Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã về thăm mục vụ Giáo xứ Phủ Lý và chủ sự Thánh lễ giỗ 80 năm cho Cha Souvignet Henri-Emmanuel (19/3/1943 – 19/3/2023) (hay còn gọi là cha cố Thi). Thánh lễ được cử hành lúc 9h30, thứ Sáu ngày 17/3/2023.
Hiệp dâng Thánh lễ có sự hiện diện của quý cha tiền nhiệm coi sóc Giáo xứ Phủ Lý, quý cha trong và ngoài Giáo hạt Phủ Lý cùng đông đảo bà con giáo dân của hai giáo xứ Phủ Lý và Châu Thủy. Sau 80 năm, đây là lần đầu tiên Giáo xứ tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho cha cố Thi cách trọng thể.
Với tâm tình tri ân các đấng tiền nhiệm, đặc biệt là Cha cố Thi, Đức TGM Giu-se mời gọi mọi người suy ngẫm câu Lời Chúa của tiên tri Đaniel “… những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời…”. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn hãy biết ơn các đấng truyền giáo, nhất là các vị thừa sai người Pháp.

Thánh lễ giỗ của Cha cố Thi được cử hành trong tâm tình của Mùa Chay, với tâm tình sám hối trở về, Đức TGM Giuse nhấn mạnh: Lời mời gọi sám hối trở về không chỉ là lời mời gọi của Mùa Chay nhưng còn là lời mời gọi của chính Chúa Giê-su khi Ngài khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời… Cũng từ màu phụng vụ của Mùa Chay – màu tím, Đức TGM Giuse nói “Màu tím không nguyên là màu của sám hối, của tang chế nhưng là màu của hy vọng”. Khi chúng ta dâng Thánh lễ cầu nguyện cho người qua đời là chúng ta sống tinh thần hiệp thông, chúng ta sống tâm tình biết ơn các vị thừa sai, mà cụ thể ngày hôm nay chúng ta nhìn lên mẫu gương Cha cố Thi. Một người đã hết lòng yêu mến mảnh đất Giáo xứ Phủ Lý thân thương này. Cha cố Thi được ví như người mẹ sinh ra Giáo xứ Phủ Lý. Ngài là vị thừa sai đã sống trọn sứ mạng “Sai Đi” nhân danh Chúa Giê-su Phục Sinh.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Tổng Giám mục nhắc lại một lần nữa câu của tiên tri Đaniel như một lời cầu nguyện cho Cha cố Thi, xin Chúa thưởng công cho Cha cố bởi biết bao mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống khi ngài đã dành trọn cho Giáo xứ Phủ lý và quê hương đất nước Việt Nam trong công cuộc truyền giáo.
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể trang nghiêm trong tâm tình tri ân và cầu nguyện cho Vị Thừa sai đáng kính.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, vị đại diện Giáo xứ Phủ Lý thay mặt cho cộng đoàn nói lên tâm tình tri ân Cha cố Thi, biết ơn các bậc tiền nhân và cảm ơn Đức TGM Giuse cùng quý cha đồng tế. Ông cũng kính trình sơ lược về cuộc đời của Cha cố khi phục vụ tại quê hương Việt Nam. Bên cạnh đó trong tâm tình của những ngày áp lễ mừng kính Thánh Giuse, ông thay lời cho cộng đoàn chúc mừng Đức TGM Giuse cùng quý cha nhân dịp mừng lễ quan thầy.
Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục cùng quý cha và cộng đoàn tiến về phần mộ Cha cố Thi (nằm bên ngoài khuôn viên của Giáo xứ) dâng nén hương của lòng biết ơn và lời kinh nguyện.


Thánh lễ giỗ của Cha cố Thi để lại nơi tâm hồn mỗi con dân trong Giáo xứ lòng biết ơn sâu sắc với các bận tiền nhân. Đặc biệt sự hiện diện của Đức TGM Giuse và quý cha là niềm khích lệ tinh thần và làm cho mối dây hiệp thông giữa người tín hữu với các đấng bậc ngày thêm khăng khít.
* Sơ lược tiểu sử Cha Souvignet Henri-Emmanuel
Cha Souvignet Henri-Emmanuel (Cha cố Thi) sinh ngày 25/12/1855 tại Pháp trong một gia đình quý tộc đồn điền.
Sau khi được thụ phong linh mục ngày 23/9/1882, Cha đã lên đường đến Bắc Kỳ vào đúng lúc cao điểm của mâu thuẫn giữa Pháp và triều đình Huế. Để chuẩn bị cho sứ vụ, Cha đã tham gia đào tạo dành cho vị thừa sai trẻ từ năm 1883-1884 ở Kẻ Sở.
Tất cả sứ mạng tông đồ của Cha Thi diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trước hết, Cha thi hành sứ vụ linh mục tại Kẻ Non, rồi đến Đồng Chuối, Kẻ Sông và cuối cùng năm 1894 ngài đã về mục vụ tại Phủ Lý và ở lại đó cho tới khi qua đời.
Ngay từ những ngày đầu, Cha Thi đã nhanh chóng thuần thục tất cả nếp sống của người dân nơi đây. Nhờ học hiểu về lề luật, phong tục và tập quán của người Việt, Cha đã phục vụ hữu hiệu sứ mạng truyền giáo và giúp đỡ rất nhiều cho bà con trong vùng. Năm 1903, dưới bút danh A+B, Cha đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình “Tạp văn Bắc Kỳ” và tạo nên tiếng vang lớn vào lúc bấy giờ. Toàn bộ số lợi nhuận từ tác phẩm nổi tiếng này đã giúp Cha xây dựng nhà thờ Phủ Lý và hoàn thành vào năm 1907. Cha cũng chính là người đã thiết kế sơ đồ và chỉ đạo thi công công trình này.
Khoảng năm 1941, mặc dù rất minh mẫn, nhưng sức khỏe thể lý của Cha dần bị suy yếu. Cha đã an giấc ngày 19/3/1943, ngay cạnh nhà thờ ngài đã xây dựng, trong ngôi nhà xứ khiêm tốn mà ngài đã gắn bó cho đến giây phút cuối cùng.
BTT Gx. Phủ Lý