Thứ năm tuần XVIII thường niên

Bậc lễ: thường

Màu phụng vụ: Xanh

Nghe MP3

Năm I

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ds 20, 1-13

“Xin Chúa mở kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, vào tháng Giêng, con cái Israel và toàn thể cộng đồng đến rừng Sim. Dân chúng định cư ở Cađê. Tại đây bà Maria đã qua đời và được chôn cất.

Và khi dân chúng thiếu nước, họ toa rập nhau chống đối Môsê và Aaron. Họ công kích Môsê rằng: “Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống”.

Môsê và Aaron lánh mặt khỏi dân chúng và vào nhà xếp giao ước. Hai ông sấp mình xuống đất, kêu van cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe tiếng dân này kêu van, và xin mở cho họ kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống, để họ uống no đầy mà hết kêu trách”.

Sự vinh quang của Chúa hiện ra trên họ. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy cầm lấy gậy và tập họp dân chúng lại, ngươi và Aaron khiến hòn đá, trước mắt họ, và đá liền chảy nước. Khi ngươi làm cho nước từ hòn đá này chảy ra, thì toàn dân và súc vật sẽ được uống”.

Môsê cầm lấy cây gậy để trước mặt Thiên Chúa như Chúa đã truyền dạy ông. Khi tập họp cộng đồng đến trước hòn đá, ông bảo họ rằng: “Hỡi bọn người phản loạn và cứng lòng, hãy nghe đây. Chúng tôi có thể làm cho nước từ hòn đá này chảy ra cho các ngươi được không?” Môsê giơ tay cầm gậy đánh vào hòn đá hai lần: nước chảy ra tràn trề. Dân chúng và súc vật được uống.

Bấy giờ Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Vì các ngươi không tin Ta mà tuyên xưng thánh danh Ta trước mặt con cái Israel, thì các ngươi không được đem dân này vào Ðất Ta sẽ ban cho chúng nó”.

Ðây là nước mâu thuẫn nơi con cái Israel trách Chúa, và Người dùng nước để tỏ ra thánh danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8a).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đà này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. – Alleluia

Phúc Âm: Mt 16, 13-23

“Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Ê-li-a, kẻ khác lại bảo là Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Si-mon Phê-rô thưa rằng: “Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giê-su trả lời rằng: “Hỡi Si-mon con ông Giô-na, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Ki-tô.

Kể từ đó, Chúa Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phê-rô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phê-rô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA GIÊ-SU LÀ AI?

(Mt 16,13-23)

1. Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài.

Dân chúng biết mù mờ về Đức Giê-su bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giê-su, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giê-su là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giê-su là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giê-su, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Có nhiều câu trả lời về Chúa Giê-su: người thì bảo là Ê-li-a, kẻ khác lại bảo là Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giê-su là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phê-rô: ”Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giê-su mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phê-rô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.

3. Lời đáp trả của Phê-rô quả là một lời tuyên xưng: ”Ngài là Đức Ki-tô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phê-rô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Ki-tô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.

Chính vì thế, khi Chúa Giê-su loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phê-rô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Ki-tô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giê-su gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giê-su đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phê-rô là Satan.

4. Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phê-rô mong đợi một Đấng Ki-tô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Israel khỏi ánh thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phụ vụ: ”Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”(Mc 10,45) (5 phút Lời Chúa).

4. Phê-rô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giê-su khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Ki-tô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Ki-tô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phê-rô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Ki-tô.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phao-lô: ”Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Ki-tô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Ki-tô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Ki-tô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: ”Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô (Mỗi ngày một tin vui).

5. Truyện : Ý nghĩa của một bức tượng.

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một  bức tượng của Chúa Giê-su bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng :

– Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời :

– Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

– Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn ra đôi mi, em khẽ nói:

– Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

– Thôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giê-su và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bầy trong việc bảo tàng Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: ”Một người đã thấy Đấng Ki-tô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hóa nghệ thuật của mình mất rồi”.

                                                                             Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Email
Print
Twitter
Scroll to Top