THÂN PHẬN CON NGƯỜI
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C
Lc 13, 1-9
Xác quyết vào sự hiện diện của Thiên Chúa để giúp tôi đặt mình vào đúng vị trí; Kinh nghiệm sống động về chính Thiên Chúa cho tôi biết Thiên Chúa là thế nào; và hôm nay, tôi được mời gọi trở về với chính mình để xem tôi là ai. Thân phận con người rút cuộc là thế nào.
Đang yên đang lành, bỗng một ngày tai họa ập đến. Nhẹ nhàng và lý giải được thì còn đỡ, quá bi đát mà chẳng hiểu tại sao thì chí ít cũng buông lời than vãn: tôi có làm gì nên nông nỗi mà sao khổ thế này. Thiên hạ nhìn vào, nếu thấy tôi ăn ở thất đức thì quả quyết: Đáng đời; nếu thấy tôi sống không đến nỗi nào thì trách nhẹ: Chắc phải thế nào!; Hay do quả báo! Tội nghiệp!
“Ở hiền gặp lành”, “làm ác gặp ác” những câu nói như đã thành định đề trong cuộc sống. Và ắt hẳn ngược lại cũng không sai: Tôi yên lành có nghĩa tôi vô tội; bạn gặp ác có nghĩa bạn là người tội lỗi. Từ xa xưa con người đã thấy thế và dễ dàng buông câu “tội nghiệp” mà tỏ lòng thương cảm với những cảnh đời éo le. Nói thế chẳng phải là nhìn nhận hoàn cảnh người đó đang chịu là do cái nghiệp của tội đó sao.
Người Do Thái từ xưa cũng vẫn bảo nhau “Đời cha ăn nho xanh, đời con ê răng”. Trong Tin mừng Luca, dân chúng phản hồi với Chúa Giêsu về một số trường hợp bị quan Philatô hành hình. Chúa Giêsu đã kéo người ta đi đến bình diện xa hơn. Ngài đã khẳng định: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.
Vô nhân thập toàn, làm người thì chẳng ai vô tội. Thân phận mỏng manh yếu đuối và sa ngã đã nằm trong căn tính của con người và trở thành cái đương nhiên cho những ai là người. Kinh Thánh dạy: cái tội nó đã có từ tổ tông của loài người từ khi họ sa ngã. Và cũng chẳng lạ gì khi con đường tu tập để được giải thoát phải bắt đầu bằng việc nhìn nhận: Đời là bể khổ.
Suy là thế, nhưng thực tế thì nhiều khi tôi chẳng thấy mình có tội lỗi gì. Lời mời gọi hãy ăn năn sám hối dường như là thừa, vì tôi làm gì mà phải kiểm điểm, mà phải sám hối. Quả thực, người đang làm ruộng ngồi giữa những người đang làm ruộng thì chẳng để ý gì đến trang phục lấm lem bùn đất của mình. Nhưng cũng với trang phục đó, ai mà chẳng ngượng khi được mời vào dự tiệc đám cưới. Người coi vật chất ở đời là tất cả, là giá trị để cân đo thì sự xấu xa hay thánh thiện, kẻ tốt hay người xấu cốt ở miếng cơm manh áo. Với họ, chuẩn mực siêu nhiên làm gì có đâu mà soi. Ở giữa những con người và sống theo tiêu chuẩn của chính mình thì khác, khi đối diện với sự thánh thiêng, với Đấng Toàn Thánh thì tôi sẽ thấy mình nhuốc nhơ là dường nào.
Khi Môsê tiến đến gần bụi gai đang bốc cháy, ông đã đối diện với Thiên Chúa, Đấng cao cả và sáng láng vô cùng. Điều đầu tiên Chúa nói với Môsê là “Hãy cởi dép ở chân ra”. Ông không thể đến với Chúa trong sự bao bọc, che dấu con người thật của mình. Bước vào tương quan với Chúa, con người bị lột trần tất cả. Với đôi chân trần, Môsê đã chấp nhận hiện diện với con người thực trong yếu đuối, phơi cả ‘gót chân asin’ của mình ra. Cử chỉ đầu tiên của ông trước nhan Chúa là: “Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa”. Đứng trước sự sáng láng của Chúa, ông mới thấy mình thật tội lỗi, đáng xấu hổ biết bao.
Tôi sẽ chẳng nhận ra mình tội lỗi nếu tôi không đối diện với sự thánh thiện, đối diện với chính Chúa. Mùa Chay là thời cơ để tôi được lặng mình trước sự hiện diện của Chúa. Nếu Chúa nhật trước tôi đã có được sự cảm nhận sống động về dung nhan Thiên Chúa, thì tuần này tôi có thể đi sâu vào khám phá chính mình. Sự yếu đuối, mỏng giòn, và ngập tràn lầm lỗi của tôi sẽ phơi bày tất cả trước dung nhan rạng ngời của Đấng Toàn Năng.
Suy nghĩ về thân phận con người và ôn lại những gì đã diễn ra, thánh Phaolô đã nhắn nhủ dân thành Cô-rin-tô trong một câu ngắn gọn: “ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã”. Ý thức về thân phận của mình, nhận ra cảnh ngộ của mình, nhưng làm sao tôi có thể tiến bước nếu không có một tấm gương noi theo, một kiểu mẫu để hướng tới, hay một đích điểm để vươn lên? Chúa nhật sau sẽ là câu giải đáp cho một con đường siêu thoát vươn lên trong sự thánh thiện.
Lạy Chúa, yếu đuối và tội lỗi là đặc sản của đời con. Con xin dâng lên Chúa những lầm lỡ và đổ nát trong con. Xin Chúa đón nhận và thánh hóa con.
Lm. Giuse Lê Danh Tường