
Boong… boong… boong… Tiếng chuông nhà thờ ngân vang quen thuộc, quen đến nỗi người ta không hiểu từ lúc nào sinh hoạt hằng ngày của họ được ăn theo nhịp của tiếng chuông. Cuộc sống của ngôi làng nhỏ bé nép mình bên con sông Việt Đức được vận hành bởi tiếng chuông nhà thờ ấy, chẳng kể lương hay giáo. Tiếng chuông sớm kéo mọi người ra khỏi giường, lục tục ăn vội miếng cơm nguội rồi ra đồng, cho tới khi tiếng chuông điểm đúng 12 giờ trưa thì họ mới trở về nhà; chiều tối nghe chuông mà về khi gà đã lên chuồng, sau đó lại đợi chuông tắt lửa vang lên rồi mới đi ngủ. Nhưng rồi một hôm, tiếng chuông ấy bỗng lỗi nhịp.
Tiếng chuông lỗi nhịp vì người kéo chuông, ông Chí Dị đã mất. Không biết tự bao giờ tụi trẻ tinh nghịch lại gán cho ông Chí cái biệt danh là “Dị” ấy. Với chúng, việc chọc ghẹo ông mới thích thú làm sao!
Ông Chí ngày ngày kéo lê cái thân mình lòng khòng, lưng hơi gù trên con đường nhỏ dẫn tới nhà thờ. Chân thấp chân cao nhấp nhô trên con đường đầy nắng. Một cánh tay co quắp, tay còn lại thả thõng và lắc lư tự do theo cái dáng người khốn khổ ấy. Không biết Thiên Chúa có say không khi tạo dựng nên ông như thế. Quả thực khi nhìn ông, người ta tránh cái nhìn trực diện. Mái tóc hoa râm dựng ngược lên như một cái hoa gáo. Hai hàm răng ố vàng, tinh nghịch, khinh khỉnh chìa ra khỏi đôi môi dày đụp và ngó nhìn khuôn mặt đen nhẻm lại bị gãy hình lưỡi cày cách đầy trách móc. Cái mũi cao cúi gằm xuống như tự trách mà chẳng dám nhìn trời. Cánh mũi nhọn, nhô cao và quắp xuống. Đôi tai xoăn tít, chẳng khác nào cây mộc nhĩ mọc trên cây táo khô sau vườn nhà xứ. Nhưng mỉa mai thay, Thiên Chúa lại đặt hai viên ngọc trong sáng, tinh anh, thân thiện vào đôi mắt của ông, để trang trí cho cái khuôn mặt chẳng ra mặt, mũi chẳng ra mũi ấy. Đôi mắt đó, đến các thiên thần nhìn vào chắc cũng phải ghen tị. Nó trong sáng, hồn nhiên, tinh tế và có cái gì đó từ bên trong tỏa ra sự thánh thiện sâu thẳm.
Ngày ngày, ông làm những việc chẳng ai để ý. Bốn giờ sáng kéo chuông, mười hai giờ trưa kéo chuông, sáu giờ tối lại kéo chuông và cuối cùng là tiếng chuông lúc hai mươi giờ. Khi những tiếng chuông ngừng vang thì cũng là lúc ông Chí lủi thật nhanh vào một xó tối tăm đầy phân dơi ở tháp chuông nhà thờ. Cái xó ấy là nơi ưa thích của ông. Ông đã ở đó hàng chục năm, đã kéo chuông nhà thờ cũng hàng chục năm. Vậy mà chưa ai nhìn thấy ông làm dấu thánh, chẳng ai nghe tiếng ông đọc kinh, chưa ai thấy ông lên rước lễ. Ông như một bóng ma, lầm lũi trong xó cửa. Hằng ngày, ông chỉ biết mở cửa nhà thờ và kéo chuông lúc chưa ai thức giấc, kéo chuông và đóng cửa sau khi họ rời khỏi nhà thờ trở về với tổ ấm riêng của mình. Một mình ông ở lại trong ngôi nhà thờ to lớn, lạnh lẽo, với những tiếng hót tíu tít của lũ chim và tiếng đập cánh vô định của lũ dơi đen đi kiếm mồi. Một mình. Không đèn điện, không đài, không tivi, không gì cả. Chỉ một mình ông cùng với chiếc đèn chầu nhỏ leo lét trong ngôi nhà thờ bị cái tối tăm đặc quánh bao phủ. Ngay cả ma cũng chẳng con nào dám hiện ra trêu đùa ông. Mà cũng chẳng ai biết là ông có bị ma trêu không. Cuộc sống của ông là một câu hỏi lớn, bí ẩn lớn.
Nhưng cuộc sống không chỉ đơn điệu thế. Nó luôn hàm chứa những thay đổi. ông Chí Dị cũng không phải ngoại lệ. Người dân xóm Đạo hàng chục năm đã được nghe tiếng chuông đều đặn điểm đúng giờ, như được cài đặt. Nhưng rồi, một buổi sớm của tháng Chạp, lúc bốn giờ sáng, tiếng chuông nhà thờ đã không vang lên như thường lệ. Nhưng cũng chẳng mấy ai để ý mấy về sự im lặng bất thường của tiếng chuông nhà thờ. Ngủ quên, lỡ mất một phiên chợ, lỡ mất một buổi kinh sáng. Mọi người càu nhàu. Bảy giờ sáng, khi ai đã vào việc nấy, như một thói quen xưa cũ, lũ trẻ con chạy ra nhà thờ để trêu ông Chí Dị. Chúng la tướng vào cái xó tối ngòm của tháp chuông nhà thờ. Không một tiếng động. Chúng càng la to thì cái im lặng ghê người càng bao phủ xuống cái xó hôi hám mùi phân dơi ấy. Xác ông Chí Dị nằm co quắp, bất động, lạnh lẽo trong một góc nhỏ. Lũ trẻ con sợ hãi la ó om xòm. Người lớn chạy tới, miệng làu bàu cái gì đó. Đèn chầu đã tắt từ lúc nào không hay. Họ ngó vào góc mà cái xác không hồn kia đang co quắp bất động, họ biết ông Chí Dị đã chết.
Tiếng chuông mà ông Chí Dị thường kéo để báo trong xứ có người chết giờ đây do lũ trẻ kéo. Chính xác ba hồi chín tiếng, lạnh lùng và vô cảm, tiếng chuông thông báo cho mọi người biết rằng có một người trong xứ đã ra đi.
Người ta tắm xác cho ông sạch sẽ, thơm tho như thể ông chuẩn bị để đi đón dâu trong ngày cưới. Ông được mặc quần áo mới, được đi giày mới…, những thứ mà khi còn sống ông không bao giờ dám mơ tưởng. Tứ đời ông chỉ vận mỗi chiếc quần nâu và chiếc áo xanh rêu đã chuyển sang mầu đất từ đời nào rồi. Tin ông Chí Dị qua đời nhanh chóng được loan đi khắp ngõ nghách của ngôi làng nhỏ bé ven sông ấy.
Thánh lễ cũng được cha xứ và ban hành giáo khẩn trương chuẩn bị. Ông sinh ngày bao nhiêu chẳng ai biết; tên thánh của ông là gì cũng chẳng ai hay. Thánh lễ an táng của ông diễn ra êm đềm, không có tiếng gào khóc, chỉ thấp thoáng đâu đó một vài vành khăn trắng. Những bài thánh ca nhẹ nhàng, đều đều vang lên đúng nhịp phách. Cha xứ giảng một bài chí tình chí nghĩa. Những từ thần học, triết học để nói về cuộc đời ông Chí Dị được sử dụng nhuần nhuyễn. Cha nói rằng các nhà hiền triết cũng phải nể cái lý lẽ “im lặng” của ông; rằng các tu sĩ cũng ngưỡng mộ sự âm thầm của ông; các họa sĩ cũng phải mong ước có được cái nhìn như của ánh mắt của ông; và rằng các nhạc sĩ cũng phải ngưỡng một tiếng chuông mà ông vẫn kéo… Những từ hoa mỹ được quảng diễn cách hùng hồn. Bà con ngồi nghe gật gù tâm đắc, mà quên mất sự hiện diện của một chiếc quan tài màu đỏ với khung viền vàng lấp lánh trong nhà thờ. Cuối thánh lễ, người nhà của ông Chí Dị tiếp tục quảng diễn một bài cảm ơn đầy chất bi ai, thay lời cho người đã khuất. Bài phát biểu hay tới mức mọi người xuýt nữa thì vỗ tay rào rào để tán dương. Chắc ông Chí hài lòng lắm?! Chưa bao giờ ông được trở thành điểm trung tâm của xóm làng như thế.
Ngay sau đám tang, mọi người trở lại nếp sống thường nhật như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ai có chuyện của người ấy. Duy chỉ có lũ trẻ còn nhớ tới ông, vì chúng hay lôi ông ra làm trò đùa. Ngay cả khi đã chết, chúng cũng lôi ông ra mà hù dọa nhau, rồi lại sợ hãi co chân chạy tán loạn khi nghe đứa nào đó hô lên: “Ây, ông Chí Dị về chúng mày ơi…”
Chỉ ánh đèn chầu giữa đêm tối trong ngôi nhà thờ may ra mới soi tỏ được ông.
Jamor
Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 7/2023