Của hồi môn

Những ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao về một đám cưới ở Bình Dương với số của hồi môn và quà “khủng” mà đôi tân hôn nhận được từ cha mẹ hai bên. Với hàng trăm lượng vàng, hàng chục xuất đất sổ đỏ chính tên, hàng trăm căn hộ và nhiều vật phẩm giá trị khác, đôi tân hôn chắc chắn sẽ có một nền tảng vững vàng để xây dựng cơ đồ cho tổ ấm riêng của mình. Đối với nhiều người, lượng quà tặng giá trị ấy chắc chắn là thứ trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Và với tôi, nó để lại trong tôi dòng suy tư: Đâu mới là món quà ý nghĩa mà cha mẹ hay các thế hệ đi trước để lại cho con cháu, để chúng có thể tự lập trên chính đôi chân và gánh vác sự nghiệp trên đôi vai mình?

Trong thực tế, không ai dám khinh thường sức mạnh của vật chất hay tiền bạc, nhất là khi người ta lao công vất vả mới có thể thu góp và thủ đắc được, hầu cải thiện chất lượng cuộc sống và có thể giúp đỡ những người xung quanh. Cũng chẳng có thể cấm ai không để lại cho con cháu mình số tài sản mà họ đã nhọc công làm ra, với ước mong chúng có thể gầy dựng nền móng tốt đẹp hơn cho sự nghiệp sau này. Lập gia đình là chuyện quan trọng trong đời người, bởi từ đây, người nam và người nữ, từ chỗ không quen biết, đã tách ra khỏi gia đình nguyên thủy của mình để tìm đến và bổ túc cho nhau trong một gia đình mới. Họ tin vào những lời thệ nguyện hôn nhân về “những lúc đau ốm và những lúc khỏe mạnh” và “cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta”. Tuy nhiên, bước đi đầu đời bao giờ cũng đầy vất vả, gian nan. Cần lắm những bàn tay đỡ nâng những bước đi chưa vững trong thời gian đầu của cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng.

Xã hội với lối sống xô bồ ngày nay làm con người ta dễ sống theo trào lưu thích hưởng thụ và nhiễm tư tưởng “cao thủ không bằng tranh thủ”, “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba trí tuệ” … và do đó, họ không sống thật được với chính mình. “Những bàn tay đỡ nâng” lúc này thực sự là gì? Vượt lên trên những gì là vật chất hay tiền bạc, thiết nghĩ gia sản mà cha mẹ có thể để lại cho con mình chính là gương sáng về lòng nhân, là cách đối nhân xử thế, và là bài học để có thể trở thành người tử tế. “Ngày nay, người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy” – câu nói của Đức giáo hoàng Phaolô VI vẫn còn nguyên giá trị. Có thể, những vật chất hay của cải là những thứ cần thiết, nhưng chúng lại không thể tồn tại vĩnh viễn. Có nhiều cha mẹ không quá giàu, thậm chí còn nghèo túng, nhưng chắc chắn một lời nói yêu thương, quan tâm hay cử chỉ thể hiện lòng thứ tha ân tình đến lối thực hành đức tin chân thành sẽ là gia sản tinh thần quý báu mà mỗi người con có thể cảm nhận được từ nơi thâm sâu cõi lòng. Và, nó sẽ là thứ “của cải” trường tồn bền vững theo thời gian và năm tháng.

Hơn 2 thiên niên kỉ trước, Chúa Giêsu đã nhọc công rong ruổi khắp miền đồi núi xứ Palestine để gầy dựng “sự nghiệp”. Trong bữa tiệc cuối cùng, trước khi xa rời các môn đồ về mặt thể lý, Ngài cũng để lại cho những người yêu dấu tất cả gia sản của mình, với ước mong họ sẽ lấy đó làm “vốn” để “làm ăn sinh lời”: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Gia sản ấy là vô giá, bởi được đánh đổi bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Kể từ đó, đã có lớp lớp người nhận lấy “khối tài sản” ấy, cùng nhau mặc chiếc áo đồng phục “đức ái” để đồng lòng xây dựng nền móng vững chắc cho ngôi nhà Nước Trời. Cho đến hôm nay, nguồn gia sản ấy vẫn được lưu giữ và truyền rao, khi âm thầm như nắm men trong bột, khi hăng say như gió ngoài biển khơi qua gương sống chứng tá của những tâm hồn thiện chí.

Quả thật, có nhiều cách để thế hệ trước trao yêu thương cho những thế hệ tiếp nối – những người mà họ thương mến. Dẫu vậy, của trao và cách thức trao sẽ là rất quan trọng, để người nhận có thể cảm thấy nơi món quà ấy chất chứa tình yêu mến, và để trưởng thành hơn từ chính món quà được nhận. Tôi cứ ấn tượng mãi về hình ảnh Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft, cũng là nhà tỉ phú thứ 3 trên thế giới với khối tài sản lên tới 38 tỷ USD – đã quyết định sẽ dành phần lớn khối tài sản đó để làm từ thiện, và chỉ để cho các con “một nền giáo dục tốt để có thể tự khởi động sự nghiệp của riêng mình”, và một khoản “tài chính nhất định để đảm bảo rằng các con sẽ không bị nghèo đi”.

HHQ

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top