VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊSU
LỄ CHÚA KITÔ VUA
(Ga 18, 33b-37)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Tiết nói về phiên tòa Rôma này (18,29-19, 11) có một cơ cấu gì đặc biệt?
2. Bên kia những dáng vẻ bề ngoài, ai là kẻ mang trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
3. Đâu là trạng huống nghịch lý của Chúa Giêsu-Vua, trạng huống mà các chi tiết của cảnh trình diện trước Philatô và cảnh đóng đinh thập giá đều nhấn mạnh?
4. Phải giải thích thế nào câu hỏi bí nhiệm của Chúa Giê-su ở c 34 và lời cắt nghĩa Người thêm ở c.36?
5. Chúa Giêsu muốn nói gì khi quả quyết mình đã đến trong thế gian để “làm chứng cho sự thật” (c.37)?
6. Chúa Ki-tô thực thi vương quyền Người thế nào?
1. Trong Tin Mừng Gioan, cảnh Chúa Ki-tô trình diện trước Philatô diễn tiến theo một lược đồ được bố cục cách khéo léo. Ngay từ dầu trình thuật, thánh sử đã nói rõ: người Do thái không vào phủ đường để khỏi mắc uế hầu có thể cùng chiều hôm đó cử hành lễ Vượt qua (18,28); vì việc hỏi cung Chúa Ki-tô phải xảy ra bên trong Phủ đường, do đấy có một lối dàn cảnh: Philatô phải đi ra để bàn cãi với người Do thái, rồi trở lại phủ đường để tra hỏi Chúa Giêsu.
Thành thử tất cả trình thuật – chia ra làm bảy tiết, theo các lần ra vào của Philatô mà thánh sử đề cập rất tỉ mỉ. Các tiết I (18,29-32), III (18,38b-40), V (19,4-7) và VII (19,12-16) xảy ra bên ngoài phủ đường: Philatô bàn cãi với người Do thái ở đó, đầu tiên với sự vắng mặt Chúa Giêsu (tiết I và III) đoạn với sự có mặt của Người, sau khi ông đã cho dẫn Người ra tiết. V và VII) Các tiết II (18,33-38a), IV (19, 1-3) và VI (19,8-11) xảy ra bên trong phủ đường: Philatô đối thoại ở đó với Chúa Giêsu nơi tiết II và VI, trong lúc tiết IV, trung tâm của trình thuật, được tạo tiên do màn lăng mạ Chúa Kitô-vua.
Trong toàn bộ đó, bài Tin Mừng lễ Chúa Kitô vua hôm nay tương ứng với tiết II, tiết mà cùng với tiết VI, có rất nhiều chỉ dẫn thần học về ý nghĩa đích thực của vương quyền Chúa Kitô. Tuy nhiên không thể hiểu tiết này nếu không đặt nó lại vào trung văn mạch của nó.
Từ đầu đến cuối trình thuật, thánh Gioan hình như đã muốn nhấn mạnh tính cách nghịch lý của việc Chúa Ki-tô hầu toà Philatô: mỗi một giây phút, các vẻ bên ngoài đi ngược lại thực tại sâu xa của các sự kiện, thực tại xét dưới ánh sáng của Thiên Chúa và chương trình cứu rỗi của Ngài trên thế gian. Làm sao hiểu các trạng huống nghịch lý này?
2. Theo các vẻ bên ngoài, chính Philatô lãnh trách nhiệm về cái chết của Chúa Kitô, vì ông đã kết án tử và đã cho đóng đinh Người trên thập giá. Trong Tin Mừng thứ tư, các biểu hiện này xem ra còn rõ ràng hơn trong Tin Mừng Nhất lãm; thật thế, thánh Gioan không kể lại phiên họp của công nghị trong đó Chúa Giê-su bị người Do thái kết án tử trước khi được dẫn tới Philatô.
Tuy nhiên, chớ nên để vẻ bên ngoài lừa gạt. Không phải Philatô, nhưng chính người Do thái, nghĩa là các thượng tế và Biệt phái, đã muốn giết Chúa Giê-su. Vì chẳng những thánh sử không hề nói là Philatô đã kết án tử cho Chúa Giê-su mà còn nhấn mạnh rằng: bởi xác tín Chúa Giê-su vô tội, nên Philatô đã muốn thả Người, và sở dĩ ông phó nộp người để bị đem đi giết là chỉ vì sợ hãi, vì áp lực của các thượng tế và Biệt phái mà thôi. Bốn cuộc đối thoại giữa Philatô với người Do thái đều có mục đích minh chứng chuyện này.
Ba lần Philatô xác quyết là chẳng tìm thấy một lý do nào để lên án tử (18,38b; 19,4; 19,6c); vì vây, ông có ý định thả Chúa Giê-su (18,39; 19, 12). Tuy nhiên lòng yêu chuộng công lý nơi ông không mạnh đủ để có thể bắt ông đương đầu với các yêu sách của đám đông chuyên môn nổi loạn này; Philatô tỏ cho thấy như vậy khi hai lần ông đề nghị với người Do thái: “các ngươi hãy đem ông ấy đi mà xét xử theo luật pháp của các ngươi” (18,31) – “Thì các ngươi hãy đem ông ấy đi mà đóng đinh thập giá” (19,6b).
Philatô chẳng muốn kết án Chúa Kitô mà ông tin rằng vô tội; nhưng ông tỏ ra là sẽ không chống đối việc xử tử hình nếu người Do thái chịu cáng đáng việc đó. Để thắng những do dự cuối cùng của ông, người Do thái dọa tố cáo ông tại Rôma nếu ông tha bổng một tên đã tự xưng là “vua dân Do thái” (19,12. 15c). Bấy giờ Philatô “phó nộp Người cho họ đóng đinh” (19,6).
Động từ “phó nộp” này, đóng khung cho đoạn từ 18,30 đến 19,16, diễn tả đúng trạng huống nghịch lý của việc Chúa Kitô xuất hiện trước tòa Philatô. Theo các biểu diện thì người Do thái “nộp” Chúa Giêsu cho Philatô để ông kết án tử người (18,30); trong thực tế, chính Philatô đã “nộp” Chúa Giêsu cho người Do thái (19, 16) và họ bắt lấy Người để đưa đi xử tử (19, 17). Trước tiên người Do thái (18,30) rồi tiếp đến Philatô (18,35) nói theo các biểu diện: “Nếu tên này không làm gì ác thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho ngài” (18,30). “Dân tộc ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi” (18,35); nhưng thánh sử (19, 16) và trước đó là Chúa Giêsu (18,36b) đã tái lập chân lý của các sự kiện: “… thì bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái đâu”.
Hơn nữa, một khuôn mặt khác, được chính Chúa Giêsu nhắc đến, nổi lên trên hậu cảnh của bi kịch: “… vì thế, kẻ nộp tôi cho ông đã mắc tội nặng hơn” (19, 11b); Người có ý nói đến Giuđa, kẻ nhân danh Satan mà hành động (13,2.27). Bên kia các vẻ bề ngoài, chính đây là thực tại: Satan, nhờ trung gian của Giuđa, đã nộp Chúa Giêsu cho Philatô; Philatô không muốn lãnh trách nhiệm về cuộc kết án bất công này, nhưng vì yếu đuối và sợ hãi, ông đã nộp Chúa Giêsu trong tay người Do thái, cho phép họ xử lý ra sao tùy ý họ.
Một câu hỏi được đặt ra tức khắc: suốt thảm kịch này Thiên Chúa, vị Thẩm phán tối cao đã làm chi? phải chăng Ngài đã không có thể ngăn chặn việc xử tử bất công đó? Có thể lắm chứ, vì Chúa Giêsu xác quyết trước Philatô: “ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống cho ông” (19,11). Vậy, nếu Thiên Chúa đã chẳng can thiệp, là vì chính Ngài cũng đã muốn “nộp” Con Một Ngài cho thần chết (Rm 8,6-32).
Nhưng hành vi của Chúa Cha “nộp” Con mình mặc một nghĩa khác hẳn với hành vi của Satan Giuđa hay người Do thái. Khi “nộp” Con mình, Chúa Cha hành động, như câu nói xâu xa của thánh Tôma, “bằng cách gợi cho Chúa Giê-su có ý muốn chịu đau khổ vì chúng ta, truyền cho Chúa Giê-su lòng yêu mến” (ST III, q.47, a.3) và bằng cách tôn trọng các quyết định của tự do con người, tự do của Giuđa, của Biệt phái và của bao diễn viên khác trong cuộc Khổ nạn, nghĩa là “không phải bằng cách che chở Chúa Giêsu khỏi chịu khổ nạn, nhưng bỏ mặc Người cho những kẻ bắt bớ” (ST, loco citato). Như thế, tiếng “nộp” ở đây chỉ có nghĩa thụ động là “để cho làrn, nhựong bộ, cho phép” mà thôi. Chỉ trong nghĩa cuối cùng này, xét từ quan điểm các mãnh lực ngoài Chúa Giêsu, mà Chúa Cha đã có thể “nộp” Chúa Giêsu. Mang một tình yêu vĩ đại đối với Cha và loài người, Chúa Giêsu đã tự do và tự nguyện chấp nhận để Chúa Cha và loài người phó nộp: “không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta” (Ga 10, 18). Về phía Chúa Giêsu, việc phó nộp Người là một việc tự phó nộp hoàn toàn thuận ý. Nhưng về phía con người, việc phó nộp Người là một sự phản bội. Không thể so sánh hai việc phó nộp này, vì chúng phát xuất từ những “căn do” khác nhau (ST III, q.47, a.3). Đối với Chúa Cha và Chúa Kitô, căn do này là tình yêu và vì thế các Ngài vô cùng đáng ca tụng. Đối với Giuđa, căn do này là lòng tham của; đối với người Do thái, là thói ghen tương; đối với Philatô, là nỗi sợ Hoàng đế, và vì thế, họ đáng luận phạt.
3. Việc Chúa Kitô hầu tòa Philatô hoàn toàn bị vấn đề vương quyền của Chúa Kitô chi phối: câu hỏi đầu tiên viên tổng trấn đặt cho Chúa Giêsu là: “ông là vua dân Do thái sao?” (18,33). Chúa Giêsu đáp: “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” (18,34); cách trả lời này cho thấy nguyên cớ của câu Philatô hỏi là những luận điệu tố cáo của người Do thái. Philalô không đời nào có ý tưởng bắt Chúa Giê-su và lên án Người chiếm đoạt vương quyền nếu chính người Do thái đã chẳng tố cáo như vậy.
Sau cùng, sở dĩ Philatô đầu hàng trước ý muốn của các thượng tế và Biệt phái, chính là vì ông sợ bị tố giác tại Rôma: và hoàng đế thì không đùa giỡn lúc quyền hành của mình bị xâm phạm. . . Thấy Philatô tìm cách tha Chúa Giê-su, người Do thái la lên: “nếu ông tha cho tên này, thì ông thất nghĩa với Hoàng đế vì ai tự xưng là vua, tức là thoán nghịch cùng Hoàng đế” (19, 12). Đó và điều làm cho Philatô sợ hãi. Và sau cùng, trước tiếng kêu lì lợm của người Do thái; (chúng tôi không có vua nào cả ngoài đức Hoàng đế” (19,15), Philatô bỏ cuộc bây giờ ông phó nộp Người cho họ đóng đinh” (19, 16).
Thành ra không còn hồ nghi gì nữa: sỡ dĩ Philatô phó nộp Chúa Giêsu cho người Do thái, là vì người đã tự xưng là “Vua dân Do thái”. người Do thái phủ nhận vương quyền này chối bỏ tất cả quá khứ của họ, họ thích nhận vương quyền của hoàng đế hơn. Philatô cũng không tin như vậy, hẳn ông coi Chúa Giê-su như một người bị ảo tưởng hơn là một tay xưng lùng xưng bá. Nhưng ông vẫn giả vờ nhận Chúa Giê-su là vua dân Do thái, để chế giễu Người, và như thế cười chê bọn Do thái mà ông không thích.
Binh lính Rôma là những kẻ đầu tiên có ý định chế giễu vương quyền mạo nhận của Chúa Giêsu. Được Philatô ra lệnh, họ đã đánh đòn người. “Đoạn lính tráng, thánh sử thêm, lấy gai tết một triều thiên đặt trên đầu Người và khoác cho Người một áo choàng đỏ; rồi chúng tiến lại bên Người mà nói: Kính chào vua Do thái, và chúng tát vả Người” (19,2-3). Màu đỏ là màu của vua, và triều thiên chỉ đội trên đầu vua chúa. Vì Chúa Giêsu đã tự xưng là vua, nên người ta cải trang Người thành vua và nhạo báng Người vậy.
Đến lượt Philatô nhảy vào trò chơi và bổ túc cảnh chế giễu, nhưng lần này có sự hiện diện của người Do thái, để nhạo báng họ trong còn người vị vua của họ. Ông quyền dẫn Chúa Giêsu ra khỏi phủ đường, vẫn trong cẩm bào lố lăng, “và ông ngồi trên tòa, nơi gọi là Nền đá, tiếng Hy bá là Gabbatha” (19, 13).
Đó là nghĩa người ta vẫn gán cho câu này, nhưng bản vău Hy lạp rất có thể dịch: “… ông đặt Người ngồi trên tòa”. Nghĩa này xem ra đúng hơn với hoàn cảnh. Vì một đàng, chẳng có vấn đề “kết án” Chúa Kitô, và người ta không thấy tại sao Philatô đã cảm thấy phải mang tòa của ông ra khỏi Phủ đường vì ông không đưa ra một phán định nào cả. Đàng khác, cảnh chế giễu lúc đó mới mặc đầy đủ ý nghĩa của nó: Philatô đặt Chúa Giêsu, mặc áo choàng đỏ và đội triều thiên gai, lên ngồi trên một chiếc ghế tượng trưng ngai tòa, và bảo người Do thái: “Đây là vua các ngươi” (19,14). Màn nhạo báng quả lên tới tột điểm.
Cuối cùng, sau khi đóng đinh, Philatô cho đặt một tấn biển trên đầu Chúa Giêsu, mang dòng chữ “Giêsu Nadarét. vua dân Do thái” (19, 19). Vua đáng thương hại chừng nào! Là vật khinh khi và đồ phế bỏ của nhân loại, là con người đớn đau và khổ sở như kẻ mà ai thấy phải giấu mặt chẳng dám nhìn, Người đã bị khinh khi và không được đếm xỉa tới” (Is 53,3).
Tuy nhiên, dù bên ngoài như vậy, Chúa Giêsu vẫn chiếm hữu vương quốc của Người ngay lúc chết trên thập giá vương quyền Chúa Kitô cũng phát sinh trong một tình cảnh nghịch thường. Lý do là vì, như Chúa Giêsu “Quả quyết, Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian” (18,36). Thành ngữ này trước tiên có nghĩa là vương quyền của Chúa Kitô không thuộc về thế gian hạ giới; nó không đặt cơ sở trên sức mạnh hay bạo lực, không dựa trên một quyền lực trần thế nào, nhưng là “từ trên” xuống (19, 11), từ Thiên Chúa mà thôi.
Thành ngữ này cũng có nghĩa là vương quốc của Chúa Kitô vốn tính vĩnh cửu, không tồn tại trong thế gian chóng qua này (1Ga 2,17) nhưng trong thế giới cánh chung, bên Thiên Chúa. Thành ra để chiếm hữu vương quốc người, Chúa Ki-tô cần phải từ giã thế gian hiện tại để đi vào thế giới cánh chung, phải “qua khỏi thế gian này” để đến cùng Cha” (13, 1), và như thế phải được “giương cao khỏi đất” (12,32). Chính nhờ việc chịu đóng đinh mà Chúa Ki-tô chiếm hữu được vương quốc Người.
Thánh sử mặc nhiên nhấn mạnh hai điều đó. Trước hết ông ghi nhận: địa điểm mà Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa, mặc cẩm bào lố lăng, được gọi là “Gabbatha” (19, 13) trong tiếng Hy bá. Tên này có nghĩa là “nơi cao”. Dưới con mắt của thánh Gioan, hành động của Philatô không còn là một sự nhạo báng, nhưng đã mặc lấy một giá trị biểu tượng: Chúa Giêsu sẽ là vua nhờ việc “được giương cao”; sự kiện Người ngồi ở một nơi cao trên tòa, ăn vận như vua, tiên trưng việc Người được giương cao và ngồi bên hữu Thiên Chúa (Tv109, 1).
Tấm biển mà Philatô cho đặt tên đầu Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Giêsu Nadarét, vua dân Do thái” (19,19) cũng có ý nghĩa tương tự. Chỉ khi được “giương cao” trên thập giá, Chúa Giêsu mới thật sự khai mạc vương quốc của Người; Người kéo lên với Người cả nhân loại, trong lúc Satan bị hạ xuống và sự thống trị của nó trên loài người chấm dứt (12,31-32).
Đấy là trạng huống nghịch thường được nhấn mạnh qua các chi tiết mô tả cảnh Chúa Kitô hầu tòa Philatô và chịu đóng đinh thập giá: chính lúc mọi sự đều xem ra không thể cứu vãn theo quan điểm loài người, chính lúc Chúa Giêsu phải hiện ra như một vì vua giả tạo, thì đó chính là lúc Người bắt đầu thống trị nhờ được “giường cao” trên thập giá. Bước đầu tiên dẫn Người đến bên hữu Chúa Cha trên trời.
4. Bắt đầu cuộc hỏi cung, Philatô đi thẳng vào sự kiện: “Ông là vua Do thái?”. Đối với ông, bị cáo không xa lạ gì. Các biến cố trong mấy ngày gần đây như việc nhập thành Giêrusalem ngày lễ lá, các tranh luận với biệt phái trong Đền thờ, cuộc vây bắt tổ chức đêm trước nhờ sự yểm trợ của một phân đội trong đại bộ binh Rôma: tất cả các chuyện đó ông đều biết hết. Tuy nhiên không có gì cho phép ông nghĩ Chúa Giê-su là một tên phiến loạn chính trị. Ông cảm thấy lời tố cáo có dạng quá khích. Vì thế, câu hỏi của ông đượm vẻ nghi ngờ: “Nào, có thật ông tự xưng là vua dân Do thái không ?”.
Chúa Giêsu chẳng trả lời có hay không, nhưng yêu cầu một vài minh giải: “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?”. Cần phải có sự phân biệt này. Vì nếu Philatô đã tự mình nói thì ông dã chỉ có thể thấy trước mắt một vấn đề vương quyền chính trị. Không gì khác đáng kể đối với ông ta. Câu hỏi có một nghĩa thế tục, phàm trần, và trong nghĩa này, Chúa Giêsu chẳng phải là vua. Nhưng nếu có ai khác (người Do thái) đã nói với ông về Người, thì vương quyền mà thiên hạ cho rằng Người đã đòi hỏi không có nghĩa và vương quyền thiên sai sao? Và theo nghĩa này, phải ! Người là Vua-thiên sai.
Philatô không tỏ ra vừa ý trước sự yêu cầu giải thích đó bị can chỉ nên trả lời những câu hỏi được đặt. Vì thế ông bắt đầu bực tức. Phân biệt mà làm gì! “Tôi là Do thái hay sao dân tộc ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi đấy”. Thành thử lời tố cáo là do họ. Rõ chưa? Vả lại, “ông đã làm gì”. Vì Philatô chỉ lặp lại những gì người Do thái đã nói, nên câu hỏi trở nên rõ rệt hơn. Chúa Giê-su có thể trở lại với nó. Người không từ khước các cao vọng mà thiên hạ tố cáo Người, nhưng Người vẫn tỏ ra dè dặt để đánh tan những mối lo ngại mà các cao vọng đó tự bản chất gây ra: “Vương quốc tôi không thuộc thế gian này”. Và bằng chứng: “Nếu Vương Quốc tôi đã thuộc thế gian này, toàn bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu để tôi khỏi bị nộp cho người Do thái”. Người không nói đến binh lính mà Người có thể có ngay bây giờ. Nhưng nếu đã là một ông vua chính trị, thì Người đã có binh lính, và chắc chắn những kẻ này sẽ không để Người rơi vào tay địch quân. Tại sao lo sợ một cuộc xung đột không thể xảy tới? Các quyền lực đối diện thuộc hai trật tự khác nhau. Nên nói cho đúng, không thể có trấn đề tranh chấp được.
5. Chúa Giêsu là vua, đó là điều chắc chắn. Chính để làm vua mà Người đã sinh ra và đã đến trong thế gian. Vương quyền của Người mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc đời Người, cho việc đội mão gai, cho cái chết và cho Giờ mà vì đó Người đã đến (12,17). Vương quyền của Người là một việc làm chứng cho sự thật. Sự thật này không phải là sự thật theo phái Khắc kỷ, những kẻ quả quyết rằng: các bậc hiền triết tìm kiếm sự thật đều là vua. Chúa Giêsu chẳng phải là vua bởi vì Người tìm kiếm sự thật hay đang chiếm hữu nó tất cả hoặc một phần. Người mang sự thật đến. Ngoài ra, sự thật theo nghĩa Gioan không giản lược vào một khôn ngoan của hiền triết (1,9. 14). Nó là sự xâm nhập, và trong thế giới nhân loại này, của một mặc khải thần linh mà không ai có thể nghĩ tưởng hay lãnh hội, một mặc khải mà ngoài ra chẳng mang lại cái nhân lý thuyết, nhưng tác động cách quyết liệt trên toàn thể thái độ sống, vì rốt cuộc nó là thực tại thần linh. Sự thật theo thánh Gioan là thực tại thần linh như đã được mặc khải và hiến cho thế gian dưới hình thức sau cùng qua khuôn mặt Chúa Giêsu, Ngôi lời sự sống.
Chúa Giêsu đến làm chứng cho thực tại thần linh này. Và rốt cuộc, Người là chứng nhân duy nhất xứng đáng (x. XIII, 5; 5, 14), có tất cả mọi bảo đảm của một kinh nghiệm trực tiếp về thần linh (3, 11.32; 8, 14). Ngoài ra, chứng từ của Người có mọi đặc tính của một lời cung khai trước công lý, vì mặc khải của Người ngỏ cho một thế gian chống nghịch Thiên Chúa và Anh Sáng chung quyết của Ngài (1,7). Bởi thế, việc làm chứng của Người trở thành sự phán xét (3.19. 12,48), trở nên nguyên lý chia rẽ trong thế gian (9,39), luận tội qua “sự thế sứ nhiên” thế gian bất tín (7,7).
Vì vậy vương quyền của Chúa Giêsu không thể diễn tả với ngôn ngữ của vương quyền nhân loại. Nó phải được định nghĩa trong tương quan với thế giới khác, thế giới mà Chúa Giêsu là chứng nhân giữa chúng ta, khi đảm nhận vai trò trung gian và hiện thân cho thế giới Thiên Chúa trong một thế giới chống lại thiên Chúa. Làm chứng cho sự thật là Người làm chứng cho chính mình Người, vì Người chính là sự thật mà Người mang đến cho thế gian (8, 14.18; 14, 6). Suốt đời Người, Người đã làm chứng cho một sự thật và đấy đã là cớ khiến Người phải chết: vì thế trong giây phút sau cùng này, Người làm chứng cho Sự thật một cách tuyệt hảo nhất. Thật vậy, qua cái chết của Người, việc mặc khải đạt đến cao điểm, được thực hiện cách trọn vẹn. Khi dẫn chứng việc “Chúa Giêsu Kitô, trước tòa Philatô, đã làm chứng tốt” (1Tm 6, 13), thư Timôthêô nhấn mạnh đến cuộc chiến của đức tin và lòng can đảm của người Kitô hữu. Nhưng đối với Gioan, cái chết của Chúa Giê-su là chứng từ tuyệt hảo nhất, không những vì Chúa Giêsu đưa ra trong đó bằng chứng rạng rỡ về sức mạnh tâm linh và lòng trung thành của Người đối với thánh ý Chúa Cha, nhưng còn vì sự thật của Người, vốn là mặc khải thần linh, đã được hoàn toàn tiết lộ trong việc Người chết. Trong cái chết này thực tại thần linh hoàn toàn xâm nhập thế gian, đồng thời vương quyền của Chúa Giêsu được thể hiện. Gioan không cho rằng Chúa Giêsu vẫn duy trì được vương quyền Người dù phải chết nhưng là chính nhờ cái chết mà Người chiếm hữu được vương quyền Người. Theo quan niệm Đông phương và Thánh Kinh, vua là vị cứu tinh của dân, vì ông có quyền năng chữa lành mọi khốn khổ. Khi đưa vào thế gian thực tại của Thiên Chúa nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đem đến ơn cứu rỗi, cứu rỗi khỏi mọi khốn khổ của thế gian; vương quyền của Người đầy nhân hậu và liên đới, không có vẻ gì là chuyên chế ích kỷ.
Do đấy “Ai thuộc về sự thật ” thì nghe tiếng Chúa Giê-su cùng sung sướng được nghe tiếng Người (3, 19). Nhưng ai “thuộc về sự thật hết thảy những kẻ bước đi trong chân thực, ngay chính đối với Thiên Chúa và mặc khải của Ngài (8,47), những kẻ “hành động trong sự thật bằng cách làm chứng mọi công việc mình phù hợp với mặc khải của Thiên Chúa (3,21), cuối cùng là những kẻ đã “nghe” (6,45) và nhờ thái độ đó đã được Chúa Cha giao phó cho Chúa Giêsu để được ban mặc khải cánh chung cuối cùng (6,37-40.44.65; 10,29; 17,2.6); tắt một lời là tất cả những “người Israel chân chính” ( 1 ,47) đến cùng Chúa Giêsu, nghe tiếng Người và qua đó nhận ra mặc khải tột đỉnh của Thiên Chúa (8,42-43; 10,3.14.26-27; x. 5, 25).
6. Với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu không chỉ nói Người sắp lên cùng Cha và Thiên Chúa của Người, nhưng còn xác định: “… lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, Thiên Chúa Ta và Thiên Chúa các ngươi” (20, 17). Thiên Chúa là Cha là là Thiên Chúa, không những của Chúa Kitô mà còn của các Kitô hữu, anh em Người; thành ra Ngài cũng là Đấng bảo họ, Ngài sẽ cứu họ khỏi sự chết, như đã cứu Chúa Kitô.
Nhờ quyền năng Thiên Chúa, các tín hữu sẽ không thấy sự chết (8,51-52) – sự chết hiểu theo nghĩa sêmita – nhưng sẽ xum họp với Chúa Kitô bên Cha Người. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin điều đó: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn là Con ở đâu, thì chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thiên lập địa” (17,24). Sở dĩ Chúa Ki-tô ra đi, là để chuẩn bị cho các môn đồ một chỗ trong nhà Cha: “Và khi Ta đi dọn chỗ cho các ngươi, thì Ta sẽ trở lại đem các ngươi theo Ta, để Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó” (14, 3).
Khi qua khỏi thế gian này mà về cùng Cha, Chúa Giêsu như một Môisen mới, kéo theo trong một cuộc Xuất hành mới, tất cả những ai muốn tháp tùng Người (12,25; 13, 1). Một khi “được giương cao khỏi đất”, Chúa Giêsu lôi kéo nhân loại lên với Người (12,32); Người tụ tập tất cả họ trong nhà Cha (14,2).
Vương quyền Người, Chúa Kitô thi thố bằng cách giữ nhân loại khỏi sự chết để đưa họ vào nhà Cha: “Chính bây giờ là cuộc phán xét thế gian này; bây giờ đầu mục thế gian bị đánh quỵ; và Ta, một khi được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (12,31-32). Satan đã thống trị thế gian bằng cách trói buộc thế gian vào sự dữ và sự chết. Bị đánh ngã, quyền thống trị của nó chấm dứt, trong khi Chúa Kitô, nhờ được giương cao, trở nên thủ lãnh của thế giới mới, thế giới cánh chung (Kh 12,9-10) và kéo nhân loại vô vương quốc Người.
Thành thử Chúa Kitô thực thi vương quyền qua lời ban sự sống: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha, và để nhờ quyền năng mà Cha đã ban cho Người trên mọi xác phàm, Người ban cho những kẻ Cha đã trao cho Người sự sống vĩnh cửu”. (17,1 -2). Qua chữ “xác phàm”, Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây, theo công thức Kinh Thánh xứa nay, loài người xét như là “tạo vật” và vì thế phải chịu hư nát trong mộ phần. Thiên Chúa ban họ cho Chúa Ki-tô, họ thuộc quyền Người, nhưng để người thông ban cho họ sự sống vĩnh cửu, là cuộc chiến thắng trên sự chết, trong vinh quang cánh chung (17,24).
Chỗ khác, Chúa Kitô còn nói? “Cha yêu mến Con, và đã ban mọi sự trong tay Người. Kẻ nào tin Con. sẽ được sự sống vĩnh cửu; còn kẻ từ chối tin Con thì sẽ không thấy sự sống: cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cứ lưu lại trên nó mãi” (3,35-36). Thiên Chúa đã đặt mọi sư dưới quyền của Con Ngài để Con ban sự sống cho tất cả. Vương quyền của Chúa Ki-tô được thể hiện nhờ việc trao ban sự sống cánh chung cho loài người.
Phải chăng như vậy là bảo rằng con người chỉ trở nên “thần dân” của Chúa Kitô-vua khi họ giã từ cuộc sống hạ giới, đi qua thế gian này để về với Cha? Không, giây phút đó đánh dấu một sự hoàn thành, một triển nở trong viên mãn, chứ không phải là một khởi đầu tuyệt đối.
“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống vĩnh cửu; chúng sẽ chẳng bao giờ bị diệt vong và không ai giữ chúng khỏi tay Ta được”(10,27-28). Để có sự sống vĩnh cửu, thì ngay từ cuộc sống trần gian này, phải “nghe” tiếng Chúa Kitô, nghĩa là vâng phục Người; chỉ những ai “giữ” lời của Chúa Kitô mới không bao giờ thấy sự chết (8,51-52). Thành thử Chúa Kitô thi thố vương quyền trên những kẻ sống trong thế gian, theo nghĩa Người đòi hỏi họ sống phù hợp với thánh ý Người, thánh ý được biểu lộ trong giới răn duy nhất: “Các ngươi hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các ngươi” (13,34-35).
Nhưng, một cách còn sâu xa hơn nữa, Chúa Kitô thông ban cho chúng ta, ngay từ bây giờ sự sống vĩnh cửu vốn sẽ triển nở sau khi chúng ta chết: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta, thì có sự sống đời đời và khỏi đến tòa phán xét, nhưng ngang qua sự chết mà vào sự sống” (5,24). Chúng ta đã lãnh nhận, ngay từ đời này, một mầm sự sống thần linh: lời Thiên Chúa (Lc . 8, 11; 1 Pr 1 , 22-23; 1 Ga 3,9), nghĩa là chính Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa (Ga 1,12-13). Cuộc sống cánh chung đã bắt đầu cho chúng ta trên trái đất, và việc chúng ta vượt qua thế gian mà về cùng Cha chỉ là sự “biểu lộ” những gì đang được dấu ẩn trong bí mật của tâm hồn ta (1Ga 3, 1-2).
Vì vương quyền của Chúa Kitô được thi thố qua việc ban sự sống cho loài người, nên Chúa Kitô-vua ngay từ bây giờ ngự trị trên chúng ta, nhờ sự sống Người đã ban cho chúng ta. Chắc chắn, vương quốc của Chúa Ki-tô không “thuộc thế gian này” (18,36), vì là một vương quốc cánh chung, nhưng mầm sống của nó đã được gieo trong tâm hồn chúng ta, chờ ngày chúng ta vượt qua thế gian này mà về cùng Cha để triển nở.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Nước tôi không thuộc chốn này”: Chữ “chốn này” (enteuthen) tương đương với thế gian này tiếng mà Gioan tránh lặp lại lần thứ ba. Nhóm chữ “thế gian này” gần giống nhóm chữ “bởi đất” (3,31), “có tính cách trần thế” và tương đương với “phàm tục”, “có đặc tính của thế gian”; nên người ta cũng dịch được: “Vương quốc tôi không có tính cách trần thế”. Xin nhớ tiếng Aram rất ít tĩnh từ.
“Để làm chứng cho sự thật”: Tư tưởng Thánh Kinh đã nhận ra mối tương quan giữa khôn ngoan và vương quyền (x. 2 Sm 14,17-20). Vương quyền cánh chung mà Chúa Giêsu khai mạc trong thế gian, ngay lúc này, sẽ không dùng đến bạo lực; theo thánh ý của Cha, Đấng đã giao phó sứ mệnh cho Người. Vương quyền đó sẽ được thể hiện nhờ việc tiếp đón sự thật của Thiên Chúa biểu lộ trong Người, lời nhập thể (x. 14, 6; 3, 11 .32; 8, 13-14.46).
“Ai thuộc về sự thật”: So sánh với 7, 17; 1 0, 26 và nhất là với 8, 47 (“Ai bởi Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa”), câu mà chữ bởi Thiên Chúa” đối ứng với chữ “thuộc về sự thật” của chung ta: ai thuộc về sự thật là bạn hữu của sự thật.
KẾT LUẬN
Vương quyền mà Chúa Kitô gián tiếp đòi hỏi khác biệt cách sâu xa với vương quyền mà các mục tiêu và phương tiện đều thuộc phạm vi thế gian; vương quyền Người không cần đến sức mạnh và phương pháp thông thường của hoạt động chính trị. Vương quyền Người, Người nhận từ Thiên Chúa.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Trong bản văn này, chúng ta chứng kiến giai thoại sẽ đưa đến việc Philatô kết án tử hình cho Chúa Giêsu. Để quán triệt bản văn, cần nhắc lại rằng Philatô và Chúa Giêsu không đứng trên cùng một bình diện. Khi thốt lên tiếng “vua”, Philatô nghĩ đến một vương quyền chính trị trần thế. Còn lúc tự xưng là vua, Chúa Giêsu nói đến vương quyền thiên sai của Người. Phải xác định rằng Người tự xưng là Vua Messia theo một nghĩa vô cùng rộng lớn hơn ý nghĩa được quan niệm bởi các thủ lãnh dân Do thái, những kẻ chỉ thấy trong Đấng Messia tương lai một vì vua trần tục. Qua câu hỏi “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?”Chúa Giêsu muốn cho Philatô biết Người chẳng phải là vua theo cách ông ta tưởng nghĩ, và càng không phải là vua theo cách người Do thái quan niệm. Vì thế, sau câu đáp của Philatô. Chúa Giêsu nói: “Vương quyền không thuộc thế gian này”. Thế rồi ta đi đến diễn tiến kỳ lạ sau đây: người Do thái muốn làm cho Philatô kết án Chúa Giêsu, bởi vì Người tự xưng là đến từ một thế giới khác, nghĩa là từ Thiên Chúa. Vì đó không phải là nguyên do kết án đối với Philatô, nên họ đưa ra một cớ khác, là Người đã tự xưng là một vua trần thế chống lại hoàng đế Rôma, điều mà Chúa Giêsu tuyên bố là không phải. Chúa Giêsu bị kết án do quyền tài phán Rôma dưới danh nghĩa một vương quốc trần thế, trong lúc Philalô biết Người từ chối vương quyền này.
2. Vương quyền của Chúa Giêsu là một việc làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu không phải là vua thuộc thế gian này nhưng là vua trong thế gian này, và trong thế gian này người làm chứng cho một thực tại thần linh. Quả thế, ở đây cần phải nắm vững ý nghĩa chữ “sự thật”. Sự thật, theo Tin mừng Gioan, không phải là một tri thức thuần lý phù hợp với thực tại đâu. Nó là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Con người cảm thấy nó xâm nhập vào trong tất cả hữu thể mình và trong toàn cuộc sống. Nhưng con người cũng còn phải tiếp nhận. Việc tiếp nhận này không chỉ bằng lý trí: nhưng còn bằng tâm hồn, ý chí, toàn thể con người ta. Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật vì, xét như là kẻ được xâm nhập và biến đổi bởi kinh nghiệm về thần linh, người đề nghị tất cả hãy đi vào sự thông hiệp có sức thần hóa với Người, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vua khi, trong một nhân loại rất thường chống nghịch Thiên Chúa, con người đón tiếp “chứng” của Người, nghĩa là tin Người và hết lòng để cho Người thần hóa.
3. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta…”. Thuộc sự thật là gì? Đó là sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Chúa Giêsu đem đến cho con người. Trong thực tế chúng ta hôm nay, điều này hệ tại thành thật đối với Thiên Chúa Đấng phán bảo qua Thánh Kinh và Giáo Hội, sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mặc khải cho và theo Chúa Giêsu mà ta gặp thấy trong Tin Mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, trong anh chị em.Vương quyền của Chúa Giêsu không giống chút nào với cách thống trị của nhân thế, nhưng nó trở nên hữu hiệu khi con người cá nhân và tập thể, trong cuộc sống thực sự hiểu rằng mình đến từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa, cho nên hết. sức ra công để nhân loại nhận biết sự thật nhờ những nét đẹp nhất của khuôn mặt nó, là những nét của Tình Yêu.
4. Chúa Giêsu là hiện thân của sự thật vốn tự mặc khải, sự thật của lòng trung thành và thương xót của Thiên Chúa; Chúa Giêsu bị vu cáo, đánh đòn, đội mão gai và bị lưỡi đòng của thế gian này đâm thủng là hiện thân của sự thật, của thực tại Thiên Chúa, của sự thật chấp nhận số phận đớn đau, của sư thật tự mặc khải cách vinh thắng oai hùng khi cam lòng chịu sự chế diễu của thế gian dối trá . Chúng ta chớ bao giờ quên rằng Vua của chúng ta là một vị vua chỉ có đòng gai làm vương miện, chớ bao giờ quên rằng chúng ta là thần dân của một vương quốc không thuộc về thế gian. Nếu chúng ta có can đảm làm chứng nhân cho một vị vua và một vương quốc như thế trong trần gian này, thì những kẻ “thuộc sự thật” sẽ nghe lời chứng của chúng ta, và Chúa Kitô, Đấng đã bị treo lên trên thập giá, sẽ kéo họ đến cùng Người, và triều đại thanh bình vui tươi của Người sẽ được thiết lập trong tâm hồn chúng ta và trong tâm hồn anh em mãi mãi.
Học viện Giáo hoàng Piô X Đà Lạt