“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi …”
Bước vào Chúa nhật thứ Ba Mùa Thường niên, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng Tin Mừng. Ngài còn chọn thêm một số môn đệ mới nữa (Phụng vụ Năm A): “Đang lúc dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê. Và Người đã bảo các ông : “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người” (Mc 1, 14-20) ; kêu gọi người ta hoán cải (Phụng vụ Năm B), đề tài đã được ghi rõ trong một câu của Phúc Âm Thánh Maccô : “Thời giờ đã hoàn tất và Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm” (Mc 1, 15) ; tiếp theo là hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo (Phụng vụ Năm C) : “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21).
Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phé lạ ở Galilêa và ở Giêrusalem (Ga 2, 23), Chúa đã chọn các môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, trong tâm đời giảng giáo của Chúa ở Galilêa. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy tại đây. Vào ngày Sabát đầu tiên Chúa giảng trong Hội đường, khiến cho mọi người ca tụng chăm chú lắng nghe (Lc 1, 1-4).
Lời của ngôn sứ Isaia được Đức Giêsu công bố trong Hội đường, được Ngài áp dụng vào chính bản thân mình :”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối… trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Như thế, Đức Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt và mở đầu cho một thời kỳ hoàn toàn mới, thời kỳ Đấng Cứu Thế xuất hiện, cụ thể nhất, Ngài chính là Đấng Messia.
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, Chúa Giêsu áp dụng những lời tiên tri ấy vào Ngài một cách rất tự nhiên: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe”. Chúa Giêsu chính là Đấng được Chúa Cha xức dầu và được Chúa Cha sai đến trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và dẫn đưa con người về với Chúa Cha. Đó là cốt tủy sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài không được sai đến với những người tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ rồi, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa: đó là ơn cứu độ, là giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Kitô tự mô tả về con người và sứ mạng của Ngài, bằng những từ ngữ đơn sơ mà uy nghi, đến nổi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: “Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Cung cách Ngài dạy dỗ hoàn toàn khác với các thầy dạy lề luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Ngày hôm nay, một cách mạnh mẽ, mỗi nguời trong chúng ta có thể lặp lại cùng với Chúa Kitô những lời của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi…” (Lc 4, 18).
Năm Đức Tin, Hồng Ân Thánh, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội, và xức dầu. Chúng ta đang sống trong một thế giới dửng dưng đối với tôn giáo và thậm chí càng ngày người ta càng tỏ ra nghi kỵ đức tin Kitô. Ước mong sao cho có một hoạt động truyền giáo mới mẻ và nồng nhiệt, không những cho các dân tộc chưa bao giờ biết Tin Mừng, nhưng cả nơi những dân tộc trong đó Kitô giáo được phổ biến từ lâu đời và là thành phần lịch sử của họ. Hơn bao giờ hết, Giáo hội đang nỗ lực công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, trong đó chúng ta có nhiệm vụ phải thi hành, vì chúng ta là chi thể của Giáo hội, Giáo hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng được xức dầu tấn phong làm Đấng Messia. Ngài cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: “Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em”. Người cũng đã ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội. Có người nói Giáo hội là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Điều đó có thể là đúng, vì Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể. Người đã sinh ra, lớn lên, đã chết và đã sống lại. Người đã vượt qua thế gian về cùng Chúa Cha. Trên bình diện xác phàm, với con mắt phàm, không ai còn thấy được Người nữa. Nhưng Người vẫn sống trong Giáo hội, và tự đồng hoá với Giáo hội. Nhưng có cách nhìn khác, còn đúng hơn và sâu xa hơn, đó là Giáo hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần, sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi.
Như thế, chúng ta được xức dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm sức, được “thánh hiến” cho Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Xin Chúa cho mỗi người tín hữu biết ý thức về sứ mạng của mình, và hăng say nhiệt thành với sứ mạng đó.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ