Chúa Giêsu, đường về Chúa Cha – Chúa nhật V Phục sinh – Năm A

CHÚA GIÊSU, ĐƯỜNG VỀ CHÚA CHA 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM A

(Ga 14,1- 12)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Trong nhà Cha, “có nhiều chỗ ở” theo nghĩa nào?

2. Chúa Giêsu ám chỉ điều gì khi bảo sẽ trở lại đem các môn đồ đi theo Người?

3. Chúa Giêsu muốn nói gì khi quả quyết Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (c.6)?

4. Phải hiểu thế nào lời xin của Philipphê (c.8) và câu trả lời của Chúa Giêsu (c.9)?

5. “Các việc” của môn đồ vượt trên các việc của Chúa Giêsu theo nghĩa nào (c. 12)?

CHÚ GIẢI

1. Tiếp theo sau lời kêu gọi hãy tin tưởng và phó thác (14, 1), Chúa Giêsu nêu rõ một trong những lý do khiến Người ra đi, có lẽ là lý do an ủi hơn hết. Người về với Cha để chuẩn bị chỗ ở cho môn đồ. Các ông chẳng nên sợ vì không thể theo Người. Nhà Cha Người rộng rãi, chỗ ở có rất nhiều. Mặc dù người ta thường viện dẫn cách nói này để chứng minh là có nhiều cấp độ khác nhau trong hạnh phúc thiên giới (thánh Irênê, Clêmentê thành Alexandria, Origène), ở đây chỉ muốn bảo rằng sẽ có chỗ cho tất cả mọi người. Chẳng thế thì Chúa Giêsu đã nói rõ để khỏi làm cho các môn đồ rơi vào niềm thất vọng cay đắng. Chỗ ở không thiếu. Bằng chứng là Người sắp đi dọn cho họ (“Vì Ta đi dọn chỗ …”). Cách giải thích này xem ra thỏa đáng hơn hết (Maldonat, Lagrange, Durand, Hudy). Vẫn biết ta có thể hiểu phần thứ hai của c.2 theo một cách khác : “Nếu không phải vậy, thì sao Ta đã nói với các con là Ta đi dọn chỗ ?” (Bauer, Bernard, TOB). Nhưng trong trường hợp này thì phải giả thiết là trước đó, Chúa Giêsu đã loan báo quyết định về với Cha Người trước các môn đồ để dọn chỗ cho họ: nhưng điều này chúng ta không thấy đâu cả. Về cách thế Chúa Giêsu dọn chỗ cho các môn đồ Người, thánh Augustinô đã tóm lại trong một câu ngắn: “Chúa Kitô dọn chỗ cho các môn đồ mình bằng cách chuẩn bị những người sẽ ở các chỗ ấy” (PL 35, 18)

2. Chúa trở về với Cha, về nhà Người (8, 35- 36) không phải là không có lý do, cũng chẳng phải chỉ cho riêng Người. Việc Người lên trời trên nguyên tắc bao hàm việc các môn đồ cùng Người lên với Chúa Cha (12, 26; 17, 24). Chúa đi vào vinh quang như Đấng dọn đường cho chúng ta: Người đi trước chúng ta (Dt 2, 1c ; 6, 20) như trưởng tử của một thế hệ được tiền định cho sự sống vinh hiển, được kêu mời phục sinh trong sự sống vinh hiển ấy (1Cr 15, 20) và thông phần với Người vào gia tài vinh quang tương lai (Rm 8, 17- 18).

Các Kitô hữu đầu tiên đã nóng lòng ao ước được đoàn tụ như vậy với Chúa Giêsu. Họ chờ đợi việc đó thể hiện, lúc Chúa quang lâm trong ngày Chung thẩm, ngày mà họ hằng cầu mong cho mau tới (Ga 21, 22- 23 ; 1Ga 2, 28 ; Kh 22, 20 ; 1 Tx 4, 16- 17, 1 Cr 4, 5 ; 11, 26 ; 16, 22 ; Mt 26, 29 ; Lc 22, 29- 30 v.v…). Trong viễn tượng của niềm trông đợi nơi cộng đoàn kitô hữu đầu tiên ấy nhiều nhà chú giải muốn nhận ra ở đây, chỗ nói về việc Chúa trở lại và đoàn tụ với các môn đồ Người, một lời ám chỉ đến ngày Quang lâm; nhưng nhiều tác giả khác lại nghĩ đến sự đoàn tụ xảy ra tiếp theo cái chết của mỗi môn đồ.

Thực ra, vào cuối thế kỷ thứ nhất, lúc mà Tin Mừng thứ tư được phổ biến, nỗi chờ mong ngày cánh chung không quá căng thẳng như vậy, mặc dù vẫn còn sống động như một yếu tố cơ bản và thường xuyên của Kitô giáo. Với dòng thời gian, ngày phán xét cuối cùng, chung cho toàn thể vũ trụ, càng lâu càng khó dự liệu và chìm vào trong một tương lai càng lâu càng thụt lùi.

Mặc dầu chậm trễ như vậy, ngày cánh chung vẫn được khai mào bắt đầu từ Giờ tôn vinh. Từ lúc ấy, Chúa Giêsu đã được đặt làm Con Người và Quan án tối cao của thế gian trong hào quang sáng láng giữa triều thần thiên quốc (Ga 1, 51 ; 3, 13 ; 5, 20- 29 : 6, 62 ; 8, 28). Kỷ nguyên cứu rỗi và phán xét khởi sự từ giây phút ấy, giây phút bẻ quặt dòng lịch sử của thế giới. Từ nay, Chúa luôn hiện diện, hoặc như một người anh em (20, 17), hoặc như một người bạn (15, 15) hoặc như một quan tòa có thể gây nên một tai họa cuối cùng vào bất cứ lúc nào. Những lần Chúa Kitô hiện ra cho các tín hữu của Người không phải là một cuộc Quang lâm trước kỳ hạn, như khi Người biến hình, cũng chẳng phải là tiền ảnh của lần xuất hiện cuối cùng trong vinh quang. Đúng hơn, đó là bằng chứng khả giác hữu hình của sự hiện diện thường xuyên của Chúa với tư cách Con Người đã được tôn vinh trong cộng đoàn các tín hữu để tiếp tục nâng đỡ họ chống lại các cuộc tấn công luôn đáng sợ của Satan. Những lần hiện ra đó, bất thần xảy đến sau ngày sống lại và ngay cả thời gian tiếp theo (14, 18- 24, 16, 16), còn có một ý nghĩa khác hơn là một hiện tượng nhất thời; chúng nói lên sự hiện diện chắc chắn thường xuyên của Chúa Kitô. Như thế, nỗi trông đợi ngày phán xét cuối cùng vẫn còn sống động ngay cả khi người ta không còn chờ đợi ngày Quang lâm như một biến cố gần kề. Từ biến cố trở lại vinh quang người ta chuyển sự chú ý qua thực tại thâm sâu của việc kết hợp với Chúa Kitô; từ việc phán xét chung, người ta chú trọng đến vận mệnh riêng biệt của mỗi người Kitô hữu.

Do đó, thật là hữu lý khi xem việc trở về của Chúa ở Ga 14, 3 ám chỉ biến cố Phục sinh (20, 19. 24. 26 ; 21, 13), biến cố được coi là sự bảo đảm cho việc Chúa hiện diện giữa cộng đoàn (14, 18 .23 ; 16, 16) cũng như ám chỉ đến việc các môn đồ đoàn tụ với Chúa, được thể hiện một cách thành toàn vào giờ chết của mỗi người trong họ. Như vậy luật tuyển chọn môn đồ được thực hiện cách trọn hảo: “Ta ở đâu, kẻ hầu hầu hạ Ta cũng ở đó”. (12, 26; 17, 24). Nếu trong truyền thống Nhất Lãm (Mt 16, 25 ; Mc 8, 34 ; Lc 9, 23 ; 14, 27), luật này buộc môn đồ phải theo Chúa Ki-tô mà thôi (15,18 – 16, 4), nhưng còn bao hàm một lời mời gọi theo Người vào trong vinh quang của Chúa Cha (14, 3 ; 17, 24). Chúng ta đã gặp thấy cái nhìn lưỡng diện này trong câu trả lời cho Phêrô: “Ngươi sẽ theo Ta … về sau” (13, 36- 38). Ở đây luật này còn nói mạnh hơn điểm giống nhau giữa vận mệnh của các môn đồ và vận mệnh của Chúa Kitô: như cái chết của Chúa, theo quan niệm Gioan, là sự trở về với Cha (8, 14. 21 .22 ; 13, 1. 33 ; 14, 4. 5. 28; 17, 11), thì cũng thế, cái chết của người môn đồ cũng là sự trớ về với Chúa Cha, một cuộc vinh thăng với Chúa bên Chúa Cha.

Nếu tạm thời họ còn ở lại trong thế gian này, thì giờ chết họ sẽ được chiêm ngưỡng ánh vinh quang của Chúa (17, 15. 24). Nhưng hiệu quả này của cái chết không có tính cách tự động và không nhất thiết bảo đảm cho người môn đồ thể hiện vận mệnh của mình đâu; người môn đồ không thể tự mình đến vinh quang Thiên Chúa được (7, 34. 36 ; 8, 21- 23; 13, 33), vì tự bản chất, có một hố sâu ngăn cách thế giới trên cao với thế giới chúng ta. Chỉ có Chúa bởi trên xuống và bây giờ lại trở về mời có thể đưa chúng ta từ thế giới này về nhà Cha. Người Kitô hữu phải nhận thấy sau cái chết là bàn tay chìa ra và nụ cười tiếp đón của Đấng đã đi trước mình và đang đến tìm mình.

3. Là một người điềm đạm, sứ đồ Tôma cảm thấy buồn cười khi phải liều mạng sống một cách vô ích (11, 16) và sau cái chết của Chúa Kitô, ông không muốn phải tỉnh mộng lần nữa. Ông bắt đầu sốt ruột. Sự trở về với Cha đối với ông xem ra là một cái gì bí nhiệm, và quá mơ hồ mong manh để ông có thể liều mạng sống mình được. Như người Do thái (7, 35- 36; 8, 14. 22), hay Phêrô (13, 37), ông chẳng hiểu được ý nghĩa của chuyến đi này. Chúa Cha, Đấng lấp đầy thần trí và tâm hồn Chúa Giêsu, các môn đồ coi là người xa lạ, vì họ thuộc về thế gian này và không thể hướng tầm mắt qua khỏi những chân trời trần tục để nhìn về thế giới trên cao. Vì thế, họ cần phải nhận phép rửa của Thần khí.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn không nao núng vì câu nói cúp ngang nửa chừng của Tôma. Một lần nữa, Người giới thiệu đường và mục đích cho các môn đồ như một lệnh truyền độc nhất và không thể hủy bỏ. Ta là Đường; Tôma đừng có mơ tưởng đến một quê hương nào xa lạ, hãy chỉ cần nhìn nơi Thầy, vì Người là con đường, con đường độc nhất dẫn về cùng đích duy nhất. Các môn đồ chẳng biết cùng đích, vì họ không nhìn cho kỹ con đường. Họ quá chú ý tới những chi tiết phụ tùy, họ không chỉ nghĩ đến một mình Chúa Giêsu, họ muốn thấy Ladarô nữa (12, 9) Họ hành động như thiếu phụ Samari, chỉ nghĩ tới nước tươi mát, vọt ra từ giòng suối (4, 11- 15) mà không nghĩ tới Đấng đang ở trước mặt bà (4, 26). Họ giống những người Do thái hy vọng nhận được nơi Người bánh và manna, nhưng bánh là chính Người thì họ chẳng hề mơ ước (6, 33tt). Thay vì phỏng đoán về nơi chốn mà con đường dẫn tới, họ nên quan sát con đường ấy thì hơn, vì từ đó họ sẽ biết được hướng đi: Chúa Giêsu là con đường độc nhất dẫn về Chúa Cha.

Người là đường vì Người là sự thật. Đối với Gioan cũng như với mọi người Do thái, sự thật là cái gì cụ thể và thực tế, là cái gì có thực, chắc chắn, ta có thể tín nhiệm, có thể xây dựng cuộc sống của mình lên trên, là cái khả dĩ làm nền móng cơ sở và hướng đi cho cuộc đời. Trong truyền thống cổ xưa của Israel, từ ngữ này đã có một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt; nó thường diễn tả sự trung tín của Giavê với lời hứa và giao ước của Ngài. Nhưng lúc mà, trong Do thái giáo, Lề luật trở thành dữ kiện chính yếu của các việc đạo đức, thì từ đó lề luật được xem như hiện thân đích thực của sự thật. Luật sự thật nghĩa là quy tắc đời sống do Thiên Chúa mặc khải. Tư tưởng của Gioan nối dài quan niệm trên; đối với Gioan, sự thật là mặc khải cuối cùng do Chúa Kitô mang đến, hay đúng hơn là mặc khải được thể hiện trong con người và hành động của Chúa Kitô. Chúa Kitô-sự thật là giai đoạn chung kết của việc mặc khải. Mặc khải chung cục này đối nghịch với mặc khải tạm thời của Cựu ước, như thực tại đối với hình bóng.

Sự thật ấy đối với Gioan cũng là quy tắc đời sống vững chắc do đó có thành ngữ “đi trong sự thật, thực thi sự thật”: 3, 21; 1Ga 1, 6 ; 3Ga 3- 4). Sự thật không phải là một giáo huấn lý thuyết, một hệ thống giáo điều do Chúa Giêsu soạn thảo, nhưng là toàn thể Chúa Kitô, là toàn thể con người, hành động và lời nói của người cũng như ý nghĩa cứu độ bao hàm trong đó. Vì thế nên tùy theo từng trường hợp mà dịch chữ sự thật là “ơn cứu độ hữu hiệu” hoặc “mặc khải đích thực, trọn hảo, chung quyết”, làm sao để cho nổi bật đặc tính chung cục của mặc khải thể hiện trong con người của Chúa Kitô ân sủng và sự thật, theo Ga 1, 14. 17 không phải là nại thực tại đặt kề với nhau. Ân sủng của Thiên Chúa được thực hiện và được thông ban cho Ngôi Lời cách trọn hảo nhất, và nhờ Ngôi Lời, ân sủng xác định toàn thể đời sống chúng ta. Trong Chúa Giêsu, ân sủng trở thành sự thật, nghĩa là thực tại tràn đầy. Việc thờ phượng đích thực trong Thần khí và Sự thật mà Chúa Giêsu đề cập tới trong cuộc đàm thoại với thiếu phụ Samari là việc cầu nguyện tương xứng với thực tại thần linh được tỏ lộ trong Chúa Kitô. Và để đạt đến thực tại ấy, cần thiết phải có sự trợ giúp của Thần khí (4, 23- 24). Những ai làm chứng cho Sự thật (5, 33 ; 18, 37), thì không chỉ thỏa thuận với những gì Chúa Giêsu nói, nhưng còn phải quả quyết sứ mạng thần linh của Người là xác thực, phải chứng nhận rằng Chúa Cha hành động và nói qua Chúa Giêsu. Sự thật ấy, xét như mặc khải thần linh (8,40), là một thực tại năng động, đầy Thần khí (4, 23- 24 ; 6, 63 ; 1Ga 5, 6) Nó giải thoát người tín hữu (8, 31), thanh tẩy họ (15, 3), hành động trong họ (2Ga 2), thánh hiến họ cho Thiên Chúa (17, 17-19) và lôi họ ra khỏi thế gian đầy gian dối mà Satan là Cha (8, 41- 45). Vì là thực tại thần linh của ơn cứu độ được mặc khải trong Chúa Kitô, nên Sự thật chỉ có thể được tiếp nhận như thần khí sự thật mà thôi (14, 17 ; 15, 26).

Thành thử Chúa Giêsu là đường dẫn tới Chúa Cha, vì Người là sự thật, là mặc khải thần ánh có sức cứu rỗi, vì Người là ánh sáng đích thật và duy nhất. Và vì Người là sự thật và là sự sáng, bởi hiện thân cho ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa trong thế gian, nên Người là sự sống, Người ban sự sống, Người là nguồn mạch của Thần khí, nghĩa là của sinh lực và của sự sống Thiên Chúa.

Chỉ một vài tiếng mà đủ nói lên mọi sự: Người là đường: về cùng Cha, bởi vì Người là sự thật, là hình ảnh của Cha trong thế gian; đồng thời Người là sự sống của kẻ lớn lên trong Người. Vì Cha là nguồn gốc nguyên thủy của sự sống – sự sống mà Con cũng có – và của sinh lực mà Ngài thông ban cho các kẻ tin (Ga 3, 34- 36 ; 5, 26 ; 6, 57 ; 10, 28- 29). 

4. Trong lúc hăng say bồng bột như trẻ con, Philipphê tưởng mình đã hiểu được một chút gì rồi. Ông nghĩ sắp xảy ra một cuộc thần hiện, một sự tỏ mình oai phong của Thiên Chúa, giống như những cuộc thần hiện mà ngày xưa Môisen đã chiêm ngắm trên núi Sinai (Xh 24, 9- 11 ; 33, 18), Elia trên núi Horeb (1 V 19, 10- 14), hoặc như Isaia trong Đền Thờ (Is 6). Người Do thái nào cũng ao ước hưởng được đặc ân này, tuy nhiên vẫn hơi lo sợ vì thị kiến được xem như có nguy hiểm đến tính mạng. Lòng ước muốn được thấy cảnh tượng này làm cho vị môn đồ hết kiên nhẫn.

Chắc Chúa đã đón nhận lời nguyện cầu của ông với một cử chỉ gật đầu. Vậy phải chăng Người sắp đem Chúa Cha từ trời xuống để cho họ một cảnh tượng vui mắt? Không! Chẳng có ai thấy Thiên Chúa bao giờ (1, 1 ; 6, 46) ; hơn nữa chẳng ai có thể thấy Thiên Chúa trừ ra trong Chúa Kitô. Philipphê mong đợi Thiên Chúa tỏ mình một cách tỏ tường nơi nào đó trên đám mây, nhưng Thiên-Chúa-trong-Chúa-Kitô lại ở trước mặt ông. Thiên Chúa không còn tỏ hiện trong sấm chớp, cũng như trong thị kiến nữa; từ nay Ngài tỏ mình trong hình thể con người Chúa Ki-tô, Đấng không bao lâu nữa sẽ được ánh vinh quang bao phủ. Vinh quang mà Isaia đã chiêm ngắm trong Đền thờ chỉ là một tiền ảnh xa vời của mặc khải Thiên Chúa trong Con (Is 6, 1; Ga 12, 41). Và khi người Do thái nại đến các vị anh chàng của giòng giống họ là những người đã nghe tiếng Thiên Chúa và chiêm ngắm dung nhan Ngài, thì cũng chẳng còn sót lại cho họ một âm vang hay một tia sáng nào, mặc dầu họ thông hiểu Kinh Thánh, vì các lần mặc khải mang tính cách chuẩn bị của Thiên Chúa trong Cựu ước không có mục đích nào khác ngoài việc dẫn đưa họ đến vị Sứ giả cuối cùng của của Mặc khải thần linh là Chúa Kitô (5,37-38). Mọi mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước chỉ có ý nghĩa cho Lời, và từ khi lời ấy hóa thành nhục thể (1,14), thì Thiên Chúa chỉ có thể tiếp xúc được trong Chúa Giêsu. Tất cả mọi thánh điện dầu hết công dụng, Đền thờ Giêrusalem cũng như Đền thờ của người Samari trên núi Garizim; chỉ còn tồn tại một đền thờ duy nhất, một nơi gặp gỡ với Thiên Chúa là chính bản thân Con của Ngài (4, 21- 24 ; 2, 13-22). Ai có lòng đạo đức thật, thì đến với Giêsu là ánh sáng (3, 21) và ai mở lòng đón nhận luồng khí của Chúa Cha bằng cách lãnh nhận giáo huấn của Ngài, thì đến với Chúa Giêsu (6, 45). Không có con đường nào đến với Chúa Cha ngoài Chúa Con vậy.

“Philipphê, làm sao con nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha”. Khi xin Chúa Cha tỏ hiện cách rõ ràng ngoài con người Chúa Giêsu, Philipphê tỏ ra mình đã chẳng biết, chẳng hiểu Thầy. Vì thấy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Người là thấy Chúa Cha trong Người; cũng giống như tin vào Người là tin vào Đấng đã sai Người (12, 44- 45). Chúa Cha và Chúa Con không thể tách lìa nhau: Con đâm rễ sâu trong Cha và Cha ẩn mình sau Con. Ngài ở nơi Con, Ngài nói và hành động qua Con. Nếu Philipphê không tin vào lời người thì ít nữa hãy tin vào các việc Người làm là các phép lạ vậy (10, 25. 37. 38): Biết bao lần Người đã nói cho họ điều đó? Các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu là lời nói và việc làm của Cha (5,17- 26. 30. 36; 7, 16- 17 ; 8, 26- 29 ; 9, 16- 33 ; 10, 25. 36- 38 ; 12, 49- 50). Việc Người nên một với Cha trong hành động giả thiết là Người đã nên một với Cha trong hữu thể. Sở dĩ Chúa Giêsu vẫn luôn nhất trí với Cha chính vì Người tự bản thể là một với Cha.

5. Sau khi loan báo cuộc ra đi của mình, Chúa Giêsu chuyển qua những lời hứa sẽ khích lệ an ủi các môn đồ Người trong thời gian chia ly. Lời hứa đầu tiên có liên quan đến quyền năng sẽ được trao ban cho các môn đồ sau khi Người ra đi Quyền năng ấy vĩ đại đến nỗi sẽ giúp họ làm được những việc cả thể hơn việc Người đã làm. Không kể đến các phép lạ, mà chắc chắn chẳng vượt qua nổi các phép lạ của Chúa Giêsu, họ sẽ mở rộng Nước Thiên Chúa đang còn quá nhỏ bé và còn đâm rễ quá yếu trong mảnh đất Palestine “ra cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Giữa các kết quả trông thấy mà Chúa Giêsu đã đạt được vào cuối đời công khai của Người và những thành công do các sứ đồ mang lại không đầy 30 năm sau tại Syri, Tiểu Á, Hy lạp, Rôma, thì chẳng có sự so sánh nào mà không nghiêng về các sứ đồ. Tuy nhiên, ta chớ nên ngộ nhận; thành công ấy là hậu quả của việc Chúa Giêsu trở về với Cha Người. Thành ra, Chúa Giêsu dành sức hành động cách oanh liệt nhờ các sứ đồ sau khi chết. Sứ vụ của họ sẽ biểu lộ sức mạnh ẩn náu sẽ tác động trong họ. Chỉ cần họ có một điều kiện duy nhất là tin vào con người Giêsu.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Hãy tin vào Thiên Chúa, mà cũng hãy tin vào Ta”. Xét theo văn phạm, thì hình thức pisteuete có thể là một trực thuyết cách hiện tại (indicatit présent) hoặc là một mệnh lệnh cách (impératif). Bởi thế có hai cách dịch: “Các ngươi tin vào Thiên Chúa, thì cũng hãy tin vào Ta” (Bản Phổ thông, thánh Augustin, Bêđa, Maldonat, Knabenbauer, Tillmann, Lagrange, Durand, TOB …) hoặc là “Hãy tin vào Thiên Chúa và cũng hãy tin vào Ta” (Cyrille thành Alexandna, Gioan Kim khẩu, “Théophylacte, Hilaire, Jouon, Bernard, Huby, Van den” Bussche, BJ …). Khó mà chọn lựa giữa hai cách dịch, vì cả hai đều có thể chấp nhận. Cách thứ hai giả thiết là chúa Giêsu muốn khơi dậy cách nào đó niềm tin vào Thiên Chúa của các sứ đồ. Cách thứ nhất trước hết xác quyết rằng các sứ đồ đã có lòng tin vào Thiên Chúa rồi chuyển qua khuyên nhủ họ cũng hãy có một lòng tin như vậy vào Chúa Giêsu. Nhưng nhận cách dịch nào thì ý chính vẫn là Chúa Giêsu kêu mời các sứ đồ hãy tin vào Người như tin vào Cha, nghĩa là hãy tin vào thiên tính của Người.

“Nếu các con biết Ta, tất các con cũng biết Cha Ta”. Các thủ bản chia rẽ gần như đồng đều nhau về tính chất của điều kiện cách (cơnditionnel) được nhắm tới ở đây; một vài thủ bản thì viết egnôkate, là hình thức của trực thuyết cách quá khứ (indicatif partait) để nói lên một điều kiện có thể có thực (nếu các con biết Ta); các thủ bản khác lại ghi egnôkeite, là một hình thức của trực thuyết cách đại quá khứ (indicatiì plusque-partàit) để nói lên điều kiện không thể nào có được nữa (nếu các con đã biết Ta). Vì thực-điều-kiện-cách (conditionnel réel) thích hợp hơn với phần thứ hai của câu này, nên bị nghi ngờ là muốn tu chỉnh bản văn: có lẽ một vài người sao chép đã thấy lời Chúa Giêsu nói với các sứ đồ hơi nặng nên đã sửa đổi nó. Bởi thế chọn hư-điều-kiện-cách (conditionnel irréel) thì đúng hơn.

KẾT LUẬN

Chúa Giêsu nhắn gởi lời khuyến dụ này cho các môn đồ Người thuộc mọi thời đại. Người kêu gọi họ giữ vững lòng tin vào Người trong những bước đường tối tăm và trong các cơn dông tố thiêng liêng của cuộc đời, đồng thời hãy dâng cho Người một tình yêu quảng đại và vâng phục, cái tình yêu sẽ đặt họ vào trong tình yêu thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa và sẽ làm cho họ sống trong bình an và hoan lạc của Chúa Giêsu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Bản văn này tóm tắt sứ điệp Tin Mừng Gioan. Nó diễn tả cách gián tiếp điểm đặc trưng và sâu xa nhất của đời sống Kitô hữu. Nó là một phần trong toàn bộ các lời nói của Chúa Giêsu giải thích về chính mình Người. Cùng một trật nó trình bày cho thấy Người là gì đối với chúng ta và chúng ta phải trở nên nhưthế nào đối với Người. Chúa Giêsu là một người thật, hoàn toàn giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, nhưng đồng thời được tràn đầy thực tại thần linh sống động đến nỗi trở nên duy nhất và đồng hóa với Chúa Cha trong hữu thể, trong bản chất và trong đời sống. Người mặc khải Chúa Cha cách đích thực, chúng ta là những kẻ Cha đã ban cho Người và Người muốn rằng Người ở đâu, chúng ta cũng ở đó. Người cầu nguyện và hành động để trong Người chúng ta được thông phần vào sự sống Chúa Cha ban. Ở đây, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm dày đặc đối với tâm trí nhưng sáng tỏ cho những ai dấn thân cách sống động nhờ đức tin.

2. “Lòng các con chớ xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa, thì cũng hãy tin vào Ta”. Đây là một cách Chúa bảo rằng nòng cốt đức tin của chúng ta là chính Người, bản thân của Người, sứ điệp Người. Ta có thể tự hỏi: Làm sao Chúa Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, lại có thể nói về Thiên Chúa như nói về một Đấng khác với chính Người. Ở đây chúng ta đụng đến một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Nhập thể. Nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa xâm nhập vào thời gian, vào không gian và vào trong những giới hạn của con người. Con Thiên Chúa, có thể nói, là đã tự giới hạn mình vào trong những chiều kích của thực tại nhân loại, mà vẫn không thôi là chính Người. Chúa Giêsu muốn bảo điều này: Con người hữu hình của Người dễ gần gũi với hành động đức tin của chúng ta hơn là Thiên Chúa vô hình; sự kiện lạ lùng là lòng tin của chúng ta vào Người làm cho chúng ta đụng đến Đấng không thể nào tới gần được. Khi tin vào người là Chúa Con, chúng ta có thể tin vào Chúa Cha. Mà tin vào Chúa Cha là nguyện vọng và tiếng gọi sâu xa nhất của con người vốn thường bị đau khổ làm cho xao xuyến. Niềm tin tưởng ấy làm cho sự xao xuyến tách ra khơi chúng ta và mang lại bình an, sức mạnh, niềm vui.

3. “Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”. Trong cuộc sống của người-không-có-Thiên-Chúa, dường là một hệ thống tư tưởng hay là sự khôn ngoan, sự thật là một chọn lựa giữa nhiều ý kiến, sự sống là một sinh hoạt, một tình yêu suy nhược, và thường là một sự chịu đựng. Đối với người-có-Chúa-Kitô, thì sự sống là một sự thông hiệp mà những khám phá có sức làm được điều ta tưởng là bất kham. Trong Chúa Kitô, người Kitô hữu tìm được đường đi, lối về, nhờ đó họ vượt qua những biên giới của thế gian. Mà tự bản chất là một cánh cửa đóng kín tuyệt vọng. Hơn nữa con đường này, tức là Chúa Kitô, là một lời mời gọi ra đi, tiến tới đằng trước, vươn mình lên mãi. Người Kitô hữu khám phá nơi Chúa Kitô câu trả lời cho nhu cầu bí mật mà con người cảm thấy, là phải nương tựa vào một cái gì vững chắc để luôn có thể tìm kiếm mãi. “Con sẽ không tìm Ta, nếu con đã không gặp Ta” (Th. Augustin). Sự thật sống động không bao giờ là một cái gì hoàn toàn đạt được, nhưng nó bảo đảm với ta rằng nó xác thực. Càng gặp Chúa Giêsu, ta càng tìm kiếm để biết Người hơn. Khỏi phải nói là biết Chúa Kitô là trước tiên sống bởi Người. Khi ta sống bởi Chúa Kitô, phải chăng các thực tại tự nhiên của đời sống đều thay đổi. Không? người Kitô hữu có một sinh hoạt nhân sinh và thực tế như tất cả mọi người, nhưng sinh hoạt ấy được một cái hồn. Có một cách suy nghĩ, một cách chọn lựa mục đích, một cách gặp gỡ con người … được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc đời. Chúng ta có biết ngạc nhiên về điều không thể làm được lại trở nên có thể được cho chúng ta trong Chúa Kitô không?

Học viện Giáo hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top