Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina; Lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha cho các bậc cha mẹ; Đức TGM Hàn Quốc chung sức vì hòa giải và thống nhất hai miền Triều Tiên; Các Giáo hội châu Á Thái Bình Dương giúp Tonga vượt qua thảm họa
Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina
Trong buổi Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã kêu gọi dành ngày 26/01 để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina. Lời kêu gọi được đưa ra trước bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraina.
Đức Tổng Giám mục Phaolô, Ngoại trưởng Tòa Thánh, chủ trì buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina tại Vương cung thánh đường Santa Maria ở Roma. Cùng lúc, người Công giáo thuộc cộng đồng Sant’Egidio sẽ quy tụ tại thủ đô Kyiv của Ukraina để cầu nguyện.
Trong ngày cầu nguyện, ĐTC Phanxicô tha thiết mời gọi các nhà cầm quyền rằng: “Xin đừng chiến tranh nữa”. Ngài tiếp tục nhắc lại lời kêu mời cầu nguyện cho hòa bình tại quốc gia Đông Âu này. ĐTC cầu xin Chúa ban cho tình huynh đệ được nảy nở và vượt qua mọi đau thương, sự sợ hãi và chia rẽ. ĐTC Phanxicô cũng không quên nhắc lại rằng hơn 5 triệu người đã thiệt mạng ở Ukraina trong Thế chiến II. Ukraina là một dân tộc đã chịu nhiều đau khổ và họ xứng đáng nhận được hòa bình.
Các Đức Giám mục châu Âu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina và kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho hòa bình. Trong thông điệp chung được đưa ra bởi Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk – người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina và Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki – Chủ tịch HĐGM Ba Lan, các ngài kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.
Lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha cho các bậc cha mẹ

Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã kêu gọi các bậc cha mẹ đừng “lên án” con cái của mình. Ngài khuyến khích các bậc phụ huynh noi gương Thánh Giuse để được nâng đỡ.
Đối với những gia đình đang chịu áp lực từ cuộc sống và đang dần mất hy vọng, ĐTC cầu “xin Thánh Cả Giuse giúp họ mở lòng trò chuyện với Chúa để họ tìm được ánh sáng, sức mạnh và bình an”.
ĐTC Phanxicô cũng nghĩ đến những bậc cha mẹ khi đối mặt với nhiều vấn đề của con cái như con trẻ bị bệnh tật ốm đau hoặc có khuynh hướng tính dục khác nhau. Ngài nhìn nhận rằng việc nuôi dạy con cái có nhiều vấn đề đáng bận tâm.
Ngài động viên các bậc phụ huynh rằng: “Đừng sợ hãi”. Mặc dù có nhiều đau đớn và khó khăn, ngài mời gọi họ nhìn lên Thánh Giuse và cầu xin ngài trợ giúp. ĐTC cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng đừng bao giờ chì triết một đứa trẻ.
Đức TGM Hàn Quốc chung sức vì hòa giải và thống nhất hai miền Triều Tiên

Giáo hội Công giáo và chính phủ Hàn Quốc có ý định cộng tác cùng nhau vì hòa bình, hòa giải và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Điều này được Đức Tổng Giám mục Phêrô Chung Soon-taick và Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young xác nhận trong cuộc họp ngày 19/01 tại Văn phòng Tổng Giám mục thuộc nhà chờ chính tòa Myeongdong, Seoul, Hàn Quốc.
Đức Tổng Giám mục nói: “Với tư cách là Giám quản Tông tòa Bình Nhưỡng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến Tổng thống Moon Jae-in đã mời gọi Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm Vatican của ông”. Đức cha Chung cũng khen ngợi cuộc triển lãm mang tên “Dây thép gai thành biểu tượng của Hòa bình” do Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức.
Đáp lời, Bộ trưởng Lee cũng đánh giá cao nỗ lực của Tổng Giáo phận Seoul với những sáng kiến và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên thông qua nhiều phương thức khác nhau. Bộ trưởng Lee đặc biệt nhấn mạnh đến những sáng kiến nâng cao nhận thức như “Cuộc hành hương hòa bình” hoặc các diễn đàn chia sẻ về hòa bình hai miền Triều Tiên.
Các Giáo hội châu Á Thái Bình Dương giúp Tonga vượt qua thảm họa

Các Giáo hội trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là các cộng đồng ở Australia và New Zealand, đã hành động để giúp đỡ người dân Tonga sau thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần.
Như Fides đã đưa tin, Giáo hội Australia đã phát động một cuộc gây quỹ đặc biệt để hỗ trợ người dân Tonga thông qua Caritas. Damaris Pfendt, Điều phối viên Thái Bình Dương của Caritas Australia cho biết tro bụi núi lửa và nước mặn đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, các cộng đồng cư dân ven biển bị mất nhà cửa, cầu đường bị hư hại do ảnh hưởng của sóng thần.
Caritas Australia cho biết chiến dịch gây quỹ sẽ cố gắng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Caritas New Zealand cũng đã khởi động một chương trình cứu trợ cụ thể để kết nối trực tiếp với các đại diện của Caritas Tonga, nhằm xác định nhu cầu cấp thiết nhất.
Chính phủ Tonga ước tính rằng 84% dân số đã bị ảnh hưởng bởi hậu quả của vụ phun trào và sóng thần. Hòn đảo vẫn bị bao phủ bởi một lớp tro dày và người ta e rằng sức khỏe của cư dân sẽ bị ảnh hưởng.
Khánh Ly – WTGPHN