ông xin với lý hình trước khi chém cho ông kêu ba lần tên cực trọng Giê-su. Tiếng “Giê-su” lần thứ ba vừa dứt, lý hình chém đầu ngay, đầu rơi, máu vọt lên rất cao rồi tỏa xuống như mưa sa.
Hôm ấy là ngày 2-6-1862, ông thọ 70 tuổi và bị bắt gần hai năm rưỡi.
Hai con gái ông là bà Ma-ri-a Tham và A-nê Ngọc nhận xác và đầu ông khâm liệm cẩn thận, đem táng ở Phố Lô, Hưng Yên. Sau cải táng đưa về xứ Vực Đường.
Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho ông Phê-rô Đồng và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn