
Có lẽ tôi không thể quên ngày 10/12/2022, cái ngày mà một người linh mục trẻ, vừa mới được truyền chức mà các cha vẫn thường hay nói cách khôi hài là: “những cụ tay vẫn còn chưa hết mùi dầu thánh” cầm bài sai của Đức Tổng Giám mục Giu-se đến với vùng sơn cước Lạc Thuỷ, Hoà Bình, vùng đất mà tôi chưa một lần đặt chân tới. Lúc đó, với tôi văn hóa dân tộc Mường và con người nơi đây hoàn toàn “mù tịt”. Nơi đây giống như những hạt vàng đã bị vùi lấp trong lớp đất đá đang chờ người ta khám phá. Bởi vậy, nhiều lần tôi đã thưa với Chúa rằng: Chúa ơi! Chúa muốn con làm gì tại đây?
Khi đến với Giáo xứ Đồng Gianh tôi nghe nhiều người ở đây kể rằng: trước đây Đồng Gianh là vùng đất có rất nhiều vàng. Nó nhiều đến độ có khi chỉ xúc một ít đất rồi xuống suối đãi cũng có thể thấy những hạt vàng nho nhỏ. Những hạt vàng quý giá được tạo hóa ban tặng nhưng bị chôn vùi trong những lớp đất đá, nên nhiều khi chỉ sau một trận mưa rào cũng có người đã nhặt được vàng… Bởi vậy đã có nhiều người từ khắp nơi đến đây để tìm và đãi vàng. Và có người hỏi tôi, một linh mục trẻ vừa mới ra trường:
– Cha ơi! cha đến đây để làm gì?
– À! tôi đến đây cũng để tìm “vàng”.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một giáo xứ với gần 3000 nhân danh toàn tòng Công Giáo, có bề dày lịch sử về đức tin, với sáu vị hiển thánh và 134 vị chứng nhân tử đạo, cơ sở vật chất, các hội đoàn và đời sống thực hành đức tin đều lớn mạnh. Vì vậy, khi đặt chân đến với vùng tái truyền giáo này, cụ thể là Giáo họ Lũ và Tân Lâm, tôi hoàn toàn bị sốc bởi nó khác xa những gì tôi mường tượng. Số là trước đây tôi cũng đã từng tìm hiểu đôi chút về Giáo xứ Đồng Gianh này. Giáo xứ có khoảng 2100 nhân danh mà hơn nửa là bà con dân tộc Mường, còn lại là những người dân tộc Kinh từ các giáo xứ ngoài xuôi vào làm ăn sinh sống. Đồng Gianh bao gồm họ nhà xứ, hai họ lẻ và năm giáo điểm, được trải rộng trên phạm vi 15 km. Đây cũng là một giáo xứ có bề dày lịch sử, vì hạt giống Tin Mừng đã được các nhà thừa sai gieo trồng trên mảnh đất này tương đối sớm, vào khoảng trước năm 1907. Theo cuốn kỷ yếu 80 Năm Hồng Ân của Giáo xứ Hàm Long thì Đồng Gianh đã từng là điểm dừng chân cho các Cha cố cùng các cha Việt Nam từ TGM. Hà Nội vào đây để tĩnh tâm (một bức ảnh ghi lại cảnh các linh mục của Hội Thừa Sai Paris – MEP chụp chung với các trẻ em dân tộc mường tại Đồng Gianh cũng có trong cuốn kỷ yếu này). Vì thế, ngày nay nơi đây vẫn được mọi người gọi với cái tên là Đồi Cố (mảnh đất này nay thuộc dòng Thiên Hà quản lý).
Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khó khăn của thời cuộc, đức tin và đời sống đạo của bà con nơi đây bị mai một và xuống dốc trầm trọng. Sự hiểu biết về đạo Chúa còn rất hạn chế, số người thường xuyên tham dự Thánh lễ không nhiều… điều này càng thấy rõ hơn nơi hai Giáo họ Lũ và Tân Lâm. Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa đã từng làm cho những “viên đá thô ráp” là những con người nơi đây trở nên những viên ngọc lấp lánh và quý giá. Tuy nhiên, những “trận cuồng phong” của thời cuộc đã phủ lên những viên ngọc quý ấy những lớp bụi bặm tăm tối. Hạt giống đức tin như những hạt vàng được gieo vào linh hồn những con người chất phác hiền hoà lại bị đất đá của thời gian, của sự giả dối và những chủ nghĩa lệch lạc chôn vùi. Tất cả đang chờ những nhà truyền giáo nhiệt thành đến tìm kiếm, đãi rửa và đem về cho Chúa.
Hành trình của tôi đến đây là để tìm “vàng”. Hành trình đó cũng chẳng khác gì hành trình của người đi tìm những viên ngọc quý trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 13,44-52). Nhưng “viên ngọc” này quý đến độ chẳng có tiền bạc nào có thể mua được, chẳng có một quyền bính thế gian nào có thể chiếm hữu, những viên ngọc và thỏi vàng quý đã bị chôn dấu đó chính là các linh hồn. Hành trình đi tìm các linh hồn về cho Chúa. Nơi đây có những “viên ngọc, thỏi vàng” sau khi các cha tìm thấy thì nó đã bị chôn vùi dưới lớp “bụi đất” 10, 20, 40 thậm chí là 65 năm. Những con số nói lên nhiều điều.
Đến với vùng sơn cước Hoà Bình, điều tuyệt vời nhất là mỗi khi thức dậy, bạn được đứng trên những đỉnh đồi để ngăm ánh bình minh, khi mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi dãy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Được cất cao lời Kinh Thần Vụ giữa núi rừng, sông suối:
“Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn thể dân cư!
Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Chúa.” (Tv 98, 7-8)
Bóng tối đang dần tan đi và sáng sáng rực rỡ của ngày mới bắt đầu len lỏi qua những tán lá rừng. Hành trình đi tìm “vàng” của tôi không hề đơn độc. Ngoài ơn Chúa ra thì ở nơi đây, tôi vẫn có những anh chị em luôn kề vai sát cánh chia sẻ những thao thức, nâng đỡ tôi khi gặp những khó khăn trong sứ vụ mục tử. Đó là những anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, những tâm hồn thiện chí luôn bừng cháy lửa truyền giáo. Các ngài có rất nhiều điểm khác biệt về khả năng, sức khoẻ, tính cách… nhưng khi đến với Hoà Bình, các ngài đều có chung một thao thức là: chúng tôi đến đây để tìm “vàng”, những “hạt vàng” cho kho tàng Nước Trời.
Dù cho Hòa Bình vẫn còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất hay phải đối diện với vô vàn thách đố và những khó khăn, nhưng các mục tử nơi đây vẫn đang miệt mài tìm kiếm, vẫn đang hăng say đãi rửa bụi bặm để linh hồn các tín hữu nơi đây luôn ánh lên vẻ đẹp lấp lánh như những viên ngọc, những hạt vàng dưới ánh sáng huy hoàng của Mặt Trời Công Chính là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Lm. Paulus Tran