CUỘC QUANG LÂM CỦA CON NGƯỜI
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
(Mc 13, 24-32)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Xét trên hình thức, phải chăng đây là bản lược tóm một trần thuật của Chúa Giêsu? Thử tìm văn mạch của nó?
2. Phải hiểu ra sao cái cảnh tượng được mô tả ở cc. 24-25? Cảnh tượng muốn nói lên điều gì?
3. Hình ảnh Con người với các hình ảnh đi theo được vay mượn từ đâu?
4. Dụ ngôn cây vả muốn trả lời cho câu hỏi nào trước đó?
5. Trong ba lời tuyên phán (cc.3ó-32), chữ “thế hệ này” chỉ ai? Tại sao Chúa Con cũng chẳng biết ngày giờ cùng tận?
6. Bản văn này là giáo huấn của Chúa Giê-su hay của thánh sử ?
7. Phải chăng Mc đã lầm lẫn, vì cùng tận chưa đến như ông đã dự đoán?
Khi chú giải chương 13 của Mát-cô, nhà chú giải công giáo J.Schmid có viết: “Cái mà người ta gọi là “Diễn từ về Quang lâm” hay “Khải huyền Nhất lãm” là một trong những đoạn khó hiểu nhất của Tân ước, và vì thế là một trong những đoạn bị tranh luận nhiều nhất của truyền thống, Nhất lãm”. Các bản văn nói về sự ghê tởm hoang tàn và việc con Người đến trong mây xem ra chất chứa một nội dung khó hiểu. Điều đó không chỉ do sự kiện Ki-tô hữu thời nay cảm thấy xa lạ với thế giới các ý tưởng mà những bản văn này sử dụng, nhưng còn do chỗ khó đặt vào trong vũ trụ tâm trí của ta hình ảnh Con Người được một triều đình thiên thần bao quanh hay hình ảnh những hiện tượng vũ trụ và thiên giải đi theo cuộc quang lâm của Người.
Vì thế, các nhà chú giải chuyên môn về Tân ước do dự trong cách hiểu các bản văn ấy. Vì nhiều lý do. Trước tiên ngôn ngữ Khải huyền luôn luôn khó quán triệt. Rồi người ta đôi lúc cũng thấy là không chắc hòa hợp được Mc 13 với phần còn lại của giáo huấn Chúa Giê-su; Chúa Giêsu đã chẳng thốt lên diễn từ này, nhưng là Mátcô đã phóng tác một bản văn Khải huyền nào đó của Do thái để đặt trên miệng của Thầy, đồng thời bổ túc bằng một vài lời của chính Chúa Giê-su. Dù sao, toàn chương mang nhiều dấu vết rõ rệt cho thấy nhiều học giả của Giáo Hội sơ khai đã lưu tâm đến đề tài. Điều này cũng lộ ra nơi cách thức Mt và Lc sử dụng các chất liệu. Các thánh sử này cũng như nhiều học giả khác, hình như đã nghĩ rằng những truyền thống của Chúa khá phong phú, còn có thể tiết lộ thêm nhiều kho tàng dấu ẩn, và đặc biệt là có thể giải quyết những vấn đề riêng của họ. Các ý tưởng này đã để lại khá nhiều dấu vết trong chi tiết của các bản văn, nên cho phép chúng ta đoán rằng truyền thống đã được thích nghi với hoàn cảnh lúc ấy.
Hình thức bản văn
Theo hình thức hiện nay của nó, bản văn không phải là toát yếu của một trần thuật của Chúa Giêsu. Đa số các nhà thần học Thánh Kinh đồng ý như vậy, dù họ có nhiều ý kiến rất khác nhau về nguồn gốc các yếu tố của bản văn. Chúng tôi thiết nghĩ người ta có lý để công nhận rằng bản văn căn cứ trên giáo huấn về cánh chung của chính Chúa Giêsu, một giáo huấn muốn cảnh giác các môn đồ về những nguy hiểm sẽ xảy đến trong những ngày sau hết (Xin xem tiểu luận của chúng tôi: Prophecy interproted (The formation of so me Jewish Apocalyptic Lexts and of the Eschatologica Discourse Mark 13. par. Conjectanea Biblica, NT series 1, Lund 1966): Tuy nhiên, dù “nền tảng” của bản văn phải được tìm trong một huấn lệnh của Chúa Giê-su, thì Mc 13, dưới hình thức hiện thời, vẫn phản ảnh hoàn cảnh của Giáo Hội sơ khai, với những vấn đề mà Giáo Hội đã đặt ra cho truyền thống của Chúa Giê-su vàđã giải quyết bằng cách giải thích và tái giải thích truyền thống này.
Như bao học giả Do thái khác đương thời. Chúa Giê-su xem ra đi từ Cựu ước để triển khai giáo huấn của Người cùng tận. Thật thế, các đoạn của Đanien về cánh chung chiếm một chỗ đứng trung tâm trong chương 13 của chúng ta. Chúng ta cũng thấy trong chương này nhiều âm hưởng của nhiều bản văn Cựu ước khác mà nội dung cũng là về cánh chung.
Người ta đã chứng minh rằng vào thời đó, khi trích dẫn các câu Cựu ước, người ta đã hiểu ngầm luôn toàn thể văn mạch của chúng, và nhờ liên tưởng, người ta đi từ một bản văn sang một bản văn khác có cùng một nội dung. Các văn mạch và các đoạn được liên kết này, cùng với những lời giải thích về chúng, đã làm giàu ý nghĩa cho các bản văn được đặt trong tương quan với Cựu ước như thế. Thành thử khi tìm cách quán triệt ý nghĩa này, chúng ta phải cố tái dựng lại các dây liên kết nói trên.
Văn mạch.
Bài Tin Mừng hôm nay là thành phần của Diễn từ cánh chung. Diễn từ này bắt đầu từ c.5, nhưng được liên kết trực tiếp với một lời tuyên phán về sự phá hủy Đền thờ. Trong cách kết cấu của thánh sử, diễn từ làm lành lời Chúa Giê-su giải đáp cho vấn nạn ở c.4: “Xin nói cho chúng tôi biết bao giờ điều ấy (sự phá hủy) sẽ xảy ra và sự gì sẽ là điềm báo mọi điều ấy sắp hoàn tất”. Mối liên lạc giữa câu hỏi này với Diễn từ đã được một tác giả xưa chú giải như sau: “Họ hỏi một điều và người đáp lại một điều khác”.
Các câu 5-13 bàn đến các nguy hiểm khác nhau: kẻ rao giảng có khả năng mê hoặc, chiến tranh và thảm họa trong toàn thế giới, ngược đãi và phân ly trong gia đình. Chúng kết thúc bằng một lời khích lệ: “Ai kiên nhẫn tới cùng (hoặc: cho đến tận cùng) kẻ ấy sẽ được cứu”.
Các câu 14-23 mô tả một thử thách tột đỉnh của các kẻ tin. Câu 19 nói lên ý nghĩa cuộc thử thách này: những ngày ấy sẽ là một sự khốn quẫn như chưa từng thấy xảy ra và sẽ không hề xảy ra nữa. Đây là nỗi khổ mà Đanien 12,1 đã tiên báo sẽ xảy ra trong thời gian đi trước cùng tận. Nỗi khốn quẫn này sẽ tỏ hiện không chợt qua sự “ghê tởm hoang tàn” mà người ta phải chạy trốn cho mau, nhưng còn qua sự xuất hiện của nhiều Kitô giả và ngôn sứ giả. Các quyền lực của Satan sẽ tấn công tín hữu một cách hung tợn đến nỗi Thiên Chúa phải can thiệp kẻo tất cả gục ngã trong cuộc thử thách này.
Trên cái nền u tối đó, nổi bật lên đoạn văn của chúng ta, đoạn văn diễn tả cuộc chiến thắng cuối cùng và trở lại câu hỏi đã đặt ở c.4: khi nào điều đó sẽ xảy ra?”. Cách đáp câu hỏi này tự nhiên khiến thánh sử kết thúc đoạn văn bằng những lời khích lệ được lặp lại: “Coi chừng, hãy tỉnh thức” (cc.33-36). Một chủ đề đã có mặt trong tất cả phần nhất của những từ (cc 5 .6.9.21 .23).
I. CUỘC QUANG LÂM (13, 24-27)
Tiếp theo sau những biến động khủng khiếp của các câu trước, bài Tin Mừng chúng ta mô tả biến cố vượt lên trên tất cả chương. Bức tranh này vay mượn màu sắc của Cựu ước mà nó cắt nghĩa theo một cách thức rất là Kitô giáo. Thật vậy, chính từ Đanien mà người ta rút ra câu trích dẫn trung tâm của đoạn văn. Thế mà lời tiên tri của ông về các nỗi ưu phiền trực tiếp nhảy qua vấn đề tôn vinh các tín hữu, ở 12,1-2 cũng như ở 7,8tt, nơi “Con người” được đồng hóa với “các thánh của Đấng tối cao đang chiếm hữu vương quốc” (7,8.22.27). Ngược lại, đối với Mc, Con người không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu sẽ đến. Hơn nữa, ông diễn tả việc mặc khải Chúa Kitô con Người, với nhiều nét mà trong Cựu ước vẫn thường đặc trưng mặc khải thần linh về “Ngày của Giavê”. Đây là một bằng chứng mới cho thấy có lối giải thích Kitô giáo.
1. Cảnh tượng (cc.24-25)
Thành thử trong các câu này, người ta khai mở một diễn ảnh phổ quát, bằng cách dùng những hình ảnh của các bản văn Cựu ước nói về Ngày Giavê (Is 13,10; 3-4 ; Ge 2, 10; 15). Trước uy nghiêm của Chúa Giêsu, cũng chính là uy nghiêm của Gia-vê, vũ trụ rung chuyển, cuộc sáng tạo xưa (x. St 2,1) và các thời đại cũ bị tiêu diệt, Vương quốc của Thiên Chúa tỏ hiện trong tất cả vẻ vinh quang. Chắc chắn trình bày “tinh tú từ trời sa xuống” giả thiết quan niệm cổ điển về vũ trụ; trong ngôn ngữ thánh kinh, “các quyền năng tầng trời” xem ra chỉ những thiên thể (x. St 1 ,17tt).
Có lẽ như một số nhà chú giải đã nghĩ chúng ta cũng phải nhớ tới sự kiện là trong các cuộc Khải huyền theo Do thái và Kitô giáo, khởi nguyên tương ứng với tận cùng. Thành thử toàn văn này đưa chúng ta về lại bóng tối và cảnh hỗn mang đã từng thống trị trước khi sáng tạo, cảnh hỗn mang mà lần này sẽ đi trước cuộc sáng tạo mới (x. Kh 21,1).
Ngoài ra, cảnh tượng cũng được đặt trong tương quan nơi sự khốn quẫn tột cùng của các tín hữu, sự khốn quẫn đã được diễn từ nói đến trong phần trước. Về vấn đề này, xem ra đọạn văn vừa nói “đúng” vừa nói “không”. “Đúng” cho câu
nói “Thời gian khốn quẫn đó phải chăng có nghĩa là Cùng tận gần kề?”. Nhưng những ai cứ hỏi: ngày mà chúng tôi chịu cảnh khốn quẫn đó, chúng tôi có thể ngóng đợi Tận cùng lập tức không?” thì sẽ được trả lời là “Không, còn lâu nữa”. Có lẽ tiếng “đúng” và tiếng “không” này ngỏ cho Giáo Hội sơ khai vốn đã cảm thấy sự khốn quẫn và đã tự hỏi bao giờ Chúa lại đến. Cũng có thể là Mc đã phối hợp nỗi khốn quẫn này với các biến cố liên hệ đến việc phá hủy Giêrusalem năm 70. Các nhận xét này gây nên nhiều vấn đề quan trọng. Phải nghĩ thế nào về tương quan giữa giáo huấn của Thầy và cách thức Giáo Hội sơ khởi giải thích giáo huấn dù bản văn đây còn có giá trị đối với chúng ta không? Chúng ta sẽ trở lại với những vấn nạn này khi bàn đến các câu 30-31
2. Con Người (c.26)
Trên bối cảnh một vũ trụ rung chuyển như thế, nổi lên khuôn mặt Con Người, được mô tả với những hạn từ Đn 7.13tt. Những đám “mây” không chỉ một phương tiện di chuyển cho bằng chỉ sự hiện diện thần linh giữa loài người, như Kinh Thánh vẫn thường biểu thị (ví dụ Xh 13,21 ; 19,9; 2Sk 5, 13; 17,5): Khi Chúa Giê-su tỏ hiện sức mạnh và vinh quang của Người thì tất cả thế gian sẽ trông thấy. Việc Người đến một cách hiển nhiên tương phản với nhúng tiếng đồn sai lạc được nói ở 13,22 (x. Mt 24,27tt).
Hình ảnh Con Người, với các hình ảnh đi theo vay mượn từ Đn và nhiều đoạn khác của Cựu ước, xem ra gói ghém hai dữ kiện nền tảng đối với Kitô học. Trước tiên, khi những đường nét của các trình thuật trước về Ngày Giavê được áp dụng để mô tả việc Con Người đến, thì điều đó những muốn nói rằng Thiên Chúa chẳng còn hiện diện trong bức tranh về Cùng tận, nhưng đúng hơn có nghĩa là việc Chúa Kitô đến nói lên chính sự can thiệp của Thiên Chúa trong Ngày Giavê. Chính Vương Quốc Thiên Chúa xuất hiện, quyền lực Thiên Chúa tỏ ra và công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện bởi Con Người. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.
Mặt khác trong Đn 7, Con Người tượng trưng cho dân thánh. Trái lại, theo Chúa Giêsu giải thích, thì Con người đúng là một cá nhân (chính Chúa Giêsu). Nhưng Người thí mạng sống làm giá chuộc nhiều kẻ (Mt 10,45) và tự đồng hóa với những kẻ bé mọn nhất trong anh em Người (Mt 25,40.45). Thành ra quan niệm này về Con Người phù hợp với các kiểu diễn tả của Gio-an “hãy ở lại trong Ta như Ta trong các ngươi” (Ga 15,4) và “Con trong chúng” (Ga 17,23) cũng như với thành ngữ của Phaolô “trong Chúa Ki-tô”. Vị Thiên Chúa mà không gì dưới trần gian có thể chống lại được, sẽ chẳng phải là một Thiên Chúa trừu tượng, một Thiên Chúa tự tại, nhưng là Đấng hưởng về chúng ta như Ngài đã tự mặc khải trong Con người, Chúa Giêsu Nadarét” (E.Schweiser “Trong Người”, cây cầu đã được bắc qua vực thẳm phân cách nhân loại với Thiên Chúa. Người xuất hiện như là nhân vật chính của cảnh này.
3. Thâu họp những kẻ được chọn (c.27)
Theo ý kiến chúng tôi, chính để tôn trọng chiều hướng và mục đích của diễn từ cánh chung mà Mátcô ở đây không nói đến việc hủy diệt sự ác và cuộc phán xét thế gian, mặc dầu những đoạn Cựu ước được dùng trong cc.24-25 để mô tả cảnh Quang lâm đều nói đến cuộc phán xét của Thiên Chúa. Giọng điệu đầy khuyến khích và an ủi đặc trưng giáo huấn này cũng cho thấy việc thâu họp những kẻ được chọn như là chính mục đích của cuộc Quang lâm.
Trong Cựu ước, chính Thiên Chúa thâu họp họ (Đnl 30,3t; Dcr 2,10; Is 27,12; 43,5tt) và điều khiển các thiên thần Tv 18, 11 ; 104,4; đến 7, 10). Nhưng trong khi theo sự mong chờ của người Do thái, Thiên Chúa sẽ thu họp tại thánh địa mọi người Do thái tha hương, thì ở đây chính các Ki-tô hữu phần tử của Israel mới, thấy mình được thu họp từ muôn nơi để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Và chính Chúa của họ là Con Người, hoàn thành điều đã hứa với họ: “Ta sẽ đến lại mà đem các ngươi theo Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó (Ga 14,3).
4. Một ngôn ngữ bóng bẩy
Chúng ta đã bảo rằng khi đọc một bản văn như đây, Kitô hữu ngày nay cảm thấy rất lúng lúng. Các tinh tú sẽ rơi rụng thế nào? Con người có thực sự đến với chúng ta trên mây chăng? Phải chăng người sẽ quy tụ các tín hữu từ khắp nơi và từ mọi thời đại?
Tưởng nên nhắc lại rằng vào thời Tân ước, các chủ đề và bản văn Cựu ước, thuộc loại mà đoạn văn của chúng ta trích dẫn, không được giải thích theo bản nghĩa cho bằng theo nghĩa “thần học” và thiêng liêng của chúng. Vì vậy rất có thể là Mátcô và các độc giả đầu tiên của ông đã không hiểu các chi tiết này theo mặt chữ. Thành ra vấn đề thực sự là chọc thủng ý nghĩa biểu tượng của những hình ảnh đó. nhưng chúng ta đừng hy vọng phá ra những ý nghĩa hoàn toàn dứt khoát và rõ ràng; trái lại ta thì có, vì đây là một lãnh vực thuộc trực giác hơn là thuộc ý niệm.
Với tính cách chỉ dẫn, chúng ta đã cố gắng diễn tả trên kia những biến động của vũ trụ trong ngôn ngữ của việc mặc khải Vương Quốc Thiên Chúa và tận sáng tạo: Quang lâm là biểu lộ quyền lực và vinh quang thần linh của Chúa Kitô cho loài người và là sự tháp nhập trong Người” nhũng ai được cứu; việc thâu họp các kẻ được chọn là sự hiệp thông tràn đầy là vĩnh cứu với Thiên Chúa “trong Chúa Ki-tô”.
II. KHI NÀO? (13,28-32)
Trong câu hỏi của bốn môn đồ dẫn nhập cho diễn từ này: “Xin nói cho chúng tôi biết bao giờ điều ấy sẽ xảy ra và sẽ là điềm báo tất cả các điều ấy sắp hoàn tất”. (c.4), tiếng “tất cả các điều ấy” trước tiên chỉ ngày tàn của Đền thờ là Chúa Giêsu đã loan báo (c.2), nhưng cũng quy về Thế mạt là cuộc Quang lâm, như chính nội dung của diễn từ và âm vang của Đn 12,65 trong câu hỏi biểu lộ. Trong kết cấu của Mátcô rõ ràng là cc.28-32 tương ứng với câu hỏi đầu tiên ấy. Nhưng chúng ta chỉ nên chú ý đến cách chọn lựa các từ ngữ, đặc biệt nơi c.30 (“cho đến khi mọi điều ấy xảy tới”).
Chúng ta sẽ khảo sát một cách riêng rẽ dụ ngôn cây vả (cc 28-29) và ba lời tuyên phán tiếp theo sau (cc.30.31.32). Tuy nhiên, hãy lưu ý kỹ sự liên kết trong toàn bộ nhỏ bé này. Câu 30 được nối kết với c.29 bằng thành ngữ “điều ấy xảy đến” là tiếng được dùng trong cả hai câu. Cũng vậy, c.31 lấy lại hai lần động từ “qua đi” của c.30. Cái kiểu lặp lại những hạn từ như thế cho thấy nội dung của các câu đó không phải là không tưởng quan với nhau. Thành thử không nên gán nhiều ý nghĩa quá khác nhau cho tiếng “tất cả điều đó” của c.30 là “điều đó, của c.29 (x. câu 4).
1. Dụ ngôn cây vả (cc.28-29)
Việc lựa chọn hình ảnh dùng trong dụ ngôn nhỏ bé này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Ngay từ Cựu ước, các hình ảnh mùa hè và mùa gặt đã được liên kết với lời loan báo sự tận cùng, sự giải thoát chung cục và sự phán xét (vd Ge 4,17;
Am 8,1; Is 28,4; Gr 8,20). Cái xảy đến nơi cây vả từ mùa xuân được so sánh vai những dấu chỉ liệt kê trong phần dầu của diễn từ. Khi các tín hữu thấy xuất hiện những ngôn sứ giả, nạn đói sự ghê tởm hoang tàn v.v… thì họ phải biết rằng Tận cùng gần bên.
Câu 29 không nói là biến cố nhưng là Con người đang ở bên. Thật vậy, bản văn phải được dịch sát chữ như thế này “Hãy biết rằng Người đã kề bên cửa”. Hình ảnh Chúa đứng bên cửa như thế cũng gặp lại trong Ge 5,9 và Kh 3,20, chỗ bàn về cuộc Quang lâm.
Như đã nói, có thể tin rằng bản văn chúng ta đã được chính thánh sử biên soạn. Thành thử chính ông giải thích ở ở đây truyền thống ông đã nhận lãnh, chính ông liên kết định mệnh của Giêrusalem (cc. 1 .2. 14tt) với Tận cùng, chính ông đặt trên miệng các sứ đồ câu hỏi “khi nào” và trên miệng Chúa Giêsu lời giải đáp. Nhưng để làm thế, ông đã sử dụng các chất liệu do truyền thống cung cấp cho. Ông đã muốn nói với các Kitô hữu thời ông rằng: hãy phòng bị, vì ngay từ bây giờ chúng ta đã cảm nhận được các dấu chỉ cho thấy Chúa đang kề bên”. Do đấy, chúng ta đương nhiên phải tự hỏi mình một lần nữa: Vậy đâu là tương quan giữa Thầy và thánh sử? Chúa Giêsu đã muốn nói gì? Chúng ta sẽ trở lại những vấn đề này xa hơn.
2. Ba lời tuyên phán về vấn đề “Khi nào” (cc.30-32)
a) Lời tuyên phán về “thế hệ này” (c.30). Câu này đã gây nên nhiều cuộc tranh luận gây cấn và phức tạp giữa các nhà chú giải. Người ta đã bàn cãi về nguồn gốc của nó: Nó phát xuất từ thánh sử, từ cộng đoàn sơ khai hay từ Chúa Giêsu? Nếu là từ Chúa Giêsu thì đâu là bối cảnh nguyên thủy của nó? Theo ý kiến chúng tôi, chính thánh sử đã soạn thảo câu này trong hoàn cảnh ông đang trước tác, nhưng bằng cách dùng nhiều truyền thống mà nguồn gốc lên đến Chúa Giêsu (x Mc 9, 1; Mt 23,36).
Tuy nhiên, người ta đã đặc biệt tranh luận về nội dung của câu nói. Tiếng “tất cả điều ấy” có nghĩa là gì? và chữ “thế hệ này” phải giải thích ra sao? chúng tôi thấy hình như phải chấp nhận rằng tiếng “‘tất cả điều ấy”: chỉ sự kiện Đền thờ bị phá hủy và những tai họa sẽ đi trước đó, cũng như chỉ cùng tận, nếu người ta lưu ý đến câu dẫn nhập của diễn từ (cc.2-4) và chính diễn từ. Thánh sử công bố: trong “thế hệ này”, tất cả điều ấy sẽ xảy ra.
Một vài nhà chú giải đã bênh vực ý kiến cho rằng từ ngữ “thế hệ này” chỉ mang một ý nghĩa thuần túy định hình (“thế hệ xấu xa và bất trung”: Mt 12,38.45; 17,17; Mc 8,38; Lc 9,41 ; Cv.2,40; Pl 2, 15). Nhưng nếu “thế hệ này” hàm chứa một nghĩa xấu xét như vì gồm những người Do thái không tin vào Chúa Kitô hay vào sứ điệp của Người, thì xem ra ở đây cần phải cho nó một ý nghĩa thời gian hơn: chính là thế hệ đương thời với thánh sử.
Khi đọc chương Mc đây, các Kitô hữu của Giáo Hội sơ khai có thể cảm thấy mình đương thời với “thế hệ này” và như thế cảm thấy được kiên vững trong sự chờ mong Chúa đến. Nhưng cùng lúc, bản văn dừng lại ở hạn từ khá mơ hồ “thế hệ”, một ý niệm được liên kết với Do thái giáo mà người ta nghĩ là bị phán xét trong việc Đền thờ bị phá hủy. Như thế, câu 30 vừa cổ vũ nỗi mong chờ cánh chung, nhưng đồng thời cũng kiềm giữ nỗi mong chờ đó, vì ngăn cấm mọi toan tính xác định rõ rệt ngày giờ Cùng tận. Chúng ta sẽ gặp lại cùng nhị tính này nơi câu 32.
b) Sự chắc chắn của những lời Chúa Giêsu (c.31). Để nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn thể bản văn, thánh sử chèn vào đây một lời tuyên phán lấy lại từ truyền thống, theo đó Chúa Giêsu mặc cho những lời nói của Ngài cùng một uy tín như uy tín mà Cựu ước đã mặc cho các lời của Giavê (Is 40,8; 51,6; Gr 33,25t; x. Kh 22,6; Mt 5,18).
Thiên Chúa đã dùng lời Ngài để tạo dựng trời đất, nghĩa là toàn thể vũ trụ (St 1; Tv 33,6; Ga 1,3…) và nhờ chính lời đó mà mang và nâng đỡ vũ trụ. Đối với các tác giả Thánh Kinh, trong thế gian này không có gì vững chắc hơn các nền móng của trái đất (Tv 93,1; 104,5). Nếu có một vài kẻ trong số họ tiên báo sự rung chuyển và tan biến của chúng (Tv 102,27; Is 24, l8tt), thì họ cũng xác quyết rằng lời Thiên Chúa luôn vững bền qua tất cả. Cũng vậy, bản văn chúng ta loan báo sự tan biến của vũ trụ (cc.24-25) nhưng các lời của Chúa tỏ ra càng vững bền hơn (c.31); vì chúng đặt nền tảng trên uy quyền không hề lay chuyển của Thiên Chúa.
Qua sự xếp đặt bản văn của ông, thánh sử nhấn mạnh rằng sự chắc chắn ấy gắn chặt với giáo huấn của Chúa Giêsu về Cùng tận, với lời Người tuyên bố Cùng tận này gần bên (c 30) và với lời tuyên phán của c.32, lời bảo rằng chính Chúa Con cũng không biết ngày giờ chính xác của Cùng tận.
c) “Chẳng ai biết được… trừ phi là Cha” (c.32). Trong kết cấu của Mátcô, câu này đóng một vai trò rõ rệt. Vì một trong những vấn đề mà diễn từ chúng ta khơi lên là câu hỏi “khi nào”. Khi nào Cùng tận sẽ đến? Khi nào sự giải thoát sẽ hiện ra? Bao giờ Chúa sẽ trở lại Những ai muốn tìm biết chính xác hơn giờ giấc của những chuyện này thì sẽ không được thỏa mãn, vì ở đây từ chối mọi xác định về vấn đề đó. Mách bảo với họ: chính Chúa Giê-su cũng không biết cả ngày lẫn giờ, thế mà anh em lại muốn tính toán trước sao.
Cần lưu ý một vài chi tiết trong câu này. các thành ngữ “giờ” và “ngày ấy” song song với nhau, nghĩa là ước chừng có cùng một ý nghĩa (x. Mt 24, 50 ; 25, 13). “Ngày ấy” là tiếng chuyển vị của hạn từ “Ngày Giavê” (vd Dcr 14,6; Is 2,1 1-17), mà nay trở nên “Ngày của Con Người” (x . 2Tx 1 , 10). Giờ giấc của Ngày này, các thiên thần cũng không biết. Chắc hẳn người ta vẫn công nhận rằng các vị này làm nên hội đồng của Đấng Tối Cao, và như danh nghĩa đó mà được hưởng một nhận thức đặc biệt về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng Do thái giáo và các tác giả Kitô giáo đương thời nghĩ rằng dẫu sao Thiên Chúa cũng dành riêng cho Ngài một vài bí mật quan trọng (x. Ep 3,10; 1Pr 1,12). Theo bản văn chúng la, ngày giờ của Cùng tận thuộc về loại bí ẩn đó.
Tuy nhiên câu 32 này đã tỏ ra là một crux intèrpretum thật sự, vì nó bảo Con của Thiên Chúa cũng không hay biết ngày giờ Cùng tận: ngày giờ này vẫn là bí mật của Chúa Cha. Mâu thuẫn xem ra hiển nhiên giữa bản văn chúng ta với Mt 11,27 trong đó Chúa Giêsu xác quyết rằng: “Mọi sự đều đã được Cha Ta trao phó cho Ta… không ai biết được Cha trừ phi có Con”. Vậy thì Cha đã không trao phó cho Người tất cả sao? người ta thường giải quyết khó khăn Kitô học này cách như sau: Mt 11 nói đến sứ mệnh mặc khải của Chúa Giêsu nhằm cứu độ thế gian: trong mục đích này, Người đã nhận nơi Thiên Chúa trọn vẹn uy quyền và toàn thể mặc khải cần thiết. “Nhưng Người đã có thể vô tri một vài điểm trong chương trình hậu lai của Thiên Chúa, như Người quả quyết ở đây một cách rõ rệt” (P. Benoi). Sự vô tận này phải dược hiểu trong bối cảnh Nhập thể, mầu nhiệm mà vì đó Chúa Giêsu đã khước từ nhiều đặc quyền thần linh của Người (x. 2Cr 8, 9 ; Pl 2, 6tt) hầu chia sẻ phận con người một cách sâu xa hơn.
3. Giáo huấn của Chúa Giêsu hay của thánh sử?
Chúng ta đã hơn một lần phân biệt truyền thống của Chúa Giêsu và bản soạn thảo mới của thánh sử. Tựu trung chúng ta nên tự hỏi: đâu là tương quan giữa giáo huấn Chúa Giêsu và lời giải thích của thánh sử phải chăng thánh sử đã bóp méo sứ điệp của Chúa Giêsu?
Trước tiên hãy lưu ý rằng các nhà chú giải thường gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xác quyết chắc chắn về lịch sử tính của những lời Chúa Giêsu nói: các chất liệu, trong hình thức thấu đến chúng ta, không cho phép đưa ra nhiều các quyết vững chãi.
Như đã nói, theo thiển ý chúng tôi, diễn từ cánh chung đặt nền tảng trên một giáo huấn của Chúa Giêsu mà các học giả của Giáo Hội sơ khai và Mátcô đã giải thích, sửa chữa cùng thích ứng với các nhu cầu của Giáo Hội (Nhưng nhiều nhà chú giải, trong đó có cả công giáo, nghĩ rằng phần lớn diễn từ không hề phát xuất từ Chúa Giêsu). Nền tảng này của diễn từ, bắt nguồn từ Chúa Giêsu, gồm có nhiều lời tiên tri về các mối ưu phiền và bách hại, về chuyện phạm thánh cũng như về Quang lâm. Giáo huấn này mỗi lần cũng bao gồm nhiều lời cảnh giác và khuyến khích nhằm chuẩn bị tín hữu đối đầu với những nguy hiểm sẽ đe dọa họ trong trận chiến cuối cùng và để củng cố họ cho cái lúc nhà các mãnh lực Satan tấn công Vương Quốc Thiên Chúa một cách dữ đội hơn bao giờ hết.
Thành ra cái “nền tảng” này đã được các học giả của Giáo Hội, và nhất là Mátcô sửa đổi (chúng tôi nghĩ rằng Phao- lô cũng đã dùng các truyền thống này trong 1Tx 4,13-5,4 và 2Tx 2,1-17). Chúng ta có thể quan niệm các lối tái giải thích và thích ứng truyền thống này như sau. Trong Giáo Hội sơ khai, người ta đã tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mặc khải thần linh và chung quyết, đến nỗi giáo huấn của Người và những truyền thống của Người đầy sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà một số người, được ban Thần khí khôn ngoan, cũng có thể tìm ra trong đó nhiều ý nghĩa mới áp dụng được cho nhiều vấn đề hiệu tại.
Chúng tôi thấy một lối giải thích như thế đã hướng dẫn bản văn chúng ta đến chỗ phối hợp hai yếu tố: sự hủy diệt của Đền thờ Giêrusalem và cánh chung. Chắc chắn Chúa Giêsu đã tiên báo sự hủy diệt này, và đã giải thích nó như là một sự phán xét của Thiên Chúa. Nhưng dường như việc phối hợp minh nhiên với cánh chung là công trình của thánh sử (hay có thể là của một truyền thống từ trước). Ông đã muốn áp dụng giáo huấn của Chúa Giêsu cho những người đương thời để khuyến cáo và chuẩn bị họ theo cách của Chúa Giêsu. Ông đã thấy hai mối nguy hiểm. Thật vậy, một đàng ông xem ra ngỏ lời với những hạng người, vì nản lòng mong đợi, không còn sống trong viễn cảnh cánh chung nữa và có lẽ quá chìu theo thế gian. Đàng khác, ông chống đối những kẻ xem ra tưởng rằng Cùng tận-đã đến. Đối với hạng thứ nhất, ông bảo: “Hãy tỉnh thức, hãy coi chừng! Vì các biến cố và các thái độ đương thời cho thấy là các biến chuyển cánh chung đang xảy tới”. Nhưng ông cũng bảo hạng người thứ hai: “Chưa đến Cùng tận đâu Chính Chúa Con cũng không biết ngày giờ của nó”.
Thành thử ta dám bảo rằng bài Tin Mừng của chúng ta minh họa rất đúng cách thức mà Mc đã dùng để giải thích giáo huấn của Chúa Giêsu “theo hoàn cảnh của các Giáo Hội”
(Vat. II, Verbum Dei, số 19).
4. Phải chăng Mc đã lầm lẫn
Trên đây chúng ta đã giả thiết là thánh sử đã đưa về cùng tận nhiều thái độ và nhiều biến cố đương thời. Thế mà Giêrusalem đã bị chiếm năm 70 và trong thực tế, cùng tận vẫn chưa xảy đến? Vậy phải chăng nên bản rằng Mc đã thực sự lầm lẫn? hình như là thế, vì qua lời giải thích và lối trình bày của ông, ông đã xác quyết là Cùng tận của thế gian đã gần kề rồi.
Tuy nhiên sự việc không đơn giản như mới thoạt nhìn đâu, chúng ta đã nhận xét rằng chương này dùng một ngôn ngữ bóng bẩy mà ý nghĩa thường ít chính xác. Vì thế Mc 13. Cũng như nhiều bản văn Khải huyền khác củal thời Tân ước có thể mặc nhiều ý nghĩa.
Ngôn ngữ biểu tượng này lưu ý đến tính chất của một thời đại hơn là sự kéo đài của thời đại đó. Mátcô đã muốn đặc trưng thời ông sống như là thời cánh chung: Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy là một dấu chỉ, các cuộc bách hại là một dấu chỉ khác của thời này. Vào thời đó, ông nghĩ là nên khuyến khích các cá nhân: “Anh em đang sống ở biên giới của vĩnh cửu. Đừng quên điều này, mặc dầu đang bị áp bức hay bị cám dỗ đồng hóa với thế gian. Hãy biết rằng anh em chẳng có an ninh ở trần thế và cũng chẳng chắc chắn được về ngày giờ mà anh em sẽ đối chất dứt khoát với vĩuh cửu”. Những lời khuyến khích này, vốn ngỏ cho Ki-tô hữu xưa, vẫn luôn thích thời trong Giáo Hội.
Nhưng sứ điệp của bài Tin Mừng chúng ta không chỉ liên hệ tới cánh chung cá nhân đâu; nó cũng nhắm đến các đặc tính chung của lịch sử nhân loại. Có thể nói lịch sử này luôn mở ra vĩnh cửu, mở ra Thiên Chúa, Chúa của lịch sử. Thiên Chúa hằng lưu tâm đến nó. Tuy nhiên, lịch sử không phải là vĩnh cửu, và so sánh với cùng đích của nó, nó chỉ mang một tầm quan trọng tương đối thôi. Ngày mà nó đạt tới chung cuộc, đích điểm của nó, lịch sử này sẽ gặp gỡ cách dứt khoát con người, Đấng hiện đã sống trong nó.
Lars Hartman, Assemblées du Seigneur 64, tr.47~57.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúa Kitô đã không bóp méo những vấn đề đích thực. Người biết rằng các nỗi bận tâm nhân loại về định mệnh riêng của chúng ta cũng như định mệnh của thế giới, trước hết và trên hết nhắm vào chuyện (khi nào?” và “ra sao?”. Người không khinh bỉ các câu hỏi này, nhưng kêu mời chúng ta hãy chú tâm vào điển cốt yếu. Khi đề cập đến cái chết cá nhân, Người sẽ nói ở chỗ khác: “đối với kẻ sẵn sàng, thì đó luôn luôn là giây phút thuận tiện”. Cái chết, xét như biến cố. Được kẻ này người nọ sống cách khác nhau, những “người tôi tớ tốt lành, trung thực và khôn ngoan không sợ sự trở về của Chủ…”
2. Khi nói về tận cùng của thế giới vũ trụ, Chúa Ki-tô đề cập đến vấn đề trong tất cả chiều sâu của nó? Đâu là ý nghĩa của tất cả những cái chúng ta làm? Những cái này dẫn chúng ta tới đâu? Đâu là mục đích, cứu cánh của thế giới “Cùng đích” của thế giới là việc quy tụ tất cả nhân loại làm một. Trong mức độ có tình yêu giữa mọi người, thì nỗi sợ hãi bị xua đuổi, và đó luôn luôn là giây phút tận thế!
3. Chúng ta đang ở trong cái “đã” và “chưa”. Chúa Ki-tô đã đến quy tụ mọi người. Giáo Hội là dấu chỉ của sự tập hợp đó Vương Quốc đang xây dựng. Người sẽ trở lại để đưa công cuộc đã khởi sự đến chỗ hoàn tất. Người đã ban cho chúng ta sự sống và, như sự sống lại của Người, ban cho chúng ta, trong hy vọng, một sự sống triển nở hoàn toàn mà trong đó mọi giới hạn sau cùng sẽ bị hủy bỏ.
4. Người đã quy tụ nhân loại. Người để cho chúng ta thoáng thấy cuộc tập họp vĩ đại mà trong đó sự duy nhất, rất khó xây dựng, sau cùng sẽ được thực hiện hoàn toàn. Khi chúng ta yêu trong sự thật, thì vương Quốc đã phần nào có đó “Nó” đang ở gần ý nghĩa sau cùng của cuộc đời tôi, ý nghĩa cuối cùng của vũ trụ, nằm trong niềm tin vào Chúa Kitô Người nói chỗ khác: “Ta là sự thật và là sự sống, ai tin vào Ta sẽ Sống”. Ở đây người nhấn mạnh: “Tất cả sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ chẳng qua đi”.
5. Chúng ta có chấp nhận tin tưởng vào Người không Chúng ta có chấp nhận theo Người cho đến cùng, nghĩa là đến chỗ tự hiến hoàn toàn và cách quảng đại không? Đoạn Tin Mừng này, ngỏ cho các môn đồ, không xa đoạn nói về việc bắt giết Chúa Giêsu mấy. Nó có mục đích khơi lại đức tin các ông nhưng cũng là để chất vấn các ông.
6. Và nó cũng chất vấn chúng ta hôm nay nữa. Nhìn các dấu chỉ thời đại, không phải là nhận ra trong vũ trụ, trong lịch sử loài người các lời kêu gọi hướng về vĩnh cửu ư. Người ta có thể nhìn các tai họa và đọc chúng như là những lời tiên báo một thế giới có thể bị hủy diệt. Nhưng đó chẳng phải là một tôn giáo của sợ hãi ư? Tại sao không nhìn chúng như là cái chết cần thiết để đưa vào một sự sống viên mãn?
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt