Thế giới trong ngày 23-9-2021: Đức Giám mục ở Nam Sudan khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19

tiêm phòng vắc xin covid-19

Đức Giám mục ở Nam Sudan khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19; Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội thần học quốc tế tại Roma; Tín hữu Châu Phi ghi dấu Mùa Thụ tạo bằng lời kêu gọi bảo vệ ‘lá phổi thứ hai’ của trái đất; Một nhà thờ cổ tại Ukraina bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn là những nội dung đáng chú ý.

Đức Giám mục ở Nam Sudan khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19

Đức Giám mục Mathew Remijo Adam Gbitiku, Giám mục giáo phận Wau ở Nam Sudan đã khuyến khích toàn bộ người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Ngài nói: “Vắc xin ngừa virus corona không nguy hiểm. Cho đến nay, cá nhân tôi không thấy tác dụng tiêu cực nào kể từ khi tiêm mũi đầu tiên”.

Điều phối viên y tế của Giáo phận, Tiến sĩ Jurel Payii Mamur, nói rằng người ta không nên sợ vắc xin khi nó đã được chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Ông cũng xác nhận Đức Giám mục Gbitiku đã tiêm liều đầu tiên vào ngày 7/9/2021 mà không có vấn đề đáng lo ngại nào xảy ra. Ông nói: “Chúng tôi bắt đầu với các Đức Giám mục. Chúng tôi đang tiếp tục tiêm cho tất cả các linh mục và người điều hành trong Giáo phận để đảm bảo và bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người”.

Đức Cha Gbitiku kêu gọi tất cả các Giám mục Nam Sudan khuyến khích các linh mục của họ đi tiêm phòng, vì đây là vũ khí duy nhất để ngăn chặn Covid-19. Theo Fides, chương trình tiêm chủng do Văn phòng Y tế của Ban Thư ký Giáo phận tổ chức với sự giúp đỡ của Bộ Y tế Wau.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội thần học quốc tế tại Roma

đại hội thần học quốc tế
Ảnh: Vatican News

Đại hội thần học quốc tế được tĐại hội thần học quốc tế được tổ chức từ ngày 21/9 đến ngày 24/9 với chủ đề tập trung vào “Sự khôn ngoan của Thập giá trong một thế giới đa nguyên”. Sự kiện này là một phần của lễ kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Hội dòng được Thánh Phaolô Thánh Giá thành lập năm 1720.

Trong lá thư gửi đến đại hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bằng cách chiêm ngắm Chúa Kitô trên Thập giá, các tín hữu nhận thức được về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, bất kể nam nữ, một tình yêu chạm tới tận cùng của thân phận con người.

ĐTC Phanxicô viết rằng: “Thập tự giá của Chúa, một nguồn cứu rỗi cho mọi người và mọi thời, cũng mạnh mẽ, hữu hiệu, nhất là ở thời kỳ giao thoa như hiện tại, với bao thay đổi nhanh chóng và phức tạp”.

ĐTC cũng bày tỏ hy vọng của ngài rằng đại hội sẽ thúc đẩy “những tác động hiệu quả về thần học, văn hóa và mục vụ” và sẽ đóng góp vào sự hiểu biết mới về những thách thức đương thời dưới sự khôn ngoan của Thập giá, để thúc đẩy truyền giáo trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và ân cần với nhân loại.

Tín hữu Châu Phi ghi dấu Mùa Thụ tạo bằng lời kêu gọi bảo vệ ‘lá phổi thứ hai’ của trái đất

Mùa thụ tạo tại Châu Phi
Ảnh: UCA News

Khi kỷ niệm Mùa Thụ tạo 2021, người Công giáo Châu Phi đã ca ngợi lưu vực sông Congo là lá phổi thứ hai của trái đất và kêu gọi bảo vệ để chiến đấu với biến đổi khí hậu.

Theo UCA News, một hội nghị trực tuyến đã được tổ chức tập trung vào công việc của Mạng lưới Giáo hội cho lưu vực sông Congo (REBAC), một mạng lưới Công giáo bao gồm các quốc gia: Cameroon, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guines Xích Đạo, Gabon và Cộng hòa Trung Phi.

Điều phối viên Phong trào Laudato Si’ ở Châu Phi cho biết lưu vực Congo là một khu vực địa lý rộng lớn và đa dạng sinh học, có tầm quan trọng đối với Châu Phi và cả thế giới. Con người cần bảo vệ khu vực này vì nhiều sinh vật phụ thuộc vào nơi đây.

Thư ký điều hành của Ủy ban tài nguyên thiên nhiên Congo Musabate cho biết tác động của biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy được ở lưu vực Congo. Ông nhấn mạnh đến việc gia tăng lũ lụt, hạn hán, gián đoạn các mùa và nhiệt độ gia tăng.

Người Công giáo ở châu Phi đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau giải quyết tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học.

Một nhà thờ cổ tại Ukraina bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn

nhà thờ cổ tại Ukraina
Ảnh: CNA

Một vụ hỏa hoạn đã làm hư hại nghiêm trọng một nhà thờ Công giáo lịch sử ở thủ đô Kyiv của Ukraina, CNA đưa tin.

Ngọn lửa bùng phát tại nhà thờ Thánh Nicholas, được xây theo phong cách Gothic, trong một buổi tập đàn organ. Lửa dữ dội đã phá hủy cây đàn organ bên trong nhà thờ và khiến một chiếc đèn chùm rơi xuống đất.

Nhà thờ Thánh Nicholas là nhà thờ Công giáo theo nghi thức Latinh lâu đời thứ hai ở Kyiv, sau nhà thờ chính tòa Thánh Alexander. Được cung hiến vào năm 1909, nhà thờ là nơi quy tụ của cộng đoàn giáo dân Ba Lan địa phương trước khi bị đóng cửa năm 1938.

Hiện các Thánh lễ vẫn được cử hành trong nhà thờ, tuy nhiên chính quyền địa phương muốn cải tạo thành phòng hòa nhạc. Cha Bề trên dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại địa phương kêu gọi người Công giáo toàn thế giới cầu nguyện để nhà thờ sớm được trả lại cho giáo dân.

Theo trang điện tử của giáo xứ, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô II đã đến thăm nhà thờ này vào ngày 25/6/2001, trong chuyến thăm mục vụ của ông đến Ukraina. Tờ Kyiv Post cho biết cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân của vụ cháy.

Khánh Ly – WTGPHN

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top