Bài thuyết trình: Tổng quan về việc canh tân đời sống đức tin tại Tổng  giáo phận Hà Nội

Lm. Gioan Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh, OFM

Trọng kính Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội

Kính thưa các đại biểu Công nghị Tổng Giáo phận

Dẫn Nhập

Năm 1912, “Công đồng miền Bắc Kỳ lần thứ hai” được diễn ra tại khu vực nhà thờ chính tòa Kẻ Sở, từ ngày 10 đến ngày 24 tháng 11, dưới quyền triệu tập và chủ tọa của giám mục niên trưởng Phêrô Gendreau Đông, đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Trước đấy, công đồng miền Bắc Kỳ lần thứ nhất đã diễn ra tại Kẻ Sặt từ ngày 11.02 đến ngày 06.03 năm 1900.

“Công đồng miền Bắc Kỳ” quy tụ các Giám mục đang phụ trách các giáo phận khu vực Đàng Ngoài, từ Sông Gianh trở ra, hiện nay là giáo tỉnh Hà Nội. Khi đó khu vực này được Tòa Thánh ủy thác cho Hội Thừa Sai Paris và Dòng Đa Minh phụ trách. Mục đích của Công đồng là để thống nhất hoạt động mục vụ giữa các giáo phận trong cùng một khu vực, theo hướng dẫn của thánh bộ Truyền giáo ngày 23.06.1879.

Trong bài viết “Vài nét về công đồng Kẻ Sở nhân dịp kỷ niệm bách chu niên (1912 – 2012)”, linh mục Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, OP, có nhận xét như sau: “Các vị Đại diện tông tòa (tước vị chính thức của các Đức Giám mục thời ấy) đã để lại mẫu gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết, hiệp nhất và liên đới trách nhiệm”. Các vị “đã có những quan tâm đến các tín hiệu mới của xã hội đương thời” như cổ võ in tài liệu “bằng tiếng annam kể tích nọ điều kia trong đạo”cho người giáo dân, mở các trường học, bệnh viện[1].

Giống như Công đồng Kẻ Sở 1912 đã tiếp nối công việc của Công đồng Kẻ Sặt 1900 để đáp lại những yêu cầu của thời đại, Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội 2022 cũng muốn tiếp nối công việc Công đồng Kẻ Sở, canh tân đời sống đức tin để đáp lại những biến động đã và đang diễn ra trong xã hội ngày nay, trong cùng một tinh thần “tham gia và hợp tác”, tức tinh thần hiệp hành hay đồng nghị.

Trong Thư triệu tập công nghị 2022, Đức Tổng Giám mục Giuse viết:

“Nhân dịp này [tức nhân dịp kỷ niệm 110 năm cử hành Công đồng Kẻ Sở], chúng ta cũng cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với việc học hỏi, sống và diễn tả đức tin trong một xã hội có nhiều biến động và đang thay đổi từng ngày với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh đó, canh tân đời sống đức tin là điều cần thiết để dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội tìm ra một hướng đi, trung thành với sứ mạng loan báo Tin mừng. …Ước mong và thao thức canh tân là động lực thôi thúc chúng ta cử hành một Công nghị Giáo phận[2].

Tuy trong tiếng Việt, Công đồng Kẻ Sở và Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội có danh xưng khác nhau, một bên là công đồng, một bên là công nghị, nhưng trong tiếng La Tinh danh xưng chính thức của Công đồng Kẻ Sở là Synodus Tonkinensis. Còn Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội trong tiếng La Tinh, theo G.L. điều 460, cũng là một Synodus (Synodus dioecesana)[3].

Điểm chung của các Synodi Synodality (được dịch sang tiếng Việt là tính Hiệp hành). Theo giải thích của Ủy ban thần học quốc tế, đó là “sự tham gia và hợp tác của Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”[4]. Đức Tổng Giám mục Giuse đã nêu rõ tính hiệp hành này trong Thư triệu tập công nghị 2022:

“Mọi thành phần Dân Chúa là giáo sỹ, tu sỹ và giáo dân đều được mời gọi với tất cả tâm huyết qua việc lắng nghe nhau, chân thành đóng góp ý kiến, nhất là cùng nhau cầu nguyện liên lỉ để xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp chúng ta có những định hướng mục vụ phù hợp với Thánh Ý Chúa.”[5].

Sau một năm dành cho việc khảo sát, gặp gỡ, lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, nay chúng ta vui mừng được thấy Đức Tổng Giám mục Giuse chính thức khai mạc Công nghị Tổng Giáo phận.  Để dọn đường cho các phiên họp của Công nghị, bài trình bày này sẽ giới thiệu “Tổng quát về việc canh tân đời sống đức tin tại Tổng Giáo phận Hà Nội và gồm ba phần. Phần I sẽ xác định lại bản chất của đức tin, nêu rõ sự cần thiết của đức tin và những lý do tại sao cần phải canh tân. Phần II sẽ lược qua một vài nét chính trong thực trạng đời sống đức tin của Tổng Giáo phận Hà Nội để biết cần phải canh tân ở những mặt nào. Cuối cùng, ở Phần III, sẽ nói đến tính cấp bách của việc canh tân.

A. Đức tin: một thực tại bất biến và cần thiết tuyệt đối cho con người

1. Đức tin là một ân sủng

Đức tin là một ân sủng. Đó là điều đầu tiên cần phải nói về đức tin. Trích Tin Mừng theo Thánh Matthêu, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo khẳng định:

Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông: Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17)”[6].

Ân sủng của Thiên Chúa không dừng ở chỗ Thiên Chúa tỏ cho con người biết mầu nhiệm của Ngài, nhưng Ngài còn thu hút con người từ bên trong. Chúa Giêsu nói với người Do thái:

Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,44).

Vì đức tin là một ân sủng, nên mọi ý định truyền bá đức tin hay canh tân đời sống đức tin đều không thể bắt đầu bằng những hành động của con người, cho dù đó là những dự án, những kế hoạch, những chương trình được chuẩn bị chu đáo nhất và được tiến hành với những phương tiện đầy đủ nhất. Điều cần làm trước là cầu nguyện, xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin, xin Chúa gửi Thánh Thần Ngài đến canh tân lòng trí các tín hữu. Chính vì thế thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được tôn phong làm Quan Thầy các xứ truyền giáo ngang hàng với Thánh Phanxicô Xaviê.

2. Đức tin là một hành vi nhân linh

Đức tin là một ân sủng nhưng cũng là một hành vi của con người. Thiên Chúa ngỏ lời và thu hút con người, đó là bước thứ nhất, đến từ Thiên Chúa. Cần có một bước thứ hai nữa để có đức tin hoàn chỉnh, đó là con người đáp lời Thiên Chúa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo khẳng định:

 “Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và sự trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tin vẫn thật sự là một hành vi nhân linh[7] .

Trong việc đáp lại từ phía con người, có một phần của hiểu biết và có một phần của ý muốn dấn thân. Trước khi tin chúng ta cần phải biết Thiên Chúa là ai và Ngài dạy những gì. Tất cả những gì cần phải biết, cần phải tin đã được Thiên Chúa mặc khải nơi Đức Kitô:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2).

 Tất cả nội dung mặc khải đã được Chúa Kitô trao cho các Tông đồ, và đó là “Kho tàng đức tin” (Depositum fidei). Kho tàng ấy được cô đọng trong các tín biểu, còn gọi là các Kinh Tin Kính, và có tính bất biến, không ai được thêm bớt điều gì. Thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ với các tín hữu Galát:

Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 6,8-9).

Tuy nhiên đức tin không chỉ là hiểu biết, nhưng còn là vâng lời làm theo lời mặc khải, giống như tổ phụ Abraham và như Đức Maria đã làm[8]. Đối với người Công giáo, tin không chỉ là chấp nhận những điều Thiên Chúa dạy là đúng nhưng trên hết là tin vào Thiên Chúa, sẵn sàng làm theo mọi lời Ngài dạy.   

3. Cần phải tin mới được cứu rỗi

Một đức tin chân chính sẽ mang lại ơn cứu rỗi, và phải có đức tin mới được ơn cứu rỗi. Thư gửi tín hữu Hípri viết: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Hr 11,6).

Đức tin cần thiết như thế nên người tín hữu, một khi đã nhận được từ Thiên Chúa, sẽ đem hết sức để giữ cho vẹn toàn. Trước hết là gìn giữ vẹn toàn khi gặp những bách hại và cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã cảnh báo ông Phêrô: “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Ngày nay Satan tiếp tục “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 5,8).

Thứ đến là gìn giữ vẹn toàn trước những giải thích và thực hành sai lạc. Ngay thời các tông đồ, Giáo Hội đã phải đương đầu với nhóm tín hữu chủ trương rằng tin vào Chúa Giêsu Kitô không đủ, mà còn phải giữ luật Môsê nữa. Thánh Phaolô đã chống trả quyết liệt cách hiểu sai lạc này và lặp đi lặp lại nhiều lần: “Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô” (Gl 2,16; x. Rm 3,24.28).

Ngày nay có những nhóm như nhóm “Sứ điệp từ trời”, xuất phát từ Châu Âu, nhóm “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” xuất phát từ Hàn quốc, hay nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, xuất phát ngay từ Việt Nam, tiếp tục lôi cuốn một số tín hữu rời xa con đường đức tin chân chính.

Chỉ một thế hệ trước, người công giáo đã từng là nạn nhân của kỳ thị và đàn áp dưới nhiều hình thức. Hết mọi thành phần dân Chúa, linh mục, tu sỹ, giáo dân, hễ ai muốn trung thành với Thiên Chúa và với Hội Thánh, đều đã phải chiến đấu để bảo vệ đức tin. Thời nay, bách hại bằng cách bắt giam, bỏ tù, tra tấn và hành quyết chỉ còn ở một vài nơi, nhưng cám dỗ để người tín hữu bỏ đức tin thì nhiều. Người ta đã gọi đó là cám dỗ của “chủ nghĩa vô thần thực tiễn”.

Nhưng không chỉ có việc giữ đức tin mà còn có việc truyền bá đức tin. Chính vì cần phải tin mới được cứu rỗi nên Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngài nói với các ông: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Chính vì biết người Việt Nam cần phải tin mới được cứu rối nên các vị thừa sai đã vượt nghìn trùng biển khơi đến Việt Nam để truyền bá đức tin cho người Việt Nam. Ân sủng tiếp nhận đức tin gắn liền với bổn phận truyền bá đức tin.

Công nghị Tổng Giáo phận lần này được Đức Tổng Giám mục triệu tập nhằm giúp các thành phần Dân Chúa một đàng bảo vệ đức tin trước các tác động tiêu cực của xã hội hiện tại, đàng khác tận dụng các ảnh hưởng tích cực để đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng.

B. Thực trạng đời sống đức tin của Tổng Giáo phận Hà Nội

Đời sống đức tin của người tín hữu đang chịu những tác động nào từ môi trường xã hội? Chỉ cần so sánh với hai mươi năm trước,  chúng ta cũng có thể thấy xã hội Việt Nam đã biến chuyển nhiều về mặt kinh tế và văn hóa. Có thể ra đây một số hiện tượng tiêu biểu.

1. Bối cảnh thời đại hôm nay

a) Một số hiện tượng tiêu biểu

  • Công nghiệp hóa

Trước hết là hiện tượng công nghiệp hóa. Trong vòng hai mươi năm qua, các xí nghiệp và các khu công nghiệp được xây dựng và đưa vào vận hành với một tốc dộ nhanh chóng ở những miền trước đây hoàn toàn sống bằng nông nghiệp. Từ năm “2011 – 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước”[9].

  • Đô thị hóa

Cùng đi với hiện tượng công nghiệp hóa là hiện tượng đô thị hóa. Đô thị hóa ở cả hai khía cạnh: các đô thị mở rộng diện tích và đời sống nông thôn càng lúc càng gần với đời sống đô thị. Một mặt “tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị năm 2016”[10]. Năm 2008, Hà Nội mở rộng, sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình. Diện tích tăng gấp 3,6 lần trước đó, số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu. Mặt khác, hàng loạt dự án giao thông lớn đã kết nối các khu đô thị với nông thôn và hầu hết các vùng nông thôn này đều có hệ thống điện – đường – trường – trạm.

  • Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh

Việc phát triển công nghiệp đã tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần đáng kể làm tăng thu nhập của người dân: Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, từ năm 1995 đến năm 2021, thu nhập bình quân của Việt Nam tăng 13,5 lần, từ 277 USD đến 3743 USD[11]. Nhiều người đã vượt qua mức phải lo cho được “ăn no mặc ấm” và đã tiếp cận mức “ăn ngon mặc đẹp”.

  • Toàn cầu hóa

 Gắn liền với việc công nghiệp hóa là việc mở cửa tiếp nhận đầu tư nước người, cùng với đó là trao đổi hàng hóa, tiền tệ, thông tin và con người, tạo nên hiện tượng toàn cầu hóa. Người dân nhanh chóng tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của các  xu thế mới trong khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật hình thảnh ở nhiều nơi trên thế giới.

b) Tác động đến đời sống đức tin

  • Chủ nghĩa tương đối

Người giáo dân sống trong môi trường đô thị tiếp xúc nhiều với những người có lối sống, có niềm tin khác với mình. Để tránh va chạm, người ta thường không khẳng định niềm tin của mình, và trong các cuộc trao đổi, chỉ dừng lại ở một số giá trị nhân bản mọi người có thể chấp nhận. Từ đó dễ rơi vào khuynh hướng tương đối hóa đức tin, cho rằng đạo nào cũng tốt. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành.

  • Chủ nghĩa thế tục

Việc phát triển công nghiệp là kết quả của các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Khi công nghiệp phát triển, khi càng lúc càng có nhiều người được hưởng thụ các thành quả của khoa học kỹ thuật, diễn ra điều các nhà xã hội học gọi là hiện tượng “thế tục hóa”. Người ta tin vào khả năng của khoa học kỹ thuật để đem lại cuộc sống sung túc, chữa lành bệnh tật, hơn là tin vào quyền năng thiêng liêng. Thế tục hóa được định nghĩa là “quá trình qua đó tôn giáo giảm tầm quan trọng trong cả bình diện xã hội và trong ý thức của những cá nhân”[12].

2. Nguồn dữ liệu để lượng định thực trạng đời sống đức tin của Tổng Giáo phận

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội như thế, các thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo phận đã sống đức tin của mình ra sao? Để có một cái nhìn tương đối chính xác và khách quan về thực trạng đời sống đức tin của Tổng Giáo phận, ngoài kinh nghiệm trực tiếp của các thành viên Công nghị là những người đã tiếp xúc sâu sát với các mặt sinh hoạt của Tổng Giáo phận, Công nghị còn có thể dựa vào nguồn dữ liệu có được qua các cuộc Hội thảo tiền công nghị và qua cuộc khảo sát giáo dân trong Tổng Giáo phận tổ chức năm 2021.

a) Các cuộc hội thảo Tiền Công nghị

Đức Tổng Giám mục Giuse đã cho tiến hành hai mươi hai cuộc hội thảo Tiền Công nghị, được tổ chức tại hầu hết các hạt trong Tổng Giáo phận, để thu thập được ý kiến của đầy đủ các thành phần dân Chúa, đại diện cho tất cả các bậc sống và các mặt hoạt động trong Tổng Giáo phận, từ các linh mục, tu sỹ, đến giáo dân sống đời gia đình, giới trẻ, sinh viên, từ những người làm việc trong lãnh vực phụng vụ, giáo lý, bác ái, truyền giáo, thánh nhạc, truyền thông, đến những người hoạt động bảo vệ công lý hòa bình và những người phụ trách công việ xây dựng.

b) Khảo sát giáo dân trong Tổng Giáo phận Hà Nội

Để chuẩn bị cho Công nghị, Tổng Giáo phận cũng đã thực hiện từ năm 2021 một cuộc khảo sát giáo dân trong Tổng Giáo phận. Kết quả cuộc khảo sát đã được tổng kết trong một báo cáo sơ bộ có tên là Đời sống đức tin của giáo dân trong thời đại hôm nay. Sau đây xin nêu lên một số ví dụ trích trong bản báo cáo ấy:

1. Về nền tảng đức tin.

Theo bản báo cáo, “người Công giáo TGP Hà Nội có niềm tin vào Thiên Chúa và các chân lý đức tin rất cao, với điểm trung bình 9,22/10 điểm”[13].

2. Về đời sống bác ái: “Người giáo dân TGP Hà Nội tích cực quyên góp tiền, vật chất cho người khó khăn 64,0%”[14]

3. Về sống công bằng:
76,1% không tham lam, nhận hối lộ (23,3% nhận và đưa hối lộ)

87,9% tôn trọng tài sản chung (11,6% không tôn trọng tài sản chung)[15]

4. Về việc thực hành giáo lý trong đời sống hôn nhân gia đình: “89,7% luôn chung thủy trong hôn nhân; 92,7% luôn cố gắng xây dựng gia đình hòa thuận, yêu thương” [16].

5. Về mức độ tham gia công cuộc truyền giáo: “Dữ liệu khảo sát cho thấy, mức độ thường xuyên (rất nhiều lần) thực hiện những hoạt động có ý nghĩa truyền giáo của giáo dân rất hạn chế, chủ yếu là thực hiện “một vài lần”, hoặc “chưa từng làm”[17].

C. Tính cấp bách của việc canh tân

1. Tại sao phải canh tân đời sống đức tin?

Có thể có người dựa vào những điều tự mình quan sát được và dựa vào những câu trả lời trong bản Khảo sát để cho rằng đời sống đức tin của đa số các tín hữu trong Tổng Giáo phận vẫn còn rất tốt[18]. Vì thế chỉ cần làm sao giữ nguyên tình trạng hiện thời là đủ, không cần canh tân gì cả.

Tuy nhiên cùng đọc một dữ liệu, lại có hai cách hiểu. Người lạc quan thì nhấn mạnh đến việc đa số “người công giáo vẫn có niềm tin vào Thiên Chúa và các chân lý đức tin rất cao”. Nhưng người bi quan thì lưu ý đến con số chỉ có 24,8 % trả lời là không tham gia cúng bái, lên đồng, gọi hồn, xem bói[19]. Tức là có đến 75,2 % tín hữu có tham gia bằng cách này hay cách khác vào những việc mang tính chất mê tín dị đoan. Người lạc quan thì vui mừng vì có đến 64% tích cực quyền góp vật chất để giúp kẻ nghèo. Người bi quan thì cho rằng như vậy còn đến 46% người công giáo không thực hành giới răn yêu người.

Ở đây cách nhìn bi quan có lẽ gần hơn với quan điểm của Tin Mừng hơn. Chúa Giêsu quan tâm đến con chiên lạc, đến người tội lỗi. Ngài quả quyết: ai có một trăm con chiên mà mất một con, “lại không để chín mươi chín con ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”? Và Ngài mạnh mẽ kết luận “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (x. Lc 15, 4-7).

Thánh Phaolô ví Hội Thánh Chúa Giêsu như một thân thể và vì thế: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,26). Với tư cách là người chủ chăn, ngài lại càng lo lắng hơn nữa cho sự an nguy của các tín hữu: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cr 11,29).

2. Một cuộc canh tân có tính cấp bách

Dựa trên kinh nghiệm thực tế, dựa trên các dữ kiện xã hội học, trên kết quả của những cuộc hội thảo tiền Công nghị và trên kết quả của cuộc khảo sát giáo dân trong Tổng Giáo phận, có thể thấy mọi tầng lớp tín hữu gồm cả linh mục, tu sỹ và giáo dân đang phải đương đầu với nhiều khó khăn mới phát xuất từ những hiện tượng kinh tế xã hội văn hóa trước đây chưa có hoặc có nhưng chưa rõ nét.

Tiến độ của việc công nghiệp hóa, đô thị hóa không có dấu hiệu chậm lại, trái lại càng lúc càng diễn ra nhanh hơn. Đời sống đạo của các giáo xứ ở thành phố đã phải thay đổi để thích nghi với nhịp sống đô thị, từ giờ lễ cho đến cách cử hành Thánh Lễ, từ giờ dạy giáo lý cho đến cách thức dạy giáo lý, từ giờ giấc cho đến cách sinh hoạt của các hội đoàn. Đời sống đạo của các giáo xứ thôn quê cũng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa đô thị.

thể nêu lên đây một số khó khăn và thách thức đang chờ đường hướng giải quyết của của Công nghị Tổng Giáo phận 2022. Chẳng hạn như:

Làm thế nào để giúp cho đời sống của các thành phần dân Chúa thấm nhuần hơn nữa chân lý đức tin? Làm thế nào để mọi tín hữu hiểu biết giáo lý cách đầy đủ và chính xác hơn nữa? Theo nhận định nêu lên trong bài tham luận Hội thảo giới trẻ thì: “Số lượng các bạn đi học giáo lý rất ít, có khi rất hiếm, do vậy các bạn hầu như không thuộc những kinh bổn cần thiết”[20].

 Làm thế nào để các lớp giáo lý không chỉ truyền thụ kiến thức, nhưng còn giúp người học tiếp xúc gần gũi hơn với Thiên Chúa?[21] Làm thế nào để các hội đoàn và các sinh hoạt đạo đức khác không chỉ dừng lại ở các hoạt động lễ hội nhưng giúp những người tham gia có “có sự thăng tiến về đời sống đức tin”?[22] Làm sao cho tín hữu thể hiện đức tin bằng một lối sống công bằng và bác ái hơn, nói không với làm ăn gian dối, nói không với đưa hối lộ và nhận hối lộ?[23] Làm sao để giới trẻ tiếp tục giữ đạo giữa những trào lưu hầu như không thể cưỡng nổi như chủ nghĩa tiêu thụ, hay chủ trương tự do tính dục, “sống thử tràn lan, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai”[24]? Làm thế nào để đời sống gia đình được bền vững trong khi việc ly hôn đã trở thành một giải pháp phổ biến đến mức bình thường cho những xung đột vợ chồng?[25] Có những cách thức nào để giúp mọi tín hữu ý thức trách nhiệm tham gia tích cực vào công việc truyền giáo và tái truyền giáo[26]?

Kết luận

Để kết luận, xin được trích một đoạn trong bài suy niệm có nhan đề là “Tôi biết tôi đã tin vào ai”, do  Đức Tổng Giám mục Giuse viết từ năm 2017, trước khi ngài nhận chức vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội. Bài suy niệm này vẫn còn đăng trên trang mạng của HĐGM/VN. Đức Tổng Giám mục nhận định:

Người tín hữu tức là người tin vào Chúa. Tuy vậy, đối với nhiều người, “tin vào ai” hoặc “tin như thế nào” vẫn là một điều mơ hồ”.

Và ngài nêu lên hậu quả:

Hậu quả của lối sống Đạo thiếu giáo lý là một đức tin sơ sài, chỉ chú trọng đến bề nổi và những sinh hoạt kiểu hội hè, nặng tính thế tục. Cũng vậy, một số người có thói quen lượng giá đời sống đức tin của một cộng đoàn qua những bộ đồng phục hoặc những tổ chức bên ngoài mà ít nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và tình bác ái. Họ tin Chúa, nhưng chưa hiểu rõ Chúa là ai đối với họ. Chính vì vậy, khi gặp gian nan thử thách, họ dễ ngã lòng và chao đảo. Đó là những người mang danh có Đạo, nhưng lại không biết mình tin vào ai[27].

Thiển nghĩ, tình trạng mà Đức Tổng Giám mục đề cập trong bài suy niệm viết cách đây năm năm vẫn còn là tình trạng của ngày hôm nay. Người tín hữu chỉ có thể giữ vững đức tin và hơn thế nữa, hiên ngang tuyên xưng đức tin, khi có thể quả quyết với Thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12). Cầu xin Chúa ban cho quý Đại biểu Công nghị dồi dào ơn khôn ngoan để các vị đưa ra những để xuất có khả năng canh tân đời sống đức tin của Tổng Giáo phận.


[1] Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP, Vài nét về công đồng Kẻ Sở nhân dịp kỷ niệm bách chu niên (1912 – 2012), http://conggiao.info/vai-net-ve-cong-dong-ke-so-nhan-dip-ky-niem-bach-chu-nien-1912-%E2%80%93-2012-d-11750

[2] Ibid.

[3] X. GL 460.

[4] X. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, 2/3/2018.

[5] Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Thư mục vụ v/v triệu tập công nghị Tổng giáo phận kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở, ngày 17 tháng 11 năm 2021.

[6] GLHTCG 153.

[7] GLHTCG 154.

[8] X. Hr 11,17; Lc 1,48.

[9] Nguyên Long, Ngành Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, VOV 29/01/2021. https://vov.vn/kinh-te/nganh-cong-nghiep-co-toc-do-tang-truong-cao-nhat-trong-giai-doan-2011-2020-833943.vov

[10] Ban Các vấn đề xã hội và môi trường, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và một số hệ lụy, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21873

[11] UGVF, Thu nhập bình quân (GDP) đầu người của Việt Nam qua các thời kỳ (Nguồn : Ngân hàng Thế giới), https://www.ugvf.org/vi/thu-nhap-binh-quan-gdp-dau-nguoi-cua-viet-nam-qua-cac-thoi-ky/

[12] P. Berger, “Reflections on the sociology of religion today”, Sociology of religion, Winter, 2001, trích trong Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã hội học tôn giáo, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2022, tr.242.

[13] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu chuẩn bị Công nghị TGP Hà Nội 2022, tr.84

[14] Tổng giáo phận Hà Nội, Đời sống đức tin của giáo dân trong thời đại hôm nay, Báo cáo sơ bộ khảo sát giáo dân trong Tổng giáo phận Hà Nội 11/2021, (viết tắt Báo cáo khảo sát giáo dân)tr.14.

[15] Ibid. tr. 14.

[16] Ibid.  tr.18.

[17] Tổng giáo phận Hà Nội, Báo cáo kháo sát giáo dân,tr.27.

[18] X. Tổng giáo phận Hà Nội, Báo cáo khảo sát giáo dân, tr.11.

[19] Tổng giáo phận Hà Nội, Báo cáo khảo sát giáo dân, tr.19.

[20] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu hội thảo tiền công nghị, Tham luận Hội thảo Giới trẻ, tr. 36.

[21] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu hội thảo tiền công nghị, Tham luận Hội thảo Giáo lý, tr. 91.

[22] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu hội thảo tiền công nghị, Tham luận Hội thảo Hội đoàn, tr. 244.

[23] Tổng giáo phận Hà Nội, Báo cáo khảo sát giáo dân, 2021, tr. 14. Có đến 20,8% người tự nhận không sống công bằng, và 23.3 % tự nhận là có đưa và nhận hối lộ.

[24] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu hội thảo tiền công nghị, Tham luận Hội thảo Giới trẻ, tr. 37.

[25] Tổng giáo phận Hà Nội, Tài liệu chuẩn bị Công nghị TGP Hà Nội 2022, tr.84.

[26] Tổng giáo phận Hà Nội, Báo cáo khảo sát giáo dân, 2021, tr. 27. Dữ liệu khảo sát cho thấy, mức độ thường xuyên (rất nhiều lần) thực hiện những hoạt động có ý nghĩa truyền giáo của giáo dân rất hạn chế, chủ yếu là thực hiện “một vài lần”, hoặc “chưa từng làm”.

[27] Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tôi biết tôi đã tin vào ai, Suy niệm Mùa Phục Sinh 2017, https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/toi-biet-toi-da-tin-vao-ai-29514 .

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top