[Đôi khi chúng ta nên tự hỏi bản thân câu hỏi chất vấn mà Dante nghe thấy mình được Đại bàng hỏi hay chính là biểu tượng cho những người có phúc, liên quan tới mầu nhiệm công lý thần thánh hay ngươi là ai mà muốn ngồi ghế quan tòa, / để xét xử xa hàng ngàn dặm / với tầm nhìn ngắn bằng gang tay?” (Dante, Thần khúc, Thiên đàng XIX, 79-81). Người phương đông có câu nói khuyên nhủ rằng: “Khi chỉ ngón trỏ về phía người khác, hãy nhớ trên tay còn 3 ngón khác chỉ ngược về phía ta”. Theo Dante, có một cám dỗ mạnh mẽ lôi cuốn ta ngồi vào ghế thẩm phán và phán quyết cách dễ dàng mà không cần điều tra công trạng và những điều kiện để có thể kết án người khác, chỉ trích một thực tế cách xa hàng ngàn dặm với tầm nhìn hạn hẹp không quá lòng bàn tay.]

Lời khuyên dạy trong Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu thật súc tích làm sao: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7,1-2). Ở đây, ta chú ý tới động từ krínô “xét đoán” được dùng tới 114 lần trong Kinh thánh Tân ước. Trong khi đó, danh từ krísis được hiểu là sự phán quyết của thẩm phán (hay cách khác, đó là sự xét xử, phán quyết) sau khi đã xem xét tỉ mỉ, kiểm tra các bằng chứng và nhân chứng thì xuất hiện 47 lần.
Chúa Giêsu đặc biệt chê ghét sự giả hình, với bề ngoài cao quý nhưng thối nát và gian trá từ bên trong, ngụy tạo một hình ảnh chói lóa của “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp” và Kinh thánh đã viết rõ ràng rằng: “Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28). Còn với Dante, ông viết rằng những giả hình, đạo đức giả này sẽ bị giam cầm ở ngục thứ 6 thuộc tầng Địa ngục thứ 8, chúng khoác trên người áo choàng bên ngoài dát vàng nhưng bên trong nặng nề chỉ toàn chì (trích khúc XXIII, Địa ngục, Thần khúc, Dante).
Chúa Giêsu đưa ra một bản án nặng nề được xây dựng từ dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-14), nơi mà sự xét đoán kênh kiệu của những kẻ “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” lên ngôi. Thánh Phaolô cũng đã quả quyết rằng: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1). Duy chỉ Thiên Chúa có quyền phán xét vì người nhìn thấu tâm can, tức lương tâm của mỗi người và Ngài sẽ không kết tội theo vẻ bề ngoài nhưng “cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1Pr 1,17).
Những người công chính chờ đợi “ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng” (Rm 2,16). Và vì lẽ đó, thánh sử Matthêu trong chương 25 đã miêu tả khung cảnh hào tráng của cuộc phán xét cuối cùng, nơi vị thẩm phán tối cao là Đức Kitô và điều bị lên án chính là sự vi phạm của tội nhân về luật yêu người. Tuy nhiên, hình ảnh biểu tượng tráng lệ nhất về phán xét chung trong lịch sử nhân loại hầu hết được miêu tả trong các trang sách Khải huyền. Bản án dành cho thành Babylon (Kh ch.18 và ch.19) là một sự kết án nghiêm khắc. Tuy nhiên, tất cả đều phải bước qua một ranh giới, vì: “Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (Kh 20,12).

Thế nhưng, Thiên Chúa – Đấng thẩm thán, nhân vật nổi bật qua các trang Cựu ước, không khao khát trả thù những kẻ tội lỗi. Thực vậy, trong khi đáp lại lòng khao khát công lý của các nạn nhân bằng cách sai Con của Người đến và đặt Người làm “thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 20,42), Thiên Chúa có một kế hoạch khác. Chính Người đã tiết lộ cho Nicodemo trong cuộc gặp gỡ vào ban đêm tại Jerusalem: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Và Đức Kitô cũng nhắc lại rằng: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24).

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi
Theo báo Famiglia Cristiana
Chuyển ngữ: Maria Phạm Linh