DẤU CHỨNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Ga 20, 1-9
Trong xã hội hiện đại và khoa học kỹ thuật phát triển hôm nay, việc loan báo Chúa Giêsu đã chết và sống lại xem ra như một huyền thoại, thậm chí như một “chuyện vớ vẩn”. Điều đó không có gì lạ. Bởi lẽ ngay từ ban đầu, khi mấy người phụ nữ kể lại chuyện ngôi mộ trống, chính các tông đồ cũng cho là “chuyện vớ vẩn”, nên chẳng tin (x. Lc 24,11). Kể cả khi được trực tiếp gặp Chúa Phục sinh, các ông vẫn còn nghi ngờ. Phải sau một thời gian kiểm chứng, các ông mới tin Thày mình đã sống lại từ cõi chết. Hai ngàn năm qua, Giáo Hội không ngừng loan báo Tin Mừng phục sinh, mặc dù có nhiều người khước từ. Sự kiện Phục sinh cũng là nội dung chính trong lời rao giảng của Giáo Hội từ thời các tông đồ cho đến hôm nay, vì Mầu nhiệm phục sinh là nền tảng đức tin và là niềm hy vọng của người Kitô hữu.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối…”. Gioan kể lại sự việc chính ông và môn đệ Phêrô đã thấy ngôi mồ trống. Tuy vậy, không một người nào là nhân chứng mắt thấy tai nghe việc Chúa Giêsu phục sinh. Gioan, Phêrô, các người phụ nữ… tất cả họ đều chỉ nhìn thấy dấu chứng của sự phục sinh, và sau đó, họ được gặp Đấng Phục sinh. Không có ai chứng kiến giờ phút Chúa Giêsu chỗi dậy và ra khỏi mồ. Họ chỉ được nhìn thấy ngôi mộ trống, những dải dây băng, khăn liệm, là những thứ đã được dùng trong nghi thức an táng Chúa. Cũng như các tông đồ ngày xưa, chúng ta hôm nay cũng chỉ được nhìn thấy những dấu chứng của Đấng Phục sinh. Qua những dấu chứng ấy, chúng ta khẳng định Chúa Giêsu đang sống.
Dấu chứng hùng hồn nhất của Đấng Phục sinh là ngôi mộ trống. Khách hành hương đến Giêrusalem sẽ được đến viếng Nhà Thờ Mộ Thánh. Ngôi nhà thờ này được xây trùm lên nơi tương truyền đã có mộ của Chúa năm xưa. Trải qua hai ngàn năm, ngôi mộ ấy vẫn trống trơn. Tuy vậy, sự trống rỗng của ngôi mộ lại là một lời khẳng định: Chúa Giêsu đã phục sinh. Người không thể bị giam cầm trong lòng đất. Thân xác Người không thể bị mục nát trong nấm mồ. Trải qua mọi thời đại, người tin vào Chúa luôn đứng trước một thử thách lớn: đó là họ không thấy Chúa bằng giác quan. Họ vẫn đứng trước “ngôi mộ trống”. Vì không thấy Chúa, nên họ mới cần phải tin. Họ tin vào Đấng mà họ không nhìn thấy. “Phúc cho ai không thấy mà có lòng tin” (x. Ga 20,29). Tuy không thấy Chúa, họ vẫn xác tín Người đang hiện diện giữa cuộc đời, cũng như hiện diện trong trái tim của những ai yêu mến Người.
Dấu chứng thứ hai của Đấng Phục sinh là Giáo Hội của Người. Giáo Hội là thân thể sống động của Chúa Giêsu. Trải qua những phong ba bão táp của thời cuộc, Giáo Hội vẫn hiên ngang. Giáo Hội chính là thân thể phục sinh của Đức Giêsu. Thân thể ấy bao gồm mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia. Chúa Phục sinh đang hiện diện và làm cho thân thể ấy được sống. Người liên kết mọi phần tử của thân thể này trong sự hiệp nhất kỳ diệu, để rồi từ Đông sang Tây, dù nhiều khác biệt, nhưng duy nhất trong một đức tin, một phép rửa và một lời cầu nguyện. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiêng liêng của Giáo Hội giúp ta nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện như lời Người đã hứa: “Này đây Thày ở với các con mọi ngày cho đến tận thế!” ( Mt 28,20).
Dấu chứng thứ ba của Đấng Phục sinh là chính bản thân người Kitô hữu. Cuộc sống của chúng ta là cuộc tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Mỗi ngày, người Kitô hữu đang chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa Giêsu. Nhờ sức mạnh của Đấng Phục sinh, chúng ta tìm thấy niềm vui và nghị lực để vươn lên giữa những ngang trái của cuộc đời, để như đóa sen giữa đầm lầy, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Như Đấng Phục sinh đã ra khỏi mộ, nhờ nỗ lực cố gắng trong đời sống hằng ngày, người Kitô hữu vươn cao hướng về ánh sáng, thoát khỏi tối tăm và tội lỗi. Như thế, mỗi ngày sống trên đời là một ngày được “phục sinh”, bởi Đấng Phục sinh đang ngự trị trong tâm hồn người tín hữu. Từ hình ảnh bà nội trợ làm bánh trong gia đình, Thánh Phaolô đưa ra những lời khuyên rất cụ thể: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”. Ai trong chúng ta cũng hiểu, bột và men ở đây chính là đời sống đức tin trung kiên và ngay thẳng, được minh chứng bằng những việc thiện, nhất là đức bác ái. Như Đức Kitô đã sống lại và Người không bao giờ chết nữa, người Kitô hữu phải đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, “đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (Bài đọc II).
Mỗi chúng ta hãy loan báo Tin Mừng phục sinh bằng việc làm cho những dấu chứng của Đấng Phục sinh càng ngày càng thể hiện rõ nét nơi cộng đoàn và cá nhân. Như Thánh Phêrô, ước chi mỗi người Kitô hữu có thể khẳng định với những người thời đại hôm nay rằng: “Hỡi các bạn, tôi xin làm chứng, Chúa Giêsu đã sống lại. Chính chúng tôi đã gặp Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Khi khẳng định như thế, mỗi chúng ta là một “dấu chứng của Đấng Phục sinh”.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên