Chúa Giêsu mang lửa đến trái đất – Chúa Nhật XX thường niên – Năm C

CHÚA GIÊSU MANG LỬA ĐẾN TRÁI ĐẤT

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 12, 49-53)

1. Đoạn này chẳng liên hệ mật thiết với dụ ngôn người quản lý nói trước đây. Nhưng vẫn mang một giọng văn trịnh trọng của cả chương 12. Khi đã cho các môn đệ biết ý kiến về các ngày bắt bớ, Chúa Giêsu lại gợi lên những hình ảnh hãi hùng của sứ mệnh Ngài trên mặt đất này, cái chết đau đớn của Ngài, những chống đối làm cho con người chia rẽ vì Ngài.

2. Câu 49 (Chúa Giêsu nói về lửa mà Ngài sẽ mang đến trên trái đất) đã được chú giải khác nhau. Có người cho đó là thứ lửa đã được đốt lên và dịch là: “Tôi đã mang lửa đến trên mặt đất và tôi còn ước muốn gì nữa, nếu lửa ấy đã được thắp lên? (Crampon, Jounn..). Như thế Chúa Giêsu không còn ước muốn gì nữa và không còn gì để chu toàn sứ mệnh ngoài việc phải chịu thương khó (c.50). Nhưng phần lớn các tác giả đều nghĩ rằng Chúa Giêsu diễn tả một ước muốn và dịch là: “Tôi đã đem lửa đến trên trái đất, và tôi ước ao biết bao lửa ấy được đốt lên!”. Bản Vulgata, có thể đã đọc ei.mê (nisi) thay vì ei.edê (si jam) nên nói lên ý nghĩa sau đây: “tôi muốn gì, nếu không phải là nó trong đốt lên?” Cách dịch thứ hai này (Segon, Khabanbauer, Zorell, klostermann, Legrange, Bille du Kentaine, Buzy, BJ, TOB…) hình như phù hợp với văn mạch hơn, vì ánh sáng rực rỡ mà Chúa Giêsu nói đến hình như còn đang lệ thuộc vào một điều kiện chưa thực hiện được, đó là rửa bằng máu của cái chết Ngài. Hơn nữa, vì luật song đối của người sêmit thích lập lại cùng một ý tưởng hay một ý tưởng tương tự, nên có thể cho rằng nhắc đến tương lai trong câu 50 thì phù hợp với câu 49b hơn. Người ta thắc mắc vì sao lối chú giải thứ hai gán cho chữ Ti ý nghĩa tương tự của tiếng Hy bá bao nhiêu (combien étroit) trong Mt 7,14; hay tiếng Hy lạp Ti cala (cômbien beau).

3. Các nhà chú giải không những bằng lòng về cách dịch câu 49, mà còn thay đổi ý nghĩa của tiếng lửa mà Chúa Giêsu đã đem đến trên mặt đất. Nhiều Giáo phụ có uy tín cho đó là Thánh Thần (Th. Grégoire le Grand, Th. Ambrosiô, th. Syrille d’Alexandie, th. Jérome). Cách chú giải này thấy trong phụng vụ cũ của lễ hiện xuống (lời nguyện thánh lễ ngày thứ 7 lễ hiện xuống), nhưng không phải mọi người đều chấp nhận, có vài tác giả (Maldonat) so sánh câu 49 và 51, dựa vào sự chia rẽ mà Đức Kitô gây nên trong thế gian và thấy lửa mà Chúa Giêsu nói đến là hình ảnh của những cuộc thử thách đang chờ các môn đệ, những thử thách người mong ước vì có sức thánh hóa. Nhưng nếu thế, tại sao Chúa Giêsu lại ao ước thực hiện các thử thách đó như vậy? Có những tác giả khác (Knabenbauer, BJ) thích hiểu lửa của sự nghiệp Đức Kitô trong trần gian, là sự nghiệp thanh luyện và đổi mới nhắc nhở lại hành động lửa tôi luyện vàng và bạc khỏi han rỉ. Nếu người bảo rằng hành động của Thánh Linh, thì lối chú giải ấy rất gần với lời chú giải của các giáo phụ. Các giáo phụ cắt nghĩa rằng lời sấm ngôn của Chúa Giêsu về ánh sáng đã ném xuống thực hiện rồi, chứ không phần nào bị che dấu, như mạch văn cho thấy.

Vì thế người ta cho rằng khi nói đến ánh sáng ấy, Chúa Giêsu nói đến một thứ lửa tượng trưng ở trong tâm hồn (Lc 24,32, các lữ hành thành Emmaus và nó rất tuyệt hảo, vì Chúa Giêsu muốn nó phải được đốt lên. Các giáo phụ đã không lầm khi nhận ra đó là công việc của Thánh Linh hay là Đức Ái, nhưng tốt hơn là nên để cho lời nói có vẻ úp mở như kiểu nói của các tiên tri (Lagrange).

4. Việc thực thi ý muốn của Chúa Giêsu phải tuân phục theo một điều kiện: Con Người phải lên Giêrusalem và chịu thương khó ở đó. Chúa Giêsu so sánh sự thương khó với phép rửa mà Ngài phải chịu, phải bị dìm xuống, vì Ngài sẽ như bị nhận chìm trong những đợt sóng đắng cay và phiền não (Mc 10,38). Tâm hồn Ngài phải chịu dằn vặt vì nhãn quan ấy. Người ta chú giải cơn dằn vặt ấy như là một vết thương đầu tiên của cơn khắc khoải sẽ đè xuống trên Ngài ở Giêtsimani, hay như một ước vọng mãnh liệt trong sứ mạng Cứu thế của Ngài đạt đến tột đỉnh (TOB).

5. Cũng như con người Chúa Giêsu, sự nghiệp của Ngài cũng đem lại sự trái nghịch: “Các anh có nghĩ rằng tôi đem đến hòa bình cho mặt đất không?”. người ta có thể đã tưởng thế vì lời phúc âm của Ngài là sứ điệp hòa bình (Is 9,5tt; Za 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15) và hòa giải. Nhưng khi thế giờ bị lửa thánh linh đốt lên qua lời giảng dạy của các tông đồ, thì phúc âm sẽ không luôn luôn được con người thiện tâm bình thản đón tiếp. Phúc âm sẽ bị con cái bóng tối đánh bật, xô đẩy, và như thế bình an của Đức Kitô không phải là thứ bình an của thế gian, con người sẽ phân rẽ vì Chúa Giêsu, “để tư tưởng của nhiều tâm hồn phải bày tỏ ra” (Lc 2,35). Ngay trong gia đình, tự bản chất là nguyên lý của sự hiệp nhất cũng sẽ xuất phát mối bất hòa bất thuận.

KẾT LUẬN

Sự cứu độ của thời cuối cùng sẽ không đến mà không cần có cố gắng và đau khổ. Mối mong chờ ơn cứu độ bao hàm lòng can đảm chịu đựng gánh nặng và lo lắng khổ sở. Muốn lên trời phải qua thánh giá (pâque: passage). Nhưng thánh giá, mà các môn đệ sống là dấu hiện tiên báo các biến cố thế mạt đã bắt đầu, các biến cố đó đòi hỏi con người từ đây phải có một lập trường dứt khoát đối với Đức Kitô và sứ điệp của Ngài.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Đức Kitô đem lửa tình yêu đến nung nấu thế giới không một chút tình người, không mảy may hy vọng vào sự hiệp thông phổ quát đích thực, không có tinh thần vô vị lợi. Chỉ có lửa đó mới nung nấu lòng người, dẹp tan mọi nghi kỵ hận thù và chiến tranh là những mối nguy cho tình bằng hữu giữa người với người, dân này khác với dân kia.

2. Nhưng Chúa Giêsu cũng biết lửa đó chỉ phát xuất từ hy lễ của chính Ngài, Ngài hướng dẫn hy lễ đó không chút âu lo. Trái lại đã ao ước chóng chu tất nó để hoàn tất sứ mệnh cứu độ của Ngài. Vì cái chết của Ngài sẽ mở ra một khúc ngoặc quan trọng trong lịch sử nhân loại, khai mào cho chúng ta đường cứu độ nhờ thập giá. Và trong mức độ ao ước nung nấu lửa tình yêu đó trên trái đất, thực hiện cuộc cách mạng đổi đời, đổi tâm thức và cơ cấu, chúng ta sẽ chịu một phép rửa như Chúa Giêsu: chúng ta phải bắt chước Ngài khi chịu lo âu, thất bại, từ bỏ, để thực hiện lý tưởng đời mình.

3. Chúa Giêsu ban hòa bình cho chúng ta, như Tân ước đã nói: Ngài hòa giải chúng ta với Chúa Cha, với chính chúng ta và với mọi người (x. Ep 2,14-17) bằng cách mời gọi chúng ta trở về với đời sống đích thực là yêu thương. Nhưng Ngài không ban bình an theo kiểu thế gian, nhưng theo kiểu chiến đấu như Ngài đã từng chiến đấu, đến nỗi gây chia rẽ chúng ta với than nhân chúng ta.

4. Ở đây Chúa Giêsu không muốn lên án sự hòa hợp trong gia đình và cổ xúy một tinh thần chia rẽ. Nhưng Ngài luôn nhắc tới giới luật của Thiên Chúa: “Hãy phục vụ cha mẹ ngươi” (Mc 7,10). Nhưng qua các lời nói trên đây, Ngài quả quyết nếu muốn làm môn đệ Ngài, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh tất cả cách tuyệt đối những gì ngăn cản không cho chúng ta theo Ngài, kể cả tình yêu nhân loại cao quí nhất. Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài cách độc quyền, dứt khoát, trọn vẹn. Và sự độc quyền có thể làm người ta chướng tai gai mắt. Chúa Giêsu biết điều đó nên đã nói: “Hạnh phúc cho ai không vấp phạm vì Ta” (Mt 11,6). Tuy nhiên Ngài không ép buộc nhưng mời gọi chúng ta với tư cách là sứ giả của Nước Thiên Chúa sẽ đến đảo lộn mọi trật tự xã hội loài người. Và Ngài đòi chúng ta phải thống hối ăn năn trong mọi lãnh vực của cuộc đời chúng ta, cũng như lãnh vực liên đới gia đình. Một lần nữa Chúa Giêsu không cấm chúng ta yêu thương đồng loại, trái lại còn đòi buộc chúng ta phải yêu thương nhau hơn nữa. Ngài còn phản đối lối yêu thương vụ lợi của chúng ta: “Nếu các ngươi chỉ yêu thương người yêu thương mình, thì còn ân nghĩa gì?”.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Facebook
Twitter
Email
Print
Scroll to Top