Vì sao tôi hiện hữu?

“Nhà là gì hả mẹ? mà ai đi xa cũng khát mong quay về”– tôi tự nghĩ vậy mỗi khi dịp nghỉ hè gần đến.

Có phải vì ở nơi đó cha mẹ đang nhớ mong tôi, vui mừng chờ đón sự hiện diện của tôi. Cũng tại đó, mọi người trong giáo xứ thương mến tôi, bè bạn cũng đang chuẩn bị nhiều chương trình chờ cái ngày tôi trở về.

Tôi thấy mình “hiện hữu” vì có người đang yêu tôi, tôi “hiện hữu” vì có người chờ mong tôi. Liệu có thể nói: “Vì được yêu nên tôi hiện hữu”? Có thể lắm chứ! Chính vì Thiên Chúa yêu tôi mà tôi đang có mặt trên đời này, Ngài vẫn không ngừng yêu tôi để tôi tiếp tục được hiện hữu ngang qua các dụng cụ của Ngài là cha mẹ, những người thân và bè bạn…

Thế nên tôi mới hiểu tâm sự của nhiều đấng lớn tuổi không còn cảm thấy muốn trở về quê vì bố mẹ, người thân, bè bạn đều đã khuất bóng. Họ nhận thấy không còn được ai nhớ đến, cũng chẳng mấy ai mong chờ, quả là một cảm giác lạc lõng.

Bất chợt tôi cảm thấy lạnh người khi nghĩ rằng ở một nơi kia là Thiên Đàng liệu có ai yêu tôi, nhớ đến và mong chờ tôi không? để tôi còn khao khát trở về, để tôi được hiện hữu ở đó. Nếu không! tôi có còn muốn trở về nhà Cha nữa chăng? Nếu không! tôi sẽ đi về đâu?

Nhưng chẳng lẽ lại không có ai ư? Chắc chắn phải còn Chúa chứ! vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16); hơn nữa lời Thánh Vịnh nói: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con”. Đúng! Thiên Chúa là Tình Yêu nhưng có thể Tình Yêu ấy bị khước từ nơi tôi. Tôi từ khước chính Tình Yêu là Sự Sống.

Như thế, Thiên Đàng vẫn mãi luôn có Chúa yêu và mong chờ tôi, các thánh vẫn hằng thương yêu và chuyển cầu cho tôi; hết thảy mọi người đang cầu nguyện và chờ đón tôi với tình yêu không thay đổi. Vì Thiên Chúa không kết án ai bao giờ, nhưng từ đời đời “Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ” (1Tm 2, 4).

Thế nhưng nếu tôi đã chọn khước từ Tình Yêu ngay ở cõi đời này, nghĩa là khước từ Thiên Chúa và vì thế cũng từ khước anh em mình, thì chính tôi sẽ tự xét xử và ra bản án cho mình, rất có thể chính tôi đã là hỏa ngục.

Bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã từng nói: “Hỏa ngục là biểu tượng về một trạng thái của sự cô đơn cùng cực khi tình yêu bị khước từ. Hỏa ngục là tình trạng xảy ra khi con người chủ ý chọn lựa ‘phong tỏa’ và biến sự hiện hữu của mình thành ‘pháo đài’ cắt đứt tương giao với tha nhân. Chỉ biết sống hoàn toàn cho mình trong cô quạnh”.

Nhà thần học Hans Urs Balthasar có lý khi nói: “hỏa ngục là tiếng kêu xé lòng của tình yêu gào thét mà không được đáp lại”.

Quả thế, mỗi lần phạm tội là lúc tôi chọn quay lưng với Tình Yêu, chính tôi muốn “vô hình” trước ánh mắt của Thiên Chúa như Ađam lẩn trốn Ngài. Mỗi lần thù ghét anh em mình, mỗi lần làm ngơ trước những đau khổ, khốn khó của tha nhân, thì chính tôi không còn muốn “hiện hữu” trước mặt họ, tôi muốn trở nên vô hình. Như người phú hộ trong Tin Mừng, ông ta vô danh trước một kẻ nghèo có tên hẳn hoi là Lazarô, có tên là được hiện hữu trước mặt Chúa, được Chúa biết đến. Như thế tôi chọn giết chết sự hiện hữu của mình trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Thế nên, dù Tình Yêu vẫn ở đó chờ đón tôi, nhưng tôi lại “sa sầm nét mặt buồn rầu bỏ đi” như chàng thanh niên trong Tin Mừng.

Xin lỗi vì phải nói với bạn về sự chết, hỏa ngục thế này, có lẽ tại khung cảnh, bầu khí và kể cả thời tiết của mùa Chay trầm lắng quá! Lại man mác buồn nữa. Nhưng biết đâu đó lại là cơ hội để tôi tìm lại sự “hiện hữu” của chính mình. Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ăn chay, cầu nguyện, xưng tội rước lễ và làm phúc bố thí chính là để tôi tìm lại tình yêu và đáp trả tình yêu với Chúa và tha nhân, để tôi được hiện hữu, để tôi biết rằng mình được yêu và được chờ mong nơi Nhà Cha.

Nắng Tháng Ba

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top