ANH EM SỬA LỖI NHAU
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Mt 18, 15- 20)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Chữ “anh em” có một nghĩa đặc biệt trong Giáo Hội sơ khai không?
2. Làm sao giải thích lời nói nặng nề của Chúa Giêsu: “Hãy kể như ngươi ngoại và ngươi thu thuế” (c. 17)?
3. Đoạn văn này nói về các lỗi công khai hay riêng tư? Nặng hay là nhẹ?
4. Việc nại đến “hai hay ba nhân chứng” (c. 16) có đưa đến hậu quả biến việc sửa bảo riêng tư thành một phiên tòa xử kín không?
5. Đâu là ý nghĩa của câu “ngươi đã lợi được anh em ngươi”?
6. Phải chăng đoạn văn này có thể dùng làm nền tảng Thánh Kinh cho Tôn giáo Pháp đình?
7. Đâu là ý nghĩa tổng quát của việc anh em sửa lỗi nhau, nếu được đặt lại trong toàn bộ văn mạch của chương 18?
8. Hình ảnh Giáo Hội mà Chúa Giêsu cho ta thấy trong các câu này phải chăng có tính pháp lý?
1. Chủ đề chính yếu của đoạn văn trước (18, 1- 14) là ý niệm “kẻ nhỏ”, bây giờ ý niệm “anh em” lại nằm hàng đầu trong lời giảng huấn của Chúa Giêsu.
Chữ “anh em”, cũng như chữ “kẻ nhỏ” và “kẻ nghèo”, phải được hiểu theo hai nghĩa. Nó không những chỉ tình họ hàng liên kết các người con của cùng một cha theo máu huyết, nhưng còn biểu thị các mối tương quan nối kết mọi phần tử của cùng một cộng đoàn thiêng liêng. Như “con cái Israel” đều thuộc về một “nhà”, thì các môn đồ Chúa Kitô, được qui tụ “nhân danh Người”, cùng lập thành một “nhà thiêng liêng” (1Pr 2, 5). “Chúng con hết thảy đều là anh em”, Chúa Giêsu sẽ nói với họ như thế (23,8). Tình huynh đệ này đặt cơ sở trên mối liên hệ siêu nhiên mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập, trong bản thân Người, giữa Chúa Cha và mọi kẻ thuộc về Người (12,48; 28, 10). Và bạn từ trên sẽ trở thành danh xưng thông dụng nhất để chỉ các Kitô hữu trong Giáo Hội sơ khai (Cv 9, 17; 15, 23; 16, 40; v.v…;Rm 14, 10; 1Cr 15, 6; Cl 1, 2 v.v…). Vì tình huynh đệ vốn tạo nên mối giây nối kết các phần tử của cộng đoàn họ được phát xuất từ việc họ cùng tái sinh và cùng được làm con cái Thiên Chúa (Rm 12, 19; 1 Pr 1, 22; 1 Ga 4, 20- 21).
2. Vì đến từ một người anh em nên việc trách cứ không phát xuất từ ý thức cá nhân của kẻ khác, nhưng từ người, với tư cách là anh em, đại diện cho thực thể Giáo Hội, được qui tụ nhân danh Chúa Giê-su và quanh Người. Bởi thế, điều thoạt tiên có vẻ như một thủ tục nghiêm trị và tuyệt thông, nếu đọc các câu 15- 18 độc lập với văn mạch của chúng, thực ra chỉ là canh thức của một thủ tục tố tụng nhân ái; quả vậy, ba lần vận động ấy phải được hiểu, dưới ánh sáng của dụ ngôn đi trước, như là một cố gắng phục hồi lại trong mối hiệp nhất với cộng đoàn kẻ đã tách lìa ra. Đây là cách thể hiện lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa theo thủ tục nhân loại.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả, đó là kiểu nói hãy kể như người ngoại và người thu thuế” (c. 17) mà mới thoạt nghe vẻ đầy khinh miệt. Làm sao giải thích việc thay đổi ngôn từ này nơi Đấng đã từng ngây ngất trước niềm tin của các người ngoại đạo (8, 10 ; 15, 26), hay đúng hơn của “chư dân” (othnikos : x. 5, 47 ; 6, 7), nơi Đấng mà thiên hạ tố cáo là đã ăn uống với những thu thuế và quân tội lỗi (9 ; 11) ? Kỳ thực, ở đây Chúa Giêsu gọi “người ngoại và người thu thuế” những kẻ mà các tín hữu đều bó tay bất lực không tài nào nhủ bảo khuyên răn. Đối với người anh em “chẳng màng nghe” ấy (parakouein: c.17), Kitô hữu không có trách nhiệm trực tiếp nữa, chỉ còn việc giao họ lại cho bàn tay Chúa Cha, vì thấy mình chẳng có cách nào để giúp họ hơn được. Thành thử ở đây Giáo Hội xuất hiện như một thực thể khác biệt với trần gian, theo kiểu dân Do thái khác với chư quốc, với dân ngoại là những kẻ không chia sẻ niềm tin của họ, và khác với hạng thu thuế, những kẻ bất lương nổi tiếng từng làm hoen ố trước mặt dân ngoại cái đức tin này.
Vì thế Giáo Hội (hạn từ trở lại ở đây như đã xuất hiện ở 16, 18) trước tiên là một cộng đoàn trong đó ai nấy đều có trách nhiệm về đức tin của anh em mình. Riêng đối với những kẻ tách lìa ra khỏi, bất chấp mọi cố gắng khuyên nhủ của anh em, người ta chỉ còn biết phó dâng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa, vì chẳng phải là sau cùng vị Mục tử lên đường tìrn kiếm con chiên lạc đó sao (c. 12). Cho nên rốt cuộc, cộng đoàn này không luỹ thuộc máy vào các nỗ lực nhân loại, vốn có thể kết thúc bằng một thất bại, cho bằng vào Chúa Cha trên trời.
3. Nhưng trong đoạn văn này, người ta đề cập đến các lỗi công khai (chú giải của BJ, chú thích) hay riêng tư thầm kín? Thưa hình như thủ tục Chúa Giêsu ấn định liên hệ tới các lối ghi nhận trong đời sống riêng tư; điều này phù hợp với Gl 6, 1 và Gc 5, 19. Dù sao, rõ ràng là bản văn đang nghiên cứu không nhắm đến trường hợp làm gương xấu công khai, là những trường hợp mà, theo 1Cr 5, 1- 5 và 1Tm 5, 20, thuộc về kỷ luật Giáo Hội. Đây là những “tội thầm kín” mà một người anh em chẳng may biết đến. Đàng khác, chính sự tiệm tiến của thủ tục, bắt đầu bằng việc hội kiến đơn giản giữa hai người, hình như nhắm làm sao giữ kín điều xấu chừng nào có thể và bảo toàn danh dự của người anh em. Sau cùng đây là những tội nặng mà tự bản chất, đứa đến việc loại ra khỏi cộng đoàn, như quyết định tạm thời của Giáo Hội cho thấy.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Nếu anh em ngươi trót phạm tội”: câu giả thiết này từ môi miệng Chúa Giê-su thốt ra trước tiên cho thấy rõ ràng al2 Giáo Hội không bao gồm những kẻ hoàn thiện, song là những tội nhân. Sáng kiến Chúa Giê-su khuyên kẻ chứng kiến lỗi anh em nên làm, xem ra mâu thuẫn với lời Người nói trong Diễn từ trên núi về “cọng rác và cái xà” (7, 1- 5). Nhưng động từ được dùng ở đây olegohô, (sửa lỗi, trách cứ) – cũng là động từ trong Ga 16, 8 xác định hành động của Chúa Thánh Thần “sẽ bắt lỗi thế gian” – cho thấy rõ một công việc như thế phải được thực hiện trong tình bác ái và phải diễn tả, không phải một sự khiển trách đầy khinh miệt hay quát mắng kiêu căng, nhưng là niềm hy vọng rằng một nỗ lực vì sự thật như thế sẽ tạo dịp cho hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất minh xác được tội trạng và dẫn tội nhân ăn năn thống hối. Nếu người đáng khiển trách chịu nghe lời sửa lỗi, đó sẽ là một chiến thắng của Chúa Thánh Thần? “Ngươi đã lợi được anh em người”. Không phải “lợi được” một người bạn hay một nạn nhân trong một cuộc chiến đấu, nhưng là lợi được một phần tử của Giáo Hội mà người đó sắp lìa bỏ đi.
“Hãy kèm theo ngươi một, hai người nữa”: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đối với tội nhân bướng bỉnh: bản văn Đnl 19, 15 mà chỉ thị này tham chiếu, đã đưa ra một lô biện pháp nhằm bảo vệ tội nhân khỏi sự độc đoán và việc vội vã áp dụng các biện pháp trừng giới. Đây không phải là những chứng nhân buộc tội mà ngươi ta đã kiếm lấy từ trước vì như thật thì thật là ghê tởm, song là những người trợ lực những kẻ có nhiều cơ may thành công nhất trong việc sửa lỗi tội nhân, trước khi phải nại đến thẩm quyền cao hơn hết.
“Hãy thưa với cộng đoàn (Thật là đáng tiếc khi BJ và Nguyễn Thế Thuấn dịch như thế, vì bản Hy ngữ nói rõ ràng “Giáo Hội”. Câu này, với 16, 18, là hai nơi duy nhất trong 4 Tin Mừng dùng chữ ekklêsia): Việc đưa tội nhân ta trước Giáo Hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyên dụ hoán cải nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp này, Giáo Hội chẳng còn làm gì khác hơn là công bố chính sứ điệp của mình: lời ân xá và tha thứ; nhưng lời này sẽ trở thành lời xét xử đối với những ai bác bỏ, khước từ. Chính vì công bố sứ điệp đó mà cộng đoàn nhận được quyền cầm buộc và tháo cởi (c. 18). Quyền bính của cộng đoàn không phải là quyền bính của một tòa án hay một cơ quan tài phán nhân loại đâu, vì nó hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối điện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Kết quả là kẻ “chẳng màng nghe Giáo Hội “, nghĩa là từ chối nghe lời mời gọi ăn năn, thì đương nhiên tự loại trừ khỏi cộng đoàn được xây dựng trên ân sủng trong Chúa Kitô đó; đương sự không còn là “anh em” nữa. Điều y đã làm khi phạm tội (cách riêng tư), giờ đây cộng đoàn chỉ còn công khai xác nhận và đòi y phải trả lẽ. Y đã tự tách khỏi cộng đoàn vì tội của y, nên cộng đoàn mới chứng thực sự kiện bằng cách ghi nhận y đã từ chối nắm bàn tay đưa ra để lôi y vào.
“Mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc”: Việc chuyển đột ngột từ số ít sang số nhiều nầy đặt ra vấn đề ý nghĩa của chữ “các ngươi”. Chúa Giêsu ngỏ lời với ai đây? Có kẻ nghĩ là các sứ đồ những người chấp chưởng và là yếu nhân trong phẩm trật Giáo Hội, hay một cách thái quá, là mỗi cá nhân Kitô hữu, cái nghĩa đã bị công đồng Trentô lên án nhưng không đưa ra một lời giải thích đích xác tích cực nào. Văn mạch bảo ta xem chữ các ngươi ấy là toàn thể các môn đồ có một trách nhiệm mục vụ trong cộng đoàn địa phương (xem cc.2. 10. 12. 13, nơi có cùng một chữ các ngươi như thế); nghĩa này đã được thánh Tôma bênh vực. Lời đây cũng song song với lời đã được nói dưới dạng thức một lời hứa cho Phêrô (16, 19). Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý truất bãi quyền đã ban cho Phêrô như cho viên quản gia của mình, nhưng đúng hơn Người muốn liên kết các môn đồ với kẻ nắm giữ chìa khóa ấy.
“Nếu hai người trong các ngươi “: Thoạt nhìn, giây liên lạc giữa các câu 19-20 với những gì đi trước không rõ ràng cho lắm. Kỳ thực có sự liên tục và khai triển cùng một chủ đề: mọi phán định chính thức của Giáo Hội sẽ được phê chuẩn ở trên trời và ngay cả mọi lời cầu xin của một số người hiệp nhau trong đức tin cũng sẽ được trên trời đoái nhậm. Khi hai người họp nhau trong đức tin trước nhan Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô là họ đứng với nhau trên cùng mảnh đất vững chắc của ân sủng, là họ nhận biết mình được hiệp nhất bởi cùng một lòng nhân ái, cùng một lòng tha thứ khiến họ thành anh em, thành con cái của Cha trên trời. Nơi đâu người ta hiệp nhau “nhân danh Chúa Giê-su”, nghĩa là không phải trong niềm kiêu hãnh thiêng liêng và đức công chính riêng biệt, nhưng là trong việc cung xưng mình là “bé nhỏ”, trong việc nhìn nhận mình là tội nhân, thì chỉ nơi ấy mới có sự đợi chờ trong đức tin và vì thế sẽ được nhậm lời; Chúa Kitô ở đâu, Giáo Hội ở đó vậy.
“Ta ở giữa họ”: Trong sách “Tuyển tập danh ngôn tiên tổ”, một phần khả kính của truyền thống giáo sĩ Do thái, có một lời diễn tả cùng ý tưởng về lệ luật của dân Thiên Chúa: Khi hai người cùng ngồi bàn luận về những lời của sách Torah, thì Shékinah ở giữa họ” (Pirqé Abot 3,2). Thế mà Shékinah (tiếng Hy bá có nghĩa nơi ở”) thoạt tiên chỉ Đám mây sáng chói (Xh 40, 34-38; Cv 16,2) bay lượn giữa hai thần Kérubin trên nắp hòm bia. Đám mây sáng chói này được xem như là vật biểu lộ cách hữu hình việc cư ngụ thường xuyên của Giavê ở giữa dân Ngài. Bây giờ chính Chúa Giêsu hiển vinh đang ở giữa môn đồ Người, một cách gần gũi hơn bất cứ ai ở giữa những người khác.
KẾT LUẬN
Đoạn văn này cho ta thấy rõ mối giây liên kết mật thiết giữa tội lỗi của một cá nhân với đời sống của cả cộng đoàn. Tội ấy chẳng những liên can lời Giáo Hội chính thức, tới cái mà ngày nay la gọi là bí tích cáo giải, song còn liên hệ chặt chẽ với trách nhiệm của mọi phần tử trong cộng đoàn. Đây là một trách nhiệm được san sẻ và được diễn tả cách rõ ràng phân minh. Trước tiên mỗi người có bổn phận khuyên bảo anh em mình, rồi phải có nhiều người đến tiếp tay giúp đỡ, cuối cùng nại đến thẩm cấp tối cao, đến toàn thể cộng đoàn. Bình diện tích được nối kết với bình diện ngoại bí tích, và cả hai trực tiếp liên hệ đến việc cứu rỗi kẻ đã phạm tội.
Ngoài ra đoạn này còn cống hiến một hình ảnh rất sâu xa và rất đẹp về Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu khi người ta cùng tuyên xưng niềm tin vào danh Chúa Giêsu, cái danh mà nhờ đấy ta được cứu rỗi (Cv 4, 12). Và trong việc tuyên xưng đó, Chúa Giêsu trở nên hiện diện. Thiên Chúa ở giữa loài người như vậy đó. Ngài là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng- chúng-ta. Chính sự hiện diện của Ngài qui hướng lời cầu nguyện chung và đảm bảo chắc chắn lời đó sẽ được chấp nhận. Chính nhờ sự hiện diện của Ngài mà lời phán quyết của cộng đoàn mới có sức mạnh thần linh. Sau cùng chính sự đảm bảo đó là lý do khiến Giáo Hội vững lòng cậy trông và không ngừng hân hoan trên cõi thế.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Không thể có vấn đề chú giải phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay (việc anh em sửa lỗi nhau) như là lời khuyến khích dò xét các người cùng xứ đạo với mình và nhận định họ theo giá trị luân lý của họ. Tất cả mọi lời khuyên đây của Chúa Giêsu chỉ có thể được hiểu như một biểu thức của tình bác ái.
Vì ta thấy chúng đi tiếp sau câu: “Nơi Cha các ngươi Đấng ngự trên trời không hề có ý để mặc hư đi một người nào trong những kẻ nhỏ này”. Và thật thế, ở đây Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho ta việc ân cần săn sóc anh em ta về mặt tinh thần, thiêng liêng. Giúp một người anh em đang gặp khó khăn, đưa tay đỡ nâng một người anh em đang trong vòng tội lỗi, là một yêu sách của tình yêu, một lòng trung tín với công việc của Chúa.
2. Nếu có một vài Kitô hữu chuyên xía vào chuyện thiên hạ, thì ngược lại có một số Kitô hữu khác lại kém dấn thân, chỉ biết mình với Chúa. Thế mà ở đây Chúa Giêsu dạy rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Tôi không thể hững hờ trước tình cảm thiêng liêng của anh em tôi. Và vì chẳng ai thoát khỏi lầm lỡ hay yếu đuối nên rất có thể một ngày kia người khác cũng sẽ có dịp thi hành đối với tôi cái bổn phận nâng đỡ thiêng liêng ấy. Có lẽ họ sẽ sẵn sàng làm việc này, nếu họ đã thấy chính tôi thi hành với tất cả sự tế nhị và nhân ái cần thiết. Trong cộng đoàn môn đồ của Chúa Giêsu. “Không ai là một hòn đảo”…
3. Sở dĩ ta đến nhà thờ cầu nguyện, chính là để thờ lạy Chúa Giêsu đang hiện diện cách thể lý ở đó, dưới hình bánh hình rượu. Nhưng cũng là để gặp lại anh em ta và hiệp nhất với họ trong kinh nguyện. Và khi, trong một lời nguyện cầu đầy sốt sắng và khiêm tốn, ta đồng tâm nhất với trí kết hợp với anh em trong Giáo xứ, thì ta không chỉ ở trước Mình Thánh Chúa Kitô đang hiện hiện trong nhà tạm mà thôi, mà còn ở trong Mình thánh Người, và làm thành Nhiệm thể Người, vì Chúa Giêsu đã nói: Người sẽ hiện diện giữa ta. Và bấy giờ Chính Chúa Giêsu cầu nguyện ở trong ta. Làm sao chúng ta lại không được nhận lời vì Người đã long trọng tuyên bố: “Lạy Cha, con biết Cha hằng nhậm lời con” (Ga 11, 42)?.
Học viện Giáo hoàng Piô X Đà Lạt