Thánh lễ vừa mang ý nghĩa thần học vô cùng sâu xa, vừa là việc thờ phượng Thiên Chúa mà đa số các tín hữu thường xuyên cử hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải mọi tín hữu đều hiểu ý nghĩa sâu xa của Thánh lễ. Vì thế, chúng tôi sẽ tuần tự giải thích ý nghĩa Thánh lễ dưới hình thức trả lời các câu hỏi liên quan tới bí tích cực trọng này. Nội dung các câu trả lời tập trung ở khía cạnh mục vụ, tuy nhiên, khi thấy cần thiết, chúng tôi cũng sẽ nhắc tới khía cạnh lịch sử và thần học.
1. Thánh lễ có mấy phần?
Thánh lễ có hai phần chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Đây là hai bàn tiệc, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa dọn ra cho dân của Ngài. Cùng với hai phần chính, Thánh lễ còn có hai phần phụ: các nghi thức mở đầu và các nghi thức kết thúc.
PHẦN I: CÁC NGHI THỨC MỞ ĐẦU
2. Ca nhập lễ ra đời khi nào?
Ca nhập lễ ra đời vào thế kỷ V. Đức Giáo Hoàng Celestinô I (422-432) thiết lập, phải hát 150 Thánh vịnh của vua Đa-vít trước Thánh Lễ, theo cách mọi người hiện diện cùng đối đáp (Antiphona). Đây là điều từ trước tới giờ chưa có, vì người ta chỉ đọc các thư của thánh Phaolô và Tin Mừng mà thôi.
3. Trong lịch sử, ca nhập lễ được hát như thế nào?
Trong lịch sử, ca nhập lễ được soạn thảo theo lối hát luân phiên, đối đáp, nghĩa là chia làm hai bè, do hai phần của ca đoàn, hay ca đoàn và dân chúng. Nó thường gồm một tiền xướng và một thánh vịnh. Tiền xướng được lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc sau mỗi triệt của thánh vịnh. Khi chủ tế tới bàn thờ thì người ta kết thúc bằng câu “Sáng danh Đức Chúa Cha …” rồi lại lặp lại tiền xướng (hình thức đáp ca đang sử dụng ngày nay).
4. Ý nghĩa ca nhập lễ?
Quy chế tổng quát Sách lễ Roma số 47 nói về ý nghĩa ca nhập lễ như sau:
“Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và để kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên tiến đến bàn thánh”.
5. Hiện nay, ca nhập lễ được hát như thế nào?
Quy chế tổng quát Sách lễ Roma số 48 quy định như sau:
“Ca nhập lễ được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc cũng theo thể thức ấy, giữa ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát. Có thể dùng tiền xướng cùng với thánh vịnh đi kèm có trong sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum) hay sách Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum simplex); hoặc dùng một ca khúc nào khác thích hợp với cuộc cử hành, hoặc với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.
Tại Việt Nam, Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám mục sẽ tuyển chọn một số bài thích hợp và đệ trình lên Hội Đồng Giám mục để xét duyệt và phổ biến”.
6. Có thể bỏ ca nhập lễ?
Không thể bỏ ca nhập lễ. Quy chế tổng quát Sách lễ Roma số 48 quy định như sau:
“Nếu không hát ca nhập lễ, thì tất cả hoặc một vài giáo dân hoặc một độc viên, đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính linh mục đọc, khi ấy ngài có thể thích ứng theo như đã nói về lời nhắn nhủ đầu lễ”.
Tuy nhiên, khi đã hát ca nhập lễ thì không cần phải đọc ca nhập lễ ghi trong Sách lễ nữa.
7. Việc hôn bàn thờ bắt nguồn từ đâu?
Cử chỉ hôn bàn thờ bắt nguồn từ các nền văn hoá cổ xưa. Thời xa xưa, người ta thể hiện lòng tôn kính các đền chùa bằng cách hôn các bậc lên xuống. Người ta cũng thường hôn các tượng thần và nếu tượng thần được đặt ở trên cao, người ta hôn vào bàn tay của mình rồi giơ tay lên cao như trao nụ hôn đó cho các vị thần. Người ta cũng hôn bàn thờ các thần, hôn cả bàn ăn trong gia đình. Thói quen này vẫn còn được các đan sĩ Cappucinô tuân giữ trước và sau khi dùng bữa. Các cô dâu cũng thường hôn bàn ăn, hôn bánh và thánh giá khi từ giã cha mẹ ruột để về nhà chồng. Thuở ban đầu, các tín hữu rất nghi ngờ về cử chỉ hôn kính, sợ rằng sẽ lầm lẫn với tà thần, nhưng khi Kitô giáo được tự do, tinh thần được thoải mái hơn, người ta dễ dàng đón nhận nghi thức này. Vào cuối thế kỷ thứ IV đã bắt đầu xuất hiện việc hôn kính bàn thờ như một sự chào hỏi. Việc hôn kính này không những xuất hiện ở Tây phương mà cả bên Đông phương nữa.
8. Ý nghĩa việc hôn bàn thờ hiện nay?
Bàn thờ mang một vài nghĩa chính sau đây:
Bàn thờ là “bàn tiệc của Chúa” (Mensa Domini).
Bàn thờ tượng trưng cho Đức Kitô, “viên đá góc”, “đá tảng vững bền”. Vì vậy, hôn bàn thờ là hôn Đức Kitô, là chào kính Người (x. QCSL, số 298).
Thời Trung Cổ, bàn thờ được xây trên mộ thánh tử đạo, chẳng hạn đền thờ thánh Phêrô và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, hoặc dưới gầm bàn thờ đặt thánh tích các thánh tử đạo, hoặc ít nhất có khăn hoặc vải đã chạm tới thánh tích của các thánh tử đạo, cho nên hôn bàn thờ cũng mang ý nghĩa chào kính, tôn kính các thánh tử đạo, Giáo hội đang lữ hành dưới thế chào kính Giáo hội vinh thắng ở trên thiên quốc.
Theo Đức Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216), Đức Giám mục hôn bàn thờ như vị hôn thê chào vị phu quân của mình.
Khoảng năm 1200, tại Rôma chỉ còn hôn bàn thờ khi ra và khi về, như hiện nay. Ngày xưa, việc hôn bàn thờ luôn đi kèm một lời kinh diễn tả ý nghĩa, nhưng hiện nay lời kinh này cũng không còn nữa.
9. Trong Cựu ước, dân Ítraen dùng hương như thế nào khi thờ phượng Thiên Chúa?
Khi dân Ít-ra-en còn ở trong sa mạc, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Mô-sê làm bàn thờ để đốt hương (x. Xh 30,1-10; 37,25-28):
“Ngươi sẽ đặt hương án đó trước bức trướng che Hòm Bia Chứng Uớc, trước nắp xá tội nằm ở trên Chứng Uớc là nơi Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Trên đó, A-ha-ron sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc A-ha-ron thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Đức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30,7-8).
Mỗi ngày A-ha-ron phải dâng hương cho Thiên Chúa hai lần. Vào thời Đức Giêsu, giờ dâng hương được qui định vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều.
Ban đầu, việc dâng hương chỉ dành cho các thượng tế, nhưng thời Đức Giêsu, người dâng hương là các tư tế, tuần tự theo bốc thăm, như ông Da-ca-ri-a, và mỗi tư tế chỉ được dâng hương một lần duy nhất trong đời.
Người ta chỉ dâng hương cho Thiên Chúa. Các tư tế phải pha chế hương theo đúng quy định của Thiên Chúa (x. Xh 30,34-38), và nghi thức dâng hương được quy định rõ ràng. Ai làm sai sẽ bị tử hình (x. Ds 16, 1-35).
Vào ngày lễ Xá tội, mỗi năm một lần, thượng tế sẽ vào nơi cực thánh dâng hương để tránh tội chết: “Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan Đức Chúa bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan Đức Chúa, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Uớc, và như vậy nó sẽ không phải chết” (Lv 16, 11-14).
Người ta có thể dâng hương độc lập, hoặc kèm theo các lễ vật khác, nhất là các lễ vật không đổ máu, như lúa, hoa trái. Nhưng không bao giờ dâng hương trong các hy tế để xin ơn tha tội: “Nếu người ấy không thể kiếm được một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non, thì vì tội phạm, nó phải đưa đến dâng lễ tiến, là bốn lít rưỡi tinh bột làm lễ tạ tội. Người ấy sẽ không đổ dầu lên trên, cũng không bỏ hương vào, vì đó là lễ tạ tội” (Lv 5,11).
Cựu ước cũng như Tân ước, khói hương tượng trưng cho lời cầu nguyện: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). “Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh” (Kh 5,8; x. 8,3-4).
10. Người Hy lạp và Rôma cổ sử dụng hương như thế nào để tôn kính các thần minh?
Thời cổ xưa, trước Chúa Giêsu, người Hy lạp đốt củi thơm để tôn kính các thần minh. Trầm hương chỉ được sử dụng từ thế kỷ VIII TCN. Người ta đốt hương để bày tỏ lòng tôn kính các vị thần. Người ta đốt hương cùng với lễ vật có máu hoặc không có máu, trộn hương với lễ vật, hoặc rảy hương trên lễ vật rồi thiêu cháy tất cả. Người ta dâng hương trong các lễ nghi diễn ra nơi công cộng hay trong gia đình. Trầm hương được xem là quà tặng quý giá. Ba vua dâng lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược.
Người Rôma tiếp nhận văn hóa của người Hy lạp. Khi chưa khám phá ra trầm hương, người ta đốt các loại cây có hương thơm. Khi dâng lễ vật, người ta dùng trầm hương. Trước khi đốt cháy lễ vật, người ta đổ hương và rượu lên bàn thờ. Ngoài phạm vi tôn giáo, người Rôma thường sử dụng hương trong gia đình, nơi công cộng để tạo bầu khí thoải mái, dễ chịu.
11. Các Kitô hữu tiên khởi sử dụng hương như thế nào trong phụng vụ?
Các Kitô hữu tiên khởi, mặc dù chịu ảnh hưởng của Do thái giáo về ý nghĩa và cách sử dụng hương trong phụng vụ, nhưng họ vẫn nghi ngờ việc sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ, nhất là khi họ nhìn thấy việc dâng hương trong các nghi lễ của ngoại giáo.
Nhìn chung, gần bốn thế kỷ đầu, các Ki-tô hữu không sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ. Một số giáo phụ, chẳng hạn thánh Giustinô lên án việc dâng lễ vật có máu và dâng hương: “Thiên Chúa mà các Kitô hữu tôn thờ, không cần đến các thứ ấy”.
Trong khi các giáo phụ lên án việc dùng hương trong các lễ nghi phụng vụ, thì các ngài lại ủng hộ dùng hương trong các nghi lễ an táng để diễn tả việc tôn kính người đã qua đời. Các Kitô hữu tẩm thi hài người quá cố bằng hương hoặc xông hương xung quanh quan tài để bày tỏ lòng tôn kính, như thói quen của người Do thái: “Ông Nicôđêmô mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,39-40).
Tuy nhiên, theo sách “Di chúc của thánh Ephreim”[1] (+373), trước khi qua đời, ngài căn dặn không dùng trầm hương khi an táng ngài, nhưng trong thánh đường, hãy dâng hương lên Thiên Chúa để mọi người bước vào đều được hưởng mùi thơm tho. Như vậy, bên Giáo hội Đông phương đã sử dụng hương trầm trong thánh đường từ thế kỷ IV. Bên Giáo hội Tây phương, mãi tới cuối thế kỷ IV, chúng ta mới tìm thấy chứng từ nơi thánh Ambrôsiô khi ngài giải thích Lc 1,11: adolere altaria (xông hương bàn thờ). Tuy nhiên, bản văn không cho biết rõ, hương được sử dụng lúc nào và như thế nào trong phụng vụ. Phải đợi các tài liệu tiếp theo chúng ta mới biết rõ.
Các sách phụng vụ cổ xưa cho chúng ta biết, nghi thức xông hương được chia thành hai loại như sau: thứ nhất xuất xứ từ phụng vụ Roma cổ, gồm dùng hương và nến cao khi rước ra, rước về và rước Tin Mừng; thứ hai xuất xứ từ phụng vụ Pháp và Đức cổ gồm xông hương bàn thờ do chủ tế hay một giáo sĩ cấp dưới khác.
12. Nguồn gốc việc xông hương?
Loại thứ nhất, hương và nến cao là dấu hiệu danh dự mà phụng vụ Roma du nhập từ thói quen của tòa án Roma. Thật vậy, các thẩm phán có quyền xét xử. Nhằm diễn tả danh dự và quyền bính của thẩm phán, người ta rước khi ông tiến vào tòa án, đi đầu đoàn rước là người cầm huy hiệu của thẩm phán, tiếp đến là bốn cây đuốc cháy sáng và cuối cùng là Liber mandatorum (đặc quyền của hoàng đế). Phụng vụ Roma đã thay thế Liber mandatorum bằng sách Tin Mừng. Cách sắp xếp trong tòa án Roma cũng như cách sắp xếp trong các vương cung thánh đường (basilica), Liber mandatorum và các cây đuốc được đặt ngay trước mặt thẩm phán, cũng tương tự, sách Tin Mừng và các cây nến cao được đặt trước mặt Đức Giám Mục. Nhiều tác giả cho rằng bình hương chỉ là lò lửa được mang theo để thắp sáng các cây đuốc, nếu như đuốc bị tắt, phụng vụ dần dần thay thế lò lửa bằng bình hương thật sự.
13. Từ khi nào các Đức Giám Mục áp dụng các dấu hiệu này vào phụng vụ ?
Không ai biết chắc chắn. Có lẽ từ thời hoàng đế Constantinô (274-337), khi ông ban cho một số Đức Giám Mục được quyền xử án, cho nên khi tiến vào tòa án, thay vì rước huy hiệu của thẩm phán, người ta rước huy hiệu của Đức Giám Mục; các Đức Giám Mục du nhập vào phụng vụ hình thức cuộc rước vốn diễn ra nơi tòa án.
14. Từ khi nào, nến cao và hương được sử dụng trong lúc hát Tin Mừng?
Thánh Giêrônimô (340/347-420) có nói đến hai cây nến. Sách Hành hương của Etherie (Peregrinatio Etheriae) vào cuối thế kỷ thứ IV xác nhận việc sử dụng hương trong khi hát Tin Mừng tại Giêrusalem. Sách Sacramentarium Gelasianum (tk. VII-VIII) nói về cuộc rước Phúc Âm với nến cao và hương trầm, trong nghi thức ban phép Rửa tội. Có lẽ việc rước Tin Mừng bắt nguồn từ phụng vụ Roma.
Việc xông hương bàn thờ bắt nguồn từ phụng vụ Pháp cổ.
Tóm lại, phụng vụ Roma chỉ có việc rước chủ tế và sách Tin Mừng, không có việc xông hương hai đối tượng này. Xông hương bàn thờ, lễ vật và mọi người bắt nguồn từ phụng vụ Gallican và Germany và được xác định không đổi từ Đức Giáo Hoàng Piô V (1570). Ngoài việc dùng hương trong Thánh Lễ, các Kitô hữu còn dùng hương khi tôn thờ Thánh Thể, tôn kính thánh tích, trước tượng Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh và trong lễ an táng.
15. Theo luật phụng vụ hiện nay, việc xông hương được quy định như thế nào?
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 276 trình bày về ý nghĩa việc xông hương như sau:
“Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3).
Có thể tùy nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh lễ nào:
a) Khi đi rước ra bàn thờ;
b) Đầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;
c) Khi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;
d) Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, thánh giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương linh mục và cộng đoàn;
e) Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép”.
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 277 quy định về việc việc xông hương như sau:
“Linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu thánh giá.
Trước và sau khi xông hương, cúi mình chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật dùng cho Thánh lễ.
Xông hương ba lần: trước Thánh Thể, gỗ Thánh giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta cung kính, thánh giá của bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục sinh, linh mục và cộng đoàn.
Xông hương hai lần: trước xương và ảnh các Thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ.
Xông hương bàn thờ từng nhịp một theo cách thức sau đây:
a) Nếu bàn thờ cách biệt vách tường, linh mục vừa đi chung quanh bàn thờ vừa xông hương;
b) Nếu bàn thờ không cách biệt vách tường, linh mục vừa đi qua vừa xông hương phía tay mặt bàn thờ, rồi vừa đi qua vừa xông hương phía tay trái.
c) Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; nếu không thì xông hương khi linh mục đi ngang qua trước thánh giá.
Linh mục xông hương ba lần trên lễ vật trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc dùng bình hương vẽ hình thánh giá trên lễ vật.
Tại Việt Nam, được phép vái nhang hay đổ hương vào lư hương thay cho xông hương. Nếu vái nhang, thông thường chỉ vái nhang lúc đầu lễ trước bàn thờ. Chủ tế cầm nhang, giơ cao lên để dâng rồi cúi mình ba lần để tỏ lòng tôn kính, sau đó cắm nhang vào bát nhang. Nếu trong phần dâng lễ, khi muốn cho một số đại diện cộng đoàn lên vái nhang cùng với chủ tế, thì cũng có thể vái nhang lần nữa vào lúc này. Trong trường hợp vái nhang chung với một số người đại diện, thì nên vái nhang ngay sau khi nhận của lễ để những người dâng của lễ khỏi phải đứng chờ trên cung thánh.
Nếu đổ hương vào bình than cháy trong lư hương, thì sau khi đổ hương sẽ chắp tay cúi mình một lần để tỏ lòng tôn kính. Có thể đổ hương lúc đầu lễ, sau khi dâng bánh và rượu và trước khi truyền phép Mình Máu Thánh. Không đổ hương trước khi đi đọc Tin Mừng, vì lần xông hương này chủ ý để tôn kính sách Tin Mừng, vì thế phải làm trước Sách Tin Mừng, chứ không làm trước bàn thờ. Chủ tế không bỏ bàn thờ xuống đổ hương trước khi truyền phép Mình Máu Thánh, nhưng để cho thừa tác viên làm việc này”.
16. Ý nghĩa việc làm dấu Thánh Giá trong phụng vụ?
Các Kitô hữu bắt đầu và kết thúc lời cầu nguyện và các nghi thức với việc làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Vì thế, không thể thiếu việc làm dấu Thánh Giá khi khởi sự cử hành Thánh lễ.
Dấu Thánh Giá nhắc nhớ nguồn mạch công trình thánh hóa là hy tế thập giá của Đức Kitô. Dấu Thánh Giá cũng là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
17. Ý nghĩa các lời chào trong Thánh lễ?
Dấu Thánh Giá là lời chào của cả cộng đoàn hướng lên Thiên Chúa, bây giờ đến lượt vị chủ sự Thánh lễ chào cộng đoàn, theo thể thức đối thoại.
Vị chủ tế trao đổi lời chào với cộng đoàn: Chúa ở cùng anh chị em, hoặc Bình an của Chúa ở cùng anh chị em… Lời chào của vị chủ sự vừa diễn tả Chúa Kitô đang ở giữa cộng đoàn, vừa diễn tả mầu nhiệm Giáo hội là cộng đoàn được Chúa Kitô quy tụ.
18. Ý nghĩa lời chào thứ nhất trong Thánh lễ: Chúa ở cùng anh chị em?
Chúa ở cùng anh chị em (Dominus vobis cum) là công thức cổ điển nhất trong phụng vụ. Sách lễ sau Công đồng Vaticanô II thêm vào hai công thức dài hơn, cả ba đều bắt nguồn từ Thánh Kinh.
Trong thánh lễ, bốn lần Linh mục chào cộng đoàn bằng công thức Chúa ở cùng anh chị em: khởi đầu Thánh Lễ, trước khi nghe đọc Tin Mừng, trước kinh Tiền tụng, trước phép lành giải tán. Mỗi lần chào, lời chào có ý nghĩa khác nhau.
Lần chào thứ nhất, Chúa ở cùng anh chị em có thể hiểu vừa như là lời cầu chúc, xin Chúa hiện diện và ban ơn cho anh chị em, vừa như là lời tuyên bố xác nhận, Chúa Kitô đang hiện diện ở giữa cộng đoàn. Lời đáp của cộng đoàn Và ở thần khí cha chứ không ngắn gọn như chúng ta đang sử dụng hiện nay Và ở cùng cha. Có người giải thích, Và ở thần khí cha là kiểu nói của người Sê-mít tương đương với và ở cùng cha. Nhưng cũng có người giải thích, sự hiện diện mà chúng ta đang nói ở đây là sự hiện diện trong Thần khí.
Lần chào thứ hai và ba, Linh mục như người đại diện cộng đoàn nhắc mọi người chuẩn bị thực sự vào việc chúng ta sắp làm: nghe Lời Chúa, hay chuẩn bị lặp lại nghi thức bữa Tiệc ly.
Hai câu đối đáp đều gặp thấy trong Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước (x. Xh 10,10; R 2,4; 2Sb 15,2; Ds 14,42; 1Sm 17,37; 1Cr 10,23; 2Tx 3,16; 2Tm 4,22; Lc 1,28), tuy với khác biệt không nhỏ: danh hiệu Chúa trong Cựu ước chỉ Đức Giavê; còn trong Tân ước chỉ Đức Giêsu (x. Pl 2,11).
19. Ý nghĩa lời chào thứ hai trong Thánh lễ: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em?
Ngày nay, lời chào Bình an của Chúa ở cùng anh chị em (Pax vobis cum) chỉ dành riêng cho Đức Giám Mục. Lời chào này mang ý nghĩa Kitô học. Đây là lời chào của Chúa Giêsu phục sinh khi hiện ra với các môn đệ (x. Ga 20,19).
Vào thế kỷ IV, lời chào này được phụng vụ Đông phương sử dụng. Tại Tây phương, mãi tới khoảng cuối thế kỷ VI lời chào này mới được sử dụng.
20. Ý nghĩa lời chào thứ ba trong Thánh lễ: Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em?
Lời chào này trích trong 2Cr 13,13. Có lẽ thánh Phaolô trưng dẫn một công thức phụng vụ lưu hành thời bấy giờ. Nội dung là lời cầu chúc sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, nội dung nới rộng hơn so với lời chào Chúa ở cùng anh chị em.
21. Ý nghĩa lời chào thứ tư trong Thánh lễ: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta và của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em?
Lời chúc này thường gặp thấy ở đầu các thư của thánh Phaolô (x. Rm 1,7; 1Cr 1,3; Gl 1,3; Ep 1,2; 2Tx 1,2).
22. Ý nghĩa nghi thức sám hối?
Tôn giáo ra đời khi con người nhận ra sự hiện diện của Thần Linh. Khi đối diện với Thần Linh, con người khiếp sợ vì cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và tội lỗi. “Môsê che mặt đi, vì sợ phải nhìn thấy Thiên Chúa” (x. Xh 3,1-6). Sau mẻ cá lạ lùng, “ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (x. Lc 5,8).
Việc sám hối trước khi cử hành các nghi thức tế tự hiện diện trong mọi tôn giáo, tuy hình thức thực hành khác nhau.
Nghi thức thống hối diễn tả tâm tình của Giáo hội là cộng đoàn gồm các tội nhân. Trong Thánh lễ, tâm tình này còn được diễn tả ở nhiều lúc khác: đầu lễ, rửa tay, kinh Lạy Cha, hiệp lễ. Hơn nữa, trước khi gặp gỡ Thiên Chúa, con người muốn hòa giải với Chúa và với anh chị em mình (x. Mt 5,24; 6,15).
Chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã dạy phải thực hành việc sám hối: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24); “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,28-29); “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16).
23. Lịch sử và ý nghĩa kinh Cáo Mình (Confiteor)?
Chủ sự và cộng đoàn cùng đọc kinh Cáo Mình nhìn nhận thân phận tội nhân của mình trước Chúa và anh chị em, dựa theo lời khuyên nhủ của thánh Giacôbê (x. Gc 5,16). Tuy nhiên, việc tha tội là do Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, các thiên thần, các thánh và anh chị em.
Chrodegang, Giám mục thành Metz (712-766) dạy các giáo sỹ, sau khi kết thúc giờ Kinh Sáng, tất cả cùng đọc: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh em, tôi đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, vì vậy, tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi. Viện phụ xướng: Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội cho anh em, giải thoát anh em khỏi mọi sự dữ, gìn giữ anh em trong sự thiện hảo và dẫn đưa anh em tới sự sống muôn đời. Tất cả đáp: Amen.
Như vậy, kinh Cáo Mình vào thời này mới có phần đầu so với kinh Cáo Mình mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Năm 1080, đan viện Cluny sử dụng mẫu kinh Cáo Mình khác: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa, cùng với các thánh, và cùng với anh em, tôi đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Lỗi tại tôi. Vì vậy, tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi.
Năm 1184, trong đan viện Xitô, theo lòng sốt sắng của Bernard (1090-1153), đã thêm danh xưng Đức Maria vào kinh Cáo Mình: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa, cùng Đức Bà Maria và cùng với các Thánh.
Từ đó, theo lòng sốt sáng địa phương, người ta thêm các thánh, nhất là các thánh quan thày vào kinh Cáo Mình làm cho kinh Cáo Mình mất dần tính Công Giáo. Do đó, Công Đồng thứ ba tại Ravenne (Italia) năm 1314 quyết định, chỉ được thêm vào kinh Cáo Mình Đức Maria, Tổng Lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả và hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà thôi.
Từ Sách lễ Đức Piô V (1570) đến năm 1970, Giáo Hội sử dụng kinh Cáo Mình sau: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, cùng Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, cùng Tổng lãnh thiên thần Micaen, cùng Thánh Gioan Tẩy giả, cùng Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cùng các Thánh và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, Tổng lãnh thiên thần Micaen, Thánh Gioan Tẩy giả, Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cùng các Thánh và cùng anh chị em khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Như vậy, Đức Mẹ và các thánh được lặp lại hai lần.
Sách lễ được ban hành năm 1970 cho tới nay sử dụng mẫu kinh Cáo Mình, như đang sử dụng hiện nay: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
Về các thánh, vẫn thấy còn Đức Maria, bỏ Tổng Lãnh thiên thần Micae, nhưng gọi chung các thiên thần, bỏ thánh Gioan Tẩy Giả và hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, gọi chung tất cả các thánh.
Nghi thức sám hối có thể bỏ nếu đã có hành vi tương đương, chẳng hạn rảy nước thánh ngày Chúa nhật (x. QCSL, số 51), hoặc hành vi thống hối thứ tư Lễ Tro, hoặc khi có một nghi thức phụng vụ đi trước Thánh Lễ như rước nến (02/02), rước lá (Lễ Lá), Lễ hôn phối, hoặc khi kết hợp giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều với Thánh Lễ… (x. Quy chế tổng quát Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 94).
24. Kinh Xin Chúa thương xót
“Sau hành động thống hối, bao giờ cũng xướng kinh Lạy Chúa, xin thương xót trừ khi đã đọc lời tung hô này trong hành động thống hối. Vì là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa, nên thông thường mọi người cùng hát, nghĩa là cả dân chúng lẫn ca đoàn hay ca viên đều góp phần vào đó” (QCSL, số 52).
Sách lễ sau Vaticanô II, kinh thương xót được đặt sau kinh Cáo mình, đặc biệt, mẫu III gộp nghi thức thống hối và kinh thương xót làm một, qua việc xướng ba lần “Xin Chúa thương xót chúng con; Xin Chúa Kitô thương xót chúng con; Xin Chúa thương xót chúng con” (mẫu III).
Như vậy, kinh “Xin Chúa thương xót” được đặt sau nghi thức thống hối, trước kinh “Vinh danh”, vậy nó có phải là thành phần của nghi thức thống hối hay mang một ý nghĩa khác ?
“Xin Chúa thương xót chúng con” tiếng Hy lạp là “Kyrie eleison”; tiếng Latin là “Domine misere”. Tuy nhiên, sách lễ Rôma bằng tiếng Latin, kinh này thay vì dùng tiếng Latin thì vẫn được dùng bằng tiếng Hy lạp: “Kýrie, eléison. – Kýrie, eléison” “Christe, eléison. – Christe, eléison”. “Kýrie, eléison. – Kýrie, eléison”
“Kyrie” nghĩa là “Lạy Đức Chúa”; “eleison” nghĩa là “Xin thương xót”. Cả câu “Kyrie eleison”, nghĩa là “Lạy Đức Chúa ! Xin thương xót !”.
Trong Cựu ước, “Kyrie” dành để thưa với Đức Giavê, nhưng sang Tân ước, từ này dành riêng cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sau này, có lẽ từ thế kỷ VIII, “Kyrie” dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhất là từ khi Giáo hội chống lại lạc giáo Ariô, mầu nhiệm Ba Ngôi lại được đề cao hơn nữa, thế nên hát ba lần “Kyrie eleison”; “Christe, eléison” “Kyrie eleison”, lời khẩn nài không chỉ hướng về Chúa Cha, nhưng còn hướng lên cả Ba Ngôi Thiên Chúa; và ba lần ba, tổng cộng là chín lần, tưởng nhớ chín ca đoàn ở trên trời.
25. Lịch sử kinh Xin Chúa thương xót?
Lời cầu xin “Kyrie eleison” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu và Tân ước (Tv 4,2. 6,3. 9,14. 25,11. 121,3; Mt 9,27; 20,30; Mc 9,27. 10,47. Lc 16,24. 17,13).
Vấn nạn, lời cầu xin “Kyrie eleison” được đưa vào Thánh Lễ để làm gì ? Được đặt ở vị trí nào ? Không có tài liệu nào rõ ràng trả lời hai câu hỏi này. Vì thế, các sử gia đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, tập trung ở hai ý kiến sau đây[1].
Ý kiến thứ nhất: bắt nguồn gốc từ lời nguyện tín hữu
Bên Đông Phương, đặc biệt là phụng vụ Hy lạp, theo tác phẩm “Hành hương” của Egeria (tk. IV)[2], tại Giêrusalem, cuối giờ kinh chiều, một thày Phó tế xướng các ý cầu nguyện, sau mỗi ý cầu nguyện, cộng đoàn đáp “Kyrie eleison”.
Cũng vào thời này (tk. IV), trong Thánh lễ, sau bài Tin Mừng, trước khi giải tán các người dự tòng, một thày Phó tế xướng các ý nguyện, và cộng đoàn đáp lại “Kyrie eleison”, tương tự như lời đáp “Xin Chúa nhận lời chúng con” sau mỗi ý cầu nguyện trong lời nguyện các tín hữu hiện nay.
Bên Tây phương, sau phần phụng vụ Lời Chúa cũng có các ý cầu nguyện, nhưng do vị chủ sự đọc, như hình thức lời cầu nguyện trong nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vào chiều thứ sáu tuần thánh hiện nay. Vào thế kỷ V, Đức Giáo Hoàng Giêlasiô (492-496) du nhập vào phụng vụ Tây phương hình thức lời cầu của Đông phương, thày Phó tế xướng ý nguyện, cộng đoàn đáp “Kyrie eleison”. Tới thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604), vào ngày thường, ngài bỏ đi phần xướng các ý nguyện và chỉ giữ lại lời cầu “Kyrie eleison”. Tiếp đến, Ordo Romanus I (tk. VII-VIII) bãi bỏ mọi lời khẩn nài trong các Thánh Lễ.
Ý kiến thứ hai: bắt nguồn từ kinh cầu hát lúc rước vào Thánh lễ
Cách giải thích nêu trên không được mọi người chấp nhận, vì kinh “Kyrie eleison” gắn liền với các ý nguyện mà ngày nay chúng ta gọi là lời nguyện tín hữu, hoặc lời nguyện phổ quát, trong khi kinh “Kyrie eleison” mà chúng ta đang đề cập tới diễn ra vào đầu lễ. Vì thế, một số cho rằng, kinh “Kyrie eleison” là vết tích kinh cầu đọc khi vị chủ sự và các thừa tác viên tiến vào thánh đường.
Sách phụng vụ Ordo Romanus I cho biết, khi Đức Giáo Hoàng tiến vào thánh đường, cộng đoàn hát “Kyrie eleison”, Đức Giáo Hoàng hôn bàn thờ, quỳ gối thinh lặng (dài ngắn tùy ý), cho tới khi ngài ra hiệu và xướng “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa” thì khi ấy kinh “Kyrie eleison” mới kết thúc. Cho nên, không ai biết số lần hát “Kyrie eleison” là bao nhiêu. Hơn nữa, với thời gian, trước kinh “Kyrie eleison”, người ta thêm các câu xướng (tropen) vào, mỗi nơi mỗi cách, và vào thời này, người ta thấy, có hàng trăm các câu xướng khác nhau. Đức Giáo Hoàng Piô V (1570) cấm hoàn toàn các câu xướng (tropen) này.
26. Ý nghĩa kinh Xin Chúa thương xót?
Lời khẩn nài “Xin Chúa thương xót” xuất hiện nhiều lần trong Cựu ước, nhất là trong các thánh vịnh thống hối: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con đã phạm tội với Ngài” (Tv 50,1).
Tân ước cũng ghi lại lời của người thu thuế khi ông cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Ngoài lời khẩn nài của người thu thuế hướng lên Chúa Cha, các Tin Mừng còn ghi lại khá nhiều lời khẩn nài “Kyrie eleison” hướng lên Chúa Giêsu: người mù ở Giêricô (x. Mc 10,48); người phong cùi (x. Lc 17,13). Do đó, các lời khẩn nài “Kyrie eleison” vừa hướng lên Chúa Cha vừa hướng lên Chúa Ba Ngôi. Trong mẫu nghi thức sám hối III chúng ta thấy rõ nhất, cả ba câu xướng đều hướng về Chúa Kitô, mỗi câu tuyên xưng một đặc tính của Chúa Kitô. Lời tuyên xưng và khẩn nài cũng xuất hiện trong kinh “Vinh danh”: “Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa…”.
27. Thực hành việc đọc hoặc hát kinh Xin Chúa thương xót?
Trước đây, mỗi lời khẩn nài “Kyrie eleison” được lặp lại ba lần, ngày nay chỉ có hai lần, hình thức mang tính cách đối đáp. Tuy nhiên, số lần lặp lại “Kyrie eleison” có thể nhiều hơn hai lần vì một số lý do: “Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng tùy theo đặc tính của ngôn ngữ khác nhau, hoặc nghệ thuật âm nhạc, hoặc vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi lời tung hô Lạy Chúa, xin thương xót được hát như là một phần của hành động thống hối, thì thêm một câu ngắn trước mỗi lời tung hô” QCSL, số 52).
Kinh “Kyrie eleison” được bỏ khi có một hành vi tương đương, chẳng hạn rảy nước thánh ngày Chúa nhật (x. QCSL, số 51), hoặc hành vi thống hối thứ tư Lễ Tro, hoặc khi có một nghi thức phụng vụ đi trước Thánh Lễ như rước nến (02/02), rước lá (Lễ Lá), hoặc khi kết hợp giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều với Thánh Lễ (x. Quy chế tổng quát Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 94). Như vậy, kinh “Kyrie eleison” là thành phần của nghi thức sám hối chứ không phải là thành phần độc lập.
28. Lịch sử kinh Vinh danh?
Bản chất của kinh Vinh Danh là một bài ca chúc tụng. Có lẽ nó được soạn ra để bênh vực thiên tính của Đức Giêsu, nhằm chống lại các lạc giáo, nhất là lạc giáo Ariô[1].
Kinh này, ban đầu không được soạn cho Thánh Lễ, vì thế, không được sử dụng trong Thánh Lễ bên Đông cũng như bên Tây.
Không rõ ai là tác giả của kinh này. Kinh này được du nhập vào phụng vụ Rôma thời thánh Giáo hoàng Lêô Cả (440-461), tuy chỉ sử dụng vào lễ Chúa giáng sinh. Đức giáo hoàng Simacô (498-514) mở rộng tới các Thánh Lễ Chúa nhật và lễ các thánh tử đạo khi được Giám mục cử hành. Thế kỷ XI, kinh này được dùng trong mọi Thánh lễ, ngoại trừ những ngày thống hối.
29. Ý nghĩa kinh Vinh danh?
Kinh Vinh Danh là thánh thi chúc tụng và khẩn nài, hướng lên Chúa Cha và Chúa Kitô (x. QCSL, số 53). Chúa Thánh Thần cũng được nhắc tới nhưng rất ngắn: “[…] Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha. Amen”.
30. Thánh lễ nào thì đọc hoặc hát kinh Vinh danh?
Kinh Vinh Danh được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng, lễ kính và trong các dịp cử hành khá long trọng. Quy chế tổng quát sách lễ Roma nói về kinh Vinh danh như sau: “Vinh danh là một thánh thi có từ rất lâu đời và đáng kính mà Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần quy tụ, dùng để tôn vinh Chúa Cha và Chiên Con và cầu khẩn với Chiên Con. Không được thay thế bản văn của thánh thi này bằng bản văn nào khác. Linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay cả ca đoàn xướng, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn, hoặc một mình ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè. Thánh thi này được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các cử hành đặc biệt khá long trọng” (số 53).
31. Lời tổng nguyện hoặc lời nguyện nhập lễ?
Lời tổng nguyện là tột đỉnh và kết thúc các nghi thức mở đầu.
Lời nguyện này, tiếng Latinh là collecta, bắt nguồn từ động từ colligere, nghĩa là thu góp, được giải thích theo hai nghĩa:
Là lời tổng nguyện, vì vị chủ sự thu góp tất cả các ý nguyện của cộng đoàn và dâng lên Chúa thay mặt cộng đoàn.
Lời nguyện được đọc sau khi cộng đoàn đã tụ họp tại một địa điểm nào đó trước khi họ tiến tới nơi dâng lễ.
Được đặt vào vị trí cuối nghi thức mở đầu để dẫn nhập vào buổi lễ và dẫn nhập vào các bài đọc.
Diễn tiến bao gồm bốn chặng: mời gọi, thinh lặng, lời nguyện và kết luận (x. QCSL, số 54).
32. Đâu là ý nghĩa sâu xa của phụng vụ Lời Chúa?
Lời Chúa được hiện tại hóa
Qua các bài Sách Thánh, Cựu ước hay Tân Ước, chính Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn và ngỏ lời với mỗi người (x. OLM, số 4, 12).
“Khi Sách Thánh được đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Người và Đức Kitô hiện diện trong lời của Ngài và loan báo Tin Mừng” (QCSL, số 29).
Các bài Sách Thánh không chỉ nhắc lại những sự kiện quá khứ nhưng “tưởng niệm” các biến cố đó, nghĩa là làm cho các biến cố thành hiện thực vào thời điểm hiện tại, khi Lời Chúa được công bố (x. OLM, số 5).
Còn tiếp…
Lm. Giuse Đào Hữu Thọ