Người giữ lửa

Buổi tối, tôi thường bỏ điện thoại một chỗ, không muốn dùng. Nhưng bao giờ cũng có những ngoại lệ. Đúng 21 giờ 15, ngày 13 tháng 01 năm 2023 tôi có vài cuộc điện thoại từ các chị nữ tu Mến Thánh Giá. Tôi không muốn nghe máy. Liền sau đó, Cha xứ gọi. Điện thoại rung, tôi linh cảm chuyện chẳng lành. Quả thế, ngay khi tín hiệu điện thoại được kết nối, Cha xứ đã báo tin ngay cho tôi biết là ông Giuse HHĐ đã qua đời.

Tôi không ngạc nhiên vì ông ấy ốm đau đã lâu. Tôi mới xức dầu cho ông được một thời gian. Tôi nhớ hôm đó ông rất vui, vì được chính tay người ông dìu dắt đi tu xức dầu cho mình. Đúng là tôi không ngạc nhiên, nhưng điều đó không ngăn được dòng thời gian quá khứ liên quan tới ông tràn về và trở đi trở lại trong tâm trí tôi.

Thời cả làng cả xã chưa có điện, buổi tối khi các gia đình thắp lên những chiếc đèn dầu leo lét thì tụi trẻ con như chúng tôi vô cùng thích thú với chiếc đèn măng xông sáng quắc, được đặt giữa nhà thờ trong giờ kinh tối. Tiếng cất kinh của ông vang, to nhất nhà thờ. Thi thoảng ông rời ghế, tiến lên gõ cộc cộc vào đầu ghế, chỉ chỉ vào mặt, có khi “bưởng” vào đầu mấy đứa trẻ con đang lén lút nói chuyện. Tuổi thơ của tôi lớn lên bên nhà thờ với hình ảnh của ông như thế.

Ở vùng nông thôn thanh bình ấy, khi trời nhá nhem tối, các gia đình sẽ ăn tối rồi lục tục kéo nhau tới đọc kinh ở nhà thờ. Bé hẳn thì ngoan. Lớn hẳn cũng ngoan. Nhưng tụi trẻ tuổi mới lớn thì bắt đầu biết trốn nhà thờ, tụ tập cùng nhau chơi những trò chơi dân gian những tưởng mình đã như những thủ lĩnh, tài ba lỗi lạc lắm rồi. Thường thì những cuộc chơi ấy sẽ bị phá giữa chừng bằng tiếng quát tháo của ông. Mấy đứa ngoan thì theo ông tới nhà thờ, còn mấy thằng nhút nhát thì bị tiếng quát ấy làm cho khiếp đảm mà chạy trối chết.

Khi điện về làng, một số gia đình mua được những chiếc tivi đen trắng. Tụi trẻ con ban ngày thì đi chơi cho đẫy, tối ăn xong là nhanh nhanh chóng chóng đi xem tivi. Chính ông lại là người đi càn quét. Ông quát cả tụi nhỏ lẫn người lớn: quân ăn no rửng mỡ, Chúa chúng bay thờ là cái bụng. Nhà thờ nhà thánh không đi, dán mắt vào cái tivi ấy. Chán! Chủ nhà miễn cưỡng tắt tivi, tụi trẻ lại được dịp chạy như vịt cả đám. Dù hậm hực nhưng cũng chẳng ai dám bảo gì. Chắc cũng đều nghĩ mình làm sai, và ông ấy chửi cho là đúng; nhưng một phần cũng không dám quặc lại, sợ ông ấy lại tiếp tục chửi cho.

Bước vào lớp 9, tôi được ông chọn vào đội giúp lễ. Gọi là đội giúp lễ cho oách thôi chứ kỳ thực thì xứ tôi một năm chỉ có vài Thánh lễ. Ông dạy chúng tôi giúp lễ, dạy làm Tông đồ đội trưởng trong phong trào Nghĩa binh Thánh Thể, biên kho thiêng liêng, vẽ pano và thuyết trình hoạt cảnh Giáng sinh, công bố Lời Chúa giờ viếng Thánh Thể… Đối với tụi trẻ con chúng tôi, ông như người biết hết và oách nhất Giáo xứ. Giáo xứ thì nhỏ, nhà thờ thì bé tí, thế mà mấy thanh niên bốc phét, khiến chúng tôi tin là nhà thờ xứ tôi đẹp nhất giáo phận.

Ông và vợ ông kết hôn cả mấy chục năm mà không có lấy một mụn con. Ông coi thiếu nhi như con mình. Đứa nào chịu khó đi nhà thờ, ông bà đều khuyến khích đi tu hết. Tôi nằm trong số đó. Khi đi tu rồi, gặp gỡ những người đi trước, tôi mới biết hoá ra các thế hệ đi tu trước tôi cũng đều có chung những kỷ niệm về ông giống như tôi. Họ cũng đều được hai ông bà kèm cặp như thế.

Khi về già, không còn đi xe đạp được nữa, nên đi lễ, đi tết, đi nọ đi kia, ông đều phải nhờ các cháu chở đi. Người ta thường nói người già thường khó tính và trở nên keo kiệt. Khó tính vì họ thấy bất lực với sức khỏe đi xuống của mình, với ốm đau và bệnh tật. Keo kiệt, có lẽ vì họ cần phải giữ mọi thứ để lo cho tương lai bệnh tật của mình. Nhưng với trường hợp này, tôi biết kết luận của người đời sai bét. Hai ông bà gặp cha xứ, xin dâng tất cả đất đai và nhà cửa của mình cho một nhà dòng về ở để giúp giáo xứ. Còn hai cái mạng già này, theo cách nói của ông, chỉ xin dựng một cái nhà nhỏ ở góc vườn, sống qua ngày đoạn tháng thôi. Chết rồi thì nhà dòng dùng nốt.

Ấy thế mà cảnh sống “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” ấy được cả chục năm. Bà đi trước ông gần 2 năm. Khi còn lại một mình, chân què, nhưng làm gì thì làm, còn lết đi được thì bằng giá nào ông cũng phải tới nhà thờ.

Mấy tháng trước khi qua đời, sức khỏe đã yếu, ông vẫn trung thành với các giờ kinh và Thánh lễ như cả cuộc đời ông vẫn làm. Quãng đường từ nhà tới nhà thờ chừng trăm mét. Một tay cầm gậy, một tay vịn tường, ông đi hết hai tiếng mới tới được nhà thờ đọc kinh và dự lễ. Sáng cũng như tối, mưa cũng như nắng. Những ngày sức khỏe yếu, chân đau không lết đi lễ được, ông luôn miệng than vãn thà chết đi còn hơn. Ông kiên quyết gắn bó với nhà thờ tới mức tưởng như cực đoan. Có vẻ tính cách ông vốn là như vậy. Trong giao tiếp, ông chẳng kiêng nể bất cứ ai, thẳng, thô và thật tới mất lòng. Ông ương tới mức như gàn dở! Không ai bảo được.

Rồi ngày ấy cũng tới. Ông nhắm mắt xuôi tay, sống trọn kiếp người. Ông đi rồi, tôi nhớ ông. Mong sớm gặp lại ông.

Lm. Gio-an Nguyễn Văn Toàn
Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 1, tháng 2/2023

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top