LỜI DẠY THA THỨ CHO NHAU
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Mt 18, 21- 35)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Câu hỏi của Phêrô về việc thường xuyên tha thứ có phải là cảm hứng theo pháp luật không? Còn câu trả lời của Chúa Giêsu thì sao? Trong dụ ngôn, đâu là những chữ diễn tả lý do khiến ông chủ đã tha cho người tôi tớ mắc nợ lút đầu?
2. Con số 77 mà Chúa Giêsu dùng phát xuất từ đâu? Ngoài việc dùng con số 7 với ý nghĩa biểu trưng cổ điển là sự viên mãn, tròn đầy, phải chăng ở đây Chúa Giêsu còn ám chỉ đến một nhân vật Cựu ước nữa?
3. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thường xuyên tha thứ, chứ không đến các điều kiện cụ thể để được thứ tha. Nhưng trong đoạn song song Lc 17, 3-4, Người lại bắt việc tha thứ lệ thuộc lòng hối cải. Tại sao đòi buộc điều kiện cụ thể ấy?
4. Trong dụ ngôn, tất cả đều như có thật hay chỉ gồm những nét có tính cách tượng trưng?
5. Dụ ngôn nhấn mạnh đến số lần tha thứ hay đến đòi hỏi phải tha thứ để được thứ tha?
Cái liên kết đoạn này với đoạn trước là ý niệm tội lỗi. Nhưng ở đây nói rõ đó là tội trực tiếp can hệ đến người anh em, còn đoạn trên kia thì chẳng nhấn mạnh như thế. Người ta không xác định ở đây bản chất lẫn tính cách trầm trọng của lỗi phạm, nhưng hình như đề cập đến lãnh vực các thiếu sót đối với giới luật yêu thương, là giới luật căn bản “gồm tóm Lề luật và các ngôn sứ ”.
2. Câu hỏi của Phêrô biểu lộ khuynh hướng cố hữu muốn hiểu giáo huấn Chúa Giêsu theo một nghĩa duy luật. Tâm hồn con người là vậy, bao giờ cũng thiên về việc lập điều lệ cho ân sủng hoặc trái lại lợi dụng nó! Câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng, dụ ngôn kèm theo cũng sáng sủa: Ai đã được Thiên Chúa tha thứ thì phải thứ tha luôn luôn. Đoạn song song Lc 17, 3- 4, trong đó Chúa Giêsu bắt việc tha thứ lệ thuộc lòng hối cải cho thấy việc thi thố lòng nhân lành không phải là lời khích lệ thói xấu, nhưng trái lại nhằm đỡ nâng người phạm tội đứng lên.
3. Dụ ngôn quy hướng về giáo huấn căn bản vừa nói và còn chất chứa nhiều giáo huấn khác nữa:
a. Nó tỏ cho thấy Thiên Chúa, trong con người của vị vua, dù có quyền trên tôi tớ mình, nhưng vì trắc ẩn, đã bằng lòng không sử dụng quyền ấy và chịu mọi mất mát thiệt thòi.
b. Đồng thời nó nhắc lại đâu là thân phận của con người trước mặt Thiên Chúa: Một con nợ không thể trả nổi. Dù kê khai mọi thứ quí nhất mình có, dù thu vén mọi của giá trị nơi bản thân và nơi vật sở hữu, người tôi tớ vẫn biết rõ y không thể nào thỏa mãn các yêu sách của chủ y, dù đã đoan hứa này nọ. Nhưng nhà vua đã quyết định tha cho y chỉ vì ông “chạnh lòng thương xót” Người tôi tớ nợ lút đầu chỉ được tự do nhờ một sắc lệnh ân xá hoàn toàn vậy: “ông thả y về và tha bổng cả món nợ “.
c. Sau cùng, dụ ngôn cho thấy đâu là chủ đích, ý nghĩa của việc Thiên Chúa thứ tha. Người tôi tớ đã để lộ sự bất xứng của mình khi, “đi ra, y gặp một người bạn đồng liêu mắc nợ y 100 đồng bạc” và y đã bóp cổ đòi nợ. Xa cách chủ y, y đã quên… hay đúng hơn đã không hiểu rằng việc y được tha nợ chẳng phải là một may mắn tình cờ, song là một ân huệ, và ân huệ không xứng đó đòi buộc ở y một bổn phận, trói buộc y trong cuộc sống cụ thể nhất của y và từ đây phải soi sáng cùng hướng dẫn thái độ y đối với các anh em mình.
Với một ngôn từ cụ thể, Chúa Giêsu đặt ra ở đây vấn đề lớn của luận lý Kitô giáo, mà sau này sẽ trở thành một trong các chủ đề chính yếu của lời rao giảng sứ đồ: “Anh em hãy cư xử sao cho xứng với Tin Mừng . .. ” (Pl 1, 27), “Hãy mặc lấy người mới đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4, 24), “Hãy là những người noi gương Thiên Chúa… ” (Ep 5, 1). Thay vì noi gương chủ, người tôi tớ vô tâm đối xử với bạn mình không như chủ đã đối xử với y: “Há ngươi không phải thương xót bạn đồng liêu với ngươi sao, như chính Ta đã thương xót ngươi?”. Ân sủng phát sinh một đời sống mới hoặc chẳng phải là ân sủng. Nó đánh đau khởi điểm chứ không phải sự tận cùng của các liên hệ giữa ta với Thiên Chúa.
4. Các “bầy tôi ” của vua trong Thánh kinh cũng như ở Đông phương chỉ các viên chức triều đình. Ở đây hai viên chức xem ra thuộc về hai cấp bậc khác nhau: người ta không vay nợ 10.000 nén vàng mà không ăn xài xa xỉ; đối lại người lúng túng khi phải trả 100 đồng bạc nợ (tức tương đương với 1/3 lợi tức hàng năm của một người làm công nhật) chỉ có thể là một viên chức hạng quèn. Nếu dựa trên các cách bình giá tiền tệ của flavius Jotsèphe, một người đương thời với Chúa Giêsu, thì một nén vàng hồi đó tương đương với 10.000 đồng bạc (Ant. 17, 323) có nghĩa là món nợ 10.000 nén vàng tương đương với 100 triệu đồng: thành thử tỷ lệ giữa hai khoản nợ là 1/1 .000.000. Số tiền này thật ra quá đáng và chẳng tương ứng với thực tế chút nào (vì ta biết tiền cống thuế của cả một tỉnh thuộc đế quốc Rôma thường chỉ vài trăm nén vàng chứ không hơn. Xem F.Josèphe, Ant 17, 11, 4): lý do duy nhất của con số khổng lồ ấy là “10.000 và “nén vàng” tượng trưng cho những gì quá sức vĩ đại (10.000 là con số cao nhất mà người ta dùng và nén vàng là kim bản vị lớn nhất được biết đến tại Cận đông thời đó). Với số tiền khổng lồ quá sức tưởng tượng như vậy, người ta chỉ muốn làm nổi bật sự đối nghịch với số bạc nhỏ bé 100 đồng. Thành thử dụ ngôn đã tiềm ẩn lời giải thích: đằng sau ông vua là Thiên Chúa, và đằng sau kẻ mắc nợ là con người với khả năng nghe sứ điệp thứ tha.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Đến bảy lần không?”. Học thuyết Do thái giáo của các giáo sĩ có đề cập đến việc anh em tha thứ cho nhau, nhưng trong một hệ thống duy luật; người ta tranh luận về số lần tha thứ, và con số 4 thường được coi là tối đa; khi hỏi phải chăng tha đến 7 lần, Phêrô nghĩ là “cấp tiến” lắm đối với Thầy của ông.
“Đến 77 lần” (Nguyễn Thế Thuấn: 70 lần 7): trong câu Người trả lời, Chúa Giêsu lấy lại bài ca báo thù của Lamek nơi St 4, 24: “ca in được báo thù gấp bảy, nhưng Lamek tới 77 lần”, song Người trở ngược lại trong nghĩa tha thứ. Con số đó muốn nói rằng việc báo thù hay việc tha thứ sẽ vô cùng vô tận.
“Vì vậy về Nước Trời thì cũng in như … “: Dụ ngôn này là của riêng một; nó diễn tả một cách cụ thể giáo thuyết của Huấn ca (28, 1- 7) mà Chúa Giêsu đã từng công bố (6, 14). Nhưng ở đây có đào sâu thêm về phương diện giáo thuyết. Huấn ca cho thấy sự chối từ tha thứ là một hành vi điên rồ từ phía người cần được tha thứ. Trong Tin Mừng, lòng nhân từ đã được chính nhà vua thi thố và lẽ ra phải nêu gương cho kẻ bầy tôi. Công thức nhập đề (dụ ngôn bất đầu với dữ cách: datit) không có ý nói Nước Trời giống như ông vua, như là bảo rằng trong Nước Trời do Chúa Ki-tô khai mạc, các sự việc sẽ xảy ra như dụ ngôn trình bày (ở đây bản dịch của BJ thật là tuyệt hảo).
Trong các trình thuật Thánh kinh, ông vua tượng trưng Thiên Chúa là ông vua phương Đông, có quyền tối thượng, quyền sinh sát trên mọi thần dân, vì làm vua là kiêm luôn chức vụ Thẩm phán tối cao. Động từ “tính sổ ” (sunairoin, cũng như trong 25,19) có ý chỉ đó là những việc tính sổ dứt khoát và trọn vẹn.
“Tôn chủ ra lệnh bán y và vợ con…”: Luật Do thái chỉ cho phép bán một người Israel trong trường hợp trộm cắp, khi tên trộm không thể hoàn trả đồ đã lấy (thế nhưng, ở đây chẳng nói người bầy tôi đã sống bất lương, mà chỉ bảo y không thể trả nợ nổi). Hơn nữa việc bán vợ là một việc bị cấm chỉ hoàn toàn. Thành thử câu chuyện giả thiết vua và bầy tôi đều là người ngoại giáo.
“Xin Ngài khoan hồng cho với…”: người bầy tôi không xin tha, vì y hứa một ngày kia sẽ trả đủ nợ, y chỉ xin khất lại một thời gian. Ta cũng nhận xét được như vậy về đứa con hoang đàng xin cha cho mình làm việc như một gia nhân trong Lc 15,19.
“Tôn chủ… tha bổng cả món nợ”: Nhà vua thi ân cho người tôi tớ gấp bội điều y xin: ông tha bổng cả món nợ. Thật là một hồng ân cao quí. Do đó người đầy tớ sẽ không lý nào mà sau đó lại tỏ ra tàn nhẫn; y chẳng mắc nợ gì nữa, mà còn giữ được gia sản mình, một gia sản chắc chắn không phải nhỏ. Động từ chỉ mối trắc ẩn của vua (chạnh lòng thương xót) thường thấy xuất hiện với nghĩa ấy trong Cựu ước và Tân ước (Mt 9, 36 ; 15, 32 ; 20, 34 v.v…)
“Xin khoan hồng cho tôi với… “: Những lời đây cũng giống những lời mà viên chức cao cấp đã thốt lên lúc nãy, nhưng không có chữ “hết”, vì lần này chẳng đáng giá bao nhiêu và con nợ có thể trả nổi mà không cần minh nhiên bảo đảm sẽ giao hoàn trọn vẹn. Qua hai lời van xin tuyệt đối giống nhau ấy, chắc chắn một muốn làm nổi bật sự song song giữa hai con nợ, và do đó làm nổi bật nét tương phản giữa thái độ nhà vua và thái độ viên chức cao cấp.
“Y lại đi bỏ tù”: Ngục tù xem ra không phải là phương thế tốt để con nợ có thể xoay sở mà trả hết bạc tiền. Nhưng người ta có thể bắt đương sự lao động, như người Rôma xưa vẫn làm; hoặc con nợ sẽ quyết định đem bán các của cải chìm để trả, hay bạn bè y sẽ thanh toán cho y.
“Cho lý hình”: ở Israel chẳng có việc tra tấn, nên đây còn là một bằng chứng cho thấy câu chuyện không xảy ra tại Palestine. Ở phương Đông có luật dùng biện pháp tra tấn đối với các quan lại bất trung hay chểnh mảng trong việc đóng thuế, để khám phá ra nơi họ chôn dấu tiền bạc, hoặc để làm áp lực với thân nhân, bằng hữu. Khi miêu tả các phương sách tài phán xa lạ với người Do thái và bị họ coi như là vô nhân đạo, Chúa Giêsu muốn cho thấy hình phạt thật ghê rợn đến độ nào.
“Cũng vậy Cha Ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi” : Ở đây cũng như nhiều nơi khác (6, 14-15 ; 7, 1-2 v.v…), Chúa Giêsu lấy lại học thuyết Do thái về hai “đấu”, nhưng Người biến đổi nó hoàn toàn (thật không phải là chuyện tình cờ nếu văn chương Do thái chẳng cống hiến một dụ ngôn nào song song với dụ ngôn chúng ta). Do thái giáo dạy rằng Thiên Chúa dùng hai “đấu” để cai trị thế giới: lòng nhân ái và sự công bằng. Tuy nhiên trong ngày phán xét cuối cùng, công bằng là đấu duy nhất còn lại: “Đấng Tối cao sẽ xuất hiện trên ngai trong tư thế vị thẩm phán. Bấy giờ sẽ là cùng tận, lòng nhân ái sẽ biến mất, niềm trắc ẩn sẽ xa đi và đức nhẫn nại sẽ tiêu tan…” (4Edr 7, 33). Trái lại Chúa Giêsu dạy rằng vẫn còn lòng nhân ái trong ngày Chung thẩm; nhưng vậy thì lúc nào Thiên Chúa sẽ sử dụng đấu nhân ái và lúc nào sử dụng đấu công bằng? Chúa Giêsu trả lời: ở đâu mà sự tha thứ của Thiên Chúa thúc đẩy đến thái độ sẵn sàng thứ tha, ở đó lòng nhân ái của Ngài sẽ tuyên bố tha bổng; còn kẻ nào chẳng biết sử dụng hồng ân thứ tha của Thiên Chúa, thì sẽ bị sự công bằng của Ngài luận xử cách nghiêm khắc, như thể y chưa bao giờ được tha thứ vậy.
KẾT LUẬN
Kết luận của câu 35, lấy lại các đoạn trong Diễn từ trên núi (6, 14- 15 ; 7, 1 -2) về việc tha thứ và xét xử nhau, cho thấy rằng cuối cùng tất cả đều sống đời sống của kẻ được tha thứ đều tùy thuộc vào cuộc phán xét dứt khoát thời cánh chung, khi Thiên Chúa sẽ trả cho mỗi người theo công việc họ đã làm. Do đấy ngay từ bây giờ, ai nấy đều bị xét xử theo cách họ tiếp đón và san sẻ cho anh em ơn tha thứ đã nhận được từ Chúa Cha. Mỗi người càng “thật tâm ” tha thứ cho anh em mình bao nhiêu, như Thiên Chúa thứ tha họ, thì ơn tha thứ luôn luôn đi đầu của Chúa Cha sẽ được thể hiện bấy nhiêu trong cộng đoàn và trong mỗi kẻ đã biết san sẻ nó cho anh em Như vậy ta thấy rõ ràng lời cầu xin của Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (6, 12) thật là sâu xa và mối chân phúc thứ năm: “Phúc cho những kẻ biết xót thương vì họ sẽ được thương xót” (5,7) thật là đúng vậy.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Vị vua tha bổng một số nợ kếch xù, chỉ vì người ta cầu xin như thế, chính là Thiên Chúa. Lòng nhân lành của Ngài thật vô biên, và thực thể số nợ lại vượt quá sức loài người. Trong dụ ngôn hôm nay, Ngài mặc khải cho ta thấy vẻ uy nghi, sự cao cả và lòng thương xót bao la của Ngài. Nhưng không chỉ có vậy mỗi người chúng ta đều biết rằng mình cần lòng nhân ái vô biên đó để có thể đứng vững trước mặt Thiên Chúa vì chúng ta cứ chồng chất thêm nợ nần mãi như người bầy tôi thứ nhất của dụ ngôn. Nếu Thiên Chúa tha nợ cho thì trước mặt Ngài, ta vẫn còn như người bầy tôi chỉ sống nhờ lòng hào hiệp và nhân ái của chủ.
2. Chính vì thế mà ta hiểu rằng bổn phận tha thứ cho anh em cũng chẳng có giới hạn. Kẻ được hưởng một lòng thương xót vô biên, không được khép kín mình lại và để con tim ra chai đá. Kẻ đang nợ nần vô số chớ nên coi một ai khác như có mắc nợ với chính mình. Vì Thiên Chúa lấy đấu nào mà đong cho ta, ta cũng phải lấy đấu đó đong lại cho anh em. Mối tương quan của ta đối với anh em phải được qui định bởi mối tương quan của ta đối với Thiên Chúa. Chính vì thế Ngài yêu cầu ta hãy sẵn sàng hòa giải với nhau, đừng hạn chế chút nào. Chỉ với cách đó mà ta mới có thể hy vọng được cứu rỗi trong ngày phán xét sau hết.
3. Mối liên hệ giữa anh em nhờ đấy được nâng lên một bình diện khác hoàn toàn. Tất cả chúng ta đối với nhau đều như những người sống nhờ lòng nhân ái của cùng một Thiên Chúa. Sứ mệnh của ta là san sẻ cho nhau và gieo rắc ngần nào có thể lòng nhân ái đã được thi thố cho ta như thế.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt