Dẫn nhập
Chủ đề của Công nghị TGP Hà Nội 2021-2022 là Canh tân đời sống đức tin. Buổi hội thảo tiền Công nghị diễn ra ngày 08/01/2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội tập trung vào suy tư và bàn thảo về đời sống và thực thi tác vụ linh mục của các linh mục TGP. Linh mục trước tiên là người tín hữu, là người có đức tin. Sứ vụ và đời sống linh mục có một mục đích là sự cứu độ nhân loại (đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa) vì thế sứ vụ là đời sống của linh mục không thể nào tách rời với đức tin. Thừa tác của linh mục là rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô đưa người khác đến với đức tin, củng cố đức tin, cử hành các mầu nhiệm thánh với đức tin và chăm sóc các tín hữu với lòng bác ái mục tử là hoa trái của đức tin để họ trung thành và sống đức tin vững mạnh. Đời sống của các linh mục là đời sống thực hành đức tin như Giáo hội nhắn nhủ trong nghi thức truyền chức linh mục: “Hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy.” Vì thế, bài thuyết trình này gồm 3 phần:
– Phần 1: Đức tin và thực hành đức tin
– Phần 2: Căn cước và sứ vụ phổ quát của linh mục
– Phần 3 (phần chính): Linh mục thực hành đức tin – sống thánh thiện qua 3 tác vụ linh mục.
I. Đức Tin và Thực Hành Đức Tin
1. Bản chất của Đức tin
Chúa Giêsu Kitô mở đầu sứ vụ rao giảng công khai với lời kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Chúa Kitô mời gọi chúng ta tin vào ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến để được thông hiệp sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc của Thiên Chúa (x. Ga 17,3).
Sách Giáo Lý của Hội Thánh dạy: Tin là đem “trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải.”[1] Đức tin không đơn thuần là một sự đồng ý trí tuệ của chúng ta với những chân lý cụ thể của Thiên Chúa. Đức tin còn là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình là Cha yêu thương trong Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người, nhất là qua cái chết tự hiến hoàn toàn của Ngài trên thập giá.
Người tín hữu không tin mung lung hay mơ hồ. Đức tin có nội dung. Hành động đức tin như niềm tin tưởng mang tính cá nhân giữa tôi và Thiên Chúa (tôi tin; fides qua) và nội dung đức tin là đức tin của Hội Thánh được biểu tượng bởi kinh Tin Kính (chúng tôi tin; fides quae) không thể tách rời nhau. Hội Thánh là chủ thể của đức tin. Người tin được nghe Tin Mừng từ Hội Thánh và được thông truyền đức tin từ Hội Thánh để có thể tự mình tuyên xưng đức tin của Hội Thánh lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đức Giáo hoàng Benedictô viết: “Đức tin được sinh ra trong Hội Thánh, dẫn đến Hội Thánh và sống trong Hội Thánh.”[2]
2. Thực hành đức tin là sống thánh thiện: Dõi bước theo Chúa Kitô và bắt chước ngài
Chúa Giêsu Kitô là cốt lõi và trung tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta tin vào Đức Giêsu thành Nazareth là Con Thiên Chúa làm người, được Thiên Chúa sai đến làm Đấng Kitô đồng thời cũng là con người hoàn thiện. Chúa Kitô là con đường duy nhất đưa con người đến với Thiên Chúa.
Chúa Kitô mời gọi chúng ta “Hãy theo thày” (Mt 19,21) là tin vào ngài đồng thời sống đời sống luân lý theo chuẩn mực của ngài, Đấng là Thiên Chúa, nguồn mọi sự thiện và là thước đo mọi sự. Đây không chỉ là nghe và thực thi một vài giáo huấn, nhưng “là gắn bó với chính Đức Giêsu, chia sẻ sự sống và vận mệnh của Người, thông phần vào sự vâng phục tự do và đầy tình yêu thương của Người đối với thánh ý của Chúa Cha.”[3] Như Chúa Kitô luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, người Kitô hữu được mời gọi theo Chúa Kitô là sống đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách thực hành lời Chúa (x. Lc 6, 43-48). Đức tin đích thực là đức tin có thực hành chính thống, một đức tin mang lại ơn cứu rỗi như Chúa dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.” (Mt 7, 21).
II. Căn Cước và Sứ Vụ Phổ Quát của Linh Mục
Toàn thể Hội Thánh tham gia vào chức vụ linh mục duy nhất của Chúa Kitô. Tất cả mọi tín hữu, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, trở thành một chức tư tế thánh thiện và vương giả để nhờ Chúa Kitô họ hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng, và tuyên xưng quyền năng của Ðấng đã gọi họ từ chốn tối tăm đến ánh sáng diệu kỳ (x. 1P 2,4-10). Đó là chức linh mục cộng đồng của mỗi tín hữu qua bí tích rửa tội. Là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo hội hiện hữu và có sứ mệnh đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa.
Căn cước của linh mục thừa tác được Hiến chế Giáo hội của Công đồng Vatican II định nghĩa như sau : “Tuy không có quyền cao nhất của chức thượng tế và tùy thuộc các Giám mục trong khi thực thi năng quyền của mình, các linh mục vẫn được liên kết với các Giám mục trong danh dự tư tế, và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu, để rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu, và cử hành việc phụng tự thần linh với tư cách là những tư tế đích thực của Giao Ước Mới.”[4]
Linh mục được gọi là “một Chúa Kitô khác” theo nghĩa là thừa tác viên của những hành động cứu độ tuôn trào từ Chúa Kitô. Nhờ năng quyền tế lễ, rao giảng Tin Mừng và tha thứ tội lỗi, linh mục được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, trở thành tác nhân của đời sống thiêng liêng và xua trừ sự dữ của tội lỗi. Linh mục là thừa tác viên của ơn cứu độ và trở nên hình ảnh của Chúa Kitô mục tử nhân lành cho trần gian. Hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu, chức vụ linh mục thừa tác là phục vụ chức linh mục cộng đồng, làm tăng trưởng ân sủng phép rửa của mỗi tín hữu.
III. Linh Mục Thực Hành Đức Tin – Sống Thánh Thiện qua và trong ba Tác Vụ Linh Mục
Sau đây con xin đưa ra một vài gợi ý suy tư về đời sống đức tin và tác vụ linh mục với những giáo huấn của Giáo hội.
Thực hành đức tin là sống thánh thiện. Sứ vụ linh mục thừa tác là sứ vụ linh mục của Chúa Kitô. Sự thánh thiện của linh mục, dựa trên ân sủng của Chúa Kitô, được tiến triển trong và qua thừa tác vụ linh mục. Đời sống thiêng liêng của linh mục đòi hỏi một sự thân mật với Chúa Kitô, một tình bằng hữu và gặp gỡ với ngài. Linh mục chia sẻ sứ vụ, tình yêu và sự phục vụ của Chúa cho Giáo Hội của Người.
1. Linh mục thực hành đức tin qua tác vụ rao giảng Lời Chúa
Về tác vụ rao giảng của linh mục, Công đồng Vatican II dạy: “Linh mục là thừa tác viên của lời Chúa. Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống; lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh Mục. Thực vậy, không ai có thể được cứu rỗi nếu trước đó không có lòng tin do đó các Linh Mục, vì là cộng sự viên của các Giám Mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa… chính lời cứu rỗi khởi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu; chính đức tin này đã khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu. … Do đó, các Linh Mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được nơi Chúa.”[5] Công đồng cũng nhắc đến mục đích của giảng dạy là “giảng dạy lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh… giảng thuyết không phải chỉ là trình bày lời Chúa một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.”[6]
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhấn mạnh: các mục tử phải xem xét nghiêm túc việc giảng trong phụng vụ vì “Thiên Chúa tìm cách đến với người khác thông qua người giảng thuyết, và Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua ngôn ngữ nhân loại.”[7] Bài giảng là phục vụ cho việc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Người giảng phải tìm hiểu và biết đến nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn. Bài giảng không phục vụ giải trí mà phải ban “sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành phụng vụ”.[8]
Trong bài giảng lễ Truyền Dầu năm 2015, Đức Tổng giám mục Socrates Villegas của Philippines đã nhắc nhở các linh mục của ngài hãy ngưng lạm dụng bài giảng. Theo ngài đó là sự lạm dụng phổ biến trong hàng linh mục. Xin trích: “Đó là lạm dụng lòng tốt của dân Chúa, buộc họ phải nghe những bài giảng dài dòng, loanh quanh, miên man, nhàm chán, không đầu không đuôi, thiếu chuẩn bị. Nghe như đùa, nhưng đó là sự thật, dân Chúa nói bài giảng của chúng ta là những đòn tra tấn mà họ cực chẳng đã phải chịu mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật… thực tế là họ đang phải chịu đựng hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác những bài giảng khó hiểu, vì chúng ta dẫn nhập lòng vòng nhưng sau đó chẳng thể đi thẳng vào vấn đề chính, rồi sau đó cũng lại chẳng biết phải kết thúc thế nào. Hãy chuẩn bị. Hãy rõ ràng. Hãy ngồi xuống. Khi còn là chủng sinh, chúng ta thường phàn nàn về các bài giảng của các cha già. Nhưng đến lượt mình, chúng ta lại làm điều tương tự.”[9]
Ngài khuyên các linh mục giản dị trong lời giảng và trong đời sống. “Khi sống giản dị chúng ta cũng sẽ bớt nói về tiền bạc và việc quyên góp trong bài giảng; giảng về tiền bạc không bao giờ soi sáng được ai. Giản dị cũng có nghĩa là không sử dụng tòa giảng như một phương tiện để trả đũa những người đối kháng với mình. Giản dị cũng ngăn cản chúng ta đưa chuyện bầu bán chính trị ồn ào lên tòa giảng. Giản dị trong bài giảng cũng có nghĩa là đừng cố làm cho người nghe phải cười hay khóc – đó là việc của các diễn viên truyền hình giải trí. Sự giản dị trong bài giảng khiến người nghe phải cúi đầu, đấm ngực và thành tâm hoán cải, tìm đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trở nên giản dị cũng là trở nên tuyệt vời trong ánh mắt Thiên Chúa. Lối sống giản dị của các linh mục chính là bài giảng dễ hiểu nhất.”[10]
Được Chúa Kitô sai đi, linh mục có sứ mạng rao giảng Lời Chúa, tuyệt đối trung thành và bén rễ sâu trong Kinh Thánh và Thánh Truyền. Bài giảng phải dựa trên lời Chúa, giải thích các bài đọc và áp dụng lời Chúa vào đời sống các tín hữu và giúp họ đến với Chúa. Đức Phanxicô nhấn mạnh đến áp dụng bài giảng là đưa các tín hữu đến thực hành đức bác ái. “Cốt lõi của giáo huấn Giáo hội và cốt lõi lời giảng dạy của linh mục là đưa người ta đến “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gl 5:6). Bác ái là biểu hiện của ân sủng bên trong. Thương xót là nhân đức lớn nhất trong mọi nhân đức.”[11]
Như Chúa Kitô “mang Tin mừng cho người nghèo khổ, băng bó tâm hồn thương tích, tự do giải thoát cho kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18), bài giảng phải mang an ủi, khích lệ, củng cố đức tin và chữa lành cho giáo dân. Linh mục là thừa tác viên hòa giải nên phải tôn trọng các tín hữu và các đồng bào thuộc tôn giáo khác, các truyền thống văn hoá, không được vô tình hay cố ý cổ võ hận thù và gây chia rẽ.
Dạy giáo lý là một phần trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và là hoạt động ưu tiên mục vụ của các linh mục. Linh mục có trách nhiệm thúc đẩy, điều động, tổ chức và hướng dẫn hoạt động dạy giáo lý cho các thành phần dân Chúa.
Ngày trong mục vụ, chúng ta luôn gặp những trường hợp các đôi bạn kết hôn mà không cử hành trong nhà thờ và những trường hợp này liên quan đến những tín hữu đi dự đám cưới. Họ không chọn kết hôn trong Giáo Hội vì nhiều lý do, mà lý do phổ biến là vì họ yếu kém đức tin và không theo học đầy đủ khóa chuẩn bị hôn nhân. Phải chăng, thay vì những biện pháp chế tài, trong tác vụ rao giảng, các linh mục chúng ta nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự chuẩn bị hôn nhân và họ cần ơn thánh Chúa trợ giúp cho đời sống hôn nhân qua việc cử hành nghi thức trong Giáo Hội. Cần phải dạy cách sáng tỏ lý do thần học: một tín hữu công giáo thông thường phải kết hôn với một kitô hữu và vấn đề khác đạo là một ngăn trở tiêu hôn nên phải xin phép chuẩn của ĐGM để kết hôn thành sự. Thiết nghĩ các tín hữu cần một sự giáo dục đức tin về cử hành hôn nhân và một đức tin trưởng thành liên quan đến chuẩn bị và cử hành hôn nhân trong Giáo hội. Nếu họ chỉ sợ người khác không dự đám cưới của mình mà đành phải qua các thủ tục để kết hôn trong nhà thờ thì e rằng tác vụ rao giảng của các mục tử vẫn còn thiếu sót.
Chúng ta đang sống trong một đất nước mà hơn 90% dân số chưa biết Chúa Kitô, nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa là cấp thiết cho các linh mục với nhiều phương thế khác nhau. Thánh lễ an táng, hôn phối và những dịp gặp gỡ đồng bào khác tôn giáo là cơ hội để các linh mục rao giảng Lời Chúa.
2. Nhiệm vụ thánh hóa các tín hữu
Đức GH Bênedictô giải thích như sau: “Thánh thiện là phẩm chất đặc biệt của Thiên Chúa: chân, thiện, mỹ. Thánh hóa là làm cho người khác được tiếp xúc với Thiên Chúa, đấng tuyệt đối là chân lý, thánh thiện và hoàn mỹ. Chúa Kitô thánh hóa con người, lôi kéo con người đến với Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Thánh hóa là làm cho người khác được đụng chạm và kết hợp với Chúa Kitô và qua Người đến được với Thiên Chúa.”[12]
Chúa Kitô thánh hóa Dân Người qua việc rao giảng và cử hành bí tích của các linh mục. Hiến chế Giáo Hội nhấn mạnh đến trung tâm của tác vụ thánh hóa của là cử hành bí tích Thánh Thể: Các linh mục “thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô, công bố mầu nhiệm của Chúa… hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước.”[13]
Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục của Công đồng Vatican II dạy về sự nên thánh của các linh mục trong tác vụ linh mục như sau: “Như thừa tác viên của những việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục thực hiện trong mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Lễ, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu.”[14]
Để chu toàn nhiệm vụ cầu nguyện cho các tín hữu, các cha xứ và quản xứ có bổn phận dâng lễ cầu cho giáo dân được trao phó cho mình (misa pro populo) vào mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ trọng theo giáo luật.
Tác vụ linh mục là làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người trong bí tích hoà giải. Các tông đồ được lãnh nhận Thánh Thần ngay buổi đầu khi Chúa phục sinh hiện ra: “Hãy lãnh nhận Thánh Thần, các con tha tội ai, người ấy được tha (Ga 20:22).
Đức Phanxicô nhắn nhủ các linh mục: Trong tòa giải tội Chúa Giêsu không phải là thợ giặt khô (cọ sát). Tòa giải tội là nơi gặp gỡ Đức Giêsu … (đấng) ban cho chúng ta bình an mà chỉ một mình ngài có.”[15] Vì thế, Đức Phanxicô nói: “các cha giải tội … xin đừng đặt chướng ngại trên con đường của những người muốn trở lại với Chúa. Cha giải tội phải là người cha. Người đại diện cho Chúa là Cha. Cha giải tội phải chào đón mọi người đến với mình để hòa giải với Thiên Chúa và giúp họ đi theo con đường hòa giải này. Đây là việc mục vụ thật đẹp, tòa giải tội không phải phòng tra tấn hay phòng thẩm vấn, không, mà là chính Chúa Cha chào đón, đón nhận và tha thứ cho con người này.”[16] Ngài nhấn mạnh: Cha giải tội phải là dấu chỉ ưu việt ở mọi tình huống ở khắp mọi nơi cho lòng thương xót Chúa.[17]
Linh mục là con người cầu nguyện. Linh mục kéo dài những lời ca tụng và tạ ơn được dâng lên Thiên Chúa trong Thánh lễ qua các giờ kinh Phụng Vụ. Đọc kinh Phụng vụ là bổn phận mà linh mục đã hứa khi lãnh nhận chức Phó tế để nhân danh Giáo Hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho cả Hội Thánh và thế giới. Việc trung thành đọc Kinh Nhật Tụng cách khoan thai và theo thể thức của Hội Thánh sẽ giúp linh mục thi hành nghĩa vụ cầu nguyện và thánh hóa chính mình.
3. Tác vụ (quản trị) chăm sóc mục vụ các tín hữu
Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđictô: “Quyền bính có mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích đích thực của con người. Thiện ích tối cao và duy nhất của con người là ơn cứu rỗi: được hiệp thông với Thiên Chúa. Giáo hội được mời gọi thực thi thứ quyền bính đó, không phải nhân danh chính mình mà nhân danh Chúa Kitô, đấng nhận từ nơi Chúa Cha mọi quyền năng trên trời và dưới đất.”[18] Chúa Kitô, vị mục tử tối cao và đích thực, chăm sóc đoàn chiên qua các mục tử của Giáo Hội.
Đức tính cần thiết nhất cho tác vụ quản trị của linh mục là luôn tuân phục ý của Thiên Chúa, tìm kiếm ý Chúa, như Chúa Kitô luôn tuân phục ý của Đấng đã sai ngài.
Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục của Công đồng Vatican II dạy: Noi gương Chúa Chiên nhân lành hiến mạng sống mình cho đoàn chiên, linh mục sống tinh thần dâng hiến vì phần rỗi các linh hồn. Các linh mục mang lại an ủi và củng cố niềm hy vọng cho các tín hữu của mình với đức tin mạnh mẽ, chu toàn bổn phận chăn dắt các linh hồn, thực hành khổ chế, từ bỏ tiện nghi, không tìm tư lợi riêng, nhưng mưu tìm lợi ích cho nhiều người với những sáng kiến mục vụ trong vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[19]
Tác vụ linh mục là tác vụ của chính Giáo Hội, nên tác vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự thông công phẩm trật của toàn thân thể. Thuộc về Hội Thánh và phục vụ Hội Thánh nên linh mục phải hợp nhất trong đức tin của Hội Thánh, hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Đức Giám mục giáo phận trong vâng lời, kính trọng và cộng tác.
Tác vụ chăm sóc mục vụ đòi hỏi linh mục luôn hiện diện ở giữa đoàn chiên. Linh mục cần tuân theo giáo luật, quy định của Giáo Phận về việc đi vắng khỏi giáo xứ, với sự bảo đảm về các bí tích nhất là Thánh lễ cho các tín hữu khi vắng mặt.
Tác vụ chăm sóc mục vụ đòi các linh mục hiện diện với giáo dân của mình trong mọi hoàn cảnh, chia sẻ nỗi vui buồn và cuộc sống của họ, cảm thông với những người đến xin cử hành bí tích, nhất là an táng và hôn phối, tránh gây khó khăn, quan liêu hay tự tạo ra những thủ tục phiền phức.
Là người của Thiên Chúa và Giáo Hội, linh mục phải cư xử với giáo dân đầy nhân bản, phán đoán quân bình, sử xự đúng mực, chân thành với mọi người, đặc biệt luôn mang nhân đức hiền lành và khiêm nhường của Chúa Kitô.
Là hình ảnh của Chúa Kitô, vị Thượng tế thương xót và trung tín, linh mục chăm sóc các tín hữu với lòng thương xót của Chúa. Tiếp cận đến những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, hay những người đã bỏ đức tin hay xao nhãng đức tin là ưu tiên trong mục vụ của linh mục.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các linh mục tỏ lòng thương xót, chăm sóc những người đã ly dị, hay ly dị và tái hôn, tránh làm mất thanh danh của họ hay làm cho họ cảm thấy bị loại trừ ra khỏi Giáo hội. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh các linh mục cần phân định hoàn cảnh của những trường hợp bất quy tắc, để đồng hành với họ.
Ngay nay Giáo Hội nhìn nhận sự thiếu hay mất tự do của những người tự tử do bệnh tật, tức giận hay quẫn trí, nên linh mục phải thông cảm hoàn cảnh bi đát của nạn nhân, không có quyền kết án và xét đoán. Hãy an ủi những thân nhân còn sống. Giáo luật ngày nay không còn cấm cử hành thánh lễ hay cấm chôn người tự tử trong vườn thánh. Nếu những người tự tử vẫn còn sống, thì linh mục vẫn ban các bí tích giải tội, xức dầu, Mình thánh cho họ vì họ không bỏ đạo công khai hay cố chấp trong tội nặng.
Linh mục đồng hành thiêng liêng với giáo dân như linh hướng và mục vụ tư vấn để giúp giáo dân lớn lên trong tương quan với Chúa. Sự cộng tác trong tôn trọng với giáo dân và tu sĩ luôn cần thiết nơi linh mục để xây dựng Giáo hội.
Kết luận:
Kính thưa Đức TGM, quý cha và anh chị em.
Như 2 môn đệ trên đường về Emmaus bàn thảo tranh luận với nhau vì hoàn cảnh sống của họ thay đổi, Chúa Kitô phục sinh đã hiện diện và dùng lời Chúa và bẻ bánh để soi sáng họ, củng cố đức tin, làm cho lòng họ bừng sáng và họ đã trở về Jerusalem hân hoan loan báo họ đã gặp Chúa phục sinh. Trên đây là những gợi ý suy tư khiêm nhường của con trong sự bàn thảo. Xin Chúa Kitô phục sinh với Thánh Thần của Người soi sáng chúng ta trong tiến trình chuẩn bị công nghị để các linh mục và Dân Chúa trong TGP Hà Nội tiếp tục hăng say làm chứng và loan báo Chúa phục sinh bằng cho xã hội hôm nay bằng đời sống đức tin sống động của mình.
Xin cám ơn sự chú ý của mọi người.
[1] Sách Giáo Lý Công Giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch (Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010), số 143.
[2] Đức Bênêđictô XVI, Giáo lý năm Đức tin (Tiếp kiên chung ngày 31/10/2012).
[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sự rạng ngời của chân lý – Veritatis Splendor, Đậu Văn Hồng dịch, 2020, số 20.
[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế Giáo hội – Lumen Gentium, 1964, số 28. Sách Giáo lý CG số 1564.
[6] Ibid.
[7] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium, 2013, số 136.
[8] Ibid., 138.
[9] https://www.rappler.com/nation/88758-bishop-warning-homily-abuse/
[10] Ibid.
[11] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng, số 37.
[12] Đức Bênêđictô, Bài giáo lý ngày 5/5/2010.
[13] Công đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội – Lumen Gentium, số 28.
[14] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục, 1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2012, số 12.
[15] Đức Phanxicô, Bài giáo lý 29/4/2014.
[16] Idem, Bài giáo lý 30/4/2016.
[17] Idem, Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, số 18.
[18] Đức Bênêđictô, Bài giáo lý, ngày 26/05/2010.
[19] Ibid.
Thuyết trình viên: Lm. Anphongsô Phạm Hùng