
TGP Hà Nội – Giáo họ Thọ Cách, một họ lẻ của giáo xứ Bình Cách, thuộc giáo hạt Nam Định, Tổng Giáo phận Hà Nội, đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, chứng kiến cảnh những người kitô hữu chịu tù đày, tra tấn, khủng bố về thể xác và tinh thần. Có nhiều người vì sợ hãi mà chối bỏ đạo Chúa, nhưng cũng không thiếu những tấm gương anh dũng, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng.
Vì thời cuộc, đặc biệt là những năm tháng thiếu vắng chủ chăn, giáo họ Thọ Cách chịu nhiều sự thiệt thòi về đời sống tâm linh, hàng chục năm mới có một Thánh lễ, thiếu nhi, giới trẻ không được học giáo lý, người già cả, người bệnh nặng không được lãnh nhận Bí tích Xức dầu. Con số giáo dân dần dần hao hụt.
Cho đến nay, dưới sự chăm lo, dạy dỗ, bảo ban của các chủ chăn, con số giáo dân nơi đây đang từng bước phát triển, nhưng còn rất khiêm tốn so với con số khổng lồ những người chưa biết Chúa hoặc có biết mà không đi lễ, không đọc kinh cầu nguyện, không tuân giữ lề luật của Chúa và Giáo Hội.
Cộng đoàn giáo họ Thọ Cách, cùng với cha xứ, cha phó đã rất vất vả, chạy hết đây đó để xin phép xây nhà thờ mới. Khi có giấy phép các cha và những người hữu trách lại phải cố gắng huy động kinh phí để xây dựng ngôi thánh đường giúp cho giáo dân có chỗ đọc kinh cầu nguyện, có nơi tham dự lễ, khôi phục lại ngôi đền thờ tâm hồn của những người đã bỏ Chúa, những người khô khan nguội lạnh.
Mặc dù giáo dân nơi đây đã rất cố gắng qua gần một thập niên, nhưng đến nay ngôi thánh đường mới xong được phần thô. Để có nơi đọc kinh cầu nguyện bà con đã phải dùng tre đan thành cửa, lấy bạt, nilon để chắn cho gió khỏi lùa, mưa khỏi hắt vào nhà thờ. Hy vọng công trình xây dựng sớm hoàn thành để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đức tin của cộng đoàn giáo họ.
Nói đến giáo họ Thọ Cách, ít ai biết đây chính là quê hương của cha Phêrô Nguyễn Minh Thông. Cũng chính tại đây cha đã bị quản thúc, bị hành hạ. Vào năm 1979. chính quyền đã đưa cha đến ở trong kho chứa thuốc trừ sâu của hợp tác xã, mái lá, vách đất. Vì luôn có người theo dõi, nên mọi lời nói, cử chỉ, hành động của cha đều được báo cáo lên cấp trên. Cha bị mất tự do, không được làm lễ, không được gặp gỡ và tiếp xúc với ai…Vì thế, cha quản xứ Phanxicô Xavie Vũ Quang Hùng đã nói: “theo lẽ thường của người đời, sống thì tết, chết thì giỗ, nhưng cha Phêrô Nguyễn Minh Thông, sống không có tết, chết chẳng được giỗ”.
Cho đến hôm nay, vào ngày 23 tháng 3 năm 2011, hai mươi năm sau khi cha Phêrô qua đời, cha quản xứ Phanxicô Xavie Vũ Quang Hùng đã mạnh dạn kêu mời bà con giáo dân Thọ Cách và tất cả những ai yêu mến cha Phêrô, tới nhà thờ giáo họ Thọ Cách để cùng với quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sỹ hiệp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho cha Phêrô. Có thể nói đây là “lễ giỗ đầu” của cha tại quê hương trong sự tưởng nhớ của mọi người, nhất là những người đã từng được gặp cha, được cha dạy dỗ, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất.
Thánh lễ giỗ đã diễn ra vào hồi 10g00 do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến chủ sự. Cùng đồng tế và hiệp dâng Thánh lễ, có Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, các linh mục là con linh tông, là học trò của cha Phêrô, các nam nữ tu sỹ, cùng đông đảo bà con giáo dân của giáo họ Thọ Cách và các vùng lân cận. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí nghiêm trang và sốt sắng.
Trong bài chia sẻ, cha Giuse Nguyễn An Khang đã nói về những năm tháng cha Phêrô đã sống và làm chứng cho Tin Mừng. Ai cũng bùi ngùi xúc động và không cầm được nước mắt, bởi cuộc đời của cha luôn phải gánh chịu những áp bức bất công, tù đày, bị hành hạ, tra tấn, kìm kẹp, nhưng vẫn một lòng trung thành với đức tin. Cha Phêrô xứng đáng là chứng nhân anh dũng, là mẫu gương sáng trong lịch sử truyền giáo của Tổng Giáo phận Hà Nội.
Có thể nói cha Phêrô là hạt giống đã thối đi, đã nảy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Trong số các học trò của cha, hiện nay có người làm giám mục và có nhiều người làm linh mục. Đặc biệt qua đời sống chứng tá Tin Mừng, cha đã gieo trồng và làm trổ sinh biết bao nhiêu người giáo dân kiên trung, tiếp bước cha anh trong những thử thách và gian nan của cuộc đời để trung thành với niềm tin vào Chúa Kitô.
Việc Chúa làm thật là nhiệm màu, khi cha Phêrô ngã xuống thì Chúa đã cho mọc lên biết bao nhiêu mầm sống mới để củng cố và xây dựng đức tin và làm cho cánh đồng truyền giáo tại quê hương Việt Nam mỗi ngày một tươi tốt.
Tri ân cha Phêrô, mọi thành phần dân Chúa trong TGP xin thắp lên một nén hương kính nhớ và cùng dâng lời nguyện xin Chúa ban thưởng cho cha trên quê hương Nước Trời.




Jos. Nguyễn Công Lý