Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha cùng tất cả các tham sự viên Đại hội,
Trong bầu khí thánh thiện của Giáo Hội tại Việt Nam, với hồng ân Năm Thánh 2010, UB Caritas Giáo phận Hà Nội chúng ta vừa được thiết lập thì ngay lập tức đã tổ chức Đại hội Caritas Giáo xứ này. Đây là việc làm thật ý nghĩa và hy vọng mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho hoạt động bác ái của các giáo xứ nói riêng, và việc Phúc Âm hóa của Giáo Hội nói chung.
Đây là lần đầu tiên Tổng Giáo phận tổ chức đại hội Caritas Giáo xứ, và là một trong số 143 giáo xứ của giáo phận, chúng con được mời phát biểu tham luận về tổ chức Caritas Giáo xứ. Điều đó khiến chúng con thật sự xúc động, và cũng rất là lúng túng. Xong, vì công việc bác ái có ít nhiều quy mô ở tại giáo xứ Lưu Xá chúng con đã thực hành trong suốt 5 năm qua, con xin mạnh dạn trình bày về hiện hành đó, để góp một ý kiến nhỏ cho việc TỔ CHỨC CƠ CẤU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT CỦA CARITAS GIÁO XỨ trong toàn giáo phận.
Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha cùng các tham dự viên Đại Hội, cách nay 5 năm, ngày 10 tháng 9 năm 2005, dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse Nguyễn Tiến Mẫn (phụ trách xứ Lưu Xá), Liên Hội Bác ái của giáo xứ Lưu Xá được khai sinh, với sự tham gia của gần 4 trăm gia đình thành viên thuộc 4 giáo họ trong giáo xứ.
Liên Hội bao gồm các Chi Hội thuộc mỗi giáo họ, nhận Chân Phước Tê- rê- xa Can- cut-ta làm bổn mạng, và lấy ngày 10 tháng 9 hàng năm (ngày Mẹ Têrêsa được mời gọi làm bác ái) là ngày mừng lễ Bổn mạng.
Mỗi Chi Hội bầu Ban Điều hành 5 người, để thu góp phần đóng góp của các hội viên cũng như của các nhà hảo tâm; tìm kiếm địa chỉ của những người khuyết tật và những người quá nghèo trong khu vực (cả trong và ngoài công giáo), thay mặt cho các hội viên đi thăm hỏi định kỳ và trao quà.
Mỗi Chi Hội bầu 01 thành viên đại diện, để liên lạc với Cha Xứ và các Chi Hội khác.
Tháng 2 năm 2006, con về kế nhiệm Cha Giuse tiếp tục củng cố và phát triển thêm số hội viên của Liên Hội, và trực tiếp cùng với Ban Điều hành đi đến các gia đình kém may mắn, mở rộng chương trình động viên giúp đỡ tới các gia đình này trong các xóm lương dân thuộc 10 xã. Khi đi sâu như vậy, con mới thấy rằng trong cộng đồng của chúng ta còn rất là nhiều những mảnh đời thật đáng thương, có quá nhiều người khuyết tật.
VỀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG GÓP VÀ THỰC HÀNH
CHIA SẺ VỚI NHỮNG NGƯỜI KÉM MAY MẮN
Chúng con xin kính trình Đại Hội những điểm sau:
Để có thể định hướng cho cách thức tổ chức cơ cấu, cũng như đặt ra phương hướng cho hoạt động Caritas tại giáo xứ, trước hết chúng con phải tìm kiếm nhân sự và nguồn kinh phí,
* Về nhân sự: Con đặt ra cho mình là chính cha xứ phải là động lực chủ chốt cho công việc được xem như phần mục vụ căn bản của chức linh mục cũng như của trách vụ mục tử, đó là làm việc bác ái. Và vì thế, chính cha xứ sẽ là Chủ tịch Caritas Giáo xứ.
Đây là công việc đòi có nhiều nhân sự cộng tác để tìm hiểu cộng đồng để biết và đến được với những người nghèo; người kém may mắn, việc thăm hỏi thường xuyên để động viên và trao quà, và cả việc cộng tác tìm nguồn kinh phí, chúng con phải tìm đến sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo dân. Vì thế, chúng con đặt ra cho tất cả các giáo họ phải có các thành viên cộng sự, mỗi họ 5 người để lập Ban Điều hành.
Caritas Giáo xứ không phải là một tổ chức chỉ đơn thuần đứng ra làm trung gian chuyển tải tiền của cho người nghèo, càng không phải là một tổ chức chỉ tạo nên thành mô hình để lấy tiếng, vì thế chúng con mời gọi tất cả các gia đình trong giáo xứ đều tham gia vào hoạt động.
* Về nguồn kinh phí: Ban Điều hành sẽ nghiên cứu để ước định việc đóng góp của các gia đình thành viên hàng tháng hàng quý. Đối với Caritas Giáo xứ Lưu Xá chúng con thuộc địa bàn giáo dân còn nghèo, nên việc đóng góp của các gia đình thành viên hàng tháng là rất thấp: 2000VND mỗi tháng (từ cách đây 5 năm), nay nâng lên 3000VND. Với việc đóng góp khiêm tốn như vậy, nay chúng con đã mời gọi được hơn sáu trăm gia đình thành viên gia nhập Caritas Giáo xứ. Bên cạnh nguồn kinh phí của các gia đình thành viên đóng góp định kỳ, giáo xứ luôn luôn có sự cộng tác chung của tất cả mọi người giáo dân đi dâng lễ mỗi Chúa Nhật. Đó là số tiền được trích ra từ chính tiền quyên giáo trong mỗi Thánh lễ. Bên cạnh nguồn ngân sách đó, cha xứ và những nhà hảo tâm cũng hỗ trợ thêm bằng tiền riêng.
* Về phương cách quản lý và chia phát tài chính: Để tránh sự nhầm lẫn, tránh bị hiểu lầm và sự vướng mắc cho các Điều hành viên, tuyệt đối cấm việc thu góp để gây quỹ. Các gia đình thành viên sẽ đóng góp định kỳ một năm hai kỳ (vào Mùa Chay và Mùa Vọng). Tiền dâng góp sẽ chuyển tất cả về Chủ tịch Liên Hội để cân đối và định liệu chung đều cho tất cả các đối tượng cần quan tâm. Riêng đối tượng đáng quan tâm nhiều hơn, Cha Xứ tùy trường hợp mà giúp riêng thêm.
* Về liên đới: Liên Hội đưa thông tin về con số người nghèo mà Liên Hội đang quan giúp đỡ, cũng như về hoàn cảnh của những đối tượng đặc biệt cần sự trợ giúp, để liên hệ với UB Caritas giáo phận và các giáo xứ có nguồn kinh phí dồi dào hơn mà xin hỗ trợ, cũng như các nhà hảo tâm cũng sẽ đặc biệt quan tâm giúp họ.
* Kết quả đã thực hiện được:
Với cách tổ chức nhân sự và tìm nguồn tài chính như đã trình bày, 5 năm qua chúng con đã xây dựng được 5 ngôi nhà ba gian tường gạch mái ngói khá tươm tất cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong khu vực, 1 ngôi nhà nhỏ 2 gian tường gạch mái Bờ-rô.
Định kỳ mỗi năm vào Mùa Vọng và Mùa Chay chúng con đều đi thăm hỏi tặng quà cho những người nghèo và người khuyết tật tại gia đình trong khu vực 10 xã. Số các gia đình mà chúng con quan tâm thăm hỏi định kỳ là 250. Một số trường hợp đau yếu nặng thì chúng con giúp đỡ thường xuyên hơn.
Trường hợp có những đối tượng quá khó khăn như gia đình anh Đáng lương dân trong vùng, Anh bị mất trí, Chị bị gẫy cột sống, họ hàng ép Anh Chị cho 2 người con trai phải đi ở làm con nuôi, chúng con nhờ các gia đình có thu nhập kinh tế ổn định nhận nuôi bằng trợ cấp hàng tháng cho các chúa đủ ăn học mà vẫn được ở với cha mẹ.
Từ khi việc bác ái được thực hiện sâu rộng vào vùng các làng lương dân, các người bệnh và người khuyết tật được chính gia đình họ nâng đỡ họ hơn; xã hội quan tâm đến họ nhiều hơn, và cả người lương dân cũng như chính quyền chân trọng linh mục, chân trọng các sinh hoạt công giáo cũng như cộng đoàn giáo xứ giáo họ hơn.
Khi đã thực hành được 5 năm, chúng con thấy mỗi ngày số hội viên Caritas giáo xứ gia tăng và phấn khởi, các nhóm điều hành thấy hạnh phúc và nhiệt thành. Chúng con thiết nghĩ, giáo xứ không thể không có Caritas.
Lm. GB Phan Ngọc Pháp
Chính xứ Lưu Xá