Giới hạn hay tình yêu

Gần đây tôi thấy người ta ca ngợi nền âm nhạc Việt Nam có phen “nở mày nở mặt” khi bản hit của idol nào đó đang khuynh đảo tại các bảng xếp hạng nước ngoài, đang “thao túng tâm lý” của rất nhiều bạn trẻ nhất là tại Á Châu. Cá nhân tôi thì thấy sao mà “hỗn độn”, khác xa với các ca khúc trữ tình bất hủ viết về tình yêu mà tôi từng được nghe.

Điều ấy khiến tôi chợt nghĩ liệu có một sự giới hạn nào đó không trong sáng tác nghệ thuật nói riêng và trong tất cả các lãnh vực khác nói chung? Bởi trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay có quá nhiều thứ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, sai lệch về đạo đức, sẽ thật nguy hiểm cho những người trẻ. Bởi hình như bây giờ không còn cái gì được gọi tên là “tốt” hay “xấu”; thay vào đó người ta gọi chúng là điều bình thường và những điều phá cách. Và bây giờ người ta lại thích đi tìm sự khác thường kiểu như cơn sốt giống lan đột biến vậy.

Nếu con người không nhận thấy những giới hạn trong cuộc đời này, có nghĩa là đang bước vào vết xe đổ của Ađam và Eva. Tội nguyên tổ không gì khác hơn là chối bỏ thân phận thụ tạo của mình với những giới hạn; thay vào đó con ngưới nghi ngờ tình yêu của Đấng Tạo Hóa, muốn xô đổ mọi giới hạn ấy để đòi bằng Thiên Chúa. Không biết đặt ra giới hạn của thụ tạo chính là sự kiêu ngạo muốn biến mình thành Thiên Chúa. Câu chuyện tháp Babel chính là minh chứng không thể chân thực hơn về tình trạng của một phần thế giới hiện nay, không muốn cuộc đời này có những phạm vi, có những giới hạn vì sợ mất đi sự tự do thỏa sức sáng tạo không biên giới của mình.

Con người phải đặt trước mặt mình câu hỏi: “Tôi được phép làm gì?”, chứ không phải thắc mắc: “Tôi có thể làm được gì?”. Bởi ta có thể làm được nhiều điều lắm, có thể đánh và giết người như Cain; ta có khả năng để hất hủi, đánh đuổi bậc sinh thành; ta hoàn toàn có khả thể để sống gian dối lọc lừa. Nhưng “Tôi có được phép vậy không?”, chuẩn mực đạo đức, lương tâm có cho phép tôi không? Tin Mừng Đức Giêsu Kitô có cho phép tôi hay không?

Nếu con người chỉ đặt được câu hỏi: “Tôi có thể làm được gì” thì có vẻ tự do đấy, có vẻ sáng tạo đấy! nhưng lại thật nguy hiểm. Bởi bạn có nghe đến cái tên J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý học người Mỹ, là “cha đẻ của bom nguyên tử” trong dự án thế chiến thứ hai? Ông ấy đã thốt lên sung sướng khi thấy mình có thể sáng chế ra bom nguyên tử rằng: “Ôi sự dịu ngọt của khoa học!”.  Sẽ còn nhiều người như vậy, tự hào về những khả năng, những phát minh, những chiến lược mà đằng sau đấy là biết bao đau đớn, tang tóc cho nhân loại này.

Việc không biết đến giới hạn đó của con người trong mọi lĩnh vực đang giết chết chính con người. Nhưng hiện nay, có những thứ còn nguy hiểm hơn bom hạt nhân đang tàn phá và băng hoại tâm hồn con người, nhất là người trẻ. Nó nguy hiểm hơn vì nó có thể khiến linh hồn chết trong trầm luân đời đời.

Tôi viết những điều này cho chính tôi, thế hệ trẻ của xã hội và Giáo Hội, để nhắc tôi chỉ là thân phận của thụ tạo trong tay Thiên Chúa, luôn có những giới hạn cho tôi trong mọi lời nói, việc làm và cả suy nghĩ nữa. Đừng bao giờ phạm vào tội kiêu căng muốn biến mình trở thành Chúa để quyết định điều lành điều dữ mà chính Ngài đã đặt ra trong các giới răn, như ngày nay người ta tuyên bố việc phá thai và an tử là việc không hề xấu, trái lại rất nhân văn.

Các bạn trẻ thân mến, hãy trở về với Thiên Chúa là Cha, hãy để mình được Mẹ Giáo Hội ấp ủ vào lòng nhờ các Bí tích, có như vậy chúng ta mới không bị thế gian này lừa dối muốn biến ta thành vị Chúa của đời mình.

Thật ý nghĩa và thuận tiện cho mỗi người thực hiện điều đó trong mùa Chay đã khởi đầu với lời nhắc nhở của Mẹ Giáo Hội về thân phận thụ tạo vốn là tro bụi của chúng ta.

Chiara

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top