
Thượng Hội Đồng Giám mục Thế Giới nhóm họp từ ngày 27/9 đến 26/10/1974 tại Roma bàn về việc “Rao giảng Phúc Âm trong thế giới hiện đại”. Kết quả của Thượng Hội Đồng này là Tông Huấn Evangelii nuntiandi (Tông huấn Loan báo Tin Mừng). Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã tham dự Thượng Hội Đồng và có 2 bài tham luận trước toàn thể Giám mục đoàn. Dưới đây là bản văn tham luận của ngài về vai trò của trẻ em trong việc rao giảng Phúc Âm. Bài tham luận đã tạo tiếng vang toàn cầu, như chính ngài đã ghi lại trong “Hồi Ký Roma”: Có lẽ cũng nên ghi nhớ ở đây lời ông Roger Brien, một thi sĩ và một văn hào ở Nicolet, Québec, Canada viết thư cho tôi: “Trên thế giới Ngài đã thực sự được nổi tiếng về vấn đề “Rao giảng Phúc Âm của các trẻ em”. Dưới đây là bản văn được trích trong “Hồi Ký Roma” của ngài.
BÀI THAM LUẬN II
CỦA ĐỨC CHA GIUSE MARIA TRỊNH VĂN CĂN
Bài tham luận I của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tại Roma năm 1974
“Kính thưa Đức Thánh Cha,
Thưa các anh em khả kính,
Cho phép tôi nhắc nhở các vị chủ chiên lưu ý tới sự giãi sáng của các trẻ em trong công cuộc giảng truyền Phúc âm của Giáo Hội. Những lời của Chúa chúng ta về lòng đơn sơ, tính ngây thơ và vui vẻ của các trẻ em đã chiếu sáng và khích lệ: Chúa Giêsu đã chẳng nói những lời sau này sao: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những sự này không cho kẻ khôn ngoan và thông thái biết mà đã tỏ cho kẻ bé mọn”. “Ta bảo thật anh em, nếu anh em không biến đổi nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời. Bởi vậy, ai ở khiêm tốn như trẻ em này, người đó sẽ là người cao trọng nhất trong Nước Trời. Anh em hãy cẩn thận, đừng khinh chê một em nào trong các trẻ nhỏ này, vì Ta bảo anh em: các thiên thần của chúng ở trên trời hằng xem thấy mặt Cha Ta trên trời”. “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, chớ ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng”.
Các trẻ em đã được chịu phép rửa tội, phép thêm sức, như vậy chúng là con Thiên Chúa, là binh lính của Chúa Kitô. Chúng có ơn gọi làm thợ vườn nhỏ của Chúa, làm thừa sai giảng Phúc Âm Chúa. Những người lớn trở lại, nhiều khi, do sự làm chứng của các trẻ em. Các trẻ em có đạo hay ngoại giáo tạo nên những gạch nối giữa linh mục, giáo hội, và gia đình. Chúng là những sứ giả của Chúa Kitô, bằng cách thông chia cho gia đình những điều chúng thấy trong nhà thờ, nơi các linh mục. Bởi vì chúng đơn giản, bằng chứng của chúng không có ẩn ý gì. Chúng không pha ý tưởng riêng của chúng vào sứ điệp Phúc Âm mà chúng loan truyền. Bởi vì chúng ngây thơ, chúng nói cho anh em bạn hữu biết điều đã làm cho chúng cảm kích. Bởi vì chúng vui vẻ nên chúng tin, có vinh dự được thông truyền Phúc Âm mà chúng đã đón nhận.
Những nhóm trẻ em nhân dịp lễ Phục Sinh, viết các bức thư gửi đến những gia đình có đạo khô khan, nguội lạnh để nhắc họ bổn phận xưng tội chịu lễ mùa Phục Sinh: “Thưa ông, ông đã xưng tội chịu lễ mùa Phục Sinh chưa? Chúa Kitô đợi ông đấy”.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, các em nghĩa binh Thánh Thể đứng gần hang đá, hay bên những bức vẽ diễn tả lại mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa, cắt nghĩa cho các trẻ có đạo và ngoại đạo ý nghĩa một Chúa Giáng Thế. Chúng giúp các em hiểu. Lịch đạo được cấu tạo ra sao, ví dụ tại sao tuần lễ lại có bảy ngày với Chủ nhật, tại sao ngày Chúa Kitô sinh ra lại là mốc của lịch sử, từ đó người ta tính các năm. Chiều Chủ nhật từng đoàn các em đi khắp làng gọi các bạn đi đọc kinh và kéo chúng đi nhà thờ.
Đó là các sứ giả trai bé nhỏ, đơn giản, ngây thơ vui vẻ như chính Chúa lúc 12 tuổi, lên Giê-su-sa-lem để chuyên lo “việc của Cha Người”. Đó cũng là những sứ giả gái nhỏ bé, đơn giản ngây thơ, vui vẻ như những em gái nhỏ ở Lộ Đức, Pha-ti-ma, La Sa-lét, Ba Suối, đi khắp bốn phương thiên hạ nhắc bảo lời khuyên mời của Đức Mẹ dạy đền tội, cầu nguyện, và hy sinh.
Các giám mục, các linh mục có ý thức đủ về đoàn thể đông đảo tất cả các trẻ em đó, và sức mạnh chúng tạo ra cho công cuộc giảng Phúc Âm cho thế giới không? Ta hãy yêu chúng, hãy để chúng đến với ta và trao phó cho chúng sức mạnh Phúc Âm.
Như thế Nước Thiên Chúa dành riêng cho các trẻ em này sẽ được ban cho những ai nên giống chúng”.
————
Trích trong “Hồi Ký Roma” của Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn