
THỜ PHƯỢNG ĐÍCH THẬT
Chúa nhật 3 Mùa Chay A
Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42
Người Samaria cho rằng núi Garizim là thánh địa của Thiên Chúa (x.Tl 27,4-8). Còn người Dothái thì khẳng định rằng toàn đất nước Israel chỉ có một đền thờ duy nhất mà thôi! Đó là đền thờ Giêrusalem (x. Tl 12,1-14). Cứ thế hai bên tranh cãi, chia rẽ và thù ghét nhau. Một sự tranh cãi liên miên, một mối thù truyền kiếp.
Hôm nay, gặp được Đức Giêsu, vị ngôn sứ thấu suốt tâm hồn, chị phụ nữ xứ Samaria đã mạnh dạn giãi bày với Ngài, để xin Ngài phân giải: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Chúa trên núi này, còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa”.
Phải chăng đó là những chuyện thời xưa ? Không, ngày nay vẫn có những chuyện đó. Người ta tranh giành độc quyền, chia rẽ và coi thường nhau: nhà xứ coi thường họ lẻ, họ lẻ coi thường nhà xứ; xứ này coi thường xứ kia… Có người dựa vào nơi chốn chỉ muốn đi tham dự Thánh lễ ở nhà thờ này chứ không phải ở nhà thờ kia. Đặc biệt có rất người nhiều người chỉ thờ phượng Chúa trong nhà thờ mà thôi. Họ không cảm thấy có Chúa và thờ Chúa trong gia đình và trong cuộc sống. Từ đó sinh ra thói quen sống đạo chia ô: Trong nhà thờ là đạo, là phụng thờ Chúa; ra khỏi nhà thờ là đời, sống sao cũng được.
Những người có não trạng và cung cách sống đạo như thế, cần phải điều chỉnh lại mình và cần khắc cốt ghi tâm lời Đức Giêsu nói với chị phụ nữ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi! Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thật, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật”.
Thờ phượng đích thật là gì? Là Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật.
Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí là gì? Là thờ phượng Chúa Cha theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”(Rm 8,26).
Thờ phượng Chúa Cha trong sự thật là gì? Là thờ phượng Chúa Cha trong và nhờ Đức Giêsu, Đấng đã xưng mình là “đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6). Sự thật và sự sống mà Đức Giêsu mang đến cho chúng ta là “phải phụng thờ và kính mến một Thiên Chúa độc nhất và chân thật, hết lòng hết sức, yêu người như Chúa yêu”(x. Lc 10,27).
Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và trong sự thật, là thờ phượng Chúa ở khắp mọi nơi. Không coi Chúa như một người xa lạ, không đóng khung Chúa trong nhà thờ, mà thấy Chúa gần gũi như một bạn tâm giao, Chúa được đem vào mọi cảnh huống vui buồn sướng khổ của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Thế nghĩa là thờ phượng bằng cả cuộc đời luôn tuân phục ý Chúa, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Đức Giêsu đã thờ phượng Chúa Cha như thế và đã đẹp lòng Cha: “Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4,34).
Thánh Phao cũng dạy chúng ta: “Dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
Ca dao tục ngữ Việt Nam tuy ít nói đến Chúa, nhưng cha ông ta vẫn luôn cầu khan Chúa Trời bằng những tâm nguyện thật đơn thành, thật gần gũi ngay trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy bát cơm đầy, lấy khúc cá to…”
Ca dao Việt Nam không kêu “Giêsu – Maria – Giuse” hay “Lạy Chúa tôi”, nhưng ca dao Viêt Nam thật gần gũi và khăng khít, thấy bàn tay Chúa Trời trong đĩa cháo lót lòng, trong đôi đũa cầm tay, trong chiếc tăm xỉa răng: “Trời quả báo ăn cháo gãy răng, ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày.” Phải chăng đó cũng là cách thờ phượng của tiền nhân tiên tổ mà người công giáo Việt Nam ngày nay cần phải học hỏi và nhìn lại tâm tình cũng như cung cách thờ phượng của mình, để đem đạo vào đời, chứ đừng đóng khung đạo trong nhà thờ.
Lạy Chúa, xin dạy con biết luôn thờ phượng Chúa trong Thần Khí và Sự thật. Amen
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu