Bài tham luận về hội đoàn Công giáo

Vicente Nguyễn Ngọc Ánh
Trưởng hội Thánh Antôn – Giáo xứ Cổ Nhuế

Trọng kính Đức Tổng Giuse,

Kính thưa các tham dự viên,

Tiếp theo bài thuyết trình Cha Giuse, con xin phép trình bày bài tham luận về chủ đề Hội đoàn công giáo với 3 ý chính sau:

1, Những điều được và mất khi tham gia các hội đoàn Công giáo từ góc nhìn của người giáo dân.

2, Thực trạng các hội đoàn Công giáo trong Tổng giáo phận từ góc nhìn giáo dân

3, Các đề xuất, ước muốn kiện toàn và phát triển các hội đoàn Công giáo trong Tổng giáo phận.

I –  Những điều được và mất khi tham gia các hội đoàn công giáo từ góc nhìn của người giáo dân

Khi người giáo dân tham gia một hội đoàn Công giáo, chắc chắn họ ước mong sẽ được phát triển hơn về đời sống đức tin cho bản thân và gia đình, cũng như có thêm được sự nâng đỡ chia sẻ những khó khăn và thuận lợi của cuộc sống trần thế.

Họ cũng biết chắc chắn rằng, khi tham gia hội đoàn họ sẽ mất một số thời gian nhất định và có thể cả về tài chính như di chuyển, sinh hoạt, đóng phí …

Vậy thực tế các hội viên của các hội đoàn Công giáo họ đã nhận được những gì khi tham gia các hội đoàn Công giáo?

Trọng kính Đức Tổng Giuse, kính thưa các tham dự viên,

Bản thân con cũng là 1 hội viên của các Hội đoàn Công giáo, con cảm nhận được khi tham gia các hội đoàn, ACE trong hội đoàn được tương tác với nhau trong hội cũng như với các hội đoàn khác. Từ đó, cùng lắng nghe nhau, cùng nhau cầu nguyện suy ngẫm và phân định, nhận thấy tiếng Chúa nơi ACE. Cũng từ đó, chúng ta soi xét lại bản thân, tự điều chỉnh các hành vi để ngày càng hoàn thiện hơn. Chúng ta nhận biết những điểm mạnh, điểm yếu nơi ACE, cũng như nhận thấy hình bóng của Chúa nơi ACE, qua đó chúng ta sẽ biết yêu thương ACE nhiều hơn như lời Chúa dạy.

Tuy nhiên, thực tế đời thường, khi tham gia các hội đoàn, chúng ta sẽ phải dành một số thời gian nhất định để sinh hoạt, cũng như đóng góp một số chi phí sinh hoạt, di chuyển, hội họp … Đó chắc chắn là một sự hy sinh. Nhưng bù lại, chúng ta có nhiều thời gian đến nhà thờ, nhà xứ, gặp gỡ ACE nhiều hơn. Từ những cuộc gặp gỡ, chia sẻ trong tình huynh đệ, chúng ta không những giúp nhau thăng tiến về đức tin, mà còn giúp nhau thăng tiến cả về công việc và cuộc sống đời thường. Đặc biệt, đối với những gia đình di dân nhập cư từ các vùng miền khác nhau, khi tham gia hội đoàn Công giáo, họ như có thêm những người ACE đáng tin cậy, để chia sẻ nâng đỡ nhau, giúp bản thân, gia đình và con cái cùng giữ đạo, chia sớt chuyện vui, buồn cuộc sống thường nhật, hợp tác hoặc giúp nhau các công việc làm ăn khác.   

II – Thực trạng các hội đoàn trong Tổng giáo phận Hà Nội dưới góc nhìn người giáo dân

Như Cha Giuse đã đề cập về các nhóm hội đoàn, con xin chia sẻ những nhận biết của con về tình trạng hoạt động của các hội đoàn hiện nay.

Nhìn từ bề ngoài, chúng ta đều nhận thấy các hội đoàn ngày nay hoạt động sầm uất hơn, như mua sắm cờ mới đẹp hơn, có nhiều đồng phục đẹp hơn, các ngày lễ quan Thầy rước kiệu, kèn trống, liên hoan hoành tráng hơn…

Nhưng đi sâu tìm hiểu bên trong, con không chắc là tất cả các hội đoàn đều có sự thăng tiến về đời sống đức tin tỷ lệ thuận với hình thức bên ngoài. Đâu đó còn rất nhiều hội đoàn mất đoàn kết nội bộ giữa các hội viên, rồi bất phục giữa hội viên với lãnh đạo hội, bất đồng giữa các hội đoàn trong giáo xứ. Như mối quan hệ giữa hội đoàn với hội đồng mục vụ giáo xứ, có giáo xứ hội đồng mục vụ không điều hành được các hội đoàn, thậm chí Cha xứ cũng không điều hành được, các hội đoàn tự ý thu chi tài chính, Cha xứ cũng không biết, có ý kiến còn cho rằng thu chi tài chính là việc riêng của hội không liên quan đến bề trên … Để giải thích về việc sử dụng tài chính ở các hội đoàn con xin trích dẫn nguyên văn điều 325 của giáo luật “ Hiệp hội tư của kitô hữu được tự do quản trị tài sản hiện có, theo những quy định của quy chế, miễn là vẫn tôn trọng quyền giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội về việc sử dụng tài sản vào các mục đích của hiệp hội; Hiệp hội tư được đặt dưới quyền Đấng bản quyền địa phương chiếu theo quy tắc của điều 1301 trong những gì liên quan tới việc quản trị và phân phối các tài sản được dâng tặng hay được trao cho hiệp hội nhằm những mục tiêu đạo đức” Như vậy chúng ta thấy rằng việc thu chi tài chính, hội có quyền làm theo quy chế nhưng phải báo cáo bề trên mà trực tiếp là Cha xứ, còn ở trên giáo luật có dẫn chiếu điều 1301 đó là quyền của bề trên giáo phận nếu thấy việc sử dụng tài sản có vấn đề, ngài có quyền thanh tra lại các vấn đề đó. Vậy đâu là nguyên nhân của tất cả những yếu kém đó?

Đối với các tổ chức xã hội thì có 2 trụ cột căn bản để hoạt động tốt. Một là: cần có một mô hình quy chế tôn chỉ, mục đích, nội dung rõ ràng và chuẩn mực; Hai là, có những con người phù hợp ở các vị trí lãnh đạo. Cả hai vấn đề căn bản đó ở các hội đoàn đã có hoặc đã được quan tâm cách đầy đủ chưa?

Như bản thuyết trình Cha Giuse đã đề cập, các hội đoàn công theo các điều 298, 301,304, 312-320 của bộ giáo luật hiện hành thì quyết định thành lập, quy chế hoạt động và nhân sự điều hành đều phải được Đấng bản quyền phê chuẩn mới đủ tính pháp lý để hoạt động. Nhìn lại các hội đoàn của chúng ta, thì có mấy hội đoàn có đủ 3 yếu tố cơ bản đó? Hầu hết hội đoàn đều được các Cha xứ thành lập và cứ thế hoạt động như một lịch sử để lại, giống như cỏ mọc ngoài đồng may vào đất tốt thì tốt vào đất xấu thì cằn cỗi rồi chết đi.

 Còn các hội đoàn trong giáo xứ, thì đến nay hầu hết đều chưa có một bản quy chế, với đầy đủ tôn chỉ mục đích, điều khoản thi hành, đường hướng hoạt động để bề trên phê duyệt. Ở đây con muốn đưa một minh chứng để quý tham dự viên thấy những yếu kém của các hội đoàn, để cùng nhau khắc phục kiện toàn làm cho các hội đoàn ngày càng phát triển, nhằm giúp ACE hội viên thăng tiến cả về đời sống đức tin và đời sống thường nhật.

III – Các đề xuất kiện toàn và phát triển hội đoàn Công giáo trong Tổng giáo phận

con có 3 đề xuất sau:

1, Tổ chức các cuộc hội thảo để xây dựng lại các quy chế hoạt động cho các hội đoàn một cách sâu rộng, mời nhiều thành phần tham dự, đặc biệt giáo dân để tạo sự đồng thuận càng lớn càng tốt. Làm sao các quy chế đưa ra gần với cuộc sống thực tế của giáo dân, mang hơi thở của giáo dân.

2, Khi xây dựng các quy chế, cần đặc biệt lưu ý đến mô tả công việc cụ thể của từng vị trí lãnh đạo. Tiêu chuẩn của lãnh đạo phải càng cụ thể càng tốt, tránh để các địa phương tùy ý vận dụng. Thí dụ, tiêu chuẩn trưởng hội đoàn thì ít nhất đã phải tham gia ban chấp hành 1 khóa, gương mẫu và không có vướng mắc khuyết điểm gì, như vậy ACE trong hội đoàn biết được năng lực của ông/bà này từ khóa trước, để họ bầu.

Trưởng HĐMVGX cũng thế, yêu cầu đã là trưởng hội đoàn 1 khóa hoặc đã trong HĐMVGX 1 khóa, khi đó mọi người đều đánh giá được năng lực thực tế của ông/bà đó để họ bầu thay vì bầu theo cảm tính.

3, Sau khi xây dựng được quy chế và được bề trên phê duyệt, sẽ tiến hành kiện toàn hợp nhất các hội đoàn có các tôn chỉ mục đích giống nhau tại các giáo xứ, để trở thành các hội đoàn công cấp giáo phận, hội đoàn tại giáo xứ là các phân chi hội. Các hội nhỏ lẻ cấp giáo xứ có các tôn chỉ mục đích khác nhau, sẽ tồn tại theo mô hình hội đoàn tư theo điều 321 – 326 của giáo luật, dưới sự giám sát của Bề trên giáo phận, trực tiếp là Cha xứ.

Con xin cảm ơn Đức Tổng Giuse và quý tham dự viên đã lắng nghe!

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top